Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Càng bình yên, càng dễ tổn thương... Càng bình yên, càng dễ tổn thương...

Càng bình yên, càng dễ tổn thương...

Lê My - Mai Ngọc   •   3:21 24/05/2022

Chúng tôi đến Vườn quốc gia U Minh Thượng (UMT), Kiên Giang ngay giữa mùa khô, thấy nước trong rừng vẫn thênh thang, nước trong kênh vẫn dồi dào.

Xen giữa những vườn chuối, vườn xoài mơn mởn, nếu không phải là mặt ruộng xăm xắp nước, thì cũng là những mương nước dài và rộng - dư sức cho 2 chiếc vỏ lãi (một loại thuyền máy phổ biến ở ĐBSCL) qua lại. Chưa kể, mới tháng Giêng, ông trời đã cho mưa.

Vì vậy, không ngạc nhiên khi chẳng mấy ai than phiền về chuyện nước nôi - ghi nhận tại một buổi phỏng vấn của nhóm nghiên cứu trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), thuộc khuôn khổ dự án “Vai trò của đất ngập nước đối với an ninh nguồn nước của vùng Mekong” (sau đây gọi là Dự án).

Nhóm nghiên cứu trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) phỏng vấn nông dân Kênh 21, ngày 15-02-2022 (Ảnh: Hoài Chung)

Nhóm nghiên cứu trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) phỏng vấn nông dân Kênh 21, ngày 15-02-2022 (Ảnh: Hoài Chung)

Đất lành chim đậu

Vườn quốc gia UMT bao gồm vùng lõi có diện tích 8.000 ha, được ôm trọn bởi vùng đệm rộng 13.000 ha. Trong khi vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt với hệ thống kênh và đê bao khép kín, vùng đệm dành cho trồng trọt và chăn nuôi, được chia cắt bởi hơn 20 đoạn kênh nhằm trữ nước và rửa phèn.

Vào thập niên 90, tỉnh Kiên Giang cấp đất cho hơn 3.400 hộ dân vào vùng đệm để phát triển sản xuất. Đến nay, đã có gần 7.500 hộ dân sinh sống và làm giàu trên mảnh đất này, theo Niên giám thống kê huyện UMT năm 2020.

Vốn là dân Vĩnh Thuận - một huyện giáp huyện UMT, ông Lý Văn Tình thuộc lớp người đầu tiên đến vùng đệm này “tề gia lập nghiệp”.

Ở tuổi 69, ông đang có một vườn xoài sai quả và con cháu, họ hàng sống gần bên, dọc Kênh 21, xã An Minh Bắc. Đây cũng là cảnh thường thấy ở các cộng đồng vùng đệm: nhiều hộ dân mới là hậu duệ của những cư dân thuở đầu.

Suốt buổi phỏng vấn, “ngon lành” là từ ông Tình lặp đi lặp lại trong mỗi câu trả lời.

“Vùng đất này, nói nào ngay đi, cũng ngon lành… không có cạnh tranh gì nước nôi, đất đai của ai nấy có đàng hoàng”, ông khẳng định.

Đa số hộ dân vùng đệm, trong đó có nhà ông Tình, đã tự chi tiền để khoan “cây nước”, lấy nước ngầm cho ăn uống và sinh hoạt, bên cạnh thói quen trữ nước mưa.

Nước trong kênh thì phục vụ tưới tiêu, quanh năm không sợ thiếu.

Vợ chồng chị Thị Thương vừa vay tiền sắm chiếc vỏ lãi để sang các vườn bên chở chuối (Ảnh: Hoài Chung)

Vợ chồng chị Thị Thương vừa vay tiền sắm chiếc vỏ lãi để sang các vườn bên chở chuối (Ảnh: Hoài Chung)

Với gia đình chị Thị Thương, cuộc sống sát bên vùng lõi có phần thử thách hơn. Theo chồng về đây từ năm 2000, nhưng mãi đến hôm 25 Tết (27-01-2022), chị mới chính thức có… điện để bơm nước ngầm lên tắm rửa, “mừng trời ơi ta nói”!

Trước đó, mọi sinh hoạt của 2 vợ chồng và 4 đứa con, trừ chuyện ăn uống, đều phải dùng nước kênh.

Ấy vậy mà trong 40 phút trò chuyện, chị chẳng một lần thở than thiếu nước: “Ngoài này người ta đóng cảo [cống] nên quanh năm nước ngọt, nhờ vậy mà 20 năm nay chế [chị] mới sống được”.

Điều duy nhất làm chị khổ tâm là “đất thì có mà trồng nó lỗ hoài”, phần lớn trường hợp là vì thừa nước! “Gừng, môn, dưa leo, … nước ngập một cái là hết trơn; nuôi cá gặp lũ cũng đi hết trơn”, chị kể.

Thế nhưng, dẫu phải làm thuê để trả nợ cho cái danh sách “nuôi/trồng thất bại”, chị Thương chưa từng nghĩ đến chuyện rời khỏi UMT: “Đất đai cha ổng cho, cứ làm. Rau cỏ tự nhiên nó có, mình hái mình ăn, dễ sống. Ở đây hòa đồng, không có cạnh tranh gì”.

Như vậy, ở vùng đệm UMT thời nay, dường như nước vẫn đầy đủ cho người giàu lẫn người nghèo. Nhưng khi nói về tương lai, các nhà nghiên cứu khẳng định: con đường thiếu nước là chắc chắn.

Và lịch sử đã cho thấy: tranh giành nguồn nước là nguyên nhân của biết bao xung đột trên khắp thế giới.

Ảnh chụp Kênh 21, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang ngày 15-02-2022 (Ảnh: Hoài Chung)

Ảnh chụp Kênh 21, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang ngày 15-02-2022 (Ảnh: Hoài Chung)

Chuyện 20 năm trước

Mặc dù nằm cách biển không đến 50km - nếu không muốn gọi là sát biển, bị bao quanh bởi nước mặn, UMT lại là đất ngập nước nước ngọt. Nhưng không có nhánh sông Mekong nào chảy qua đây, nguồn nước ngọt dồi dào của UMT từ đâu mà có?

Câu trả lời chính là nước mưa - nguồn nước duy nhất của cộng đồng vùng đệm.

Trong quá khứ, vùng U Minh nói chung (trước khi tách thành U Minh Thượng và U Minh Hạ ngày nay) là một vùng trũng, lại nằm trong khu vực có lượng mưa cao nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Mưa nhiều cộng với thoát nước kém đã dẫn đến tình trạng ngập úng kéo dài. Thực vật phát triển rậm rạp, rồi già chết, rơi xuống, theo thời gian tích tụ thành lớp than bùn.

Từ đó, đầm than bùn U Minh hoạt động như một miếng bọt biển khổng lồ: hút đầy nước trong mùa mưa (tháng 5 - 11) và từ từ nhả nước trong mùa khô (tháng 12 - 4). Nhờ vậy, hệ động thực vật rừng và dân cư vùng phụ cận có nguồn nước ngọt quanh năm.

Thế nhưng, trận cháy rừng lịch sử vào tháng 3 và 4-2002 đã thiêu rụi khoảng 90% diện tích than bùn của UMT. Ở vài nơi, toàn bộ lớp than bùn đã bị đốt cháy sạch sẽ. Ở những nơi còn lại, độ dày của lớp than bùn cũng giảm đáng kể.

Hiện nay, đất than bùn UMT ước tính chỉ còn gần 3.000 ha - chưa đến ¼ diện tích than bùn ghi nhận vào năm 1976 (Trần Triết, 2016).

“Thật không may, diện tích vùng lõi đã thu lại quá nhỏ, nên ngay cả khi nó hấp thu hết khả năng của nó, cũng không có đủ nước cho cộng đồng xung quanh xài”, theo tiến sĩ Dương Văn Ni của ĐH Cần Thơ, chủ nhiệm Dự án. “Đó là tính bấp bênh đầu tiên mà không có giải pháp khắc phục”.

Đấy là với kịch bản mưa thuận gió hòa. Nhưng trong thực tế, biến đổi khí hậu (BĐKH) làm cho nhiệt độ tăng, thời gian khô hạn kéo dài, khiến lớp than bùn tự phân hủy và mỏng dần. “Cứ ngỡ như rất yên bình, nhưng thật ra không yên bình tí nào”, vị này nhận xét về vùng UMT.

Sau thảm họa 20 năm trước, vườn quốc gia UMT quyết tâm phòng cháy hơn chữa cháy. Hệ thống kênh và đê bao có nhiệm vụ trữ nước bên trong vùng lõi vào cuối mùa mưa để phòng chống cháy rừng vào mùa khô.

Hay nói cách khác, phần lớn vùng lõi UMT đã trở thành đất ngập nước … quanh năm, mực nước tương đối độc lập với vùng đệm bên ngoài.

Tiến sĩ Ni kết luận: “Nếu như có một lượng nước giới hạn, người ta sẽ ưu tiên bảo vệ vùng lõi, để nó không cháy. Nếu vùng lõi cháy thì vùng đệm cũng cháy theo. Như vậy, vùng đệm sẽ chắc chắn thiếu nước”.

Chuối, xoài, dừa, lúa là các cây trồng chủ lực ở vùng đệm U Minh Thượng (Ảnh: Hoài Chung)

Chuối, xoài, dừa, lúa là các cây trồng chủ lực ở vùng đệm U Minh Thượng (Ảnh: Hoài Chung)

Không thể “u u minh minh”

Cái tên U Minh của vùng đất này xuất phát từ “u u minh minh”, nghĩa là lúc tối lúc sáng, bởi cây cối khi xưa rậm rạp đến mức che khuất mặt trời. Còn trong bối cảnh hiện nay, “u u minh minh” về tương lai khan hiếm nước là một điều nguy hiểm.

“Cái nguy cơ lớn nhất là họ mất cảnh giác, tại vì cái gì cũng bình thường, cũng tự tin quá, nên không lo gì hết. Thành thử, khi xảy ra thay đổi, như BĐKH, đây sẽ là nhóm bị tổn thương nhiều nhất”, tiến sĩ Ni giải thích vì sao dự án của nhóm ông lựa chọn một địa bàn đang dồi dào về nước.

Ông dẫn ví dụ về Bến Tre, nơi đã trải qua nhiều lần thiếu nước ngọt, nên chính quyền địa phương đã có kinh nghiệm ứng phó. Trong khi đó, ở UMT, “người dân không có kinh nghiệm, chính quyền địa phương càng không có kinh nghiệm, hạ tầng cung cấp nước sạch lại không có gì hết”.

Theo báo cáo Mekong WET năm 2019 của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), những mối đe dọa lớn nhất về mặt khí hậu với UMT là hạn hán nghiêm trọng và kéo dài, nhiệt độ không khí tăng cao, lũ lụt và xâm nhập mặn do nước biển dâng.

Vật dụng chứa nước - Nước máy cần được để lắng vài ngày trước khi sử dụng (Ảnh: Hoài Chung)

Vật dụng chứa nước - Nước máy cần được để lắng vài ngày trước khi sử dụng (Ảnh: Hoài Chung)

Ngoài ra, các hiện tượng cực đoan như sóng nhiệt, bão mạnh và mưa lớn sẽ xảy ra thường xuyên hơn, và hầu như không thể đoán trước được. Tương lai khô và nóng sẽ làm tăng nguy cơ cháy rừng, đe dọa những diện tích than bùn cuối cùng của UMT.

Cũng theo báo cáo của IUCN, sinh kế của người dân địa phương - chủ yếu là nông nghiệp - rất dễ bị tổn thương trước các tác động của BĐKH. Trong thập niên trước, UMT đã trải qua hai đợt hạn hán nghiêm trọng vào năm 2013 và 2015, một đợt lũ lớn năm 2017.

“Khi chúng ta nói đến an ninh nguồn nước, cái “an ninh” đầu tiên là trong suy nghĩ của người ta ... Với dự án này, chúng tôi không kỳ vọng sẽ làm một công trình gì lập tức sau đó, mà phải thay đổi suy nghĩ của người dân, làm sao để họ thấy được họ đang sống trong một môi trường mà rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.

Vùng lõi vườn quốc gia U Minh Thượng ngày 15-02-2022 (Ảnh: Hoài Chung)

Vùng lõi vườn quốc gia U Minh Thượng ngày 15-02-2022 (Ảnh: Hoài Chung)

Khi người dân đã thay đổi suy nghĩ, nhóm nghiên cứu tin rằng, hành động đã nằm trong vốn tri thức bản địa, chẳng hạn như chuẩn bị lu khạp, đào ao hồ để trữ nước, hứng nước mưa. Song song đó, chính quyền địa phương phải hiểu được họ cần ưu tiên đầu tư cái gì.

“Bây giờ không nghĩ đến chuyện ngăn mặn nữa, mà phải nghĩ đến chuyện trữ ngọt”, ông Ni nói. “Kinh nghiệm của những địa phương khác đã có hết ráo rồi, họ không cần phải đi tìm kiếm một giải pháp nào ở đâu xa bên trời Tây, họ chỉ cần hỏi những người dân ở Bến Tre chẳng hạn”.

Đến tháng 4-2022, Dự án đã hoàn tất giai đoạn khảo sát về nhận thức và nhu cầu về nước của người dân vùng đệm UMT. Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ dùng những số liệu đó để thiết kế một trò chơi tương tác, nhằm thúc đẩy người dân đối thoại và tìm hiểu về tương lai thiếu nước không thể tránh khỏi.

--

Cùng với Vườn quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau), UMT nằm trong số những địa điểm quan trọng nhất về bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước của Việt Nam, đồng thời bảo tồn những diện tích đầm lầy than bùn cuối cùng của ĐBSCL. Vườn quốc gia UMT được công nhận là khu Ramsar của thế giới, Vườn di sản ASEAN và là Vùng chim quan trọng (IBA) của Việt Nam.

Nhận tài trợ của Mạng lưới Nghiên cứu Mekong Bền vững (SUMERNET), dự án “Vai trò của đất ngập nước đối với an ninh nguồn nước của vùng Mekong” được triển khai ở 4 quốc gia Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan.

Dự án bao gồm các hoạt động nghiên cứu và thiết kế công cụ nhằm thay đổi nhận thức của người dân và chính quyền về an ninh nguồn nước tại địa phương.