Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Giáo sư người Úc đến Việt Nam, tạo ra nhiều đôi tay mang phép lạ Giáo sư người Úc đến Việt Nam, tạo ra nhiều đôi tay mang phép lạ

Giáo sư người Úc đến Việt Nam, tạo ra nhiều đôi tay mang phép lạ

Phan Nhơn   •   7:51 27/02/2025

Gần một thập kỷ trở lại đây, chúng ta bắt đầu được nghe, được chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về những người hiến tạng đã cho đi một phần thân thể của mình, để giúp hồi sinh biết bao bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Ít ai biết rằng, để có những phẫu thuật viên tài hoa thực hiện các kỹ thuật cực kỳ khó này, đã có những chuyên gia nước ngoài dành trọn tình cảm và nhiệt huyết giúp đỡ đội ngũ chuyên gia Việt Nam, cầm tay chỉ việc, dìu dắt từ những học sinh “tiểu học” trong ngành ghép tạng cho đến ngày tốt nghiệp. Trong đó, phải kể đến một thầy thuốc đặc biệt đến từ nước Úc – Giáo sư Richard Allen.

NHỮNG CUỘC ĐỜI NGHÈO HỒI SINH

7 năm qua, anh Trịnh Đình Đạt (34 tuổi, quê ĐắK Nông) không thể thể nào quên khoảnh khắc mình đã sống thêm một cuộc đời mới nhờ trái tim hiến tặng từ một người xa lạ. Lúc bạo bệnh ập đến, gia đình khánh kiệt, anh Đạt tưởng đã buông xuôi.

Bỗng một ngày, anh nhận tin được ghép tim từ người khác. Hồi hộp, ngỡ ngàng, vừa mừng vừa lo, anh gom vay mượn được chưa đến 20 triệu đồng, lên TPHCM chữa bệnh. Nhờ mạnh thường quân hỗ trợ, và hơn hết bằng nhờ các tiêu chí hòa hợp xét nghiệm, anh là người phù hợp nhất để được ghép tim, và là bệnh nhân được ghép tim đầu tiên của BV Chợ Rẫy.

Đến nay trái tim đang rộn ràng cùng anh trong một cuộc đời mới: “Giờ mình đã trở lại cuộc sống bình thường, bác sĩ thông báo rằng mình vẫn có khả năng sinh con như một người bình thường. Và như bác sĩ thông báo mình có tìm hiểu rồi chuẩn bị lên kế hoạch kết hôn với một bạn nữ ở ngoài miền Trung. Bây giờ cuộc sống của mình trên cả cả tuyệt vời, mình có thể tự lo bản thân, có công việc hỗ trợ gia đình một ít, một ít mình gửi lại cho xã hội, cho đất nước phần nào đó”.

Một khối tim được lấy ra từ người hiến tặng, các bác sĩ Chợ Rẫy sẽ xử lý quả tim để vận chuyển đến Hà Nội ghép cho một bệnh nhân suy tim

Một khối tim được lấy ra từ người hiến tặng, các bác sĩ Chợ Rẫy sẽ xử lý quả tim để vận chuyển đến Hà Nội ghép cho một bệnh nhân suy tim

Bà Trần Hoàng Bích Cẩm (55 tuổi, quê Bình Định) có hai con, một gái, một trai cùng lúc suy thận. Những tháng ngày đằng đẵng ở BV Nhi đồng 2 đứa con chạy thận mỗi tuần, bà từng nghĩ rằng đó là hành trình “sống mòn” theo con. Khuôn mặt khắc khổ đầy nếp nhăn, dáng người nhỏ thó trong bộ đồ bạc màu. Ngày ngày bà Cẩm bán vé số, làm tạp vụ để bám trụ lại TP.HCM chữa trị cho con.

Bà nhớ như in buổi chiều ngày 25/2/2023, cuộc gọi từ Chợ Rẫy báo rằng con gái lớn bà phù hợp với 1 quả thận người hiến chết não, cần đưa bé vào viện gấp: “Buổi chiều đó mình nhận 240 tờ vé số đi bán thì nhận tin cô Yến - điều dưỡng gọi, mừng quá tôi quăng mất cọc vé số để đưa con vào viện. Khi vào viện mừng nhất giây phút bé lên bàn mổ, bé nói “giấc mơ của con thành hiện thực rồi mẹ ơi” mình động viên con ráng vượt qua để có sức khỏe trở về cuộc sống bình thường như bao người khác”.

Em Phạm Trần Lê Trân – con gái bà Cẩm vừa đủ 16 tuổi hơn 20 ngày, là bệnh nhân trẻ nhất ghép thận từ người cho chết não ở Chợ Rẫy. Sau ghép thận, em đã trở lại trường học. Được cất đi nửa gánh nặng, người mẹ nghèo lại nhen nhóm hy vọng có một phép lạ cho đứa con út của mình, cũng đang chạy thận ở đây.

Anh Đạt, bé Trân, những bệnh nhân nghèo, kiệt cùng vì bạo bệnh, tưởng sự sống chỉ còn lay lắt như ngọn đèn trước gió, nhưng thật kỳ diệu, món quà đã bất ngờ đến với họ từ những người hiến tạng, và nhờ những bàn tay mang “phép lạ” của đội ngũ bác sỹ thực hiện kỹ thuật này. Và đó là một hành trình nhiệm màu, nhờ tấm lòng của những người bạn lớn.

Một ca phẫu thuật lấy đa tạng của người hiến tặng gồm rất nhiều ê-kíp phối hợp nhịp nhàng để lấy tạng phủ tốt nhất cho người bệnh

Một ca phẫu thuật lấy đa tạng của người hiến tặng gồm rất nhiều ê-kíp phối hợp nhịp nhàng để lấy tạng phủ tốt nhất cho người bệnh

“TẤM LÒNG” TRƯỚC “TẤM LÒNG CỨU NGƯỜI”

Giáo sư Richard Allen, người Úc, đến từ Hội Ghép tạng Thế giới, người bạn âm thầm hỗ trợ ngành ghép tạng Việt Nam suốt hơn 10 năm, từ 2009 đến 2019. Ông nguyên là Trưởng khoa ghép tạng BV Westmead (Úc), thành viên của Hiệp Hội Ghép tạng thế giới và Hội ghép tạng Úc-New Zealand.

Lần đầu ông đến Việt Nam là từ một chương trình đào tạo liên tục thận học tại BV Đại học Y dược TP.HCM. Biết GS Allen có vai trò và uy tín lớn trong Hội ghép tạng Thế giới, PGS. TS Trần Thị Bích Hương, khi đó là Phó trưởng khoa Thận, BV Chợ Rẫy đã giới thiệu ông với GS Trần Ngọc Sinh, nguyên là TK Tiết niệu BV Chợ Rẫy, với mong muốn tìm kiếm sự giúp đỡ để BV Chợ Rẫy làm chủ kỹ thuật ghép tạng, trở thành một trung tâm ghép hàng đầu Việt Nam.

Giáo sư Allen và ê-kíp ghép gan của Bệnh viện Chợ Rẫy

Giáo sư Allen và ê-kíp ghép gan của Bệnh viện Chợ Rẫy

Gặp bà Bích Hương, tiếp xúc với các chuyên gia đầu ngành và lãnh đạo BV Chợ Rẫy, cảm động trước tấm lòng tha thiết cứu người của các đồng nghiệp, GS Allen đã quyết định cùng BV Westmead giúp đỡ Chợ Rẫy thực hiện ước mơ này.

PGS Trần Thị Bích Hương chia sẻ: “Sau đó năm 2012 là cột mốc ký kết với bệnh viện Westmead (Úc), vì mất một năm làm hồ sơ. Đại diện Chợ Rẫy ký khi đó là tôi, và tôi có hỏi ý kiến PGS Nguyễn Trường Sơn là giám đốc, ông rất ủng hộ.

Tôi cũng báo cáo rằng chương trình này rất gắt gao, mỗi năm báo cáo một lần, hai năm đưa ra hội đồng để người ta xét duyệt xem mình có lên lớp được không. Nhưng mình phải vẽ ra một chương trình đủ 6 năm để họ thấy được mục tiêu toàn diện mình muốn phát triển những gì”.

Các bác sĩ đang truyền dịch nhằm bảo quản quả tim cho chuyến hành trình dài hơn 1700km

Các bác sĩ đang truyền dịch nhằm bảo quản quả tim cho chuyến hành trình dài hơn 1700km

TỪ KHÔNG NGƯỜI ĐIỀU PHỐI… ĐẾN XÂY DỰNG HỆ THỐNG TOÀN DIỆN

Chương trình liên kết sẽ giúp phát triển toàn diện về 3 mặt: Điều phối, xét nghiệm miễn dịch và phẫu thuật lấy đa tạng. Ở cấp độ C của ngành ghép tạng, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy khi đó chưa thể hình dung sẽ điều phối một ca ghép đa tạng ra sao, làm xét nghiệm thế nào nhanh nhất và cách lấy tạng thế nào để đảm bảo tốt nhất cho người nhận.

Về vị trí điều phối, khi đó hệ thống của Việt Nam cũng chưa ai có thể tưởng tượng ra vị trí người này sẽ làm gì. GS Allen đã tặng 2 suất học bổng để Việt Nam có 2 người sang Úc học về điều phối, một bác sĩ ở Việt Đức ( Hà Nội) và một ở Chợ Rẫy là TS. BS Dư Thị Ngọc Thu.

Tại đây, người học được đến tất cả trung tâm ghép của Úc học, trực tiếp vào phòng mổ, tham gia vận chuyển tạng và đặc biệt học cách tiếp cận với người có tiềm năng hiến tạng.

“Giáo sư nói rằng hệ thống của mình không có gì hết trơn nếu mình ghép từ người cho chết não. Không ai hình dung bây giờ hiến tạng từ cho chết sẽ trục trặc, khó khăn gì. Một trong số đó là mình không có điều phối, có nghĩa mình không tiên lượng được một người có thể hiến đa tạng, vì lúc đó nhóm thận chỉ nghĩ ra thận thôi.

Vậy làm sao đẻ ra được người này, và người này sẽ làm gì? Dù ông đã đưa một người chuyên về điều phối qua đây dạy nhưng cũng không ai tưởng tượng ra. Vì vậy, ông yêu cầu phải có 1 người qua Úc học điều phối”, TS. BS Dư Thị Ngọc Thu chia sẻ.

Các bác sĩ xử lý các bộ phận như gan, thận sau khi lấy ra khỏi cơ thể người hiến

Các bác sĩ xử lý các bộ phận như gan, thận sau khi lấy ra khỏi cơ thể người hiến

… ĐẾN KỶ LỤC ĐIỀU PHỐI CỨU NGƯỜI XUYÊN NAM - BẮC

Không chỉ là giáo sư ghép tạng, Allen còn là chuyên gia về phẫu thuật mạch máu. Ông tiếp tục hỗ trợ các kỹ thuật về mạch máu cũng như hệ thống xét nghiệm miễn dịch, giúp công việc rút ngắn từ 1 ngày xuống 1 giờ.

Điều này có ý nghĩa vô cùng lớn, giúp nhiều quả tim, lá gan có thời gian sống ngoài lồng ngực, vượt qua hàng ngàn km vận chuyển mà vẫn được ghép thành công, nhờ đó có thể cứu thêm hàng chục người bệnh mỗi năm.

Cuối cùng, GS Allen tuyển chọn riêng 1 bác sĩ đủ đức, đủ tài qua Úc học về lấy tạng. Thường trong ngành, mỗi phẫu thuật viên chỉ lấy một bộ phận, riêng phẫu thuật viên Việt Nam được học lấy đa tạng, và học cả ghép tạng nhi.

Phẫu thuật viên này sau khi về nước chỉ cần nhận tin một trường hợp cần hiến tạng, sẽ tức tốc lên đường đến tận nơi lấy tạng, vận chuyển về bệnh viện và ghép cho bệnh nhân, thay vì tất cả người bệnh và người cho tạng phải về Chợ Rẫy để thực hiện cùng lúc việc lấy – ghép như trước.

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu - Người được nhận xuất học Bổng đầu tiên về Điều phối ghép tạng của GS Allen qua Úc vào năm 2013

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu - Người được nhận xuất học Bổng đầu tiên về Điều phối ghép tạng của GS Allen qua Úc vào năm 2013

TS. Dư Thị Ngọc Thu, Khoa Tiết niệu BV Chợ Rẫy – người được cử sang Úc học điều phối, sau khi về nước đã được phân công phụ trách Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại BV. Chợ Rẫy ngày 17/6/2014.

Tiếp cận hàng trăm gia đình người bệnh chết não có tiềm năng hiến mô-tạng và nhận được sự đồng thuận của 41 gia đình, nhận được 143 mô-tạng để cứu cho 143 người bệnh, trong đó có kỷ lục “Người tổ chức điều phối tạng hiến với hành trình dài nhất từ Nam ra Bắc cứu người” vào năm 2017.

Đến nay, bà đã góp công rất quan trọng cùng các cộng sự vận động được gần 60.000 người đăng ký hiến tạng tại Chợ Rẫy sau khi qua đời: “Số người đăng ký hiến tạng hiện đã gần 60.000 người và càng đông hơn nữa khi có sự đăng ký tình nguyện của Thủ tướng chính phủ.

Như vậy trách nhiệm của chúng ta làm sao quy trình được chặt chẽ hơn, có những quy trình làm việc xuyên suốt cả nước. Để chứng minh sự điều phối, tuyển chọn những người bệnh trên danh sách chờ ghép tiếp cận tạng hiến để ghép một cách minh bạch và công bằng”.

Giáo sư Allen làm việc với Khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) cùng với hai chuyên gia đến từ ÚC, và hai người này sẽ thay thế vai trò hỗ trợ Chợ Rẫy khi ông về hưu

Giáo sư Allen làm việc với Khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) cùng với hai chuyên gia đến từ ÚC, và hai người này sẽ thay thế vai trò hỗ trợ Chợ Rẫy khi ông về hưu

NHỮNG TẤM LÒNG GỌI NHỮNG TẤM LÒNG

Số cuộc gọi đến viện Chợ Rẫy để đăng ký hiến tạng đã tăng gấp 3 lần, và phần lớn cuộc gọi đều cho kết quả.

Với PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, GS Allen là người thầy, người bạn lớn, là cầu nối cho Hội ghép tạng Việt Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy có cơ hội tiếp cận các chuyên gia nước ngoài đến mở các lớp đào tạo liên tục. Thầy thuốc Việt Nam học được ở ông không chỉ là những kỹ thuật chuyên ngành vô cùng quý giá, mà còn ở những yêu cầu đặc biệt của y đức:

“Cái chúng tôi học tập được từ GS Allen chính là đồng bộ hóa các khâu, giai đoạn để có thể tuyển chọn được những tạng phủ còn khỏe mạnh để giúp đỡ người nhận tạng có cuộc sống, chất lượng sống tốt hơn. Có thể nói sự giúp đỡ của GS Allen là vô điều kiện.

Giáo sư chỉ đau đáu làm sao hệ thống của ta phát triển và những người dân mắc bệnh lý mãn tính được quyền và cơ hội nhận tạng ghép có một cuộc sống tốt. Đặc biệt giáo sư luôn truyền lửa cho chúng tôi phải luôn luôn minh bạch, công khai hoàn toàn không vụ lợi để tạo nên một nền y tế phục vụ người dân”.

Giáo sư Allen còn là một chuyên gia về mạch mạch máu ông đang thảo luận về một ca ghép thận vào năm 2015

Giáo sư Allen còn là một chuyên gia về mạch mạch máu ông đang thảo luận về một ca ghép thận vào năm 2015

Hành trình 6 năm từ cấp độ C trong ngành ghép tạng, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tốt nghiệp ở cấp độ A, GS Allen tự hào về những học trò chịu khó học hỏi, lên lớp đều và tốt nghiệp. Đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đang tiếp tục đỡ đầu bệnh viện Thống Nhất trong ghép tạng dưới mô hình bệnh viện “chị - em”, bộ 3 dưới sự giám sát của BV Westmead với hành trình 6 năm kế tiếp.

Đằng sau những sinh mệnh chấp chới được nắm tay vượt qua cửa tử, được sống lại cuộc đời mới với trái tim, lá gan, lá phổi khỏe khoắn, là hình ảnh những bác sĩ cúi chào tiễn biệt tri ân người hiến tạng, là những chuyến bay đặc biệt, những chiến sỹ cảnh sát giao thông khẩn cấp mở đường cho xe vận chuyển trái tim đến viện, chạy đua với từng khoảnh khắc thời gian.

Và, đằng sau hành trình kỳ diệu ấy, là người thầy thuốc với trái tim yêu thương bỏng cháy, với khát vọng mãnh liệt cứu người, để viết tiếp những ước mơ suýt dở dang vì bạo bệnh. Giáo sư Allen, người mà các đồng nghiệp Việt Nam gọi với cái tên thân thương: “Đôi bàn tay mang phép lạ”!

Những cộng sự của giáo sư Allen thuộc Hội thận học thế giới đến khảo sát Bệnh viện Thống Nhất để hỗ trợ theo mô hình chị em, bộ 3: Bệnh viện WESTMEAD (ÚC) - Bệnh viện Chợ Rẫy - Bệnh viện Thống Nhất sau năm 2021 khi Allen về hưu

Những cộng sự của giáo sư Allen thuộc Hội thận học thế giới đến khảo sát Bệnh viện Thống Nhất để hỗ trợ theo mô hình chị em, bộ 3: Bệnh viện WESTMEAD (ÚC) - Bệnh viện Chợ Rẫy - Bệnh viện Thống Nhất sau năm 2021 khi Allen về hưu

Giáo sư Allen đã đưa nhiều chuyên gia giỏi qua Việt Nam hỗ trợ các bác sĩ, đặc biệt là tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Giáo sư Allen đã đưa nhiều chuyên gia giỏi qua Việt Nam hỗ trợ các bác sĩ, đặc biệt là tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Năm 2013 Giáo sư Allen và đồng nghiệp Chợ Rẫy thăm khám cho một bệnh nhân Việt Nam

Năm 2013 Giáo sư Allen và đồng nghiệp Chợ Rẫy thăm khám cho một bệnh nhân Việt Nam

Giáo sư Allen thăm hỏi một bệnh nhân Việt Nam

Giáo sư Allen thăm hỏi một bệnh nhân Việt Nam