Cần nỗ lực rất lớn để chinh phục mục tiêu GDP 2024 sau thiệt hại của bão Yagi

Sau siêu bão Yagi thì việc tiếp tục chinh phục mục tiêu tăng trưởng GDP năm khoảng 7% đòi hỏi một nỗ lực rất lớn. Cần có những giải pháp căn cơ, kể cả ngắn hạn và trung mới hy vọng nhanh chóng quay lại với quỹ đạo sản xuất như 6 tháng đầu năm – là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế.

 

Nhà xưởng của Công ty Jinka ở khu công nghiệp Đồ Sơn, Hải Phòng bị hư hỏng nặng sau bão ngày 9/9. Ảnh: Vnexpress

Theo các tính toán, thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra khiến cho tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại, ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản. Điển hình nhiều địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão, như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai... GRDP năm nay có thể giảm trên 0.5%.

Đặc biệt là các mục tiêu về đảm bảo an sinh cho người dân trong năm 2024 cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40 nghìn tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định: "Chúng ta biết thống kê hiện nay chưa đầy đủ. Tuy nhiên thiệt hại do bão số 3 vừa qua rất lớn vì tác động từ Thanh Hoá tới tất cả các tỉnh phía bắc đều chịu tác động cơn bão này. Vì thế không chỉ thiệt hại về sản xuất nông nghiệp mà ngay cả sản xuất công nghiệp, cơ sở hạ tầng thiệt hại rất lớn. Theo đánh giá của chúng tôi thì mức độ thiệt hại có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 0,18 – 0,2% so với mức bình thường. Rõ ràng là thiệt hại này rất đáng kể với tăng trưởng trong năm 2024 và đặc biệt là những tháng từ nay tới cuối năm".

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nhiều lĩnh vực đều bị ảnh hưởng sau bão số 3, trong đó nặng nề nhất là nông nghiệp: "Đầu tiên là rất nhiều DN đã phải đóng cửa, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và số người thất nghiệp gia tăng. Thứ 2 là ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng khi mà số doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc ngưng hoạt động hoặc hoạt động kinh doanh bị tác hại bởi trận bão cũng như hậu quả sau đó. Dĩ nhiên vấn đề nợ xấu ngân hàng đang tăng lên rất mạnh. Cuối cùng là ảnh hưởng tới lĩnh vực xuất nhập khẩu".

Bão số 3 làm tốc mái nhiều nhà máy, xưởng sản xuất. Ảnh: Kinh tế đô thị

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, tăng trưởng GDP quý III của cả nước có thể giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8 - 7%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%.

Trong bối cảnh đó để giữ vững mục tiêu GDP năm 2024 khoảng 7% sẽ đòi hỏi một nỗ lực rất lớn. Theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh để đạt được mục tiêu trên cần phải nhanh chóng khắc phục hậu quả của bão số 3 và phát triển hạ tầng ở các vùng bị ảnh hưởng nhằm nối lại giao thông liên lạc cũng như hỗ trợ tăng trưởng phát triển sản xuất:

"Thứ 2 là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vì trong năm 2024 này khối lượng giải ngân đầu tư công còn tương đối lớn và đây là động lực rất mạnh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thứ 3 là xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp ở những vùng bị bão lũ để đảm bảo an sinh cho người dân nhưng cũng đồng thời đảm bảo điều kiện cho các DN có thể quay trở lại sản xuất nhanh nhất, hồi phục và phát triển thực hiện tốt các đơn hàng đã ký cũng như các đơn hàng xuất khẩu mà các DN đã thực thi".

Sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương đối với doanh nghiệp lúc này là rất cần thiết, nhất là hỗ trợ về tài chính theo tinh thần của Công điện số 92, ngày 10/9 của Thủ tướng Chính phủ. Tiến sỹ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nêu ý kiến:

"Vấn đề thứ nhất là cần cho doanh nghiệp vay ưu đãi để trả lương và đóng bảo hiểm cho người lao động từ 3-6 tháng, để ổn định tình hình. Đây là việc cần làm ngay. Thứ hai là phải giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi trận bão số 3 này. Thứ ba là phải giảm, thậm chí là ễn tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng để họ có điều kiện phục hồi và tích lũy. Đặc biệt, cần kiểm soát không để các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có xu hướng tăng trong thời điểm hiện nay tăng mạnh, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và đời sống nhân dân".

Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản gửi các tổ chức tín dụng và các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước địa phương đẩy nhanh thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả bão số 3, đã có những Ngân hàng đầu tiên như: Vietcombank, MSB và VPBank thông báo giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi siêu bão Yagi. Về thời gian vay, khách hàng được hỗ trợ vay vốn lên đến 36 tháng với các hình thức vay đa dạng.

Theo phân tích của các chuyên gia, lượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi đợt bão lũ này rất lớn, nên sự hỗ trợ cần được ưu tiên cho những doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh nhất. Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho rằng:

"Những doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng trong lĩnh vực nông nghiệp nên được ưu tiên. Những doanh nghiệp có hợp đồng tiêu thụ rõ ràng thì khả năng hoạt động trở lại và khả năng trả nợ sẽ tốt. Doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng sẽ đảm bảo độ tin cậy và đáp ứng được yêu cầu vay tín chấp. Đặc biệt, là những doanh nghiệp có tác động lan tỏa. Ta cho vay doanh nghiệp này, họ có hợp đồng, họ phát triển được thì sự tác động sẽ kéo dài ra và rất tích cực".

Ngoài việc xốc lại tinh thần bao gồm cả tinh thần khôi phục lại sản xuất và cả việc tạo tinh thần phấn chấn trong đầu tư vào kinh doanh thì theo các chuyên gia, chúng ta sẽ cần những giải pháp căn cơ, kể cả ngắn hạn và trung hạn của Chính phủ thì mới hy vọng nhanh chóng quay lại với quỹ đạo sản xuất như 6 tháng đầu năm và mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 7%./.