Cần một cuộc 'đại phẫu' ngăn ngừa lao động trẻ em (Bài 3): Giải pháp nào để nhân rộng mô hình ngăn ngừa?
Phóng viên - 10/09/2019 | 15:14 (GTM + 7)
Để tiếp tục nhân rộng mô hình phòng ngừa lao động trẻ em thì không thể trông chờ vào những dự án xã hội mang tính riêng lẻ vì dù có làm tốt đến mấy cũng sẽ như “muối bỏ bể”. Đã đến lúc cần một cuộc “đại phẫu” để ngăn ngừa lao động trẻ em bằng hành động cụ
Từ kết quả khả quan của Dự án “Một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Thừa Thiên Huế” đến những đánh giá lạc quan của các cấp chính quyền cho thấy mô hình phòng ngừa lao động trẻ em đã phát huy hiệu quả.
Theo đánh giá của ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, Plan International là tổ chức phát triển cộng đồng có uy tín với quy mô toàn cầu, có đúc kết và kế thừa nhiều kinh nghiệm tốt về ngăn ngừa lao động trẻ em từ các nước trên thế giới. Với mục tiêu lấy trẻ em làm trung tâm để hỗ trợ, chỉ dạy kỹ năng sống, Plan không chỉ hỗ trợ các em từ lúc nhỏ mà đến khi trưởng thành còn định hướng dạy nghề với sự cam kết của các doanh nghiệp “trẻ sẽ có việc làm ngay sau khi được đào tạo”:
Để làm sao doanh nghiệp vừa tham gia vào quá trình giáo dục nghề nghiệp, cho dù là trong thời gian ngắn hạn và doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận trẻ em, người chưa thành niên và thanh niên vào làm việc ngay sau khi được đào tạo, thì đấy là những kinh nghiệm rất là tốt.
Thực tế khi dự án triển khai các mô hình hiệu quả tại cộng đồng thì những người làm công tác xã hội, những người quản lý về xã hội cũng như chính quyền các cấp cũng được nâng cao năng lực, từ đó áp dụng triển khai theo thực tế.
Theo ông Lê Công Thành Tài, Chủ tịch UBND phường Phú Hiệp, tỉnh Thừa Thiên Huế, để người dân hưởng lợi lâu dài, bền vững, chính địa phương cần tiếp thu những kinh nghiệm hay để nhân rộng thành quả dựa trên nền tảng có được từ các dự án xã hội:
Chúng tôi quan niệm những tổ chức phi chính phủ, các nhà tài trợ này là bước đầu cùng chính quyền tạo nền tảng để giúp họ có kỹ năng sống, thái độ sống tốt hơn. Quan điểm là tạo cho họ cần câu chứ không phải là con cá. Không phải là ngày một ngày hai, nhưng phải tác động thường xuyên, không nửa vời hoặc theo giai đoạn. Hoặc khi dự án này rút đi thì cộng đồng này có được nền tảng như thế nào, phải đánh giá được nó, cái đó là quan trọng nhất.
Nhìn rộng hơn, những dự án xã hội dù có hiệu quả đến mấy cũng thiếu tính bền vững và độ bao phủ nếu thiếu sự kết nối của chính phủ, chính quyền các cấp. Điều 79 và 90 của Luật Trẻ em 2016 quy định: Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm phân bổ ngân sách hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Ngọc Chương, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá chính quyền một số cấp hiện nay chưa coi lao động trẻ em là vấn đề nóng nên chưa có sự quan tâm và đầu tư nguồn lực tương xứng:
Đây phải xác định trách nhiệm rồi, nhưng nhiều khi phân bổ ngân sách chưa hợp lý. Đến lúc đất nước phát triển lên thì các tổ chức quốc tế người ta sẽ không tài trợ nữa, họ rút dần đi thì chúng ta phải dùng nguồn lực của mình thôi. Nguồn lực ở đây vừa là nguồn lực ngân sách, tài chính của nhà nước nhưng mà chúng ta cũng phải khuyến khích tạo điều kiện để cho các tổ chức xã hội cho cộng đồng đóng góp, để cùng chung tay thực hiện những việc chăm lo cho trẻ em.
Cùng quan điểm với ông Bùi Ngọc Chương - Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Đặng Hoa Nam – Cục Trưởng Cục Trẻ em cho rằng để cho các dự án ngăn ngừa lao động trẻ em được phát huy hiệu quả rất cần đến “chìa khóa thành công” đó chính là ngân sách. Nếu không có sự cam kết về mặt đầu tư nguồn lực và ngân sách từ địa phương thì sẽ không có tính bền vững mà phải kết hợp nhiều giải pháp:
Tính bền vững của mỗi dự án chúng tôi cho rằng phải kết hợp được các giải pháp về mặt pháp luật, về mặt hành chính, về mặt truyền thông giáo dục cũng như là tạo điều kiện trực tiếp về sinh kế, cho gia đình có thể tạo điều kiện cải thiện kinh tế cũng như tạo điều kiện cho trẻ em được đi học, được học nghề.
Cũng từ thực tiễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, nhận thấy còn những mảng trống trong quy trình phòng ngừa lao động trẻ em từ cấp trung ương đến địa phương, bà Phan Thu Hiền, Quản lý triển khai các dự án viện trợ của tổ chức Plan International Việt Nam nêu kiến nghị, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam cần hoàn thiện các thể chế pháp luật và tăng cường giám sát các vấn đề trẻ em trong thời gian tới:
Rất là mong chính quyền ở cấp Trung ương sẽ có những hướng dẫn những cách can thiệp kịp thời, những hướng dẫn kịp thời để cho địa phương triển khai, thực thi hóa các vấn đề về luật lao động hay luật giáo dục
Mặt khác, nước ta đã phát động thành công nhiều chương trình hỗ trợ đồng bào như Quỹ vì người nghèo, Quỹ vì đồng bào bão lụt… qua đó nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp tham gia. Theo ông Đặng Hoa Nam, đối với các Dự án ngăn ngừa lao động trẻ em nói riêng và hỗ trợ trẻ em nói chung thì cần thiết phải xây dựng giải pháp, vừa để thu hút nguồn lực xã hội vừa phải tạo niềm tin để triển khai dự án thành công:
Thứ nhất là chúng ta phải có giải pháp, mô hình hết sức rõ ràng và phải chứng minh được đã thành công. Vấn đề thứ hai là tạo niềm tin cho họ. Tất cả các nguồn lực của họ đóng góp cho dù đấy là công sức, là trí tuệ, hay là vật chất, tiền bạc thì đều phải được quản lý một cách công khai, minh bạch, đều phải có được giải trình rõ ràng.
Để nhân rộng mô hình ngăn ngừa lao động trẻ em một cách hiệu quả, ngoài việc khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, chúng ta cần phải đặt trọn niềm tin vào đường lối của Đảng và Nhà nước trong công tác định hướng, chỉ đạo liên quan đến ngăn ngừa lao động trẻ em.
Cần quan niệm rằng chủ động học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, đánh giá cao vai trò của các tổ chức xã hội có mô hình hoạt động hiệu quả là tiêu chí để tạo dựng niềm tin, thu hút các nguồn lực xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Sức mạnh quần chúng là vô tận”, làm thế nào để phát huy các giá trị để niềm tin được lan tỏa đó mới chính là nguồn lực vô tận tiềm tàng trong mỗi cộng đồng, xã hội, mang lại những kết quả bền vững trong phòng ngừa lao động trẻ em.
Hơn 8.000 vi phạm bị phát hiện lập biên bản. Trong đó, gần 2.000 phương tiện bị tạm giữ, hơn 1.000 giấy phép lái xe bị tước và bị trừ điểm giấy phép lái xe. Đây là con số sau 10 ngày thực hiện Nghị định 168 về tăng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Dịp Tết nguyên đán năm nay, người lao động được nghỉ 9 ngày, dự báo lượng khách đi lại qua bến xe Miền Tây sẽ tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngày cao điểm 27 tháng Chạp, bến xe phục vụ lượng khách nhiều nhất lên tới hơn 62.000 ngàn người.
Không khí Tết đã tràn ngập khắp phố phường, những cành đào thắm, quất vàng rực rỡ đã lác đác xuất hiện trên phố, đường phố trở nên đông đúc, nhộn nhịp hơn, mọi người bắt đầu tranh thủ đi sắm tết khi hôm nay đã là ngày Rằm tháng Chạp...
Sau 6 năm gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hàng hóa Việt Nam đã được tiếp cận với một số thị trường mới. Tuy nhiên, để tối ưu hóa tiềm năng của hiệp định này còn rất nhiều việc phải làm.
Thầy Trần Đình Vương (70 tuổi) và rất nhiều các thầy cô giáo khác đã nghỉ hưu tại Quảng Ngãi, dù tóc điểm bạc màu, nhưng trái tim vẫn tràn đầy nhiệt huyết soi sáng hi vọng cho những cô cậu học trò đặc biệt. Đó là những bạn nhỏ khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn.
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử (TMĐT) để định danh người bán trên các sàn TMĐT thông qua VneID.