Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Chuyển giao kỹ thuật, nâng cao chất lượng bệnh viện

PV - 19/12/2022 | 16:19 (GTM + 7)

Khuyến khích các bệnh viện áp dụng kỹ thuật mới, mang lại hiệu quả cao trong khám bệnh, chữa bệnh, nhiều năm qua Bộ Y tế cũng đã và đang chỉ đạo các bệnh viện tuyến trên tăng cường giúp đỡ, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới, giúp nâng cao chất lượng bệnh viện ở tất cả các tuyến.

Bộ trưởng Bộ Y tế tham dự Hội nghị Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện khu vực miền Bắc

Bộ trưởng Bộ Y tế tham dự Hội nghị Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện khu vực miền Bắc

 Từ năm 2008, Bộ Y tế đã có Đề án 1816 “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”. Năm 2013 là Đề án Bệnh viện vệ tinh, nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến dưới, thông qua hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện “hạt nhân” tuyến cuối, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao ngay tại “bệnh viện vệ tinh”, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Từ năm 2020, toàn ngành thực hiện Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa- (Telehealth)" với mục tiêu tất cả các cơ sở y tế tuyến dưới được hỗ trợ chuyên môn liên tục, đặc biệt là tại vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Nhờ thực hiện những đề án trên, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh ngày càng được nâng lên. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong 2 năm 2020-2021 đối phó đại dịch Covid-19, đã có hơn 3.000 ca bệnh được tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, trên 1.100 buổi hội chẩn được thực hiện với 32.000 điểm cầu được kết nối, 155 ca bệnh nguy kịch được cứu sống.

Việc chuyển giao kỹ thuật nói riêng, thực hiện đề án khám chữa bệnh từ xa nói chung đã góp phần giúp các bệnh viện thực hiện được những tiêu chí quan trọng để nâng cao chất lượng bệnh viện.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ, ngoài công tác khám chữa bệnh cho nhân dân khu vực miền Trung, Tây Nguyên, đơn vị còn đảm trách công việc về phối hợp nghiên cứu, đào tạo và chỉ đạo tuyến. Với công tác chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, trước đây Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện mô hình bệnh viện vệ tinh sau đó triển khai mô hình khám chữa bệnh từ xa.

“Trung tâm tư vấn khám chữa bệnh từ xa đã hoạt động rất hiệu quả, nhất là trong thời kỳ bùng phát dịch COVID-19. Chúng tôi đã hỗ trợ kịp thời các bệnh viện tuyến dưới trong công tác đào tạo, hội chẩn trực tuyến các ca bệnh. Đặc biệt đối với những bệnh nhân nặng, ca bệnh phức tạp, thông qua hội chẩn từ xa, chúng tôi đã giúp đỡ cho tuyến dưới rất tích cực, kịp thời cấp cứu và cứu sống nhiều người bệnh. Trong một số trường hợp, sau khi hội chẩn từ xa, chúng tôi còn cử y bác sỹ về tận nơi như Hà Tĩnh, Quảng Bình, giúp cho việc điều trị bệnh nhân hiệu quả hơn.”- Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, Hoàng Thị Lan Hương cho biết thêm.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh- Bộ Y tế

PGS-TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh- Bộ Y tế

Nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các bệnh viện tuyến trên, nhiều bệnh viện tuyến dưới đã thực hiện được những kỹ thuật khó, cứu sống kịp thời bệnh nhân và giảm được tỷ lệ chuyển người bệnh lên tuyến trên.

Ông Phạm Anh Văn- Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang khẳng định: tiến bộ y học liên tục phát triển nên nhu cầu được chuyển giao kỹ thuật là tất yếu. Các bệnh viện tuyến dưới muốn nâng cao được chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng được sự hài lòng của người bệnh thì phải học, tiếp nhận các kỹ thuật mà tuyến trên đào tạo, chuyển giao.

“Chúng tôi hiện nay khi muốn được chuyển giao gói kỹ thuật nào thì phải học tập từ 6 tháng đến 1 năm. Khi công việc chuyển giao đã xong thì hàng tháng, hàng năm, chúng tôi vẫn mời các giáo sư đầu ngành tiếp tục thẩm định, khi nào cán bộ nắm chắc các kỹ thuật chuyển giao thì lúc đó chúng tôi mới dừng. Hiện nay, chúng tôi đang được Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chuyển giao kỹ thuật thay khớp gối và phẫu thuật cột sống. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chuyển giao kỹ thuật điện quang can thiệp, tán sỏi qua da… Bệnh viện E chuyển giao kỹ thuật đặt stent can thiệp động mạch vành…”, ông Phạm Anh Văn nói.

Cuộc trao đổi sau đây giữa phóng viên VOV với Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS, TS) Vũ Văn Giáp, Giám đốc Trung tâm đào tạo- Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy rõ hơn kết quả chuyển giao kỹ thuật, nâng cao chất lượng bệnh viện.

Phóng viên: Thưa PGS, TS Vũ Văn Giáp, qua gần 3 năm thực hiện Đề án khám chữa bệnh từ xa đã cho thấy hệ thống Telehealth có vai trò như thế nào?

PGS, TS Vũ Văn Giáp: Hệ thống Telehealth giúp cho công tác khám chữa bệnh ở nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau. Về phía người bệnh, có thể chủ động tiếp cận được các dịch vụ tư vấn, khám chữa bệnh được nhanh chóng và dễ dàng hơn, đảm bảo cho việc chăm sóc sức khỏe không bị gián đoạn.

Ví dụ như trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua, hoặc tại những nơi vùng sâu, vùng xa không thể vận chuyển bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế tuyến trên thì sẽ được tư vấn, xử trí kịp thời ca bệnh và giảm được chi phí đi lại. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu thì ứng dụng của Telehealth và các phần mềm công nghệ sẽ giúp cơ sở y tế đặt lịch hẹn đến khám cho người bệnh, tư vấn trực tuyến một cách dễ dàng và giảm được số lần thăm khám.

Chẳng hạn như khi bác sĩ thăm khám và thấy bệnh nhân đáp ứng tốt phác đồ điều trị nhưng chưa khỏi hẳn thì thay bằng việc bệnh nhân quay lại cơ sở khám chữa bệnh thì bệnh nhân hoàn toàn có thể kết nối với bác sĩ, kết nối với cơ sở y tế để hỏi thêm và điều chỉnh đơn thuốc, điều chỉnh phác đồ điều trị một cách phù hợp.

Từ đây Telehealth cũng giúp cải thiện sức khỏe của bệnh nhân nhờ sự can thiệp kịp thời nếu có những vấn đề liên quan đến phác đồ điều trị hoặc tác dụng không mong muốn của thuốc trong quá trình bệnh nhân điều trị ngoại trú. Đồng thời, thông qua hệ thống Telehealth giúp giảm bớt gánh nặng cho cán bộ y tế, tăng chất lượng khám chữa bệnh và giảm nguy cơ rủi ro do hạn chế tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh, nguồn bệnh.

Với hệ thống y tế, thông qua hệ thống Telehealth, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kết nối được với nhau một cách đơn giản, dễ dàng, xoá nhoà những giới hạn giữa các tuyến y tế khi cùng thực hiện mục tiêu nhanh chóng, kịp thời chẩn đoán và điều trị cho người bệnh, đặc biệt là các ca bệnh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Qua đó giúp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong công tác khám chữa bệnh, đào tạo, chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn trực tiếp cho các tuyến y tế nói chung.

PGS- TS Vũ Văn Giáp- Giám đốc Trung tâm đào tạo- chỉ đạo tuyến- Bệnh viện Bạch Mai

PGS- TS Vũ Văn Giáp- Giám đốc Trung tâm đào tạo- chỉ đạo tuyến- Bệnh viện Bạch Mai

Phóng viên: Vậy hệ thống Telehealth của Bệnh viện Bạch Mai đã phát huy tác dụng như thế nào trong việc hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh?

PGS, TS Vũ Văn Giáp: Đối với việc chuyển giao kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực y học có những đặc thù mà các các giải pháp khác không thể thay thế hoàn toàn được. Trong y học lâm sàng kinh điển vẫn phải nhìn, sờ, gõ, nghe. Khám chữa bệnh từ xa không thể thay thế hoàn toàn được cho khám chữa bệnh theo phương pháp kinh điển.

Tương tự như vậy, đối với việc chuyển giao kỹ thuật, chúng ta cũng cần phải tiếp cận một cách khoa học. Vậy chúng ta ứng dụng Telehelth như thế nào trong việc chuyển giao kỹ thuật? Thông thường chúng tôi có thể áp dụng chuyển giao kỹ thuật cho các tuyến y tế theo các giai đoạn (theo từng “pha”).

 Ví dụ “pha 1” là đào tạo về lý thuyết thì có thể ứng dụng hệ thống Telehealth để có thể đào tạo trực tuyến, trao đổi, thảo luận trực tuyến những nội dung lý thuyết. Tiếp đó là giai đoạn pha 2, chúng tôi sẽ mời các cán bộ y tế tuyến dưới đến Bệnh viện Bạch Mai để thực tập, học hỏi theo kiểu cầm tay chỉ việc trên bệnh nhân cụ thể, dưới sự giám sát, hướng dẫn của các chuyên gia, các thầy, cô của từng chuyên ngành tại Bệnh viện Bạch Mai.

Sau thời gian thực tập tại chỗ thì sẽ chuyển sang giai đoạn “pha 3” khi cán bộ y tế tuyến dưới đã nắm được các kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp để có thể tự tin triển khai kỹ thuật tại các cơ sở y tế của mình. Tiếp đó, có thể các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai sẽ đến bệnh viện tuyến dưới- nơi nhận chuyển giao kỹ thuật để cùng với cán bộ y tế ở đây triển khai những ca đầu tiên, đồng thời đánh giá hiệu quả của quy trình kỹ thuật được chuyển giao cũng như phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra.

Sau giai đoạn chuyển giao thì chúng ta hoàn toàn có thể đánh giá được sự thành công cũng như chất lượng của kỹ thuật chuyển giao, thông qua các buổi đào tạo, thảo luận và trao đổi trực tuyến. Đó chính là những gì mà chúng tôi đã và đang ứng dụng khám chữa bệnh từ xa Telehelth trong việc chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới.

Phóng viên: PGS, TS Vũ Văn Giáp có thể chia sẻ những kết quả mà Bệnh viện Bạch Mai đạt được trong việc đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới thời gian qua.

PGS, TS Vũ Văn Giáp: Chúng tôi triển khai mô hình Telemedicine (hội chẩn trực tuyến) tại Bệnh viện Bạch Mai rất sớm, từ những năm 2000 khi Chính phủ Nhật Bản giúp đỡ Bệnh viện Bạch Mai xây dựng tòa nhà P, trong đó có dành một phòng để kết nối trực tuyến với các chuyên gia từ Nhật Bản để hội chẩn những ca bệnh khó, phức tạp.

Những ca đầu tiên được ứng dụng Telemedicine từ những năm 2000. Sau đó năm 2011, chúng tôi đã khai trương hệ thống kết nối trực tuyến giữa Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện vệ tinh. Liên tục sau đó, chúng tôi vẫn kiên định sử dụng một cách hiệu quả nhất hệ thống Telemedicine trong đào tạo, hội chẩn trực tuyến, hội trợ chuyên môn cho tuyến dưới.

Năm 2020, Bộ Y tế triển khai Đề án Khám chữa bệnh từ xa (Telehealth), Bệnh viện Bạch Mai trở thành 1 trong những đơn vị tuyến Trung ương triển khai hiệu quả, xây dựng được mạng lưới rộng khắp trên cả nước, giúp cho Bộ Y tế hình thành được 1.000 điểm cầu trực tuyến để kết nối khám chữa bệnh từ xa.

Đến tháng 8/2022, Bệnh viện Bạch Mai có gần 500 cơ sở y tế thuộc 52 tỉnh, thành phố đã kết nối với Bệnh viện Bạch Mai. Bên cạnh đó, còn có một điểm cầu kết nối từ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Từ đó, các hoạt động hội chẩn, tư vấn khám bệnh từ xa thường quy được diễn ra vào chiều thứ 5 hàng tuần. Các khóa đào tạo hội chẩn trực tuyến theo chuyên ngành như: chuyên ngành cấp cứu hồi sức, chuyên ngành tim mạch, chuyên ngành hô hấp, nội tiết…cũng được đào tạo và triển khai.

Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên có các khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo những giai đoạn khác nhau để hỗ trợ cho y tế tuyến dưới. Chúng tôi  đã hỗ trợ một số đơn vị triển khai phòng khám từ xa, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid- 19 phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, việc đi lại của bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn. Việc này đặc biệt cần thiết đối với các tỉnh miền núi.

Thông qua hệ thống Telehealth, chúng tôi cũng tham gia thực hiện các hoạt động giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng thông qua việc truyền thông các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó khuyến cáo người dân có ý thức phòng ngừa bệnh tật, thay đổi lối sống, hành vi để đảm bảo sức khỏe.

Chúng tôi còn triển khai thường quy các buổi hội chẩn cấp cứu những ca bệnh nặng, bệnh nhân nguy kịch không thể vận chuyển được. Khi đó, ngay lập tức chúng tôi kết nối các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ cho y tế tuyến dưới hiệu quả.

Năm 2022 chúng tôi kết hợp với Đại học Tasmania của Úc để ứng dụng hệ thống thực tế tăng cường, để có thể trao đổi, thảo luận và chuyển tải các hình ảnh theo thời gian thực. Điều đó giúp cho các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai giúp đỡ, hỗ trợ cho các cán bộ y tế tuyến dưới một cách thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Phóng viên: Việc chuyển giao kỹ thuật đã và đang giúp các bệnh viện tuyến dưới nâng cao được chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Còn với Bệnh viện Bạch Mai sẽ được gì qua hệ thống Telehealth?

PGS, TS Vũ Văn Giáp: Đối với Đề án Khám chữa bệnh từ xa thì các chuyên gia của bệnh viện tuyến trên ngoài việc hỗ trợ cho tuyến dưới sẽ học hỏi được nhiều điều từ những khó khăn và những hạn chế của các đồng nghiệp của tuyến y tế cơ sở.

Từ đó, chúng tôi điều chỉnh khung chương trình đào tạo, mục tiêu đào tạo, thay đổi cách tiếp cận để có thể hỗ trợ cho tuyến dưới một cách thuận lợi và hiệu quả nhất, phù hợp với điều kiện thời gian, nhân lực, qua đó sẽ phù hợp hơn trong cách tiếp cận để đạt được mục tiêu hỗ trợ cho tuyến y tế cơ sở tại các vùng sâu, vùng xa, điều kiện y tế khó khăn.

Qua Telehealth, chúng tôi cũng có thêm những kinh nghiệm và những bài học thực tiễn để triển khai thực hiện các chương trình, dự án của Bộ Y tế một cách hiệu quả và thành công.

Phóng viên: Hệ thống Telehealth sẽ tiếp tục được Bệnh viện Bạch Mai triển khai như thế nào trong thời gian tới, thưa PGS, TS Vũ Văn Giáp?

PGS, TS Vũ Văn Giáp: Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong khám bệnh, chữa bệnh. Thực hiện chủ trương đó, ngành y tế phải tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin và thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào các lĩnh vực hoạt động.

Trong giai đoạn chưa xảy ra đại dịch Covid-19, nhiều bệnh viện, cán bộ, nhân viên y tế và người dân thường có xu hướng duy trì phương thức truyền thống, không muốn ứng dụng công nghệ vào hoạt động khám, chữa bệnh. Nhưng từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Chính phủ của các quốc gia nhận ra rằng cần thay đổi cách tiếp cận. Qua đó, các tuyến y tế đã mạnh dạn áp dụng công nghệ. Người dân, bệnh nhân và cộng đồng đã quen với  việc sử dụng công nghệ trong việc trao đổi, thảo luận, đặt lịch khám và thực hiện các quy định về khám, chữa bệnh từ xa.

Câu hỏi đặt ra là sau đại dịch, có nên tiếp tục áp dụng hệ thống Telehelth nữa hay không? Một khảo sát, nghiên cứu tại Mỹ thì 38% người dân được hỏi đã trả lời rằng tiếp tục sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ qua hệ thống Telehealth. Điều đó cho thấy, công nghệ như một phần tất yếu của cuộc sống. Dự kiến đến 2025 có khoảng 43% dân số Mỹ tiếp tục sử dụng thường xuyên hệ thống khám chữa bệnh từ xa.

Chúng tôi cho rằng, Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc cách mạng chuyển đổi số như vậy. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, Chính phủ cũng như các tỉnh thành phố đã đầu tư trang bị hệ thống Telehealth cả phần “cứng” và phần “mềm” cùng các giải pháp hỗ trợ. Nếu không tiếp tục áp dụng thì sẽ gây lãng phí nguồn lực, lãng phí nền tảng, lãng phí kinh nghiệm. Hệ thống Telehealth đang là xu thế tất yếu hiện nay.

Phóng viên: Xin cảm ơn PGS, TS Vũ Văn Giáp!

Ý kiến của bạn
Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Theo ghi nhận của VOV Giao thông, vào khoảng 9h30 sáng ngày 19/4 tại nút giao Mai Dịch (Hà Nội), hiện 2 cây cầu vượt thép tại đây đã thi công xong nhưng chưa được thông xe. Đáng chú ý, tại khu vực 2 đầu cầu vượt thép chưa thông xe này có rất đông xe ôm đứng chờ đón khách.

Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm có hơn 6.000 người chết từ những vụ tai nạn giao thông liên quan tới tài xế ngủ gật. Nguyên nhân do thiếu ngủ chiếm tới 30% trên tổng số các vụ tai nạn giao thông trong một năm.

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Không khó để bắt gặp đủ các hàng quán bán đồ ăn sáng ở Hà Nội ngày nay. Lật giở về quá khứ, thói quen ăn sáng của người Hà Nội phải chăng là lê la quán xá hay đã biến thiên theo thời gian?

Truy đuổi trên đường

Truy đuổi trên đường

Việc quy định cụ thể hoạt động truy đuổi để ngăn chặn một số hành vi vi phạm TTATGT không chỉ gây áp lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, mà còn trở thành lực cản trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý giao thông, an toàn xã hội.

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Thiếu cơ chế chia sẻ thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia khiến nhiều ý kiến đang băn khoăn về tính hiệu quả của việc xây dựng chính phủ số.

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Tại các khu – cụm công nghiệp, việc triển khai các mô hình “Cụm liên kết an toàn PCCC” như những cái “bắt tay” của các doanh nghiệp, để cùng chung sức đẩy lùi “bà hỏa”.

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

Mới đây TP.Thủ Đức đã tổ chức sự kiện thu hút đầu tư theo hình thức PPP và trao chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng.

// //