An cư cho người dân vùng sạt lở: Không chỉ là nơi ở

Theo thống kê của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai 13 tỉnh, thành ĐBSCL, hiện có 555 vị trí sạt lở bờ sông. Trong đó, 81 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 137 vị trí sạt lở nguy hiểm.

Tại Hậu Giang, mấy ngày qua mỗi ngày tỉnh này đều ghi nhận từ 1 - 4 điểm sạt lở, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.

Vị trí hai bên bờ sông kênh xáng Nàng Mau, đoạn qua xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp cũng đang là điểm nóng về sạt lở, sụp và lún đất bờ sông. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay khu vực này có 5 căn nhà bị sụp, làm mất gần 200m2 đất và thiệt hại tài sản hơn 300 triệu đồng.

Dù không muốn rời đi nơi đã từng gắn bó với cuộc sống của mình mấy chục năm nhưng trước tình trạng sạt lở ngày càng phức tạp người dân đành chấp nhận di dời. Mong mỏi lớn nhất của bà con lúc này là có nơi ở mới để lạc nghiệp. Bà Trần Thị Tím, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, bộc bạch: Đi thì buồn dữ lắm nhưng phải đi, tại vầy là không ở được nữa, trước sập mấy cái nhà tuốt ngoài kia không hà. Quen ở đây rồi đi cũng buồn nhưng cũng phải đi.

Thống kê của ngành chức năng địa phương, có hơn 100 hộ dân sống dọc 2 bên bờ kênh xáng Nàng Mau, xã đã xét duyệt gửi danh sách lên huyện 33 hộ dân có nguy cơ cao cần được di dời trước tiên. Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết: Để đảm bảo tính mạng và an toàn, chúng tôi cũng rất muốn người dân chấp hành giao lại phần đất cũ, đồng thời nhận nền tái định cư. Về quy định về đất mình phải có thu tiền đối với các trường hợp này, chúng tôi cũng đang liên hệ với chỗ ngân hàng chính sách để xem xét cho vay đối với việc xây dựng nhà của các hộ.

Trong bối cảnh sạt lở ngày càng gia tăng, trái với quy luật việc thực hiện đề án di dời người dân ở các nơi có nguy cơ cao đến nơi ở an toàn là rất cần thiết. Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang thông tin: Trên kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện công tác phòng chống sạt lở tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ trên 10.000 hộ dân đến nơi ở an toàn giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, tỉnh rất khẩn trương thực hiện đề án di dời dân. Đồng thời rất là khẩn trương để làm sau có điều kiện tốt nhất để hỗ trợ người dân đến nơi ở an toàn trong thời gian tới.

Vấn đề được nhiều địa phương ĐBSCL quan tâm và đẩy mạnh thực hiện là chăm lo chỗ ở cho người dân bị ảnh hưởng sạt lở.

Có thể thấy, dù còn rất nhiều khó khăn do số hộ cần di dời lớn trong khi nguồn kinh phí hạn chế nhưng Hậu Giang đã nổ lực hết mình, tất cả vì sự an toàn của các hộ dân. Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó thì việc thiếu việc làm là một trong những nguyên nhân dẫn đến các nhà ở các khu tái định cư, dân cư vượt lũ đóng cửa kéo dài.

Ông Trần Văn Đương ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết những bà con về ở tại khu dân cư vượt lũ phần lớn có thu nhập thấp, ở vùng có nguy cơ sạt lở cao, không có chỗ ở nên được dời về khu dân cư vượt lũ: Trong khu dân cư vượt lũ chỉ sống và ở thôi. Còn đi làm ăn phải đi chỗ khác, chứ khu này đâu có xí nghiệp đâu làm. Thu nhập hàng ngày không có phải đi chổ khác làm thuê chỗ khác, công ty đồ.

Trong khi chờ các giải pháp để giúp người dân an cư, lạc nghiệp mơi ở mới thì việc di dời vẫn là quyết sách hàng đầu được các địa phương lựa chọn. Như tại tỉnh Trà Vinh, mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng khu tái định cư ấp Hồ Thùng và dự án xây dựng tuyến bờ bao ngăn triều trường khu vực Cồn Nhàn thuộc hai ấp Đông Thành và Hồ Thùng, xã Đông Hải với tổng mức đầu tư hơn 22 tỷ đổng.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, trước mắt tỉnh cho thi công tuyến bờ bao và gấp rút xây dựng khu tái định cư để đưa 56 hộ dân ra khỏi vùng sạt lở nghiêm trọng càng sớm càng tốt: Chúng tôi đang lập dự án để di dân khẩn cấp. Đối với những hộ ở sát bờ biển có guy cơ bị sạt lở chúng tôi sẽ di dân khẩn cấp, làm sao đảm bảo an toàn tính mạng cũng như đời sống của người dân.

Về lâu dài, các tỉnh trong vùng sẽ tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng, đảm bảo lồng ghép các công trình hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, đặc biệt là các công trình dịch vụ, sản xuất tạo được việc làm phù hợp cho người dân. Có chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề phù hợp cho người dân khi di dời về sinh sống, cùng với đó là đẩy mạnh ưu đãi đầu tư để thu hút các doanh nghiệp sản xuất tham gia, tạo việc làm ổn định cho các hộ dân.

Khi khu tái định cư hàng tỷ đồng không được khai thác sử dụng không chỉ gây lãng phí ngân sách mà còn có nguy cơ trở thành điểm đen về tệ nạn xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bên cạnh pháp lý thì lý do lớn nhất là vì cung và cầu chưa thực sự gặp nhau. Vì vậy, rất cần những giải pháp căn cơ và bền vững hơn để gỡ khó cho người dân:

Không chỉ là nơi ở

Có thể thấy, chưa năm nào sạt lở lại gia tăng số vụ và mức độ ảnh hưởng như năm nay. Tình trạng này tác động trực tiếp đến sản xuất và đời sống của bà con nhân dân. Do đó, việc xây dựng các cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ của Chính phủ hay các khu tái định cư phục vụ di dời người dân vùng sạt lở đã mang ý nghĩa thiết thực, bảo vệ được tính mạng, tài sản và giải quyết kịp thời nhu cầu về nhà ở của người dân để họ không còn nơm nớp nỗi lo mỗi khi lũ về.

Thiết thực là vậy, thế nhưng, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, người dân địa phương đã bao năm quen với việc xem con nước lớn ròng làm kế mưu sinh. Nay, những người nông dân ấy trở thành những cư dân thị tứ, thuận lợi nhiều những cũng không ít khó khăn thì tâm lí lạ lẫm, chưa quen là hoàn toàn dễ hiểu. Từ suy nghĩ, cộng với sự bí bách trong việc tìm việc làm khiến không ít người trăn trở với nổi an cư. Có người chọn ở lại thích ứng nhưng cũng có người chọn ra đi, góp vào bức tranh ly hương đã buồn nay càng ảm đạm.

Đau ở đâu thì chữa ở đó, các cụm, tuyến dân cư, khu dân cư không có lỗi, người dân cũng không thể bó chân khi không có kế mưu sinh, nhà ở cách quá xa nơi làm ăn vốn đã quen thuộc hàng chục năm về trước. Người dân nào cũng mơ ước an cư lạc nghiệp thì giờ an cư đã có, còn lạc nghiệp vẫn còn là bài toán cần lời giải.

Trước mong mỏi chính đáng đó, chính quyền các địa phương cũng đang tranh thủ mọi nguồn lực thu hút các nhà đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu tại chỗ để người dân có việc làm, ổn định cuộc sống.

Dù bị mất nhà cửa, tài sản do thiên tai, nhưng những căn nhà được xây dựng lên ở khu dân cư, lộ xá rộng rải đã phần nào mang lại niềm vui, bù đắp thiệt hại cho người dân. Đây sẽ là động lực để hộ dân gặp khó khăn tiếp tục phấn đấu để vươn lên trong cuộc sống, sớm trở lại nhịp sống thường nhật.