Cân nhắc việc đưa đồ uống có đường vào diện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt

Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đang lấy ý kiến có bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế suất 10%.

Các doanh nghiệp trong ngành đặt ra băn khoăn là: Liệu việc áp thuế TTĐB với đồ uống có đường, người dân có chuyển sang những loại đồ uống không chính thống và có lượng đường còn cao hơn?

Trong dự thảo mới nhất Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, với mức thuế suất là 10%. Điều này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Người ủng hộ, nhưng cũng có người cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường không giúp đạt mục tiêu sức khỏe và kinh tế, mà thậm chí còn gây thiệt hại lớn cho nhiều ngành phụ trợ và nền kinh tế nói chung.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam, cần xem xét tiêu chí nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam là như thế nào? Việc đánh thuế theo độ đường là hợp lý nhưng mức độ đường bao nhiêu là phù hợp?

"Đó là 5g/100ml hay một số nước dùng 7g, 8g hay thậm chí một số nước đưa lên là 10g. Vâỵ thì ở VN mình đầu tiên đưa vào nên chọn vào mức nào là phù hợp thì chúng tôi nghĩ nên cất nhắc. Bây giờ chúng tôi làm ngoài ngành thì chúng tôi không biết độ đường bao nhiêu là phù hợp nhưng trong sản phẩm có cả những yếu tố khác thì ban soạn thảo cũng nghiên cứu cất nhắc để có cái phù hợp nhất",  bà Nguyễn Thị Cúc cho biết.

Ảnh nh họa: PLO

Còn bà Bùi Thị Việt Lâm – đại diện quốc gia tại Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) kiến nghị ban soạn thảo cân nhắc không đưa nước giải khát có đường vào diện đánh thuế TTĐB lần này với hai lý do:

"Thứ nhất, kinh nghiệm quốc tế thì những nước tiêu thụ nước giải khát rất cao trên thế giới như Đức thuộc dạng cao nhất EU là hơn 300 lít/người/năm hay Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là tiêu thụ nước giải khát có đường cao nhất Châu Á đều không áp dụng thuế TTĐB mà họ điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng để cải thiện chất lượng sức khoẻ thông qua chính sách giáo dục và dinh dưỡng, cũng như các hướng dẫn chế độ dinh dưỡng thể thao. Những chính sách này rất hiệu quả ví dụ Nhật Bản là nước tiêu thụ nước giải khát có đường cao như vậy nhưng họ lại là nước có tỷ lệ béo phí thấp nhất thế giới. Chúng ta cũng cần tham khảo."

Lý do thứ hai là bối cảnh đặc thù của Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi, việc tăng thuế sốc cộng với áp dụng nhiều thuế như tăng VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và trách nhiệm liên quan tới môi trường sẽ làm gia tăng gánh nặng chi phí với doanh nghiệp. Điều đó có thể gây ra nhiều hệ luỵ và không đạt được những mục tiêu mà chính sách đề ra.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Thái Vương, Trưởng Tiểu ban Nước giải khát thuộc Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng:

"Thứ nhất là tôi đề xuất Bộ tài chính và Chính phủ nên xem xét lại dự kiến đưa ngành nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam để đánh thuế theo dự thảo lần này. Dự thảo lần này chưa đưa ra được đánh giá toàn diện và công bằng với ngành hàng. Ngoài ra các tác động về KTXH phía bên Bộ tài chính và Bộ Y tế cũng chưa đưa ra dữ liệu để hỗ trợ cho luận điểm của mình. Ngay cả căn cứ đánh 5g/100ml sản phẩm thì cũng chỉ căn cứ mà chưa hề có đánh giá tác động liên quan đến mức trung bình trong ngành là bao nhiêu."

Cũng theo ông Vương, ngoài chuyện tăng thuế sốc thì việc giảm đột ngột công thức sản phẩm là khó khăn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bởi ngành nước giải khát có nhiều doanh nghiệp nước ngoài và các sản phẩm cũng như công thức được bảo vệ nên không thể nói thay đổi ngay là dễ dàng. Do đó cần lộ trình phù hợp để các doanh nghiệp có kế hoạch điều chỉnh lại và để người tiêu dùng điều chỉnh lại khẩu vị của mình.

Ảnh nh họa: KT

Ở góc độ tác động của chính sách, TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính quốc gia cho rằng chúng ta đã đưa ra đánh sơ bộ là có thể tăng thu ngân sách nhưng việc tăng thu này chỉ trong ngắn hạn, còn trung và dài hạn thì chưa chắc bởi tiêu dùng giảm, doanh thu giảm, lợi nhuận giảm. Qua đó sẽ giảm thuế VAT và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nên tổng hoà lợi ích về thuế chưa rõ.

Bên cạnh đó, ông Cấn Văn Lực băn khoăn: "Một là việc chúng ta tăng thuế với đồ uống có đường chưa chắc đã giảm tỉ lệ béo phì cũng như là bệnh tim mạch vì còn rất nhiều nguyên nhân ngoài nguyên nhân có thể một phần do đường.

Cho nên việc chúng ta nói là giảm áp lực lên ngân sách để hỗ trợ cho ngành y tế về câu chuyện béo phì, về tim mạch tôi cho rằng chưa thuyết phục. Ý thứ 2 là chúng ta tăng thuế với nước giải khát có đường chưa chắc có đường vì người ta có sẽ điều chỉnh như chuyển sang uống một số thứ khác, mà chưa chắc những thứ khác đã giúp giảm béo và tim mạch. Chúng ta lưu ý điểm đấy."

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về tác động kinh tế - xã hội của thuế tiêu thụ đặc biệt, nếu bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, với mức thuế suất 10%, nền kinh tế sẽ phải gánh chịu thiệt hại lên tới 880,4 tỷ đồng.

Cụ thể, theo nghiên cứu này, mặc dù việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 0% lên 10% sẽ góp phần làm tăng thu ngân sách trên 2.279 tỷ đồng, nhưng những ảnh hưởng do việc sụt giảm sản lượng lại lên tới hơn 3.159 tỷ đồng, và do đó, tổng thể sẽ làm thiệt hại khoảng 880,4 tỷ đồng.

Nghiên cứu này dựa trên số liệu kinh tế của năm 2022. Nó cho thấy, các chỉ số kinh tế đều có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi quy định này, bao gồm tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế, thu nhập người lao động, thặng dư sản xuất, số lượng lao động…

Do đó, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng:

"Nếu như chúng ta áp dụng 10% thì ảnh hưởng trực tiếp tới lao động trong các doanh nghiệp khu vực chính thức, giảm khoảng độ 2000 lao động. Và chúng tôi cũng tính 1 phương án nào chứ không chỉ nói là tác động tới nền kinh tế thì chúng tôi đang đề xuất một phương án 5%. Khi chúng tôi tính đến phương án 5% thì năm đầu tiên cũng tăng lên nhưng năm thứ 2 bắt đầu suy giảm nhưng mức độ suy giảm và tác động kinh tế nhỏ hơn và nó sẽ phù hợp hơn với bối cảnh của các DN hiện nay."

Đó là con số nh hoạ để chúng ta thấy rằng những dự thảo luật thuế đưa ra trong bối cảnh hiện nay mà không có đánh giá cụ thể và khoa học sẽ có rất nhiều hệ luỵ. Đó là ảnh hưởng tới ngành sản xuất riêng và cả chuỗi giá trị và toàn bộ nền kinh tế. Do đó, các chuyên gia cho rằng, không nên tăng thuế với nước giải khát có đường quá đột ngột hoặc lộ trình dày đặc. Bởi sẽ không có thời gian chuyển đổi và khó đạt được những mục tiêu trong luật thuế./.