Ký ức của nữ bác sĩ cứu sống 16 nạn nhân ngạt khói vụ cháy Carina
16 nạn nhân ngạt khói nguy kịch với những chiếc phổi phủ kín bụi than, cát và hôn mê sâu, vị bác sĩ đã liên tục đứng 12 tiếng đồng hồ để “lau chùi” những ống khói đen kịt ấy. Chị đã góp phần giữ lại 16 sinh mệnh trong thảm kịch hỏa hoạn Carina cách đây 5 năm.
Đêm định mệnh
Đêm 23/3/2018 định mệnh, tầm 2 giờ sáng các đồng nghiệp báo có rất nhiều nạn nhân của một vụ cháy đưa vào cấp cứu tại BV Chợ Rẫy. Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh - Trưởng phòng Nội soi Hô Hấp, BV Chợ Rẫy nhận tin và đánh giá đây là một thảm kịch chứ không hề như một vụ cháy thông thường.
Toàn thành phố như “báo động đỏ”, các bệnh viện như Nguyễn Tri Phương, BV Quận 6, Bệnh viện Triều An, Bình Tân, Quốc tế City... gần như mướt mồ hôi tiếp nhận bệnh nhân bỏng, ngạt khói từ vụ cháy Carina. Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM gần như hoạt động hết công suất, những chiếc xe cấp cứu hú còi khắp các tuyến đường, tải hàng chục lượt bệnh nhân đến các bệnh viện.
Như thường lệ nạn nhân nặng nhất chuyển về Chợ Rẫy. Nhận tin, bác sĩ Vân Thanh nhanh chóng gọi các đồng nghiệp yêu cầu nội soi phổi để tranh thủ từng tích tắc giành lấy từng sự sống cho bệnh nhân.
16 bệnh nhân kể cả bệnh nhi, đa số họ là những bệnh nhân vô danh nhập viện, người ám đầy bụi than đen kịt, trong tình trạng hôn mê sâu nguy kịch.
Ca trực của bác sĩ Thanh hôm ấy vào 6 giờ sáng, và chị đã đứng suốt 12 giờ để thực hiện nội soi phổi liên tục cho 16 bệnh nhân cho đến 6 giờ tối. Chị miệt mài một việc là “rửa” những khoang phổi ken đặc bụi than, cát.
“Nạn nhân vụ cháy Carina thực ra không phải bỏng do sức nóng, cũng không bỏng do lửa mà họ bỏng do ngạt khói. Và mình cũng thắc mắc trong phổi bệnh nhân có rất nhiều cát. Thành ra nếu chậm trễ việc nội soi hút bụi than, cát, rồi khói thì bệnh nhân tử vong gần như là điều chắc chắn”, BS Vân Thanh nhớ lại.
Mỗi bệnh nhân bị bỏng hô hấp thì trong phổi đầy bụi than, bác sĩ Thanh kể, cứ tưởng tượng phổi bệnh nhân có đến 20 cái ống khói đen kịt. Việc của chị là dùng thủ thuật, dụng cụ như “chổi” quét lau sạch 20 ống khói đó một cách tỉ mỉ, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân được thở trở lại.
Mỗi ca như vậy bác sĩ đứng từ 1-2 tiếng và tổng cộng chị làm 16 ca ròng rã.
Vết thương số phận
Trong số những nạn nhân cấp cứu tiếp nhận, bác sĩ Thanh tưởng chừng có lúc đã buông tay với hai bệnh nhân nặng nhất. Người thứ nhất là một nam thanh niên khoảng 30 tuổi, vào viện với toàn thân khói đen ám hết người.
“Lúc vào bạn hôn mê sâu cứ nghĩ trong lúc chạy bạn té và chấn thương sọ não. Cứ cách ngày là nội soi phổi, theo dõi chụp CT não và làm các kiểm tra khác. Cứ nghĩ bạn không qua khỏi vì hôn mê sâu đến 10 ngày liền”, bác sĩ Thanh kể.
Bệnh nhân ấy từng được báo giới thêm vào bớt ra, là nạn nhân “dự phòng” thứ 14 tử vong ở vụ cháy Carina. Sau hai ngày cha mẹ nạn nhân đến viện bác sĩ mới biết họ tên đầy đủ. Song, sự thật đau lòng là cả nhà gồm vợ, con và em vợ anh đã không qua khỏi trong vụ hỏa hoạn.
Vượt qua những ngày tháng chấp chới sinh-tử, bệnh nhân tỉnh dậy hỏi bác sĩ Thanh: “Vợ con em đâu rồi?”.
Trước tình thế đó chị Thanh bộc bạch: “Để bệnh nhân tiếp tục có một tinh thần ổn định tham gia điều trị thì buộc lòng mình nói dối. Mình nghĩ lời nói dối ấy không có tội. Mình chỉ nói “Vợ con em nằm ở bệnh viện khác”, chứ đó thực sự là cú sốc lớn. Phải 10 ngày sau mình mới nói với bạn rằng vợ con và em vợ bạn đã mất hết”.
Sau bi kịch bệnh nhân trở về sống với cha mẹ và không trở lại Carina.
Còn hoàn cảnh thứ 2 cũng xót xa không kém. Nữ bệnh nhân là một nhân viên ngân hàng chuẩn bị kết hôn, chị và hôn phu mua một căn hộ ở Carina đợi dọn về chung. Chị về sống trước thì bị hỏa hoạn nhập viện. Tính mạng được giữ lại nhờ bác sĩ cứu chữa kịp thời nhưng bệnh nhân không thể nói được nữa.
5 năm qua cứ gặp lại bệnh nhân của mình bác sĩ Thanh không khỏi thương cảm cho hoàn cảnh của cô gái không may mắn.
Bác sĩ Thanh chia sẻ: “Ở trong vụ cháy Carina bạn ấy cũng là người bị rất nặng, bỏng hô hấp trên dẫn đến sẹo hẹp, nên bị bít hoàn toàn vùng dây thanh quản. Bạn ấy không nói chuyện được nữa, mỗi lần vô đây tái khám chỉ toàn viết giấy cho mình thôi. Nhiều lần như vậy tôi có hỏi bạn về cuộc hôn nhân ấy thế nào? Thì bạn bảo đã chia tay với chàng trai kia và giờ trở thành một người mang thương tật suốt đời. Đó là một điều rất là buồn”.
Giữa những mất mát to lớn ấy, bác sĩ Thanh cũng an ủi phần nào khi có 1 gia đình 5 người được chị cứu sống.
Anh Nguyễn Thanh Sơn cũng nằm Hồi sức cấp cứu (ICU) hơn 10 ngày, phổi của anh cũng nám hết, rồi vợ anh cũng thế nằm viện 3 tuần. Hai con anh đứa lớn 1 tháng, đứa nhỏ 2 tháng và mẹ vợ thì tầm 3 tháng nằm viện. Trở về từ cõi chết, anh Sơn đang cùng gia đình vẫn sống ở căn hộ ở tầng 3, Lock A chung cư Carina. Và mỗi năm anh cũng những cư dân nơi đây không quên làm giỗ tưởng nhớ những con người không may mắn trong vụ tham kịch cách đây 5 năm.
Anh Sơn chia sẻ: "Lúc xảy ra vụ hỏa hoạn tôi tưởng là chết rồi nhưng không ngờ là sống được, không biết làm sao nữa luôn thấy số mình may mắn hơn những người khác. Giờ cuộc sống cố gắng vượt qua thôi chứ hoàn cảnh bắt buộc vậy thì biết sống sao giờ”.
Bác sĩ Vân Thanh suốt 5 năm qua đã trở thành một nhân chứng của thảm kịch, cũng là người nắm giữ câu chuyện buồn - vui của những nạn nhân năm xưa - phần ký ức phía sau thảm kịch ngày ấy.
Cả hành trình y nghiệp của mình bác sĩ Vân Thanh cũng từng chứng kiến bao mất mát, khoảnh khắc sinh tử, chị cũng ít nhiều bình tĩnh.
Nhưng đọng lại qua câu chuyện mà chị vô tình “vướng” vào sự kiện Carina, lắng đọng lại bác sĩ muốn chia sẻ rằng đó là vết thương dai dẳng không thể chữa lành.
“Những di chứng, vết thương theo tôi nghĩ nó còn dai dẳng với những người còn sống. Những người đã mất chúng ta không thể nói quên là quên được. Qua tất cả cho chúng ta một bài học rất lớn hiện thời cho những người làm những công việc xây những cái chung cư.
Những chủ đầu tư xây dựng chung cư phải có cái tâm –tầm, chuyện an toàn cư dân phải đặt lên hàng đầu. Đừng để xảy ra thảm kịch như Carina, để rồi hằn lại vết thương cuộc đời cho bao số phận”, bác sĩ Vân Thanh chia sẻ.
Khoảng 1h15 ngày 23/3/2018, sự cố dây dẫn điện của một xe máy trong hầm xe lô A của chung cư Carina Plaza (1648, Võ Văn Kiệt, quận 8, TP.HCM), gây cháy xe, sau đó ngọn lửa bùng cháy dữ dội. Gần 10 phút sau, hệ thống chiếu sáng khu vực tầng hầm bị tắt, khói, khí nóng, khí độc luồn theo lối buồng thang thoát hiểm dẫn lên các tầng nổi phía trên chung cư.
Vụ hỏa hoạn đã khiến 13 người chết, 60 người bị thương và gần 500 xe máy, 81 ô tô bị cháy. Tổng thiệt hại về tài sản khoảng 4.000 tỷ đồng.
Theo kết luận của Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại TP.HCM, nguyên nhân vụ cháy là do hệ thống dẫn điện của xe máy đặt tại khu vực khoang để xe máy số 6 xảy ra sự cố chập điện.
Sau 5 năm điều tra và tạm hoãn xét xử, vụ án về vụ hỏa hoạn Carina được đưa ra xét xử tại Tòa án Nhân dân TP.HCM vào sáng ngày 5 tháng 4 năm 2023.