Buồn vui phận muối (Bài 2): Nghề “gieo nước biển” chưa thấy lối ra

Như một vòng lẩn quẩn với những khó khăn từ thời tiết, giá cả đầu ra,.v.v… đến hiện tại, nghề làm muối tại miền Tây vẫn còn đó những bấp bênh, bà con diêm dân không ít lần lao đao trong công việc mưu sinh.

Trong cái nắng của những ngày tháng 10, xen kẽ những đợt mưa trắng trời, ông Lý Xía, ngụ tại Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng vẫn ngày ngày tất bật chăm sóc cho 2 héc-ta ao canh tác của nhà mình. Mấy năm trước, gia đình ông tham gia Hợp tác xã muối – tôm - artea Vĩnh Tân, còn giờ thì ông chuyển về xã Vĩnh Phước để tiếp tục công việc.

Theo ông Xía, lúc trước, đa phần bà con địa phương tranh thủ vài tháng trong năm nuôi artea (làm thức ăn cho tôm, cá), rồi vài tháng còn lại chuyển sang làm muối khi thời tiết thuận lợi. Nhưng gần đây, nhiều bà con bỏ hẳn nghề muối… Lý do thì có nhiều, trong có không thể không nhắc đến điều kiện thời tiết.

Mặc dù nguồn nước biển và độ mặn thích hợp cho các tỉnh ven biển ĐBSCL phát triển nghề làm muối, nhưng chuyện mưa nắng thất thường lại trở thành nỗi lo của bà con diêm dân, nhất là mưa trái mùa. Năm nào mưa trái mùa xuất hiện thường xuyên là công sức của bà con xem như đổ sông đổ biển:

Ông Lý Xía cho biết: Nếu thời tiết thuận tiện thì mình làm muối có lợi nhuận cao hơn. Còn nếu thời tiết bấp bênh, mưa trái mùa thì mình làm muối thua. Thời tiết quyết định nhiều hơn, mưa là mình không làm gì được đâu.

Mưa trái mùa – muối thất thu, những hộ nào có kết hợp nuôi tôm, nuôi artea thì còn mong gỡ gạc trong những tháng sau, nhưng nếu hộ nào chỉ trông chờ vào nghề chính là làm muối thì rơi vào cảnh lao đao. Ngồi ngẫm về quãng thời gian gắn bó với nghề, ông Lý Xía không nhớ rõ mình đã bắt đầu làm muối từ năm nào, chỉ nhớ khoảng trước năm 2000.

Mấy chục năm trôi qua cũng là ngần ấy thời gian ông nếm trải vị mặn của muối và cả “vị đắng chát” trong những vụ sản xuất không như mong đợi. Ngoài những lý do về thời tiết hay so sánh với giá trị kinh tế của các đối tượng sản xuất khác, ông Xía cho biết thêm một yếu tố nữa khiến ông quyết định ngừng làm muối: Không làm nữa vì không thuận tiện làm muối, không thuận đường đi. Đường cho xe lớn vận chuyển muối là không có, chỉ có đường xe hai bánh thôi. Còn làm muối thì khó khăn, xe lớn mới vận chuyển được.

ảnh nh hoạ (vneconomy.vn

Khó khăn ở khâu vận chuyển không chỉ là vấn đề mà riêng ông Lý Xía hay các hộ lân cận gặp phải mà là câu chuyện chung của nhiều vùng làm muối tại ền Tây hiện nay. Đại diện một HTX diêm nghiệp chia sẻ nỗi trăn trở: Nói chung khó khăn, tuy rằng nói hợp đồng nhưng khâu vận chuyển hơi khó. Bởi vì ở dưới này không có khâu vận chuyển. Ví dụ mua giá 1.000 – 1.200 đồng/kg, mình không có khâu vận chuyển thì người ta mua 1.000 đồng/kg.

Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển, các HTX nghề muối cần có xe tải lớn. Trong khi đó, một vấn đề khác là cơ sở hạ tầng giao thông, các tuyến đường từ ruộng muối ra đến đường lớn cũng cần được đầu tư, đảm bảo cho xe lớn di chuyển vào… Trong khi thực tế hiện nay, bà con tại một số khu vực có nghề muối cho biết, đường đi vẫn còn khó khăn, chủ yếu là xe máy di chuyển.

Một vấn đề khác tác động rất lớn đến lựa chọn của bà con diêm dân trong việc có tiếp tục gắn bó với nghề muối hay không, đó là đầu ra - giá cả. Thời điểm này, nhiều bà con phấn khởi khi giá muối ở mức cao: Muối hạt trắng có giá 140.000 đồng/giạ, muối hạt đen giá khoảng 120.000 - 130.000 đồng/giạ. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tổng quan, trong những năm gần đây, giá muối liên tục lên xuống, nhiều thời điểm thấp chạm đáy. Rõ ràng, giá cả đầu ra của muối không ổn định...

Ông Nguyễn Hoàng Quốc – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Diêm nghiệp Huy Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho biết: Ở đây những năm qua thì đầu ra cũng hạn hẹp, lệ thuộc vào thương lái. Từ đó, chuyện đầu ra cũng rất bó buộc. Vì thương lái có sự liên kết với nhau, hạ giá cho đồng đều. Từ đó, không có sự cạnh tranh của thương lái đến mua.

Trong khi đó, một trong những định hướng được đề ra từ nhiều năm qua để tạo bước chuyển mới cho nghề làm muối là đầu tư cải tiến quy trình sản xuất. Có thể kể đến mô hình làm muối trải bạt với hy vọng nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con bán được sản phẩm với giá cao hơn phương pháp sản xuất cũ.

Tuy nhiên, khó khăn xuất hiện ngay từ lúc bắt đầu thực hiện ý tưởng với áp lực về nguồn vốn đầu tư cho mô hình, mua bạt trải. Mặc dù đã có nhiều dự án hỗ trợ bà con tiếp cận với mô hình mới, nhưng để áp dụng rộng rãi trên diện tích lớn các vùng làm muối tại ền Tây thì vẫn còn thiếu bước đệm về nguồn vốn.

Từ những thực tế đó, không khó hiểu khi nhiều bà con diêm dân quyết định chuyển hướng. Mặc dù luyến tiếc với nghề truyền thống, nghề gia truyền, nhưng trước những bấp bênh về kinh tế, bà con cũng đành chọn ngã rẽ khác:

- Nếu giá trên 50.000 đồng/giạ mới có lời. Làm muối đủ sống chứ không có dư.

- Nghề khác làm ngon hơn nghề muối, nghề này do giá không ổn.

- Tôi là từ năm chín mấy tới giờ, ông nội làm, cha cũng làm, rồi tới tôi cũng làm. Cuộc sống, làm vậy thì muối… không đủ sống, phải đi làm thêm.

Nghề làm muối - nghề “gieo nước biển” vẫn chưa tìm thấy lối ra, trong khi đây được xem là một trong những nét đặc trưng trong đời sống sản xuất của cư dân vùng ven biển ền Tây. Không chỉ là nghề truyền thống mà làm muối còn là cách khai thác lợi thế giáp biển… Vậy đâu là hướng đi mới cho bà con diêm dân cũng như nghề làm muối tại ền Tây, khi diện tích sản xuất đang có dấu hiệu thu hẹp dần?

Đó là câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ, sau rất nhiều giải pháp duy trì và phát triển được thực hiện trong những năm qua…