Giải pháp chống đứt gãy chuỗi sản xuất sau Tết
Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, giảm lao động. Các doanh nghiệp nỗ lực duy trì, không để gián đoạn dứt gãy chuỗi sản xuất ra sao?
TP.HCM cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau Tết?
"Trước Tết, mình mất khoảng 20% đơn hàng đối với 1 doanh nghiệp phần mềm thì đó là sự cố rất lớn. Sau Tết tình hình tiếp tục chuyển biến không thuận lợi mấy trong kinh doanh, các đơn hàng ở Mỹ cũng gặp nhiều khó khăn cũng có dấu hiệu khách hàng sẽ cắt hợp đồng".
"Hiện tại đầu ra khó khăn, thị trường bị động ngành dệt may bán theo mùa, thị trường giảm mua, tồn hàng đầu ra… điều này khiến dòng tiền bị thiếu hụt"
"Qua Tết không có nhân viên nghỉ việc, thiếu lao động kỹ sư lành nghề, lao động chất lượng cao".
Do ảnh hưởng của lạm phát, từ cuối tháng 7/2022 cho đến nay, ngành Dệt may TP đã nỗ lực giải quyết các vấn đề về lao động, chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu, thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm... Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay tình hình vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh so với cuối năm. Toàn ngành lượng hàng sản xuất vẫn chưa đáp ứng được so với năng lực sản xuất của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng.
Theo ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM: hiện có khoảng 22% doanh nghiệp có đơn hàng vẫn duy trì được sản xuất đều đặn, 31% doanh nghiệp giữ được ổn định, 46% doanh nghiệp thiếu đơn hàng: “Bước sang tháng 2,3, lượng hàng nói chung đối với các doanh nghiệp là thiếu hàng. Bây giờ do giảm mua đầu vào tại Châu Âu, Mỹ, thị trường Nhật nên nói chung ngành dệt may bị ảnh hưởng nặng bởi đầu ra, không có đơn hàng để sản xuất, thị trường tiêu thụ sức mua giảm”.
Để giải quyết những khó khăn này, ông Việt cho biết: các doanh nghiệp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như tăng thị trường nội địa, đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu sang Úc, Canada .. để tìm kiếm những đơn hàng mới; Giảm chi phí, cấu trúc lại bộ máy, tiếp tục tìm nguồn vốn để tái đầu tư về công nghệ, giảm bớt lao động, thành đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh.
Các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách lương thưởng tết, trả lương trả việc, theo tiêu chuẩn vùng, mức lương tối thiểu để giữ chân người lao động. Kết quả, sau tết công nhân quay trở lại làm việc khá đầy đủ từ 95-98 %.
Bên cạnh những nỗ lực từ phía doanh nghiệp, ông Việt cũng đề xuất: “Đề nghị Chính phủ tiếp tục giảm, hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp đến hết năm 2023 để giúp doanh nghiệp cải thiện dòng tiền. Thứ hai là đề nghị ngân hàng nhà nước giữ nguyên lãi suất không tăng ít nhất trong 6 tháng, Hiện nay, lãi suất ngân hàng chúng ta 13-15% là quá cao. Doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 8% trong khi đó phải trả lãi 13-15%, không có doanh nghiệp nào dám phát triển, mở rộng hoặc dám vay để tái đầu tư.”
Ngành điện tử - Công nghệ thông tin cũng không tránh khỏi “vòng xoáy” lạm phát. Trước Tết, Công ty Innotech Viet Nam Corooration (quận Tân Bình, TPHCM) bị cắt giảm 20% đơn hàng từ thị trường Mỹ. Tuy nhiên, với chiến lược đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, chỉ trong vòng 2 tháng, doanh nghiệp đã phục hồi, bắt nhịp sản xuất. Sau Tết, doanh nghiệp bắt đầu ký kết các đơn hàng mới nên thiếu lao động chất lượng cao, hiện cần tuyển dụng bổ sung 20-30 kỹ sư lành nghề.
Ông Nguyễn Vũ Linh – Founder and CEO Công ty Innotech Viet Nam Corporation cho biết: “Chúng tôi có 4 thị trường chính: Mỹ, Úc, Nhật và Việt Nam. Với những trường hợp Mỹ gặp khó khăn thì ngược lại đối tác Nhật hoặc Úc có thể duy trì phát triển hơn. Chúng tôi cũng tích cực phát triển thị trường Việt Nam, chuyển hướng để kiếm thêm nhiều đơn hàng hơn bù vào đơn hàng thiếu hụt.
Ngoài ra, Innotech cũng dùng quỹ tài chính riêng của mình để tăng chính sách phúc lợi cho nhân viên. Để thu hút thêm nhiều nhân tài, song song với việc quảng cáo, tuyển dụng; nâng cao quảng bá hình ảnh công ty để mọi người nhận diện được tin tưởng đầu quân vào công ty chúng tôi”
Công ty thực phẩm Bình Tây (quận 7, TPHCM) những tháng đầu năm tất bật với các đơn hàng xuất khẩu. Do đang mở rộng nhà máy sản xuất, công ty thiếu 50-100 lao động phổ thông.
Để giữ chân cũng như thu hút nguồn nhân lực, Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty thực phẩm Bình Tây chia sẻ về những chính sách đãi ngộ của công ty: “Công ty chúng tôi thường xuyên đào tạo công nhân, nâng cao, đổi mới thiết bị công nghệ tăng cường quản lý và sử dụng công nghệ ứng dụng vào nhà máy. Nang cao đời sống của người lao động, đối với công ty Bình Tây, 100% NLĐ có bảo hiểm y tế, được khám chữa bệnh ở nơi tốt nhất. Đặc biệt, chúng tôi đều có những chính sách, đối với con cái của họ (công nhân) tài trợ cho đi học, tiểu học là 500 nghìn/tháng, trung học 1 triệu/tháng và đại học là 1.5 triệu/tháng”.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu đổi mới và phát triển bền vững, Nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, thống kê từ các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, sau tết nhân công quay trở lại làm việc tương đối đủ, ít nhảy việc. Tình trạng thiếu lao động không đáng lo ngại như những năm trước, nhưng khan hiếm lao động chất lượng cao. Bên cạnh đó, là áp lực về thị trường, tiếp cận nguồn vốn vay.
Ông Hưng đề xuất: “Bộ Công thương cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhiều trong việc khai thác các thị trường mới. Hiện nay, các doanh nghiệp đa số thiếu vốn, các DN cũng mong muốn mình được tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là vốn ưu đãi, các gói hỗ trợ của nhà nước. Do đó, nhà nước cũng nên nghiên cứu có những gói hỗ trợ về mặt tài chính. Đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện không thể huy động vốn thì quỹ bảo lãnh tín dụng nên bão lãnh các doanh nghiệp không đủ điều kiện để DN vay vốn sản xuất kinh doanh”.
Sau Tết, các doanh nghiệp ở TPHCM đều có những khó khăn riêng, các doanh nghiệp cũng đã chủ động tháo gỡ, duy trì sản xuất – kinh doanh. Ngay từ cuối năm 2022 đầu năm 2023, các sở, ngành, địa phương của TPHCM cũng đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tránh dứt gãy chuỗi sản xuất.
Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, dòng tiền, nguồn lao động… thì cần có một chính sách “đột phá” hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp, lấy lại sức tăng trưởng trong thời gian tới.
Đây cũng là nội dung bình luận: “Lắng nghe và giải quyết ngay các khó khăn cho doanh nghiệp và người sản xuất”.
Chưa khi nào làm ăn khó khăn như lúc này. Đó là tâm sự chung của nhiều doanh nghiệp mà phóng viên VOV Giao thông có dịp tiếp xúc. Không chỉ có các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngay cả người bán buôn, bán sỉ và bán lẻ đa số đều có chung câu trả lời này. Trong đó nhất là các ngành như dệt may, bất động sản, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
Theo các doanh nghiệp, với mức lãi suất vay của ngân hàng cao ngất ngưởng lên tới hơn 15% như hiện nay, không đơn vị sản xuất nào làm ăn có lãi. Đó là chưa kể chính sách về thuế chưa có nhiều ưu đãi; chi phí mặt bằng vẫn tăng; nhân công lao động ngày càng khó tuyển. Chưa kể do thị trường bị thu hẹp; đơn hàng không có buộc nhiều doanh nghiệp phải làm theo hình thức cách nhật, ngày làm ngày nghỉ để giữ chân công nhân.
Rồi hàng loạt các chi phí khấu hao máy móc, thiết bị; chi phí điện, nước; nguyên liệu, nhiên liệu liên tục biến động theo chiều hướng tăng, gây áp lực rất lớn lên hoạt động sản xuất. Nếu hạch toán lời lỗ, nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa.
Tuy vậy vì nhìn về tương lai, duy trì đời sống cho hàng trăm ngàn công nhân nên nhiều doanh nghiệp ráng cầm cự để vượt qua giai đoạn thắt ngặt để duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Theo dự báo, năm nay, tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, khi tác động của chiến tranh, dịch bệnh còn kéo dài. Thị trường tiêu thụ hàng hóa vẫn chưa có hướng mở rộng.
Ở trong nước, chính sách thắt chặt tín dụng để tránh lạm phát vẫn tiếp tục được thực hiện nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Nguồn cung lao động gặp khó khi nhiều người về quê không quay trở lại làm việc. Tình trạng giá xăng dầu; điện nước tăng sẽ đẩy giá thành sản xuất lên cao; hàng hóa làm ra khó mà có lời nhiều; thậm chí có mặt hàng càng làm càng thua lỗ.
Doanh nghiệp lúc này rất cần một chính sách đồng bộ, nhất quán nhưng linh hoạt về tín dụng để có vốn đầu tư tái sản xuất với lãi suất ưu đãi cho những đơn vị sản xuất thực sự. Việc cải cách hành chính dù được coi là trọng tâm ở nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh nhưng chuyển biến vẫn còn chậm. Thủ tục ở nhiều nơi vẫn còn rườm rà; hồ sơ của người dân và doanh nghiệp bị “ ngâm” quá hạn định còn xảy ra thường xuyên.
Bệnh” sợ trách nhiệm” có dấu hiệu lan tràn, khi nhiều cấp, nhiều ngành lạm dụng việc kính chuyển để đá quả bóng đi nơi khác. Hồ sơ vì thế không biết khi nào mới có kết quả. Chưa kể, ngay lực lượng chức năng như thị trường, thuế ở một số nơi có biểu hiện sách nhiễu nhưng không dễ điểm mặt, chỉ tên vì doanh nghiệp đều ngại.
Vấn đề tuyển dụng lao động có tay nghề cao, gắn bó với nhà máy, xí nghiệp ngày càng khó. Việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường để doanh nghiệp tự bơi là bất khả thi mà phải có vai trò bà đỡ của cơ quan quản lý nhà nước dẫn đường may ra mới có hy vọng.
Rõ ràng, doanh nghiệp và người sản xuất đang đứng trước hàng loạt những khó khăn, khó vượt qua. Lúc này, các đơn vị công quyền phải xắn tay khơi thông những ách tắc này. Cái nào giải quyết được ngay thì làm dứt điểm; cái nào phải chờ đợi thì thông báo để doanh nghiệp yên tâm chờ đợi. Các rào cản, biểu hiện tiêu cực phải bị xử lý triệt để.
Người đứng đầu các đơn vị cần nêu gương, gắn bó với thực tế đời sống và sản xuất; sâu sát, lắng nghe và giải quyết kịp thời các bức xúc của doanh nghiệp và người dân. Để bộ máy cùng chuyển động; tạo điều kiện thực sự tốt nhất cho hoạt động sản xuất cùng phát triển.