Áp niên hạn cho nhà chung cư – đừng đẩy cái khó về cho người dân
Huy Hoàng - 15/06/2022 | 11:02 (GTM + 7)
Mới đây, Bộ Xây Dựng đề xuất sẽ cấp sổ hồng cho người mua nhà có thời hạn theo thời hạn sử dụng công trình hoặc thời hạn sử dụng đất. Đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dân, các chuyên gia lẫn giới đầu tư phát triển bất động sản trong nước.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Một số người dân tại TP.HCM và Hà Nội nêu ý kiến về đề xuất áp dụng niên hạn nhà chung cư của Bộ Xây dựng trình lên Chính phủ:
"Bất động sản là một hình thức đầu tư, qua thời gian thì giá trị căn hộ hay bất động sản phải tăng lên. Nhưng với đề xuất đặt niên hạn sử dụng với căn hộ, những người sau khi mua lại suất đầu tư của tôi họ sẽ có lý do là căn hộ còn ít thời gian sử dụng mà ép giá hạ xuống"
"Bất an là điều đương nhiên vì đất đai nhà cửa đều là khối tài sản rất lớn của người Việt Nam".
"Tất cả người mua nhà đều muốn ổn định, với tâm lý an cư lạc nghiệp của người Việt Nam thì việc áp dụng thời hạn với nhà chung cư thì sẽ mang lại nhiều sự e ngại đối với người tiêu dùng mua nhà để ở".
Đa số người dân đều tỏ ra dè chừng thậm chí có phần lo lắng cho phần tài sản cũng như các khoản đầu tư của mình khi đổ tiền vào các căn hộ chung cư.
Về phần mình, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng đề xuất này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản vốn đang có nhiều biến động như hiện nay: "Tại thời điểm này chưa nên quy định sở hữu căn hộ chung cư có thời hạn 50 hay 70 năm để phù hợp với tâm tư và nguyện vọng của người dân muốn được sở hữu nhà chung cư gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài.
Đây là tài sản có giá trị cao mà người dân mong muốn để lại cho con cái, do đó không nên gây biến động cho thị trường bất động sản và xã hội. Việc xử lý nhà chung cư hết tuổi thọ, gây huy hiểm cho người sử dụng nên thực hiện theo Nghị định 69 của Chính phủ".
Tỏ ra đồng tình với đề xuất này, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, nếu quy định này được thông qua sẽ giúp tháo gỡ những nút thắt trong xử lý các chung cư, nhà ở cao tầng hết niên nạn cũng như việc di dời, ổn định chỗ ở mới cho các cư dân tại những chung cư này.
Tuy vậy, ở một diễn biến khác, tiến sĩ Sử Ngọc Khương cho rằng chủ trương này sẽ khiến dòng tiền đổ vào nhà liền thổ nhiều hơn căn hộ chung cư: "Đây là một bài toán về xã hội học mà chúng ta cần phải quan tâm vì tính nhân văn rất cao.
Nếu chúng ta không giải quyết tốt thì dù nó thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước nhưng sẽ đẩy cái khó về phía người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng tới công việc, cuộc sống của người dân.
Những người chuẩn bị mua họ sẽ hướng tới việc mua nhà liền thổ, hoặc mua đất để đó để sau này xây dưng lên để có tài sản cho họ về già cũng như thế hệ sau".
Ông Lê Hữu Nghĩa – Tổng Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Lê Thành, đơn vị chuyên phát triển dự án nhà ở xã hội trong đó có loại hình nhà cho thuê có thời hạn 50 năm cho rằng đề xuất này về thực chất thì không làm giảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Ông Nghĩa phân tích thêm: "4.000 năm lịch sử mình đã quá quen với việc sở hữu lâu dài nhưng rồi cũng sẽ quen thôi vì hiện nay niên hạn 50 năm đã áp dụng trong Luật Xây dựng nhưng chưa thể hiện trong Luật Nhà ở, và đề xuất này thể hiện rõ và đồng bộ giữa 2 luật này.
Mình cụ thể 1 dự án lâu dài thì người mua được cầm giấy sở hữu lâu dài nhưng Luật xây dựng có quy định tuổi thọ công trình phải giám định lại sau 50 năm.
Giả sử sau 50 năm công trình đó không đủ điều kiện tồn tại thì phải đập bỏ, và theo Luật dân sự khi giấy chứng nhận cấp cho 1 căn hộ đã bị đập bỏ thì giấy đó sẽ không còn giá trị nữa vì đối tượng cấp đã mất. Vậy giấy lâu dài đó thực tế không phải là lâu dài".
Theo Giáo sư Đặng Vùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường thì đề xuất này không chỉ làm rõ hơn các quy định về quản lý nhà ở mà còn mở ra cơ hội để người dân có thêm nhiều lựa chọn về nhà ở cho bản thân, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TPHCM: "Đây là chính sách mà các nước đang triển khai rất thuận lợi, nếu muốn sở hữu dài hạn thì đóng thuế cao, muốn ngắn hạn thì thuế thấp. Tùy lựa chọn mà lựa chọn ra phương thức phù hợp nhất với công việc, thu nhập của từng người".
Dù đồng tình với đề xuất này song tiến sĩ Trần Du Lịch – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, các đơn vị liên quan cần đảm bảo tính minh bạch cũng như có đầy đủ các hướng dẫn liên quan khi thông qua chủ trương này, trong đó cần lưu ý đến thời hạn sử dụng đất được giao: "Việc cấp sở hữu 50 năm đáng lý nên áp dụng với loại hình condotel, đất thuê nhà nước 50 năm thì sở hữu tài sản 50 năm sau đó tính tiếp.
Nếu đất được cấp lâu dài thì tài sản phải đảm bảo là sở hữu lâu dài, cần phân biệt rõ như vậy. Tôi ủng hộ việc cấp sở hữu có thời hạn nhưng phải gắn với thời han giao đất".
Đại diện đơn vị đề xuất nội dung này, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản Bộ Xây dựng cho rằng, việc này sẽ từng bước làm hạ nhiệt giá nhà vốn đang ở mức quá cao như hiện nay. Không chỉ vậy, đề xuất này sẽ giúp tiệm cận hơn các quy định trước đó về niên hạn sử dụng công trình cũng như thời hạn giao đất trong Luật đất đai.
Tuy vậy, ông Khởi cũng nhấn mạnh rằng quy định này chỉ có hiệu lực đối với những dự án căn hộ được hình thành sau thời điểm quy định được thông qua chứ không áp dụng với các dự án căn hộ đã hình thành: "Về mặt nguyên tắc pháp luật là không có hồi tố, do đó đối với các chung cư hiện hành sẽ không áp dụng các quy định mới mà chỉ áp dụng đối với các dự án được đầu tư xây dựng sau khi Luật có hiệu lực, từ đó mới có cơ sở xác định được.
Khi xác định thời điểm sử dụng phải căn cư vào hồ sơ thiết kế, mốc thời điểm…sau khi quy định này được thông qua thì chúng tôi sẽ yêu cầu áp dụng đối với tất cả các dự án xây dựng từ thời điểm đó".
Góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận: “Áp niên hạn cho nhà chung cư – đừng đẩy khó về cho người dân”.
Khái niệm “An cư lạc nghiệp” lâu nay đã là một tiêu chí về cuộc sống trong tư duy người Việt. Việc phấn đấu để có một nơi ở đàng hoàng, ổn định vì thế luôn là một mục tiêu quan trọng của rất nhiều người. Không chỉ vậy, ngôi nhà gần như được xem là “món tài sản” lớn nhất và nên cho dù là nhà mặt phố hay căn hộ chung cư thì vẫn nhận được sự quan tâm, đầu tư đáng kể của phần đông dân chúng.
Vì thế, những chính sách cũng như các động thái liên quan gây ảnh hưởng đến “chốn đi ra đi vào” chắc chắn sẽ tạo ra những hiệu ứng nhất định không chỉ cho dư luận mà còn cho cả thị trường.
Có thể thấy đề xuất áp dụng niên hạn sở hữu đối với nhà chung cư của Bộ Xây dựng lần này nhìn chung là phù hợp với các quy định hiện hành đã được nêu trong Luật Xây dựng hay Luật Đất đai.
Tuy vậy, việc thiếu các thông tin hướng dẫn cần thiết đã phần nào khiến người dân lẫn các nhà đầu tư có phần e ngại, qua đó ảnh hưởng đến thị trường bất động sản vốn đang tiềm ẩn nhiều biến động.
Đề xuất này nếu được thông qua chắc hẳn sẽ giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước có nhiều thuận lợi hơn trong công tác điều hành, quản lý về chuyên môn như ổn định thị trường bất động sản, đưa giá nhà trở về mức hợp lý, đa dạng hóa được sản phẩm, dễ dàng hơn trong chỉnh trang đô thị và quan trọng hơn là đảm bảo được tính an toàn cho người dân khi các công trình hết vòng đời sử dụng.
Tuy vậy, trong ngắn hạn thì có vẻ như cái khó, cái bất lợi đang thuộc về người dân, những người đang sở hữu hoặc có nhu cầu mua các căn hộ chung cư.
Do đó, để đề xuất này nhận được sự đồng thuận từ phía người dân thì cơ quan tham mưu, ở đây là Bộ Xây Dựng cần có nhiều hơn những hướng dẫn cụ thể về hướng xử lý dự án sau khi hết niên hạn.
Đồng thời, cần làm rõ hơn các khái niệm liên quan đến chất lượng, tuổi thọ công trình để người dân có đầy đủ thông tin trước khi quyết định.
Việc quy định niên hạn sử dụng cho chung cư chung cư là khá phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới và cũng đã từng được đề cập trước đây tại nước ta, tuy vậy, vẫn sẽ cần nhiều thời gian lẫn điều chỉnh trước khi đề xuất này có thể đi vào áp dụng trong thực tiễn.
Nhưng dù có thế nào thì quyền và lợi ích hợp pháp của người dân phải là yếu tố tiên quyết, là trung tâm của mọi sự điều chỉnh trong chính sách.
Sáng 22/12, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành sau 17 năm với không ít khó khăn, thách thức. Ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) văn phòng Việt Nam đã có cuộc trả lời phỏng vấn nhanh VOV Giao thông bên lề sự kiện quan trọng này.
Sáng 22/12, UBND TPHCM tổ chức lễ công bố vận hành chính thức tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Sau đó, từ 10h, 14 nhà ga của tuyến metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ đồng loạt mở cửa và sẵn sàng đón khách.
Trong quá trình thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM, đã có nhiều vấn đề phát sinh như giải phóng mặt bằng, di dời các chướng ngại vật ngầm dưới lòng đất, thay đổi về thông số kỹ thuật dựa trên điều kiện thực tế tại công trường, các quy trình thủ tục về hợp đồng,...
Với thế hệ trẻ, khi đứng trước nhiều “cám dỗ” chi tiêu và những quyết định tài chính lớn, thì việc trang bị kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính cá nhân là điều cần thiết để đảm bảo một tương lai ổn định và vững vàng.
Sáng sớm và giờ tan tầm, dọc 2 bên đường Cô Giang (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1), nhiều điểm kinh doanh chiếm dụng toàn bộ vỉa hè che dù bạt, bày biện bàn ghế… để kinh doanh, buôn bán hàng hóa, khiến cho người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Để giữ chân lao động, các đơn vị sử dụng lao động cần đưa ra mức tiền lương, chế độ làm việc hấp dẫn. Đồng thời có chuỗi chăm lo cho người làm, đảm bảo công việc ổn định, lâu dài chứ không phải ở chỗ thu nhập, tiền thưởng là có thể thu hút nhân sự, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Việc lưu thông liên tục trên cao tốc là điều thường xuyên và phổ biến. Bên cạnh thuận lợi về điều kiện đường sá, thì người tham gia giao thông phải đối mặt với không ít áp lực, trong đó yếu tố buồn ngủ khi lưu thông liên tục trong khoảng thời gian dài là điều không thể không nhắc đến.