Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Chuyện hôm nay: Ảo giác kinh tế vỉa hè

Phạm Trung Tuyến - 27/04/2022 | 10:14 (GTM + 7)

Không nhiều người tin rằng trật tự vỉa hè sẽ được lập lại một cách bền vững, khi kinh doanh vỉa hè được coi là một dòng chảy ngầm quan trọng của nền kinh tế.

Tuần qua thành phố Hà Nội đã có những động thái lập lại trật tự ở Hồ Tây, sau khi dư luận bức xúc việc nhiều người ngang nhiên chiếm đoạt không gian công cộng để bán hàng. Tuy nhiên, không nhiều người tin rằng trật tự vỉa hè sẽ được lập lại một cách bền vững, khi kinh doanh vỉa hè được coi là một dòng chảy ngầm quan trọng của nền kinh tế.

Kinh tế vỉa hè chính là ma túy của đô thị, khi nó tạo nên ảo giác về một nền kinh tế.

Tuyến phố độc đạo xuyên qua khu tập thể nơi tôi ở, thỉnh thoảng lại như rộng hẳn ra. Đoạn vỉa hè, kiêm đường dạo bên hồ hàng ngày có hàng trăm quán bánh mỳ que và thịt xiên nướng, bỗng nhiên không tăm dạng.

“Trật tự phường hôm nay quần cả ngày, mai quận ra quân”, cậu bạn tôi - chủ một quán café ven hồ tiết lộ.

Trong quán café khu tập thể, chuyện thời sự buổi chiều những dịp đó là số phận của những người kinh doanh vỉa hè hôm nay vắng bóng. Có người bảo “dẹp là đúng, vừa đỡ tắc đường, mà các cụ già trẻ nhỏ có đường đi dạo đúng nghĩa”. Có người lại chép miệng “nhưng mà tội nghiệp, những người bán hàng ở đó giờ không biết sẽ làm thế nào?”.

Rất nhiều tiếng chép miệng, rất nhiều tiếng thở dài, một bầu không khí cảm thương đang dâng lên cho đến khi một ai đó chợt hỏi: “Mấy năm trước, khi cái vỉa hè này mới làm xong, những người bán hàng đó đã ở đâu?” Những người kiếm sống trên vỉa hè đó đã ở đâu?".

Câu hỏi thực sự là mấu chốt của vấn đề, là cánh cửa đóng lại mọi tranh luận về việc đòi lại vỉa hè cho người đi bộ và quyền được mưu sinh trên hè phố.

Những vỉa hè như cái vỉa hè trên con phố độc đạo xuyên qua khu tập thể nơi tôi ở vốn không phải được sinh ra để làm nơi bán hàng. Nó chỉ trở thành nơi bán hàng khi người dân đã có thói quen sinh hoạt, vui chơi trên những vỉa hè đó, khi con đường nơi đó trở nên đông đúc, và người ta nhìn thấy cơ hội bán hàng nơi tập trung đông người.

Những quầy hàng ăn lớn nhỏ vốn không phải là thành phần cơ hữu của cái vỉa hè. Vỉa hè không có hàng quán thì vẫn là vỉa hè. Hàng quán, hay rộng hơn là nền kinh tế vỉa hè thực chất chỉ là thứ "ký sinh trùng" trên cơ thể của hạ tầng giao thông khi nó không được chăm sóc, giữ gìn và vệ sinh tử tế.

Và thứ "ký sinh trùng" ấy không chỉ làm suy yếu năng lực của hạ tầng giao thông, những biến chứng của nó còn gây loạn nhịp ở rất nhiều khía cạnh khác của đời sống đô thị.

Hàng quán lấn chiếm vỉa hè các tuyến đường bao quanh Hồ Tây. Ảnh: Kinh tế đô thị

Hàng quán lấn chiếm vỉa hè các tuyến đường bao quanh Hồ Tây. Ảnh: Kinh tế đô thị

Tại sao rất nhiều chợ, trung tâm thương mại được xây mới trong suốt gần 20 năm qua ở Hà Nội rơi vào cảnh hoang phế, đìu hiu như chợ Cửa Nam, hay cả chợ Hàng Da?

Người ta sẽ chẳng có lý do gì để ra chợ bán hàng khi chỉ cần ra vỉa hè là có thể kinh doanh. Người ta sẽ chẳng có lý do gì để vào chợ đi chợ, khi mà mọi thứ có thể mua được ở vỉa hè.

Tại sao các doanh nghiệp ngần ngại tham gia xã hội hóa vận chuyển hành khách bằng xe bus? Chẳng ai muốn đi những chuyến xe bus với những điểm dừng phù hợp với hạ tầng đô thị theo quy hoạch khi mà mọi thứ phục vụ nhu cầu dân sinh đều có trên vỉa hè, không cần theo quy hoạch.

Trong một thành phố mà mọi nhu cầu dân sinh đều được phục vụ trên vỉa hè thì xe máy sẽ luôn là lựa chọn cơ động, linh hoạt và tiện lợi nhất.

Người ta rất hay nói đến nền kinh tế vỉa hè, mang nó ra làm "con ngáo ộp" để che lấp những nỗ lực lập lại trật tự vỉa hè. Đúng là kinh tế vỉa hè có một vai trò rất lớn trong nền kinh tế của đất nước hiện nay. Song, kinh tế vỉa hè thực chất là gì? Cơ bản, đó là nền kinh tế dựa trên kinh doanh dịch vụ, là kinh doanh thứ phát.

Một nền kinh tế dựa dẫm vào kinh doanh dịch vụ thứ phát có phải điều mà thực sự chúng ta mong muốn hay không?

Thời phổ thông, tôi có nhiều bạn học nhà ở mặt phố. Điều dễ nhận thấy ở phần lớn trong số họ là thiếu động lực, bởi số phận của họ dường như đã được định sẵn một con đường. Mặt phố cho thuê để người ta bán hàng, hoặc tự bán hàng, thế là đủ sống.

Vỉa hè mặt phố là một nguồn thu tiềm tàng và to lớn. Đó là điều không thể phủ nhận. Song, chính thứ tiềm năng ấy lại là một cái bẫy giữ người ta ở lại với thói quen mưu sinh dễ dãi và không cần khát vọng.

Kinh tế vỉa hè không phải là một khái niệm kinh tế, mà nó là ảo giác được sinh ra từ những thói quen dễ dãi và tùy tiện.

Bởi thế, lập lại trật tự vỉa hè, hạn chế kinh doanh vỉa hè không chỉ là câu chuyện của giao thông đô thị. Lập lại trật tự vỉa hè là bước đi đầu tiên của quá trình tạo nên một diện mạo đô thị mới. Mọi ước mơ xây dựng một thành phố phát triển, thành hay bại, chính là việc có đòi lại được vỉa hè hay không, có cai được thứ ma túy kinh tế vỉa hè hay không!

Ý kiến của bạn
Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Thành phố Hà Nội đang tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải đối với xe ba bánh tự sản xuất, lắp ráp có hành vi chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông.

Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Nhiều tháng qua do ảnh hưởng của gió mùa nên thời tết khu vực miền Trung luôn trong tình trạng mưa kéo dài triền miên, khiến cho công tác thi công nền đường tại các dự án cao tốc Bắc – Nam qua khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiến độ bị đe dọa.

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Khoảng 9 giờ sáng, tại ấp 6, người trẻ đã đi làm, chỉ còn thưa thớt người già chờ... nước từ thiện. Một chiếc “hầm” chứa nước mới được người dân thiết kế đào sáng nay. “Hầm” sâu 1 mét, dài 11 mét, rộng 3 mét, đủ chứa hơn 30 khối nước.

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Sức khỏe, sự an toàn của học sinh trong môi trường giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng hiện nay đang tồn tại một vấn đề cấp bách: tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế học đường, làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất với học sinh.

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Từ hôm qua, giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư đã mang vàng đi bán. Nhiều người lo ngại, nếu nắm giữ vàng lâu hơn nữa, trường hợp giá vàng hạ, mức lời sẽ không còn cao.

Ấm lòng “hầm” chứa nước giữa mùa hạn

Ấm lòng “hầm” chứa nước giữa mùa hạn

Ấp Gò Xoài, xã Tân Trung, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang có hơn 400 hộ dân; 2/3 bà con không có nước sạch để dùng. "Hầm" chứa nước mới đào chứa được khoảng 45m3 nước, nhưng cứ cuối ngày là hết, may sao có các đoàn từ thiện từ TPHCM, Long An... về liên tục trong 2 tuần qua.

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Hạn mặn là vấn đề được dự báo trước, thế nhưng các địa phương vẫn loay hoay trong công tác ứng phó, chủ động nguồn nước ngọt phục vụ cho dân sinh. Điều này đòi hỏi các địa phương cần phải có một kế hoạch lớn, dài hạn để thích ứng với tình trạng hạn hán hàng năm, không để người dân thiếu nước.

// //