Bộ tứ tại garage Biệt động Sài Gòn
Theo tư liệu của CLB truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định,cơ sở cách mạng, địa chỉ đỏ nhà số 499/20 Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10 là Garage Tự Lực của ông Dương Văn Đức có nhiều đóng góp lớn lao và quý giá cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Garage Biệt động Sài Gòn với “đại đội” thợ hơn 40 người ngày ấy vẫn còn nhân chứng là những người thợ năm xưa nay đã ở vào tuổi xưa nay hiếm…
>>> Phóng sự video: Ký ức người thợ máy tại Garage Biệt động Sài Gòn
Ký ức về ông chủ Hai Đức của “Bộ tứ” Đồng, Sơn, Điện, Máy…
Garage Tự Lực hiện nay đã được phục dựng, và được đề xuất thống nhất mang tên Garage Biệt động Sài Gòn, có nguồn gốc do ông Dương Văn Đức (sinh năm 1928, thường gọi là Hai Diện, Hai Đức) gầy dựng. Ông Đức vốn sinh ra và lớn lên tại khu vực cầu Bến Phân, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay là khu vực Ngã tư Ga, quận 12).
Năm 1947, vì bị giặc Pháp càn quét nên ông Đức đưa gia đình vào Sài Gòn, đến xây dựng căn nhà gỗ ở số 499/20 Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám) để an cư lạc nghiệp. Năm 1950, qua giới thiệu của ông Lê Văn Tỏ (cán bộ Biệt động Sài Gòn), ông Đức vào làm phụ thợ máy Hãng Citroen.
Nhờ tay nghề giỏi, ông Đức nhanh chóng trở thành thợ máy chính thức. Trong thời gian làm thợ Hãng Citroen, chiều tối ông Đức lãnh xe của khách để sửa chữa thêm tại nhà riêng của mình.
Nhờ tay nghề cao, khách đến sửa xe và đóng xe mới ngày càng nhiều, năm 1959 ông Đức nghỉ việc ở hãng Citroen và mở rộng khu vực nhà riêng số 499/20 Lê Văn Duyệt thành Garage Citroen Dương Văn Đức D’Indochine chuyên sửa xe Citroen Berlingo và Fourgonnette, Traction, Peugeot.... đồng thời đóng mới thùng xe La Dalat, Citroen…
Gác gỗ của garage dùng để ở, phần trước và sân nhà 499/20 dùng để sửa chữa xe. Thời đó, garage Dương Văn Đức D’Indochine có giấy phép môn bài hành nghề, có quy mô lớn nhất ở Sài Gòn bấy giờ.
Nổi lên là một nhà tư sản nhưng ông Đức vẫn không quên làm nhiệm vụ của một người yêu nước khi bắt liên lạc với lực lượng Phật giáo Cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định thông qua hai chùa: Chùa Khánh Hưng, quận 3 và Chùa Định Thành, quận 10.
Năm 1963 thông qua ông Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế, Anh hùng lực lượng vũ trang), ông Đức nhận duy tu bảo dưỡng xe ôtô cho lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Đặc biệt là thiết kế thùng xe hai đáy bí mật cho các xe nguỵ trang vận chuyển vũ khí của Biệt động.
Ông Trần Văn Chinh, 71 tuổi là một trong hai người thợ thân tín được ông Hai Đức tin cậy giao cho đóng thùng xe bí mật. Ông cho biết từ lúc mới 14 tuổi đã được ông Đức nhận vào làm, cưu mang, nuôi dưỡng và dạy nghề đóng mới, cũng như sửa chữa xe.
Mới sinh được 9 tháng, mẹ ông Chinh đã hy sinh vì bị giặc Pháp bắn chết, cha đi kháng chiến triền miên, nên khi làm ở garage Tự Lực, ông Chinh được ông Đức thương yêu như con ruột.
Chỉ vào tấm hình cũ chụp căn gác gỗ bí mật tại garage năm xưa nay được phục dựng tại địa chỉ số 499/20 Cách Mạng Tháng Tám, ông Chinh cho biết đây là nơi ông Đức dùng để che giấu, bảo vệ cho những người thợ của mình.
“Các anh em thợ ở nhiều vùng miền đều là con em cán bộ cách mạng, mà ông dám chở che, nuôi giấu, và bảo vệ không phải đi quân dịch. Riêng về công tác bí mật phục vụ cho Biệt động chúng tôi không được biết đến, hoặc người thân cận như tôi cũng chỉ biết một phần. Tôi thực sự cảm kích chú Hai đã âm thầm, chịu đựng làm công tác cách mạng không kể công với ai” - ông Chinh nói và cho biết thêm khoảng những năm 1966-1967, có nhiều người khách thường xuyên lui tới garage.
Vốn sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, và được ông Đức bảo ban, nên ông Chinh biết đó là các cán bộ của ta, tuy vậy ông Chinh chỉ cặm cụi làm việc.
Là một người thợ hiền lành, chịu khó, và hết mực trung thành, nên được ông Hai Đức tin tưởng giao cho thiết kế thùng xe hai đáy cho “khách”. Người khách ấy chính là ông Trần Văn Lai - một cán bộ của lực lượng Biệt động thành, có nhiệm vụ đào hầm và vận chuyển vũ khí về hầm cất trữ, phục vụ cho chiến lược lớn tổng tấn công Sài Gòn khi có thời cơ.
Người thợ máy Lê Văn Thương năm nay đã 77 tuổi. Ông vào làm việc tại garage từ lúc mới 16 tuổi (năm 1962) với nhiệm vụ giao nhận xe, thử xe và làm phần gầm.
Bao nhiêu năm trôi qua, nay được tận tay chạm vào chiếc xe Citroen NCE-345 đã quá thân thuộc, ông xúc động: “Anh Năm Lai lại đây gửi xe, tôi cất xe vô, giữ chìa khoá. Có nhiều khi anh gửi một tuần, có khi 2-3 ngày, có khi vô chút xíu rồi lại đi giống như khách sửa xe bình thường.
Tôi làm việc rồi ngủ lại garage, căn gác lúc 6 người thợ, lúc 4 người thợ ngủ chung. Nhiều khi làm việc đêm, ông Hai Đức ra đầu hẻm mua cho tô hủ tíu mì, lắm lúc có trà đá, nữa. Ông ấy thương thợ lắm”.
Bật capot, nhìn lại từng bộ phận, đặc biệt là chiếc “hộp bí mật” cất giấu tài liệu, ông Thương chia sẻ: “Muốn làm hộp bí mật phải dỡ hai băng ghế này ra, khoét xong, rồi nắp cái hộp lại như cũ. Thùng xe phía sau cao khoảng 35cm, dài 80cm. Hai thùng hai bên và chassis (sắt xi) cải tạo thành ba chỗ bí mật. Tôi và những người thợ đã từng làm việc ở đây rất xúc động khi đã góp phần nhỏ bé của mình để miền Nam hoàn toàn được giải phóng”.
Thợ đồng Phạm Văn Được (Sáu Bầu, 73 tuổi vào học việc và ở lại làm cho ông chủ Hai Đức từ đầu năm 1965 đến tháng 5/1968. “Công việc của tôi là đóng thùng xe và tham gia thiết kế cải tạo hai chiếc xe ôtô mang số hiệu xe Hino - Pickup biển số EC-6045 và Citroen Fourgonnette, biển số NCE-345. Khi sửa, cải tạo hai chiếc xe này, bảng số xe phải tháo ra, không được biết”.
Ông Châu Văn Nữa, 72 tuổi, hồi đó chuyên sơn xe. 13 tuổi, cũng giống như những người thợ khác, ông được ông Hai Đức dạy cho làm nghề. Ký ức về một “đại đội” thợ ngày ấy không thể nào quên...
“Dân ở đây rất thương ông Đức. Thợ mà không có tiền, ông cho mượn tiền. Ông Đức là người tài đức, bản lĩnh; cũng chính ông có sáng kiến cải tạo chiếc xe ô tô nhằm nguỵ trạng chứa vũ khí, tài liệu… Ở đây lúc đó vừa thợ vừa phụ thợ khoảng hơn 40 người. Đồng, sơn, điện, máy... 5 êkip lận”, ông Nữa kể lại.
Xả thân vì nghĩa, tiếp tế tiền vàng cho cách mạng
Là một nhân chứng sống, bà Đặng Thị Thiệp (Đặng Thị Tuyết Mai) - vợ cán bộ biệt động Trần Văn Lai xác nhận chính bà từng trực tiếp cùng ông Lai đến garage của ông Đức giao nhận vũ khí phục vụ cho chiến dịch Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968.
Theo bà Thiệp, để chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân, ông Lai từng nhiều lần chở bà Thiệp trên xe để làm bình phong cho địch khỏi nghi ngờ, đến garage của ông Đức nhận xe vũ khí do đồng đội là ông Ba Bảo để ở đó.
“Vì garage của chú Đức là cơ sở của cách mạng hoạt động công khai, hợp pháp nên đưa xe vũ khí về đó không bị nghi ngờ. Khoảng năm 1967, xe chở vũ khí, súng ống của ông Ba Bảo chở về liên tục, ông Lai tiếp nhận để vận chuyển về hầm nhà trên đường Võ Văn Tần cất giấu” - bà Thiệp hồi tưởng.
Không những vậy, garage còn là nơi bảo vệ cán bộ cấp cao của Đảng và Quân khu Sài Gòn - Gia Định khi từ căn cứ vào Sài Gòn công tác, hội họp.
Bà nhớ lại: “Hồi đó tôi có về Garage nhiều lần. Tôi biết Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định Trần Hải Phụng (Hai Phụng), ông Nguyễn Văn Trí (Hai Trí) thủ trưởng đơn vị bảo đảm chiến đấu của Biệt động, đồng chí Nguyễn Văn Tăng (Tư Tăng), Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê) - những cán bộ chỉ huy, chiến sỹ huyền thoại của Biệt động đã từng ghé Garage làm việc. Tôi biết ông Tư Tăng ghé hai lần”.
Sau chiến dịch Mậu Thân, lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng nề, rất cần tiền để tái thiết. Ông Trần Văn Lai - nhà thầu khoán Dinh Độc Lập, bị lộ thân phận vì dùng những chiếc xe của mình chở vũ khí và lực lượng Đội 5 Biệt động tấn công Dinh Độc Lập. Do bị truy nã gắt gao, nên bà Thiệp thay chồng ra chiến khu tiếp tế cho Quân khu gầy dựng lại lực lượng.
Bà Thiệp xác nhận: “Ông Hai Đức hồi đó tốt lắm. Ngoài tiền vàng của vợ chồng tôi đóng góp, nhiều lần ông Lai bí mật nói tôi đến garage gặp chú Hai Đức để nhận thêm tiền chuyển ra chiến khu. Ông Hai Đức gói tiền vào giấy, nói với tôi là đô la xanh cho cán bộ ta dễ chi xài, tôi đến lấy, không mở ra xem nhưng biết ông cho cách mạng rất nhiều tiền. Tôi ra đến chiến khu thì báo cáo và đưa tiền cho ông Hai Phụng và ông Tư Tăng”.
Bà Trần Thị Lệ Thu (bí danh Thu Bà Điểm) - là giao liên của Chỉ huy trưởng Biệt động thành Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), cho biết Garage của ông Dương Văn Đức là nơi che chở cho 7 chiến sỹ đánh vào Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng Hòa, và Tổng nha cảnh sát trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968.
“Khoảng giữa tháng 1/1968 chuẩn bị đánh Mậu Thân, ông Tư Chu giao thư cho tôi đến gặp ông Năm Hà (trưởng Ban quân báo Quân khu) để giao nhiệm vụ. Trên đường đi tôi phải nuốt thư vì cảnh sát chặn xét gắt gao, tôi kịp đọc nội dung trong thư thấy Thủ trưởng Tư Chu đề nghị ông Năm Hà đến Garage của ông Dương Văn Đức nhận quân”, bà Trần Lệ Thu nói.
Bà Thu xâu chuỗi lại các thông tin và biết được ông Đức che giấu chiến sỹ biệt động trong Garage của mình thời điểm địch bố ráp rất mạnh, trong đó có 4 chiến sỹ đánh Bộ Tổng tham mưu, và 3 người đánh mục tiêu Tổng nha cảnh sát.
Sau Tổng tiến công Xuân Mậu Thân, bà Thu tiếp tục nhận nhiệm vụ đến Garage nhận cán bộ chiến sỹ bị thương, bị lạc đơn vị, đưa về đơn vị hậu cần ở Vĩnh Lộc, Bình Chánh để bàn giao.
“Ngụy trang của ông Đức rất giỏi, tạo uy tín với chính quyền của ngụy nên lời nói của ông rất giá trị, tạo sự chủ quan cho địch. Thời điểm đó tôi đến nhận chiến sỹ, lính ngụy đi đầy xung quanh garage xe, nhưng họ nghĩ ông Đức là một thương gia giàu có, từ tác phong, tầm vóc bề thế, nên không ai nghi vấn ông là cơ sở cách mạng, do đó, những cán bộ biệt động của ta đã an toàn”, bà Thu kể lại.
Bà Thu cũng cho biết thêm ông Đức là một người rất thương cán bộ, chiến sỹ giải phóng. Bất kể khi nào cán bộ chiến sỹ của ta bị săn đuổi đều được ông Đức che chở, bảo vệ, lo cho ăn ở, nương náu, khi nào êm đẹp ông mới cho đi. Đặc biệt, ông là người trực tiếp lái xe chở cán bộ chiến sỹ bị thương ra căn cứ, mà bà Thu trực tiếp đi theo hai lần.
“Sau chiến dịch Mậu Thân, cán bộ chiến sỹ ta bị thương lánh về garage của ông Đức để được chăm sóc, nuôi dưỡng, chờ khoẻ mạnh để chở ra chiến khu. Tôi biết một lần ông chở hai thương binh nhẹ ra chiến khu Láng Le, Bàu Cò. Sau đó tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng thêm hai thương binh nặng, và chở ra căn cứ” - bà Thu nhớ lại những công lao to lớn và sự đóng góp âm thầm nhưng không kể lể, không được ai biết đến của ông Đức.
Phóng sự video: Ký ức người thợ máy tại garage Biệt động Sài Gòn
Những thành tích của cơ sở cách mạng nhà số 499/20 Cách Mạng Tháng Tám của ông Dương Văn Đức
Garage Tự Lực (Garage Biệt động Sài Gòn) của ông Dương Văn Đức là cơ sở bảo vệ, chăm sóc cán bộ Đảng, cán bộ cấp cao của Quân khu Sài Gòn - Gia Định, cán bộ Biệt động vào Sài Gòn hội họp, chiến đấu.
Bảo vệ các đồng chí giao liên, vận chuyển vũ khí. Là cơ sở làm xe hai đáy vận chuyển vũ khí cùng Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai và ông Nguyễn Văn Bảo (Ba Bảo).
Một nơi binh vận tốt, chứa người để không phải đi quân dịch cho địch, cũng từ đó những người thợ này đi bộ đội bảo vệ đất nước.
Đóng góp tài chính, xe cộ, thuốc men, chi viện cho chiến trường.
Dùng xe chở thương binh sau chiến dịch Mậu Thân về garage chăm sóc, chở ra căn cứ an toàn.
Sau Hiệp định Paris 1973, là cơ sở ủng hộ vật chất và xe ô tô chở quà vào nhà giam Thủ Đức, Tân Hiệp để nuôi dưỡng các tù nhân cách mạnh.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh là cơ sở ủng hộ may cờ giải phóng, in truyền đơn kêu gọi đồng bào Sài Gòn - Gia Định ủng hộ đón chào đoàn quân giải phóng.
Đến nay, các cơ quan chức năng và Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã cơ bản hoàn tất hồ sơ, thủ tục để "Garage Tự Lực" - một cơ sở cách mạng của Biệt động Sài Gòn được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa để bảo tồn, lưu giữ, phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước cho các thế hệ kế thừa hưởng.