Cần một quyết sách để nông dân làm giàu

Nông nghiệp của ĐBSCL đang sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Những điểm này kéo theo hàng loạt câu chuyện được mùa mất giá. Để nông dân thật sự giàu có trên chính mảnh đất của mình, cốt lõi là cần một quyết sách lớn, triển khai ngay.

Năm 2021, nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đã trải qua những khó khăn “cực đại” khi dịch bệnh, thiên tai song hành. Nhưng nông dân chưa bao giờ để khó khăn làm nhụt chí. Năm 2021, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 46 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao là 42 tỷ USD.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ nông dân sản xuất theo mô tuýp tăng sản lượng song hành chất lượng. Vậy mà điệp khúc buồn "được mùa, mất giá" cứ khiến người sản xuất thấp thỏm âu lo theo từng mùa vụ. Câu chuyện "giải cứu nông sản" để lại nỗi niềm chua xót về thực trạng "nông nghiệp từ thiện". Thu nhập của người nông dân vốn đã ít ỏi, cứ thế lại bị bào mòn thêm.

Trước tiên, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cấp, các ngành cùng với chính quyền địa phương phải liên kết để bảo vệ thị trường cho người nông dân. Việc tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm phải được tiến hành ngay từ đầu vụ để hỗ trợ tối đa cho quá trình thu hoạch, bán buôn của nông dân.

Các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân… tâm huyết thúc giục nhau về với ruộng đồng, về với người nông dân để cùng lắng nghe, thấu hiểu từ đó đào tạo kiến thức, huấn luyện kỹ năng, cập nhật kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cho nông dân.

Ảnh nh hoạ (vov.vn)

"Làm giàu" cho nông dân là giúp người nông dân biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo khả năng hiện có của mình, với cách thức sản xuất tiết kiệm nhất, để giá thành hợp lý nhất, mà vẫn bảo đảm chất lượng. "Làm giàu" cho nông dân là trang bị cho người nông dân kỹ năng sản xuất và cả tư duy kinh tế.

Chủ thể trong câu chuyện làm giàu này là nông dân, vì thế nông dân cũng phải bản lĩnh, hội đủ kiến thức, năng lực. Nông dân ĐBSCL trước nay quen thuộc với cánh đồng, mảnh vườn. Muốn suy nghĩ lớn hơn, tầm nhìn xa hơn, khát khao mãnh liệt hơn, thì phải vượt ra không gian làng xã, kết nối với không gian liên xã, liên huyện, liên tỉnh, liên vùng.

Ngành nông nghiệp đang và sẽ phải tiếp cận những tư duy mới trong thời đại kinh tế tri thức, vậy thì nông dân cũng phải nỗ lực tiếp cận tư duy mới, kiến thức mới, công nghệ mới, kỹ năng mới. Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Minh Hoan từng đưa ra một thông điệp mạnh mẽ:

Nông nghiệp là sinh mệnh. Nông thôn là tương lai.

Không có nông dân. Không có lương thực. Không có tương lai

Thế nên, với quyết sách mà Bộ Chính trị và Chính phủ ban hành, các cấp các ngành, địa phương và nông dân phải dốc lòng phối hợp để mang đến sự thịnh vượng, giàu có trên mảnh đất ĐBSCL muôn đời, để lại cho thế mai sau tiếp quản phát huy.