Trải qua biến thiên thời gian, những tấm biển quảng cáo đó có đang góp phần tô đẹp thêm cho đô thị hay không?
BÊN DÒNG THỜI GIAN
“Rủ nhau chơi khắp long thành
Ba mươi sáu phố dành dành chẳng sai”
Phố cổ Hà Nội xưa vốn là nơi tấp nập người bán kẻ mua. Buôn có bạn, bán có phường, mỗi tên phố nghe thôi đã biết bày bán những gì. Hàng Bạc, Hàng Mã, Hàng Đường hay Thuốc Bắc… cái phân biệt duy nhất để khách hàng nhớ đến hàng A chứ không phải hàng B, chính là biển hiệu.
Ví như chỉ cần nghe đến tên Hành Thiện người ta biết đi mua thuốc bắc. Vì thế tấm biển cũng chân phương mà cũng không cần cầu kỳ.
Một thế kỷ trôi qua, hiệu thuốc xưa vẫn còn đó, lọt thỏm giữa hai bên bán những đồ thời trang mới nhất, đèn điện nhấp nháy suốt cả ngày. Trên phố Hàng Gai, biển nhà may Anh Lan đã phủ mờ những vết hoen ố, đến chữ cũng chẳng còn đọc được. Khi hỏi người con của cụ Lan, sao biển cũ thế mà không gỡ xuống, bà nói:
"Không bao giờ bỏ được cái biển này vì nhà vẫn phải giữ cái gốc của bà nên cứ để thế thôi".
Biển xưa đúc bằng xi măng không phô trương chòi hẳn ra bên ngoài, mà khép nép đứng thẳng. Nhiều người thế hệ sau mua lại từ chủ cũ cũng xem đó như linh hồn của cửa hiệu mà giữ lại.
"Ngày xưa nhà này bán bát sứ, đời cũ là như thế. Gốc nhà như thế nào thì cứ để nguyên như thế. Chứ không bao giờ thay đổi cả".
Trước những năm 1954, biển quảng cáo đa số được làm thủ công, và người làm là các thợ mộc, thợ xây, các thợ kẻ vẽ có hoa tay. Họ tạo chữ bằng gỗ, họ điêu khắc trên nền vữa xây dựng, họ tô màu, vẽ tranh đơn giản nhưng vẫn đủ ý cần quảng cáo.
Nếu nói về văn hoá trên các tấm biển quảng cáo của các cửa hàng cửa hiệu thời đó, chuyên gia Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, từ những năm người Pháp xâm chiếm Hà Nội đã có quy định rất rõ ràng về cách trưng biển quảng cáo như: treo áp sát tường, còn muốn treo dọc thì phải trả tiền. Diện tích càng lớn càng phải trả nhiều tiền:
"Vì đối với họ cái không gian đô thị, cái phần bắt đầu từ quá cái vỉa hè thi đấy là không gian công cộng. Anh treo 1 cái biển theo chiều dọc mà anh chiếm một phần ko gian quá hơn so với quy định thì phải trả tiền.
Vì thứ nhất là chiếm lĩnh cái ko gian công cộng. Thứ hai nữa là nếu ko may vì một lí do nào đó cái biển đấy rơi xuống vỉa hè có thể gây ra nguy hiểm cho người đi đường thì người ta thu phí mà anh đã làm lấn chiếm không gian đấy để lấy số tiền đó đưa vào quỹ duy tu vỉa hè.
Và đấy cũng là cách nhắc nhở cái người quảng cáo khi làm quảng cáo phải rất cẩn thận, tránh điều sơ xảy có thể xảy ra".
Bởi vậy, nên các cửa hàng cửa hiệu thời đó đã tính toán rất kỹ để biển hiệu quảng cáo tốn ít phí nhất nhưng vẫn có hiệu quả kinh doanh. Nhờ đó, các biển quảng cáo cũng có chút gì đó “trật tự” hơn bây giờ. Và cũng chính những quy định về thu phí tiền cho nên thời đó các cửa hàng cửa hiệu phải tính toán rất kỹ
Nếu biết nói thì có lẽ biển hiệu của thời xưa chỉ biết đọc tên mình, còn thời nay thì biết nói tiếng nước ngoài. Dọc một dãy phố mà người ta vẫn gọi là phố Tây là những biển hiệu chi chít thông tin, mà có vẻ chỉ dành cho người ngoại quốc.
"Nói một cách hơi quá lên một chút thì mình thấy nó nhộn nhạo. Người có cửa hàng cửa hiệu, trung tâm thương mại thì đặt quảng cáo theo chiều dọc rất là to. Thế rồi người thì lại bé tí, người thì vuông người thì hình tròn,v.v…Cái hình thức thì đa dạng thế nhưng về cái nề nếp đô thị thì nó quá lộn xộn".
“Ối giờ ơi”, “yêu là cưới” không phải đang cảm thán cho biển hiệu, mà chính là cái tên gây shock của thời nay để đánh động sự chú ý của khách hàng.
Thế mà Hà Nội lại có cả một con phố biến mọi sự thu hút chú ý ấy thành một thứ đồng nhất. Phố Lê Trọng Tấn từng là con phố đồng phục biển hiệu kiểu mẫu ở thủ đô. Nhưng có vẻ sau một thời gian, không nhiều người còn muốn mặc đồng phục:
"Khó khăn cho người mua hàng và những người đó họ không nhìn thấy được, không biết được. còn đây tạo thành cái riêng thì đi đến địa điểm đó họ à biết rồi".
"Ví dụ như kích thước theo khổ theo khuôn mẫu thì được. nhưng để áp dụng tất cả đều cùng màu sắc, không có điểm nhấn thì hơi khó cho người kinh doanh buôn bán".
Còn nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, đó là sự máy móc không cần thiết:
"Vì thế cho nên cái anh máy móc quá cũng không tạo ra đc màu sắc cho đô thị và hiệu quả kinh doanh cho cửa hàng cửa hiệu. Còn anh lộn xộn qá thì nó cũng làm rối mắt, rối đi cái văn hoá mặt tiền của đô thị. Mặc dù nó có thể mang lại hiệu quả kinh tế đối với chủ nhân của biển quảng cáo đó.
Vấn đề ở đây là không thể không có quảng cáo. Nên chăng suy nghĩ quay trở lại cách tính phí tính thuế như người Pháp đã tính. Nó vừa tạo ra nề nếp gọn gàng trên ko gian của đô thị. Còn đối với các cửa hàng đạt cái hiệu quả nào đó thì như thế đô thị trông sẽ văn nh hơn".
Biển hiệu ngẫm lại chỉ là một thứ định danh. Xưa chỉ là một cái tên nhưng còn lưu giữ được đến trăm năm. Nay thì muôn sắc cá tính. Nhưng sau cái vỏ cá tính hút khách ấy là gì, thì khách hàng tức khắc thẩm đinh…
SỐNG Ở HÀ NỘI
Hà Nội từng được gọi là thành phố của sông hồ. Bản đồ vẽ năm 1873 thể hiện Hà Nội có gần 400 ao hồ lón nhỏ. Thời xưa, những nơi đấy là hồ bơi thiên nhiên của thị dân. Nay thế nào?
Ao hồ không chỉ tích nước trở thành hồ điều hòa vào mùa mưa lũ mà còn có vai trò thoát nước. Hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, hồ Bẩy Mẫu, Ba Mẫu, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Vọng… là nơi rửa rau, vo gạo giặt quần áo và là bể bơi thiên nhiên trong ngày hè nóng nực. Không chỉ dân mà vua cũng thích tắm hồ. Nơi được vua chúa yêu thích chính là Hồ Tây, vì nước trong, cảnh đẹp.
Sử chép, thời Hậu Lê, quanh làng Nghi Tàm ven hồ Tây trồng giống trúc thân vàng óng. Những ngày nắng, từ xa trông như bức tường dát vàng. Ở Nghi Tàm có bến tắm dành riêng cho các chúa, vì bến tắm trúc trồng rất dầy nên dân quanh vùng gọi là Bến Trúc.
Mùa hè, chúa Trịnh Giang rời phủ lên Bến Trúc nghỉ ngơi và tắm hồ cùng các cung nữ. Năm 1883, thực dân Pháp đóng quân ở phía đông Hồ Gươm không chịu nổi cái nóng gay gắt ền Bắc đã trần truồng tắm ở hồ cạnh chùa Báo Ân mà nay là phố Lê Thạch đã bị người dân phản đối.
Năm 1930, Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier cho xây khu nghỉ dưỡng và bến tắm dành cho sĩ quan và công chức Pháp cấp cao ở khu vực nay là phố Vệ Hồ. Năm 1936, chính quyền đã bán khu nghỉ ngơi và bến tắm này cho tổng Đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu.
Sau năm 1954, khu nghỉ và bến tắm bị phá bỏ. Cũng trong thập niên 30 đã dấy lên tinh thần thể thao ở các đô thị. Người Pháp sống ở Hà Nội thành lập câu lạc bộ bơi lội ở đầu đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên), có bơi thuyền và bơi trên mặt nước. Câu lạc bộ chỉ dành cho người Pháp cấm người Việt Nam vào.
Bất bình trước sự phân biệt, đối xử, một người Việt làm đơn xin phép đốc lý thành phố mở bên hồ Trúc Bạch một mô hình tương tự như của người Pháp và đặt tên là “Tiểu Đồ Sơn”. Tuy nhiên do hồ nông, lại bị nước nóng thải ra từ nhà máy điện Yên Phụ nên mùa hè nước hồ đã nóng lại nóng thêm vì thế không thu hút được người đến bơi. Một người Việt khác làm đơn xin mở bể bơi ở hồ Quảng Bá.
Được chấp thuận, ông này cho đổ cát, làm nhà thay quần áo và nhà tắm. Thời gian đầu chỉ có nam thanh niên, con gái không dám bơi vì mặc quần áo hở hang sợ bị thiên hạ móc máy. Được các báo phụ nữ cổ xúy, nhiều chị em đã mạnh dạn lên đây bơi.
Năm 1938, hồ Tây có cuộc “thi bơi” của các nhà văn Thạch Lam, Nhất Linh, thi sĩ Huyền Kiêu, Đinh Hùng trong nhóm Tự Lực văn đoàn. Bốn ông uống hết 7,5 lít rượu ở nhà Thạch Lam trong làng Yên Phụ rồi thách nhau bơi, may mắn là cả bốn đều an toàn lên bờ.
Sau năm 1954, Hà Nội có khá nhiều bể bơi bể bơi được xây trước đó nhưng dành cho cán bộ. Dù đất nước còn chiến tranh, song thành phố đã xây bể bơi Tăng Bạt Hổ cho thiếu nhi, bơi Đống Đa cho thanh thiếu niên.
Tuy nhiên bơi hồ ao vẫn là cái thú của nhiều người Hà Nội. Chiều chiều, Hồ Tây, Bẩy Mẫu, Vọng, Thành Công… đông đúc người lớn trẻ con vùng vẫy. Nhưng thập niên 90 thế kỷ 20, ao hồ bị lấp khá nhiều, số còn lại thì nước ô nhiễm, một số hồ cắm biển cấm.
Song trong cái khó ló cái khôn, những người thích bơi ao hồ đã ra bãi giữa sông Hồng. Không chỉ mùa hè, mùa đông lạnh buốt họ vẫn thỏa thích vẫy vùng.
TIN YÊU
- Giải Bơi chải thuyền rồng Hà Nội 2024 sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô với 50 đội và 800 người tham gia. Giải Bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng năm 2024 dự kiến diễn ra vào ngày 12 và 13/10/2024 (thứ Bảy và Chủ nhật) tại khu vực vườn hoa Lý Tự Trọng, mặt nước Hồ Tây, trục đường Thanh Niên (phố Nguyễn Đình Thi, quận Tây Hồ).
- Festival sinh vật cảnh Hà Nội lần thứ nhất sẽ diễn ra vào đầu tháng 9/2024, quy tụ 1.014 tác phẩm cây ảnh nghệ thuật. Thời gian dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 2/9 đến ngày 18/9 tại khu trường đua F1 (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm).
- Nhằm thu hút du khách trong mùa hè - thu, lần đầu tiên Sở Du lịch Hà Nội tổ chức chương trình kích cầu dành cho người Hà Nội và du khách trải nghiệm dịch vụ tại các khách sạn 4 - 5 sao tại Thủ đô. Nhiều khách sạn 4 - 5 sao tại Hà Nội đã tung ra các gói khuyến mại, giảm giá hướng tới đối tượng khách là người Hà Nội và khách nội địa đến Thủ đô.
- Tripadvisor – một trong những nền tảng du lịch lớn nhất thế giới vừa công bố Top 15 thành phố có nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới, trong đó Hà Nội góp mặt nhờ bản sắc văn hóa ẩm thực tinh tế, lôi cuốn, hấp dẫn.