Cần Thơ: Vì sao vẫn loay hoay chưa cải tạo 5 nút giao thông trọng điểm?

Nội ô trung tâm TP Cần Thơ hiện nay đang tồn tại 5 nút giao thông thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe. Nếu có mưa hoặc đến mùa lũ thì 5 điểm này luôn ngập sâu khiến ai cũng phải lắc đầu ngao ngán.

Từ năm 2016, HĐND TP Cần Thơ đã có nghị quyết giao Sở GTVT xây dựng 4 cầu vượt để giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên phương án cuối cùng là quyết định cải tạo, nâng cấp, mở rộng… với tổng kinh phí dự trù là 1.800 tỉ đồng.

Đã 1 năm trôi qua kể từ ngày công bố phương án xây dựng, đơn vị đầu tư… nhưng đến nay dự án vẫn nằm yên bất động.

Ông Nguyễn Văn Nhơn chạy xe ôm hằng ngày trong nội ô TP ngán ngẫm: "Xe số tốt thì chạy được, còn các loại xe thường hoặc xe tay ga là không dám chạy vì nó tắt máy. Còn xe số thì xe tốt mới dám chạy chứ mấy loại xe thường thường đâu dám bườn sợ nó tắt máy.

Chờ nước rút mới dám chạy. Tôi hy vọng làm sao cho đường xá ngon lành, đi cho nó êm chứ biết ước mong gì nữa bây giờ. Làm đường ngon lành cho dân chúng đi lại khỏe khoắn".

Trung tâm TP có 5 nút giao thông trọng điểm, xảy ra ùn tắc thường xuyên là: Trần Hưng Đạo - Mậu Thân và 3 Tháng 2 (nút 1), Võ Văn Kiệt - Nguyễn Văn Cừ (nút 2), Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Văn Cừ nối dài (nút 3), Nguyễn Văn Linh - 3 Tháng 2 (nút 4), Nguyễn Văn Linh - 30 Tháng 4 (nút 5).

Trong đó, nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Văn Cừ được xác định là điểm đen tai nạn giao thông trong năm 2020, điểm ngập nặng vào lúc triều cường dâng cao và cũng là cung đường có mật độ phương tiện cao nhất của thành phố vì nơi đây có quá nhiều trường học, bệnh viện, siêu thị, khu dân cư.

Trước tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, Sở GTVT đã tạm thời lắp hệ thống tín hiệu đèn giao thông, bố trí lại khu vực đỗ các phương tiện.

Ô tô, xe tải, xe container lưu thông đến nút giao, khi có tín hiệu đèn đỏ từ trụ đèn tín hiệu thứ nhất thì dừng lại ở đây, còn xe máy di chuyển lên phía trước, đậu ở vị trí khoảng trống 20m từ trụ đèn thứ nhất đến trụ đèn thứ hai.

Ông Mai Minh Ngoan – Chánh Văn Phòng Ban ATGT TP cho biết đây là giải pháp kiềm chế thấp nhất ùn tắc và tai nạn giao thông ở nút giao lớn này: "Với việc bố trí này để khắc phục mất an toàn giao thông cho các xe găn máy đậu đổ gần các xe container, xe tải chở vật nặng.

Về việc này rất dễ xảy ra va quẹt làm tai nạn thương tích đáng tiếc xảy ra. Sau thời gian tuyên truyền rộng rãi thì sẽ tiến hành xử phạt đối với phương tiện vi phạm, đặc biệt là ô tô dừng không đúng vạch".

Tại phiên họp diễn ra vào tháng 12/2021, HĐND TP Cần Thơ đã thông qua tờ trình về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, mở rộng 5 nút giao thông trọng điểm này. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ được đầu tư bằng cách mở rộng nút giao cùng mức, bố trí các nhánh rẽ phải độc lập. Trong tương lai xem xét bố trí công trình cầu vượt hoặc hầm chui theo nhu cầu giao thông. Tổng mức đầu tư dự án gần 1.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc sở GTVT TP Cần Thơ cho biết: "Những phương án cải tạo mang tính triệt để hơn để đảm bảo ATGT tại 5 nút giao là: thứ nhất, mở rộng mặt bằng của 5 nút giao.

Hiện nay nút giao tại đây rất nhỏ, làn rẽ trái rẽ phải rất hẹp nên dễ tạo xung đột giữa đường đi thẳng và các làn rẽ. Kết hợp với việc phân luồng giao thông lại. Ví dụ như cấm xe tải trên 10 tấn, container theo giờ và hạ thấp tải trọng, làm lại hệ thống đèn tín hiệu thông nh, bảng chỉ dẫn hướng để tách bạch các làn xe ra".

Trong 5 năm tới, TP sẽ giải quyết bằng nhóm giải pháp, trong đó, Sở GTVT sẽ phối hợp với ngành xây dựng và các đơn vị có liên quan tăng tỉ lệ đất dành cho giao thông, từ 24-26% trong quy hoạch. Song song với việc đẩy nhanh tiến độ các dự án ODA, các giải pháp giao thông thông nh cũng sẽ được tính toán để giảm ùn tắc…

Tuy nhiên, đến ngày 24/2/2022, dự án này mới chính thức tìm được chủ đầu tư là UBND quận Ninh Kiều. Nhưng, ông Huỳnh Trung Trứ - Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cho biết về nguồn vốn vẫn còn đang xin.

Ông Huỳnh Trung Trứ - Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều thông tin: "Tới kì họp HĐND TP đầu tháng 7 này mới xin điều chỉnh vốn thì quận mới có cơ sở tổ chức đấu thầu, thiết kế, đưa vào danh mục thu hồi đất và tổ chức giải phóng mặt bằng.

Chỉ mới khởi động là nhận quyết định giao về cho quận làm chủ đầu tư thôi, còn cái khâu giao vốn về địa phương, rồi lập thủ tục đầu, mời thầu thiết kế…"

Theo thông tin từ ông Huỳnh Trung Trứ - Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều thì dự án cải tạo 5 nút giao thông trọng điểm tại Cần Thơ sớm nhất tới tháng 7 mới có thể tham mưu xin điều chỉnh vốn, sau đó chờ cấp vốn, tiếp tục tiến hành các công việc lập hồ sơ thiết kế, giải phóng mặt bằng…

Trong khi đó, số phương tiện hiện nay của Cần Thơ đã chạm ngưỡng 830.900 xe, chưa tính lượng phương tiện từ bên ngoài vào. Với tốc độ gia tăng phương tiện như hiện nay thì tình trạng ùn tắc giao thông trong vào những giờ cao điểm, các dịp lễ hội sự kiện và triều cường kết hợp mưa lớn gây ngập là thách thức rất lớn đối với ngành quản lí.

Trong năm 2021, trên địa bàn TP.Cần Thơ xảy ra 47 vụ tai nạn giao thông, làm 50 người chết và 9 người bị thương. Một trong những nhiệm vụ của năm 2022 mà ngành giao thông TP đề ra là xử lí tốt 21 điểm mất an toàn giao thông thường trực,  giảm tai nạn từ 5-10%, khắc phục ùn tắt giao thông tại các điểm chính và cửa ngõ vào thành phố. Việc tổ chức lại giao thông tại nút giao này là rất thiết thực.

Tuy nhiên dự án vẫn còn chờ đợi nhiều thủ tục từ các Sở, Ngành và địa phương. Và khi ấy, hàng ngày, hàng giờ, người dân thành phố vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với bài toàn kẹt xe, khói bụi và tai nạn rình rập trên từng km.