Bứt tốc triển khai 3 nhiệm vụ chính cho ngành lúa gạo ĐBSCL

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến tháng 7/2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 4 triệu tấn gạo. Hiện trên thế giới, một số nước ban bố lệnh cấm xuất khẩu gạo đã tạo lợi thế cho Việt Nam trong việc kiếm thị trường và thị phần.

Không kể diện tích trồng lúa niên vụ 2022 – 2023 đã tăng thêm 500.000 hecta, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vẫn khẳng định: an ninh lương thực quốc gia là quan trong nhất. Bộ trưởng cho rằng, diện tích tăng thêm đang còn là “triển vọng” vì từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp phải đối mặt với thách thức biến đổi của thời tiết ảnh hưởng tới vụ mùa.

Cho nên, bên cạnh gia tăng sản xuất – xuất khẩu thì “đổ đầy” kho gạo của đất nước và giữ vững thương hiệu gạo Việt là 3 nhiệm vụ quan trọng của ngành lúa – gạo Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng.

Lĩnh vực xuất khẩu đang có chiều hướng thuận lợi cho gạo Việt vươn tầm quốc tế vì Ấn Độ, Nga và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất vừa đưa ra quyết định cấm xuất khẩu gạo tạm thời. Nhiệm vụ của Bộ Công thương hiện nay là theo dõi tình hình thương mại gạo toàn cầu, nắm rõ chính sách của các nước sở tại để có phản ứng chính sách phù hợp. Nắm bắt nhu cầu từng thị trường để điều chỉnh ngay từ trong khâu sản xuất – phân phối nhằm bảo đảm chất lượng và hiệu quả cao trong xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết thêm: Phát triển các thị trường mới, nhất là các thị trường mà Việt Nam ta đã là thành viên trong các Hiệp định thương mại tự do. Hiện nay Việt Nam có 16 Hiệp định thương mại tự do đã ký kết với 70 nền kinh tế lớn trên thế giới, chiếm 6 tỉ người tiêu dùng. Chúng ta được hưởng ưu đãi thuế rất cao. Tuy nhiên, không “xông” lên mà bỏ lại “trận địa” phía sau, làm cho giá gạo trong nước luôn cao, làm cho các đối thủ “cay mắt”, họ trở mình thì cạnh tranh cực kỳ khốc liệt.

Bên cạnh tăng gia sản xuất - xuất khẩu và giữ vững thương hiệu gạo Việt thì đảm bảo an ninh lương thực là nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành lúa -gạo Việt Nam

Về sản lượng đảm cung ứng an ninh lương thực và đáp ứng xuất khẩu thì ĐBSCL là Vùng tiên phong thực hiện nhiệm vụ này. Từ lâu, ĐBSCL đã thay đổi giống lúa năng suất thấp chỉ đạt 2-3 tấn/hecta sang các giống lúa cao sản chất lượng cao đạt 6-8 tấn/hecta, tăng từ 2 vụ/năm sang 3 vụ/năm.

Tính chung 20 năm từ 2000-2020, năng suất lúa bình quân toàn Vùng tăng thêm 17,8 tạ/hecta, 7 triệu tấn/năm, chiếm gần 70% tổng sản lượng lúa tăng thêm của cả nước. Không những tăng nhanh về sản lượng mà chất lượng gạo cũng cao với các chủng loại đặc sản, như: “dòng họ” ST; “dòng họ” OM; IR; nàng thơm Chợ Ðào, Jasne…có sức cạnh trạnh mạnh mẽ trên thị trường.

Bên cạnh cải tiến giống lúa, công tác cải tạo thủy lợi xả phèn, rửa mặn, cải tạo đất hoang hóa, chủ động trong tưới tiêu, tạo tiền đề cho các giống lúa thích nghi phát triển… như là “nhiệm vụ” quan trọng của Vùng.

Ông Trương Văn Minh – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang – địa phương dẫn đầu vùng ĐBSCL về diện tích trồng lúa cho biết phương hướng liên kết để sản xuất nông –lương bền vững: Ở Kiên Giang có một vùng ở Tứ Giác Long Xuyên là không có mùa vụ, cứ gặt xong là xới đất trồng lại giống mới liền. Kiên Giang đã xây dựng nhà máy gắn với vùng nguyên liệu lại Tứ Giác Long Xuyên để hợp lực với An Giang và Đồng Tháp. Trước mắt chúng tôi cũng còn phải ứng khó với biển đổi khí hậu, nước biển dâng, nước sông Mekong dần cạn. Chúng tôi theo sát có những kịch bản, dự đoán để ứng phó nhằm bảo đảm nhu cầu lương thực cho 100 triệu dân và làm nhiệm vụ xuất khẩu. 

Đối với công tác giữ vững thương hiệu gạo Việt, Ngành Công Thương là đơn vị đầu mối duy trì hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tình hình mới để nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng có vai trò quan trọng trong việc quy hoạch, định hướng nâng cao chất lượng vùng trồng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng: Chúng ta chỉ mới chú ý tới truyền thống mà đối với thị trường bậc cao chúng ta chiếm tỷ trọng rất ít vì hạt gạo chúng ta không đảm bảo được khâu truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng. Thu mua trôi nổi qua thương lái là phải chịu như vậy. Thành ra chất lượng là cái để giữ thương hiệu, một tín hiệu đáng mừng là thống kê hiện nay gạo xuất khẩu của chúng ta 80% là loại phẩm cấp cao. Nhưng quan điểm của ngành nông nghiệp mới đây là lúa lượng cao thì giá trị gia tăng cũng phải cao.

Tính đến hết tháng 7/2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,58 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ. Giá gạo bình quân 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu gạo đến nhiều thị trường truyền thống lẫn thị trường mới đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, như: Indonesia (tăng 1.500%), Angola (tăng 600%), Trung Quốc (tăng 71%).

Cơ cấu chủng loại tiếp tục đi đúng định hướng chiến lược phát triển thị trường. Gạo trắng phẩm cấp cao chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 55,5% tổng lượng xuất khẩu. Kế đến là gạo thơm chiếm 24,2%. Gạo nếp đứng thứ ba, chiếm khoảng 8,5%, gạo tấm chiếm 7,6%. Được thời, được giá, phấn đấu từ nay đến cuối năm, ngoài sản lượng cung ứng an ninh lương thực nội địa, chăn nuôi, sản xuất và làm giống… thì Việt Nam vẫn đảm bảo dành cho xuất khẩu hơn 2,6 triệu tấn nữa.

Để duy trì, Bộ Công thương yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội và thương nhân tích cực phối hợp với Bộ Công Thương cùng triển khai để đảm bảo: Tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân; duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá lúa, gạo trong nước và tạo thuận lợi giao thương, bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả.

Hiện nay Bộ - Ngành tăng cường tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân

Liên quan đến vấn đề cân đối dự trữ và xuất khẩu lúa gạo, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Chỉ thị như tiếp thêm động lực để người nông dân bao đời gắn bó với lúa hăng say lao động để làm nhiệm vụ quốc gia. Tình hình hiện nay rất cần đến công tác điều hành và quản lý thị trường của các Bộ - Ngành giúp giá cả ổn định để Nhân dân yên tâm sản xuất: “Nông dân trồng lúa – Bộ, Ngành cho giá” tất cả phải hài hòa để giúp nông dân giàu lên từ cây lúa trong giai đoạn mới:

Đồng bằng sông Cửu Long đã phát huy lợi thế vựa lúa số một cả nước khi đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, góp phần khẳng định vai trò, vị thế xuất khẩu gạo tốp đầu thế giới của Việt Nam; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư nông thôn của vùng.

Trong bối cảnh tăng cường giữ vững an ninh lương thực cho đất nước và làm nhiệm vụ xuất khẩu thì vai trò của nông dân ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung rất quan trọng vì đây là lực lượng nồng cốt trực tiếp sản xuất.

Để thực hiện 03 mục tiêu quan trọng của ngành lúa – gạo thì nông dân cần sự tiếp sức mạnh mẽ hơn nữa từ các Bộ - Ngành. Trước mắt, Bộ NN&PTNT hợp sức với Bộ Tài chính, Ngân hàng và Chính quyền địa phương và các ngành liên quan triển khai công tác đảm bảo tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân. Nói cho cùng, có lời mới có động lực cày cấy. Xúc tiến quyết liệt hơn nữa công tác quy hoạch các tiểu vùng sản xuất lúa hàng hóa. Tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ và xây dựng cánh đồng lớn.

Doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo cần đóng vai trò trung tâm liên kết với nông dân và các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm và cung ứng vật tư đầu vào. Nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, bảo quản và chế biến lúa gạo. Trong đó, tập trung nâng cấp, xây dựng hoàn chỉnh các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất lúa, phát triển các công trình giao thông.

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực, kinh phí đầu tư trọng điểm nhằm nghiên cứu chọn lai tạo, phát triển các giống lúa mới có năng suất, chất lượng và chống chịu tốt, phù hợp tới từng vùng sinh thái. Đẩy mạnh áp dụng các kỹ thuật, công nghệ canh tác tiên tiến trong sản xuất lúa để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất lúa gạo và cơ hội của thị trường xuất khẩu, nâng cao thu nhập của người dân… thì Bộ - Ngành phải kiểm soát và “xóa” triệt để tình trạng đầu cơ, trục lợi bất chính, gây bất ổn thị trường và uy tín của gạo Việt Nam.

Những trận mưa diễn ra trong tháng 7 vừa qua đã khiến hàng trăm nông dân ở Vĩnh Long khóc nức nở vì diện tích lúa thiệt hại hoàn toàn khi vừa mới gieo sạ. Nông dân cần định hướng và những thông báo kịp thời về biến đổi khí hậu để sản xuất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là “đầu tàu” chỉ đạo các địa phương rà soát định hướng quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, bảo đảm diện tích đất chuyên trồng lúa, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh để kịp thời điều chỉnh sản xuất.

 Hy vọng với sự hợp lực này, ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung sẽ đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm ở thời gian tới đúng như Chỉ đạo và kỳ vọng của Chính phủ vì một quốc gia vững vàng về lương thực và có tiếng trong lĩnh vực xuất khẩu gạo.