Chắc chắn có hàng nghìn, hàng vạn câu chuyện khác của người dân về sự lo sợ, phiền toái, hoặc bức xúc khi chó mèo “vô tư” chạy nhảy trên đường phố, còn chủ vật nuôi thì phớt lờ các quy định của pháp luật.
Ngày 4/4/2022, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch 105 về việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn giai đoạn 2022-2030; trong đó, thành lập các đội bắt chó thả rông ở tất cả xã, phường, thị trấn, trước mắt ở các quận nội thành.
Đa số người dân đều ủng hộ chủ trương của Thành phố, song còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc xử lý với vật nuôi sau khi bị bắt vì thả rông, không rọ mõm.
Hàng vạn câu chuyện khác của người dân về sự lo sợ, phiền toái, hoặc bức xúc khi chó mèo “vô tư” chạy nhảy trên đường phố (Ảnh: VnExpress)
"Mình đi tập thể dục ngoài đường, có chủ chó nuôi những con chó rất là to mà họ cứ thả vậy thôi, bản thân mình là người lớn nhưng mình cũng cảm thấy e dè. Rồi là chuyện của bố mình, đang đi xe máy thì có một con chó từ trong ngõ lao ra, cụ bị ngã gãy xương sườn" - Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Minh Đức, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội khi nói về tình trạng chó thả rông đang diễn ra hằng ngày.
Và chắc chắn có hàng nghìn, hàng vạn câu chuyện khác của người dân về sự lo sợ, phiền toái, hoặc bức xúc khi chó mèo “vô tư” chạy nhảy trên đường phố, còn chủ vật nuôi thì phớt lờ các quy định của pháp luật.
Do vậy, hầu hết người dân đều đồng tình với chủ trương thành lập các đội săn bắt chó thả rông của Thành phố:"Chương trình này rất là hay. Chó chạy bên ngoài rất là mất vệ sinh, bệnh dại không biết đằng nào mà lường. Có trường hợp người chủ “câu ra câu vào” nặng nề với mình, mà chó nhà người ta sai hoàn toàn".
"Mình thấy ý tưởng đấy rất tốt, không chỉ cho người đi lại bình thường mà cả người sở hữu chó nữa, để cho họ tránh gặp rắc rối không cần thiết".
Bên cạnh đó, không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn về quy trình xử lý vật nuôi không có người đến nhận:
"Kiểu như chủ chó gửi sang nhà bạn khi họ có việc, người bạn có thể sơ suất để mất con chó, mà họ chưa có thời gian để đi tìm, có thể con chó đấy bị bắt chẳng hạn".
"Việc tiêu hủy chó em không đồng tình vì cảm thấy đó là sát sinh. Em nghĩ là có thể thành lập các trại chó để người ta đến nhận nuôi miễn phí chẳng hạn".
"Vấn đề này phải có thời gian. Người dân người ta nghe ngóng, một thời gian “lắng” xuống thì người ta lại đâu vào đấy, thì rất là khó".
Tại quận Long Biên, phường Thạch Bàn đã thành lập đội săn bắt chó thả rông và sẽ ra quân trong ngày 16/4. Ông Bùi Trí Đức, Phó chủ tịch UBND phường Thạch Bàn cho biết: "Tuyên truyền trên đài truyền thanh, xe lưu động, tuyên truyền trên trang fanpage. Sau đó, trong quá trình làm thì tùy từng trường hợp, mình sẽ ứng biến và xử lý.
Thứ hai là chuẩn bị cơ sở vật chất: lồng, găng tay, quần áo bảo hộ, vợt bắt chó. Một đội có khoảng 10 người, lực lượng từ tổ dân phố rồi công an, dân phòng. Chó thả rông ngoài đường đương nhiên bắt rồi, thứ hai là chó có chủ đang dắt nhưng không rọ mõm thì cũng bắt để xử lý".
Trong trường hợp chó thả rông bị bắt giữ mà sau 48 tiếng không có người đến nhận, phường Thạch Bàn dự kiến sẽ chuyển vật nuôi đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Thói quen, cách thức nuôi chó của người Việt đã hình thành từ hàng nghìn năm nay nên không dễ thay đổi, và những biện pháp “cứng” có thể gây ra sự phản ứng (Ảnh: VnExpress)
Tại một số địa phương khác, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân bắt đầu triển khai từ tối 14/4. Chó không có người đến nhận sau 48 tiếng cũng sẽ được đưa đến viện chăm sóc bảo vệ vật nuôi. Phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm đang chờ quyết định và hướng dẫn quy trình thực hiện.
Phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng đã thành lập đội săn bắt chó thả rông từ các kế hoạch trước, tuy nhiên chưa từng gặp trường hợp chủ vật nuôi không đến nhận. Do vậy, chính quyền địa phương cũng khá băn khoăn về cách thức xử lý, bởi vật nuôi là tài sản của người dân.
Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty luật Phạm Danh cho rằng, những quy định và biện pháp xử lý, tiêu hủy động vật vô chủ trong Kế hoạch mới ban hành của UBND thành phố còn chưa rõ ràng: "Giao cho UBND cấp xã có quyền quyết định, nhưng phải có quy định chi tiết, phù hợp với từng loại vật nuôi khác nhau. Như việc xử lý động vật thả rông không mắc bệnh dại thì sẽ khác với xử lý động vật có dấu hiệu mắc bệnh dại, chứ không phải cứ động vật vô chủ là mang đi xử lý hoặc tiêu hủy".
Việc xử lý vật nuôi khiến chuyên gia xã hội học, PGS. TS. Trịnh Hòa Bình nhớ lại việc một địa phương ở Cà Mau từng tiêu hủy 13 con chó của người dân trên đường về quê tránh dịch.
Theo ông Bình, thói quen, cách thức nuôi chó của người Việt đã hình thành từ hàng nghìn năm nay nên không dễ thay đổi, và những biện pháp “cứng” có thể gây ra sự phản ứng: "Thấy một cái gì đó nóng vội, “cơ học”. Các đội chuyên biệt đó xây dựng cũng tốn kém chi phí.
Có những việc khó hơn nhiều, đưa vào vận động quần chúng nhân dân thông qua vai trò của mặt trận, đoàn, hội,…, tại sao việc này không làm được ở cộng đồng? Việc đó có thể giải quyết bằng cố gắng chung của cộng đồng, chứ không phải bằng hoạt động nghe có vẻ dữ dằn, gây sốc".
Săn bắt và xử lý với chó thả rông chỉ là khâu cuối cùng. Nhưng lại cần có quy định cụ thể để gỡ các vướng mắc đã đề cập ở trên, giám sát thực hiện, để tránh lúng túng hoặc…làm bừa
Các đội săn bắt chó thả rông đã từng được thành lập tại TP.HCM từ những năm 2008-2009, hay thí điểm ở Hà Nội năm 2019, nhưng lần nào cũng vấp phải sự phản ứng, đối phó từ người dân và sau đó dừng lại vì không hiệu quả.
Lần này, Thành phố Hà Nội tiếp tục ra quân, nhưng hiệu quả đến đâu và kéo dài đến bao giờ - vẫn là những câu hỏi được đặt ra trong dư luận. Cùng đến với góc nhìn của VOV Giao thông: “Loay hoay với chó”.
Các quy định về bắt chó thả rông để phòng bệnh dại ở đô thị không hề mới, đã được Luật hóa trong NĐ 05/2007 của Chính phủ và thông tư 07 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn từ năm 2016
Tuy vậy, mỗi khi Hà Nội hay địa phương nào đó thông tin về việc bắt chó thả rông, người dân vẫn xôn xao. Là bởi những quy định liên quan trước đó, gần như chưa từng được thực hiện.
Cho đến bây giờ, rất nhiều người nuôi chó ở trung tâm thành phố vẫn ngơ ngác khi được hỏi, có đăng ký vật nuôi với chính quyền địa phương không. Cũng không thấy ai đến hỏi và yêu cầu khai báo, dù họ đã nuôi lâu năm.
Cũng bởi không có thông tin quản lý, mỗi khi có chó thả rông hay lạc chủ, các đội săn bắt chó chỉ có thể thông báo “qua loa” và đợi chờ trong thụ động. Mà loa phường thì nhiều nơi đã tắt từ lâu vì không còn hữu dụng, chỉ mới khôi phục gần đây, khi Covid hoành hành.
Quy định về việc xử lý với chó thả rông sau khi bị bắt cũng đang rất chung chung, khiến những người thực thi bối rối.
Chăm sóc lâu quá không được, bán thì không được phép vì vướng pháp lý, tiêu hủy cũng không dễ, vì phải xác định được đó là chó dại hoặc nghi dại, mà việc này cần thú ý cấp xã báo cáo lên cấp huyện, huyện báo lên tỉnh.
Hơn nữa, việc tiêu hủy hay đối xử thiếu nhân văn những vật nuôi được coi là bạn của con người, ngày càng vấp phải rào cản mạnh mẽ của đạo đức xã hội.
Nếu không giải quyết được những vướng mắc này, gần 600 đội săn bắt chó của Hà Nội sẽ lại tiếp tục…loay hoay.
Từ cách đây hơn một thế kỷ, những người nuôi chó ở Mỹ, ở Anh và nhiều quốc gia đã phải đăng ký và xuất trình cả giấy tờ mua bán, xuất xứ của mỗi con chó mà họ sở hữu. Những làn sóng săn bắt chó dại khi đó luôn tạo ra dư luận trái chiều giữa một bên là những người yêu chó, nuôi chó và những người không nuôi.
Ngay cả với việc rọ mõm chó khi đưa ra nơi công cộng, cũng là cả nỗi niềm với chủ chó. Bởi chỉ họ mới hiểu sự khổ sở của loài vật nuôi tinh khôn, nhạy cảm này khi phải mang chiếc rọ. Nhiều người trong số họ cũng thấy việc bắt đeo rọ là không cần thiết khi chó của họ đã được huấn luyện bài bản.
Vì thế, trước khi sốt sắng bố trí nhân lực, tập huấn kỹ năng săn bắt chó cho các đội chuyên trách, Hà Nội và các đô thị có lẽ nên tập trung vào công tác phòng ngừa nhiều hơn, và thực thi những quy định mang tính nền tảng.
Việc quản lý dữ liệu chó nuôi trên địa bàn không hề khó, với sự kết nối thuận lợi về thông tin và các giao thức trao đổi tiên tiến hiện nay. Người nuôi chó không ngại khai báo, chính quyền cũng không phải mất công đi gõ từng nhà nếu có công cụ khai báo tiện lợi, xác thực online.
Chủ vật nuôi ngày nay cũng đã rất ý thức về việc tiêm phòng, chăm sóc sức khỏe cho thú cưng của mình, chính quyền chỉ cần rà soát, nhắc nhở và hỗ trợ cung cấp dịch vụ cho họ.
Có dữ liệu quản lý, các địa phương sẽ chủ động nhắc nhở chủ chó thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khi đưa vật nuôi ra nơi công cộng. Đường dây nóng để người dân thông báo khi phát hiện trường hợp không chấp hành cũng hết sức đơn giản.
Những công viên, vườn hoa, thảm cỏ cần thêm biển hướng dẫn về việc có được cho phép đưa thú cưng tới hay không, và điều kiện kèm theo để đảm bảo an toàn, vệ sinh cho mọi người.
Dữ liệu quản lý vật nuôi cũng là cơ sở giúp các địa phương dễ xử lý hơn sau khi bắt chó thả rông. Việc công khai địa chỉ các nơi quản lý trông giữ chó bị bắt giúp chủ vật nuôi dễ liên hệ giải quyết.
Săn bắt và xử lý với chó thả rông chỉ là khâu cuối cùng. Nhưng lại cần có quy định cụ thể để gỡ các vướng mắc đã đề cập ở trên, giám sát thực hiện, để tránh lúng túng hoặc…làm bừa.
Trong nỗ lực thanh toán bệnh dại, bảo đảm an toàn cho cộng đồng và xây dựng đô thị văn minh, các quy định về bắt chó thả rông, bắt buộc đeo rọ mõm cho chó khi ra nơi công cộng là cần thiết.
Song, để đạt hiệu quả, tránh đánh trống bỏ dùi ,thì cần bắt đầu từ khâu quản lý việc nuôi, và tiếp cận từ cả lợi ích cộng đồng lẫn chủ vật nuôi để tạo sự đồng thuận, thay vì biến nó thành một “cuộc chiến” hoặc phong trào.
Như VOV Giao thông quốc gia đã từng đề cập về thực trạng kinh doanh xe điện trẻ em ở không gian đi bộ Hồ Gươm không chỉ gây nhếch nhác, ảnh hưởng tới bộ mặt của Thủ đô mà còn khiến người dân và du khách lo lắng.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy 7/13 hệ thống tàu metro tại Ấn Độ đang gặp khó khăn khi thậm chí không đạt nổi 10% số lượng hành khách ước tính. Đây là một con số đáng báo động đối với những dự án tiêu tốn hàng chục tỷ rupee. Vậy điều gì đang cản trở người dân đô thị sử dụng metro?
Một con số đáng chú ý mà Cục Thống kê vừa công bố là hiện có hơn 1,35 triệu thanh niên trong độ tuổi 15-24 không đi học, không có việc làm và cũng không tham gia đào tạo. Tỷ lệ thanh niên không đi học cũng không đi làm có xu hướng tăng lên, đang chiếm 10,4% tổng số thanh niên.
Trong kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh trên biển là hiện thân của lòng quả cảm, ý chí sắt đá; một huyền thoại có thật, một kỳ tích của dân tộc Việt Nam anh hùng; góp phần to lớn làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Gần tới ngày 30/4 dự báo rất đông du khách trong và ngoài nước sẽ đến TP.HCM tham quan du lịch, tham dự những sự kiện lớn nhân 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Thời điểm này trùng với đợt nắng nóng gay gắt của Nam bộ, thời tiết sẽ chuyển mùa kèm theo nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan.