Trong mùa nắng nóng này, nhiều dịch vụ hồ bơi gần như đặc kín người, nhiều gia đình chọn đi bơi để khỏe khoắn và giảm nóng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp lơ là để con em tự đi tắm sông, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro tai nạn đuối nước.
Em P.C.T ngụ tại xã Mỹ Hòa, Thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long vừa được cứu sống sau sự cố đuối nước “nhớ đời”. Cậu bé 14 tuổi này kể mạch lạc, cũng vì ham vui mà em đã cùng bạn bè tắm sông, không biết lội mà lại muốn bơi ra xa nên T. bị hụt chân chới với dưới dòng nước, em được cứu kịp thời nhưng vẫn chưa thể quên giây phút được “tái sinh”.
“Con đi với em và bạn, trong ba người chỉ có 1 người biết bơi. Trong lúc đang tắm cái bạn kêu lội ra xa một chút, vừa lội là bị chết đuối, bạn bơi ra vớt cứu con vô”.

Trường hợp của T. chưa phải là duy nhất, tại các con sông, rạch hiện nay ở ĐBSCL vẫn còn rất nhiều gia đình cho con em tắm sông, nhất là vào mùa nắng nóng hiện nay. Chị N.K.T cùng chồng đưa cô con gái tắm sông Cổ Chiên đoạn qua phường Tân Ngãi, TP. Vĩnh Long cũng đồng quan điểm cho rằng, tắm sông có người lớn đi kèm… chắc sẽ không đến nỗi nào:
“Mình đưa ra đây cho con nó thích nghi với môi trường nước sông, chứ ở nhà tắm nước máy hoài cũng không được gì, mà đi hồ bơi thì tốn tiền và nước chưa chắc là sạch nữa. Có cha cháu tập bơi cho cháu nên chắc cũng không nguy hiểm gì”.
Các con sông lớn hoặc kênh rạch tại ĐBSCL được tận dụng tối đa trong sinh hoạt tắm rửa, giặt giũ. Việc sẽ chẳng có gì để nói nếu tắm sông an toàn. Đằng này, sông Cổ Chiên đoạn chảy qua TP.Vĩnh Long lại là nơi tụ tập tắm sông của nhiều người, nhất là học sinh, thanh thiếu niên. Cứ độ chiều về, hàng chục trẻ em tới đây bơi lội trong khi không có sự giám sát của phụ huynh, vô tư lặn hụp, tóe nước, nô đùa. Trong số này có cả người lớn cũng xuống tắm cùng, tắm theo “phong trào” cho vui. Tình trạng này tiềm ẩn rủi ro tai nạn đuối nước rất cao, nhưng hầu như phụ huynh đều chủ quan. Bà Huỳnh Ngọc Hà, ngụ tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ bày tỏ lo ngại:
“Mình nên mua bồn rồi bơm nước vô cho trẻ nó tắm, chứ tắm sông nguy hiểm lắm. Mà đi tắm sông dù có người lớn đi theo thì người lớn cũng ở trên bờ, lỡ nó hụt chân đuối thì sợ lúc đó nhảy xuống cứu không kịp nữa”.

Đồng bằng sông Cửu Long với đặc thù sông ngòi dày đặc, phần lớn trẻ em đều biết bơi, cũng vì thế người dân có phần ít quan tâm, để con trẻ tự do tắm sông. Chỉ cần không may trong nhóm có một bé bị đuối nước, các em khác ứng cứu sẽ dễ dẫn đến đuối nước đồng loạt, do các em chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng.
Để phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ hiệu quả nhất thì các bậc phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến con em mình. Cần quản lý, giám sát chặt chẽ, nhắc nhở trẻ em không rủ nhau đi tắm ao, sông, nhất là trong giai đoạn nắng nóng như hiện nay. Ngoài ra cũng cần cố gắng cho các em học bơi tại các trung tâm huấn luyện ngắn hạn. Bà Phan Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Vĩnh Long, trước đây bà phụ trách công tác kiểm tra hoạt động phổ cập tập bơi tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, cho biết:
“Các lớp học bơi luôn dạy cho trẻ đạt hai mục tiêu: Biết bơi và kỹ năng xử lý tình huống trong môi trường nước. Một số tình huống nguy hiểm và các em sẽ nhận biết được những nguy cơ nguy hiểm khi đang tắm”.
Tình trạng trẻ em bị đuối nước còn phản ánh một thực trạng khác đó là thiếu sân chơi cho trẻ em. Ở khu vực thành thị có khá nhiều lớp năng khiếu, cũng như khu vui chơi để trẻ tham gia, vui đùa, giải trí. Còn ở nông thôn, trẻ em rất thiệt thòi khi thiếu sân chơi, trong khi các chương trình sinh hoạt hè cho thiếu nhi chưa phong phú nên trẻ em thường coi ao, kênh, mương thành bể bơi. Ngoài ra, công tác dạy bơi và kỹ năng cho trẻ em mới chỉ tổ chức theo đợt, tự phát, phạm vi nhỏ lẻ, chưa liên tục... nên số trẻ biết bơi và có kỹ năng an toàn dưới nước chưa nhiều.
Các địa phương cũng cần tích cực kiểm tra tại các sông, rạch, ao, hồ lớn trên địa bàn để kịp thời cảnh báo, nhắc nhở trẻ em không được xuống tắm. Đồng thời sử dụng nguồn lực địa phương để tổ chức các trung tâm dạy bơi để phổ cập bơi lội cho con em địa phương. Có như vậy mới ngăn được tình trạng đuối nước ở trẻ em trong mỗi mùa nắng nóng.