Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

ĐBSCL: Khôi phục trữ nước ngọt kiểu truyền thống để ứng phó với hạn mặn

Phóng viên - 04/04/2020 | 10:21 (GTM + 7)

Trước những tác động mạnh mẽ của hạn, mặn, ngoài những công trình cống, đập đã được đầu tư vận hành thì tại nhiều vùng nông thôn ĐBSCL, người dân đã áp dụng những giải pháp trữ nước xuất phát từ chính kinh nghiệm trong đời sống.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

Những kênh, rạch cạn đáy trong mùa khô năm nay. Ảnh: Vietnamnet

Chủ động tích trữ nước ngọt

“Hạn, mặn năm nay gay gắt và khốc liệt hơn cả giải đoạn 2015 – 2016” – đây không còn là những thông tin cảnh báo trên báo, đài hay các phương tiện truyền thông mà thực tế đã xảy ra.

Theo Bộ NN&PTNT đánh giá, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong năm nay xảy ra trên diện rộng, trải dài từ Bắc bộ, miền Trung, Tây Nguyên và đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực ĐBSCL.

Thực tế cho thấy, lượng mưa và dòng chảy ở thượng nguồn đã suy giảm, khiến xâm nhập mặn xuất hiện sớm và sâu hơn so với trung bình nhiều năm; thậm chí một số nơi tương đương hoặc sâu hơn cùng kỳ năm 2016.

Dự báo trong thời gian tới, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp, khó lường. Về lâu dài, do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, nhất là sự gia tăng khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn, nên nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra thường xuyên và khốc liệt hơn, đòi hỏi phải có những giải pháp thích ứng lâu dài.

Suốt những tháng qua, nhiều công trình thủy lợi, cống, đập ngăn mặn, trữ ngọt ở các địa phương đã tích cực vận hành và phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế thiệt hại trong mùa khô, hạn.

Bên cạnh những giải pháp được địa phương triển khai, thì bà con nông dân cũng đã dựa vào kinh nghiệm và sự am hiểu về điều kiện tự nhiên của vùng để chủ động tích trữ nước ngọt cho đời sống và sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Vinh ở ấp Thành Viên xã Tân Phước Hưng, tỉnh Hậu Giang cho biết: Nhờ chủ động tích trữ nước ngọt đầy ắp trong các mương vườn nên dù hạn, mặn có diễn ra gay gắt thì gia đình ông vẫn đủ nước tưới cho 1ha sầu riêng và măng cụt cho đến đầu mùa mưa.

“Dự báo năm nay xâm nhập mặn nó nhiều đó nên tôi cũng kiên cố các đập lại để giữ nước ngọt lại để tưới trong mùa khô nó không ảnh hưởng cho cây bởi nếu để nước mặn vô thì sẽ hư cây rụng lá rồi rụng trái nữa, cho nên mình phải dự định trước cho nó bảo đảm hơn. Mình đắp các đập cho cao lên, còn cống thì mình bỏ nắp trong và nắp ngoài hết không cho nước vô nước ra. Chắc đủ nước tưới cho tới mùa mưa vì thấy lượng nước mình dự trữ cũng nhiều.", ông Vinh nói.

Tại Vĩnh Long, mặc dù hệ thống thủy lợi ngăn mặn giữ ngọt của Tỉnh cơ bản đã hoàn chỉnh nhưng ông Phẩm Văn Tiếu ở xã Trung Thạnh Đông, huyện Vũng Liêm vẫn tranh thủ đào 4 mương trữ nước ngọt để phục vụ tưới tiêu cho vườn cây ăn trái của mình.

Với số lượng mương này, ông Tiếu có đủ nước ngọt để tưới cho vườn cây ăn trái gần 2 ha trong những ngày nước mặn dâng cao.

Ông Tiếu cho biết, nhờ có hệ thống thủy lợi Nhà nước hoàn chỉnh, cùng với sự chủ động của gia đình nên từ nhiều năm nay ông chủ động được nguồn nước tưới tiêu, chưa năm nào thiệt hại xảy ra:

"Ở dưới mương tôi dự trữ khoảng 4 cái mương khoảng hơn 100 khối, tôi tưới được khoảng 4-5 lần. Nước mặn trước khi tưới lên phải kiểm tra. Mặc dù dự trữ cũng phải kiểm tra vì cống của mình không biết bị rò rỉ gì hay không. Phun trên bông thì mình kiểm tra thường xuyên vì mình dự trữ rồi không sợ nhiễm mặn nữa."

Người dân ĐBSCL đã và đang tìm nhiều cách để dự trữ nước ngọt. Ảnh minh họa: Báo Lao động

Với suy nghĩ tương tự, ông Nguyễn Văn Út- nông dân ở xã Chánh an, huyện Mang Thít, địa phương thường xuyên bị nước mặn tấn công vào mùa khô, cũng đã trang bị hệ thống chống mặn xâm nhập.

Theo đó, ông Út đã đào ao trữ nước ngọt đủ để tưới cho vườn cây ăn trái của mình trong suốt mùa khô: "Diện tích vườn của tôi là 3 công rưỡi, tôi trồng dừa và chanh. Vườn tôi có mương vét sâu xuống. Khi nào có nước ngọt thì dự trữ. Khi nào nước mặn thì tôi đóng lại nên an tâm sản xuất."

Cũng chính nhờ những kinh nghiệm trong thực tiễn đời sống và việc chủ động nắm bắt tin tức mà hơn ai hết, chính bà con nông dân đã giúp các diện tích hoa màu né hạn mặn thành công.

Trong khi nhiều cánh đồng, vườn cây thất trắng vì thiếu nước tưới thì vẫn có những địa phương đảm bảo tốt năng suất cây trồng, những vườn cây vẫn xanh um, tươi tốt dưới cái nắng gay gắt.

Và đương nhiên, không chỉ chủ động nước tưới tiêu, lượng nước ngọt phục vụ cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày cũng được đảm bảo.

Ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, vì đã quen với tình hình khô, hạn hàng năm nên hộ ông Trần Thiện An đã xây dựng sẵn các hồ chứa hộ gia đình, thậm chí tận dụng luôn những hầm tăng xê còn lại của thời kỳ kháng chiến để trữ được càng nhiều nước càng tốt ngay từ đầu mùa mưa: "Có mấy nhà gần gần đây họ cũng thiếu nước rồi đổi nước, còn tôi thì không có. Thì cũng như có hồ rồi mình trữ nước mưa, trữ trong mấy cái hồ đó. Còn cái này mình cũng trữ nước ở dưới luôn. Hồi xưa là cái đăng xê đó."

Tìm giải pháp mang tính lâu dài

Các nghiên cứu đã cho thấy, trong 25 năm qua, lượng nước khai thác đã tăng lên 500%, trong khi lượng nước để bù đắp không theo kịp mức độ khai thác, đó là chưa kể nước về đồng bằng lại ngày một giảm liên quan đến các hồ chứa và các đập thủy điện khu vực thượng nguồn.

Vì thế hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt sẽ là một thực tế mà người dân ĐBSCL phải chấp nhận và chủ động tìm giải pháp thích ứng; trong đó cần tính đến những giải pháp phi công trình mang tính lâu dài.

Thời gian gần đây, không ít nhà vườn tại tỉnh Tiền Giang đã “từ chối” không nhận nguồn nước hỗ trợ của nhà nước dù các vườn cây đang thoi thóp và có nguy cơ thất trắng giữa cái nắng mùa hạn.

Được biết, phần lớn các hộ có vườn cây đều nằm xa đường giao thông, xa điểm cấp nước của nhà nước nên dù nước được cấp miễn phí nhưng bà con lại không có phương tiện vận chuyển về vườn, trong khi đó chi phí thuê xe vận chuyển hiện nay lại quá cao, khó khăn lại chồng chất khó khăn.

Như vậy có thể thấy việc vận chuyển nước về các địa phương để cứu khát chỉ là giải pháp trước mắt. Điều cần thiết cho ĐBSCL lúc này là phải nghiên cứu tìm ra được những giải pháp mang tính lâu dài và có thể áp dụng rộng rãi cho người dân.

Trở lại với câu chuyện trữ nước ngọt. Hằng năm, khi mùa mưa, lũ về, một lượng nước lớn cũng theo đó về với Đồng bằng của chúng ta, thế nhưng lượng nước dồi dào này thoát hết ra biển vì không còn nơi chứa lại cho mùa hạn.

Nhìn nhận vấn đề, vừa qua, một số địa phương đã có đề xuất trung ương xây dựng các siêu hồ chứa nước hàng trăm tỉ đồng.

Tuy nhiên theo phân tích của các chuyên gia, đây là phương án chưa thực sự khả thi bởi cần có thời gian, cần diện tích xây dựng phù hợp và kinh phí đầu tư cũng không hề thấp.

Ruộng rau giữa đồng khô hạn của ông Lâm Tal ở xã Long Phú, H.Long Phú (Sóc Trăng). Ảnh: Đình Tuyến - Báo Thanh niên

Áp dụng các phương pháp trữ nước truyền thống

Thay vì đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho các siêu công trình, dự án, thiết nghĩ chúng ta có thể cân nhắc và xem xét nhiều hơn đến các biện pháp trữ nước dựa vào đặc điểm địa hình.

Tại ĐBSCL, các tiểu vùng có lợi thế về tích trữ nước do có địa hình trũng bao gồm Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và Bán đảo Cà Mau.

Trong đó, vùng Bán đảo Cà Mau tuy xa sông Hậu nhưng lại có đặc thù là lượng mưa trung bình hằng năm cao nhất cả vùng.

Một đặc thù quan trọng nữa là ĐBSCL đã có một hệ thống kênh rạch chằng chịt, đa số đều có hệ thống cống kiểm soát mực nước, do đó, hệ thống này rất thuận lợi cho việc chứa nước.

Về nguồn nước ngọt, ĐBSCL xác định có 3 nguồn nước ngọt chính: Nguồn nước từ sông Mekong, nguồn nước ngầm và nguồn nước mưa.

Hiện nay chúng ta đang tập trung chủ yếu khai thác nguồn nước sông Mekong, kế đó là nước ngầm, riêng nước mưa chủ yếu chỉ phục vụ sinh hoạt cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa.

Thực tế lại cho thấy, nguồn nước sông khó kiểm soát và rất dễ bị ô nhiễm; nguồn nước ngầm thì đang bị suy giảm nhanh, nếu tiếp tục khai thác một cách thiếu kiểm soát sẽ khiến tình trạng sụt lún đất ngày một trầm trọng hơn.

Vì thế trong tương lai bắt buộc phải giảm sử dụng nguồn nước này, đồng thời cân nhắc nhiều hơn đến nguồn nước mưa tại chỗ.

Nói một cách cụ thể hơn, chúng ta có thể áp dụng cách thức truyền thống của ông bà ngày xưa như chuẩn bị sẵn các lu, khạp, xây các hồ chứa hộ gia đình hoặc trang bị các thùng chứa nước dung tích lớn để tích trữ nước ngay từ đầu mùa mưa và sử dụng tiết kiệm đến hết mùa khô.

Xen kẽ giữa các liếp cây trong vườn, bà con nông dân cũng hoàn toàn có thể đào, vét các mương sâu để chứa nước ngọt, để dành tưới dần cho vườn cây.

ĐBSCL phải chấp nhận thực tế nước ngọt trong mùa nắng ngày càng hiếm, và nước mặn sẽ tiến sâu thêm vào đất liền trong những đợt triều cường.

Bởi vậy, chúng ta cần phải liên tục đổi mới cách nghĩ và cách làm. Nếu kiểm soát được nhu cầu sử dụng nước ngọt thông qua các biện pháp tiết kiệm nước và gia tăng tích lũy nước lũ, mưa của mùa trước bằng các biện pháp trong dân gian thì tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể giảm được các rủi ro thiếu nước.

Song song đó, chúng ta cũng cần cân nhắc việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh sản xuất các nguồn giống thích nghi với điều kiện hạn mặn ở thời điểm hiện tại và cả những kịch bản lâu dài cho tương lai.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Theo ghi nhận của VOV Giao thông, vào khoảng 9h30 sáng ngày 19/4 tại nút giao Mai Dịch (Hà Nội), hiện 2 cây cầu vượt thép tại đây đã thi công xong nhưng chưa được thông xe. Đáng chú ý, tại khu vực 2 đầu cầu vượt thép chưa thông xe này có rất đông xe ôm đứng chờ đón khách.

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Theo lý giải của người dân địa phương, “lung” là vùng đất trũng tự nhiên rộng lớn, hoang sơ, nước ngập quanh năm. Lung Ngọc Hoàng là “lung của ông trời” hay “lung trời sanh” vì rộng lớn và có nhiều câu chuyện kỳ bí truyền từ đời này sang đời khác.

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

Mới đây TP.Thủ Đức đã tổ chức sự kiện thu hút đầu tư theo hình thức PPP và trao chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng.

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

Hình ảnh ‘giếng làng’ xưa gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Ngày ấy, nguồn nước trong mát của giếng làng là nguồn nước sạch chính được người dân khắp xóm gánh về đun nước, nấu ăn.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

// //