Cành cây gãy khiến 5 người thương vong: Phải khởi tố vụ án vì không thuộc trường hợp bất khả kháng

Như PV VOV Giao thông đã đưa tin, ngay sau sự cố gãy nhánh cây xanh làm 2 người tử vong và 3 người bị thương tại công viên Tao Đàn (quận 1, TP.HCM), Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Hồ Hải dẫn đầu đoàn lãnh đạo TP.HCM đến thăm các nạn nhân đang cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng chỉ đạo các cơ quan hỗ trợ nạn nhân, xác định rõ nguyên nhân xảy ra sự cố và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan; khẩn trương tổ chức kiểm tra toàn diện về khả năng đảm bảo an toàn của hệ thống cây xanh công cộng trên địa bàn. 

Vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi cây xanh “gây tai nạn”?

 

Cần kiểm tra, đánh giá định kỳ với cây cổ thụ 

Bà Đỗ Thị Thu (61 tuổi) mỗi ngày vài lần đều cùng cháu đi dạo bộ ở công viên Tao Đàn. Bà vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến cảnh tượng đau lòng sáng nay. Bà Thu chia sẻ: 

“Nghe tiếng rầm một cái. Lúc đó cả khu chúng tôi mới chỉ có 3 nhà dậy thôi, còn sớm lắm. Chúng tôi chạy lên thì thấy người bị nhánh cây đè lên rồi. Nay thời tiết không mưa cũng chẳng gió, chứng tỏ cái cây này rỗng từ bên trong rồi”.

Từ đầu năm 2024 đến nay, TP.HCM ghi nhận 2 vụ việc liên quan đến nhánh cây xanh gãy gây tai nạn trong lúc thời tiết đang khá thuận lợi, không mưa gió. Tháng 1/2024, một nam thanh niên bán hàng rong trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 cũng bị nhánh cây rơi trúng đầu, bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu. 

Hiện trường cây đổ tại công viên Tao Đàn sáng 9/8

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (thuộc Sở Xây dựng), sự cố sáng nay là do nhánh cây Dầu phân loại 3 (cây có kích thước lớn) rơi từ độ cao khoảng 25 mét; chu vi nhánh gãy khoảng 1,2m, chiều dài nhánh khoảng 10m. Qua quan sát ban đầu, nhánh gãy có khiếm khuyết bên trong không thể hiện bên ngoài, cành tươi và lá xanh bình thường.

TS La Vĩnh Hải Hà, Trưởng Bộ môn Lâm nghiệp Đô thị (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) phân tích, cây mọc ở môi trường đô thị chịu tác động rất khắc nghiệt chứ không phải như cây rừng. Bằng mắt thường, mọi người có thể nhìn thấy cây vẫn đang phải triển xanh tốt, nhưng thực tế, những mao mạch bên trong cây đang bị “bệnh” gì thì không thể nào biết hết được nên cần phải có công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ, đặc biệt đối với cổ thụ, cây cần được bảo tồn.

“Công tác bảo tồn hoặc di dời cây xanh cần phải có sự tham gia của các nhà khoa học để đánh giá, xem hiện nay nên làm thế nào với công tác quản lý, bảo tồn cây xanh. Có những cây tạm gọi là cây di sản hay cây bảo tồn, chúng tôi chưa thấy có đánh giá khoa học nào nghiêm túc để có sự phân loại, đánh giá thấu đáo. Đây là thách thức trong lĩnh vực quản lý cây xanh đô thị. Cái nào mình cũng muốn hết, vừa muốn bảo tồn cây xanh có giá trị lịch sử, vừa muốn an toàn thì cần phải có giải pháp”, TS La Vĩnh Hải Hà cho biết.

TS Hà đề nghị, với những cây đã quá già cỗi, đặc biệt cây trong công viên, cần có sự chăm sóc thường xuyên, đặc biệt hoặc thay thế để tránh rủi ro.

Đáng chú ý, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM - đơn vị chăm sóc, duy tu cho hay, cây Dầu có nhánh gãy sáng nay sinh trưởng, phát triển bình thường và mới được duy tu, chăm sóc vào tháng 1/2024 và tháng 7/2024. 

Nạn nhân bị thương nặng cấp cứu tại BV Nhân dân 115

Người được giao quản lý cây xanh phải chịu trách nhiệm 

Liên quan đến việc chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố ngã đổ cây xanh, luật sư Lê Trung Phát cho rằng, trách nhiệm của cơ quan quản lý cây xanh ở đây là Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM phải thường xuyên kiểm tra, đảm bảo cây sinh trưởng bình thường và không có nguy cơ xuất hiện các rủi ro tiềm tàng.

Theo văn bản hợp nhất số 05/2018 của Bộ xây dựng, tại Điều 11 quy định đối với người được giao quản lý trồng các loại cây này ngoài việc phải chăm sóc, tưới tiêu thì người trồng còn phải thực hiện định kỳ kiểm tra, theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng đến cây.

Như vậy, ngoài việc đánh giá sự phát triển của cây, người quản lý còn phải đánh giá các mối đe dọa để thực hiện các biện pháp cắt tỉa, hoặc kể cả nhổ bỏ.

Qua vụ việc đáng tiếc tại công viên Tao Đàn, căn cứ theo quy định tại Điều 584 của Bộ luật dân sự năm 2015, sẽ quy trách nhiệm bồi thường đối với đơn vị công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM

Theo thông tin ban đầu, vụ việc không thuộc diện bất khả kháng như có mưa bão, giông lốc. Thời tiết sáng ngày 9/8 bình thường, không có yếu tố ngoài tầm kiểm soát để cây gãy đổ. Vì thế người được giao quản lý cây xanh ở công viên Tao Đàn phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Luật sư Phát nhấn mạnh: “Nếu cơ quan chức năng thấy có dấu hiệu những người phụ trách không làm tròn trách nhiệm thì hành vi đó có thể bị khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 và sửa đổi Bổ sung năm 2017. Trong việc này, bước đầu xác định thiệt hại nghiêm trọng 2 người chết, 3 bị thương thì có thể các hành vi này sẽ bị khởi tố ở Khoản 2 của Điều 360 hoặc theo khoản 3 của Điều 360. Nếu Khoản 2 sẽ rơi vào khung hình phạt từ 3-7 năm tù; Điều 3 sẽ ở mức từ 7-12 năm tù”.

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định, nếu tổ chức, cá nhân được giao quản lý cây xanh, không thực hiện đúng quy định nội dung được giao dẫn đến việc cây xanh gãy, đổ làm thiệt hại tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì ngoài trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại, người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “vô ý làm chết người” hoặc “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”.

PHẢI KHỞI TỐ VỤ ÁN

Theo Luật sư Hà Hải, Đoàn luật sư TP.HCM, khi một vụ việc xảy ra cơ quan có thẩm quyền bước đầu sẽ tìm hiểu nguyên nhân, làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nếu đến mức xử lý hình sự trước mắt sẽ khởi tố vụ án. Sau đó, tiếp tục điều tra xác định trách nhiệm thuộc về ai, cá nhân nào, rồi cố ý hay vô ý trong các điều kiện bình thường hoặc bất khả kháng.

“Tuy nhiên, trường hợp này điều kiện tự nhiên bình thường ở một nơi gọi là công viên, có đơn vị chủ quản, có người phân công quản lý, theo dõi đảm bảo an toàn để người dân vào tham quan, chơi. Song dẫn đến chuyện chết không chỉ 1 mà 2 người chứ không phải gây thương tích. Vì vậy, khả năng cơ quan chức năng sau khi tìm hiểu nguyên nhân sẽ xác định và tiến hành khởi tố vụ án, để xác định trách nhiệm pháp nhân, cá nhân dẫn đến việc ngã đổ gây chết người”, Luật sư Hà Hải chia sẻ.

Ngoài vấn đề dân sự thì các đơn vị quản lý cây xanh buộc phải thực hiện nghĩa vụ dân sự bồi thường cho người bị hại. Những người này được xác định là thân nhân của những người chết và những người bị thương. Ví dụ ngay bây giờ phải hỗ trợ ma chay, người bị thương đi cấp cứu….

Riêng đối với các thiệt hại về tính mạng sẽ bồi thường theo quy định Điều 590 và 591 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong đó có phần bồi thường tổn thất tinh thân cho thân nhân người mất và nếu mức bồi thường các bên không thỏa thuận được thì được bồi thường mức tối đa bằng 100 lần nhân với lương cơ sở.

Tính từ năm 2017 đến nay có ít nhất 5 nạn nhân bị cây ngã tử vong, cụ thể:

Vào ngày 8/8/2017, nữ công nhân làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung đang ngồi dưới gốc cây ăn bánh mì thì bất ngờ 1 nhánh cổ thụ gãy rơi trúng khiến nạn nhân tử vong.

Ngày 22/08/2023, tại TP. Thủ Đức 2 người đàn ông trú mưa dưới tán cây cổ thụ bất ngờ cây bật gốc đè chết 1 người, người còn lại bị thương.

Vào ngày 18/1/2024, một nam thanh niên đang đứng bán túi xách trước số nhà 115A Nguyễn Trãi, phường 2, quận 5 TP.HCM, bất ngờ một nhánh cây xanh rơi xuống trúng đầu. Dù được người dân đưa đi cấp cứu nhưng sau đó nạn nhân không qua khỏi.

Sáng nay ngày 9/8/2024 vào lúc hơn 6 giờ sáng một nhánh cây dầu trong công viên Tao Đàn (quận 1) bất ngờ rơi xuống đè trúng 5 người dân đang đi tập thể dục, hậu quả 2 người tử vong, 3 người nhập viện.