Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Cấm công chức uống rượu bia trong giờ làm việc: Cần luật hóa

Phóng viên - 25/05/2019 | 9:14 (GTM + 7)

Nếu không được luật hóa, với khung chế tài cụ thể, sẽ không thể có tác động tới thói quen của công chức. 

Nghiêm cấm công chức có hành vi uống rượu, bia vào giờ nghỉ trưa 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Từ năm 2008 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Chỉ thị quy định cấm công chức uống rượu bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa.

Tuy nhiên đến nay, tình trạng uống rượu bia, tiệc tùng trong giờ nghỉ trưa, thậm chí ngay trong giờ làm việc vẫn diễn ra phổ biến làm xấu đi hình ảnh cán bộ viên chức Nhà nước và ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông. 

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 05  ngày 31/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và Chỉ thị số 26 ngày 5/9/2016 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, trong đó có nội dung “Cán bộ công chức viên chức không uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc, kể cả vào bữa ăn giữa hai ca trong ngày làm việc và ngày trực”, nhiều số bộ ngành, cơ quan Nhà nước và các địa phương đã cụ thể nội dung này qua một số văn bản, quy định. 

Đơn cử như Bộ Tư Pháp đã ban hành Chỉ thị số 03 năm 2013, Bộ GTVT ban hành Chỉ thị số 06 năm 2015 về thực hiện Chính sách Quốc gia phòng, chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn trong ngành GTVT. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm 2013 đã đề nghị 63 tỉnh, thành triển khai quy định này. 

Trong đó, đi đầu phải kể đến tỉnh Vĩnh Phúc ra Chỉ thị số 11, Bắc Giang có Chỉ thị số 12, Kon Tum ra Chỉ thị số 03, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 169 năm 2016 và Công văn 4730 năm 2018 cấm cán bộ không được uống rượu bia buổi sáng, buổi trưa...nhằm chống lãng phí và đảm bảo an toàn giao thông.

Sau 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, quy định cấm cán bộ công chức viên chức uống rượu bia mới chỉ thành công tại một số cơ quan Nhà nước cấp Bộ, ngành, Viện nghiên cứu. Thực tế, tại nhiều nhà hàng quán bia, buổi trưa vẫn có rất đông cán bộ công chức, viên chức tranh  thủ thời gian buổi trưa giao lưu, tiếp khách. Một số ý kiến phản ánh: 

“Bây giờ mọi người vẫn khá nghiêm túc thực hiện không uống bia rượu trong giờ nghỉ trưa. Vì đơn giản khi mà uống rượu bia thì mọi người không có khả năng làm việc hết sức của mình”. 

“Khi mà làm việc ở các đơn vị hành chính sự nghiệp mà người dân cần phải đến, gặp những trường hợp như thế. Có thể là cái cư xử của người ta vẫn hoàn toàn trong chuẩn cho phép nhưng gương mặt đỏ gay gắt cũng không được đẹp mắt lắm”.

“Tôi thấy ở những quán bia vẫn có công chức ngồi uống. Uống xong nếu say đi đường sẽ không kiểm soát được mình và trong quá trình làm việc, uống rượu bia có thể thể hiện những thái độ, những hành vi không được đẹp cho người cán bộ viên chức nhà nước”.

“Uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn có thể gây ra tai nạn cho người khác”.

Theo các chuyên gia, sử dụng rượu bia vào buổi trưa, trong giờ làm việc chắc chắn dễ gây buồn ngủ vào buổi chiều, ảnh hưởng đến năng suất lao động, hiệu quả làm việc của cá nhân và đơn vị. 

Bên cạnh đó, đối với các cơ quan công quyền, khi làm việc với người dân, cán bộ công chức Nhà nước nếu có khuôn mặt đỏ bừng, hơi thở có mùi rượu sẽ gây cảm giác thiếu tin tưởng, không hài lòng. Điều này cũng làm xấu đi hình ảnh của người cán bộ công chức cũng như hình ảnh của chính cơ quan đó.  Chuyên gia xã hội học, TS Nguyễn Quỳnh Hương đánh giá:

“Việc uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa, rất gây bức xúc và gây phản cảm, nó ảnh hưởng đến bộ mặt của cơ quan Nhà nước cũng như cảm xúc của người dân khi mà người ta tiếp xúc với cơ quan công quyền như thế, và ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Điều đấy nó ảnh hưởng đến giao tiếp, không đủ sự lịch thiệp và mềm mỏng với người dân làm suy giảm”.

Bên cạnh đó, sau khi sử dụng rượu bia, người điều khiển phương tiện thường không làm chủ được bản thân, đi xe lạng lách, đánh võng, chạy tốc độ cao, vượt sai quy định, đi sai làn đường, trong khi khả năng phán đoán và xử lý tình huống kém hơn là so với lúc bình thường nên rủi ro về tai nạn giao thông rất cao. 

Thực tế thời gian vừa qua, đã có không ít các vụ tai nạn giao thông liên quan đến hành vi uống rượu bia. Đơn cử là trường hợp 2 cán bộ thuộc TAND huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) đã uống rượu bia trong giờ làm việc, lái ô tô gây tai nạn khiến 1 người chấn thương sọ não hôm 4/3 mới đây. 

Gần đây nhất là vào ngày 15/5, cán bộ của Sở xây dựng Nghệ An say xỉn đâm vào xe đạp diện tại ngã tư đường Nguyễn Đức Cảnh- Lê Hồng Phong, thành phố Vinh, Nghệ An khiến cả 2 em bị thương.

Liên tiếp các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến các cán bộ công chức nhà nước do có sử dụng rượu bia đã gây bức xúc trong dư luận. Nhiều câu hỏi được đặt ra có hay không việc giảm nhẹ, có tâm lý xuê xoa trong quá trình xử lý các cán bộ nhà nước vi phạm khi mà tình trạng uống rượu bia buổi trưa và trong giờ làm việc vẫn tiếp diễn.

Trả lời PV Kênh VOVGT, Đại úy Đào Việt Long- Phó Trưởng Phòng CSGT- công an thành phố Hà Nội, số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 5/2019 trên địa bàn TP.HN xảy ra 110 vụ tan nạn giao thông, trong đó có 5 vụ tai nạn (chiếm 4,5%)  liên quan đến rượu bia làm 3 người chế và 4 người bị thương. Tuy nhiên,  hiện nay chưa có số liệu thống kê về số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến cán bộ công chức sử dụng rượu bia.

Ông Long cho biết thêm, trong quá trình tuần tra xử lý vi phạm nồng độ cồn, lực lượng CSGT gặp không ít khó khăn do người vi phạm rất dễ bị kích động, ức chế về thần kinh, thậm chí không chấp hành yêu cầu kiểm tra, có những hành động gây rối trật tự công cộng, gây mất trật tự an toàn xã hội.

Bà Bùi Thị An- đại biểu Quốc Hội cho rằng, nguyên nhân của tình trạng cán bộ viên chức vẫn sử dụng rượu bia trong giờ nghỉ trưa là do các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện Chỉ thị một cách nghiêm túc. Nhiều địa phương, cơ quan Nhà nước vẫn còn buông lỏng quản lý thời gian làm việc nhân viên, chưa chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát hành vi vi phạm này. 

Từ thực tế tiếp xúc với nhiều cơ quan, đơn vị trong quá trình làm việc,  Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, sở dĩ  tình trạng vi phạm quy định về uống rượu bia xảy ra phổ biến là do nhiều cán bộ công chức không tự giác chấp hành. Trong khi đó, các cán bộ quản lý vẫn còn tâm lý “cả nể”, chưa nghiêm khắc xử lý nên hành vi vi phạm này rất dễ bị tái diễn. Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến nhấn mạnh: 

“Khi sự việc xảy ra hoặc bị phát hiện, được góp ý trong các cuộc họp thì các hình thức cũng rất là nhẹ nhàng, thường chỉ dừng lại mức độ là nhắc nhở. không có hình thức kỷ luật nào kèm theo. Bởi vì không bị kỷ luật thì người ta coi đó là chuyện rất bình thường, người ta lại tiếp tục vi phạm”.

Nhiều ý kiến cho rằng, để chỉ thị này thực sự đi vào cuộc sống thì trước hết cần sự quyết tâm của lãnh đạo quản lý các cơ quan, các phòng ban trong việc triển khai các Chỉ thị, nghị quyết cấp trên và sự tự giác của cán bộ công chức tại các cơ quan Nhà nước. Cùng với đó, cần phải xây dựng các hình thức kỷ luật rõ ràng, công khai, minh bạch. TS Trần Hữu Minh- Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGTQG đề xuất:

“Để nâng cao hiệu quả theo tôi nên nâng cao trách nhiệm và cam kết của người đứng đầu của tổ chức đó là hết sức quan trọng . Khi mà người đứng đầu nhận thức  và có cam kết, chỉ đạo giám sát, tổ chức thực hiện tốt và triển khai rất tốt. Thứ hai là tăng cường giám sát của các cơ quan có liên quan kể cả báo chí và nhân viên ngay trong tổ chức đó. Nếu như họ thấy việc thực hiện là có vấn đề thì phải có kênh phản ánh, kênh tiếp thu và phải có cơ chế để bảo vệ người phản ánh đó. Thì lúc đó chính sách đó đi vào cuộc sống rất tốt”.

Nghiêm cấm cán bộ công chức sử dụng rượu bia trong giờ nghỉ trưa và trong giờ làm việc giúp nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc tại các cơ quan, xây dựng hình ảnh cán bộ công chức lịch thiệp và văn hóa cơ quan văn minh, hiện. Đồng thời, hạn chế những rủi ro về tai nạn giao thông trong quá trình tham gia giao thông trên đường.

Cấm công chức rượu bia: Cần luật hóa

Quy định cấm cán bộ công chức sử dụng rượu bia trong giờ nghỉ trưa đã được triển khai tại nhiều cơ quan và các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi cán bộ công chức vi phạm, rất ít trường hợp bị đưa ra kỷ luật nghiêm túc, vì vậy mà thiếu sức răn đe. 

“Cấm công chức rượu bia: Cần luật hóa” (Bình luận của Nhà báo Phạm Trung Tuyến- Phó Giám đốc Kênh VOVGT)

Trong 10 năm qua, đã có ít nhất 2 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cùng hàng loạt quy định của các ban, ngành, địa phương, liên quan đến việc cấm công chức uống rượu bia trong giờ làm việc và giờ nghỉ trưa.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian đó, rất hãn hữu mới phát hiện được một trường hợp vi phạm, và hầu như không có vụ việc nào bị xử lý, cho dù ai cũng biết tình trạng uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa vẫn rất phổ biến.

Điều này thoạt nghe thì có vẻ bất thường, nhưng thực ra cũng không quá khó hiểu khi mà tất cả các lệnh cấm này đều mới chỉ dừng lại ở các văn bản dưới luật. Trên thực tế, khi một chủ trương cấm không được luật hóa thì việc xử lý hành vi vi phạm chỉ dừng lại ở câu chuyện xử lý nội bộ.

Uống rượu bia dù ở đâu thì hiện vẫn chỉ được định vị là hành vi thuộc về lối sống, và chuyện xử lý nội bộ về lối sống thì sự châm chước là điều dễ hiểu. Hơn nữa, việc tố cáo đồng nghiệp về lối sống luôn được mặc định là điều không hay ho gì trong văn hóa công sở.

Uống rượu bia tại công sở là hành vi không ai thực hiện một mình. Vì thế, vi phạm sẽ mang màu sắc tập thể. Trong một cơ quan nhỏ, thì một nhóm vài ba người cũng đã là số đông. Do đó, việc tố cáo vi phạm càng ít có lý do xảy ra.

Thử hình dung, một vị thủ trưởng cơ quan khi nghe nhân viên báo cáo đồng nghiệp uống rượu thì sẽ xử lý như thế nào?

Nếu việc đó không gây hậu quả trực tiếp đến công việc, đến uy tín của cơ quan, chuyện đó sẽ chỉ là vấn đề nhỏ trong lối sống. Và người báo cáo sẽ bị đánh giá là nhiều chuyện, xấu chơi với đồng nghiệp.

Tình trạng công chức uống rượu bia trong giờ làm việc sẽ chỉ có thay đổi khi thủ trưởng cơ quan là người ghét rượu bia.

Từ những yếu tố kể trên, có thể thấy việc cấm công chức uống rượu bia, nếu không được luật hóa, với khung chế tài cụ thể, sẽ không thể có tác động tới thói quen của công chức. 

Ít nhất, hành vi say rượu, uống rượu trong giờ làm việc phải được coi là yếu tố quyết định đối với các quyền lợi của công chức, như bình xét thi đua, lấy phiếu tín nhiệm... chỉ khi công chức thực sự thấy lợi ích của mình bị đe dọa bởi hành vi trên thì việc cấm công chức rượu bia mới có đủ sức nặng.

Tags:
Ý kiến của bạn
Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Theo ghi nhận của VOV Giao thông, vào khoảng 9h30 sáng ngày 19/4 tại nút giao Mai Dịch (Hà Nội), hiện 2 cây cầu vượt thép tại đây đã thi công xong nhưng chưa được thông xe. Đáng chú ý, tại khu vực 2 đầu cầu vượt thép chưa thông xe này có rất đông xe ôm đứng chờ đón khách.

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Theo lý giải của người dân địa phương, “lung” là vùng đất trũng tự nhiên rộng lớn, hoang sơ, nước ngập quanh năm. Lung Ngọc Hoàng là “lung của ông trời” hay “lung trời sanh” vì rộng lớn và có nhiều câu chuyện kỳ bí truyền từ đời này sang đời khác.

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

Mới đây TP.Thủ Đức đã tổ chức sự kiện thu hút đầu tư theo hình thức PPP và trao chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng.

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

Hình ảnh ‘giếng làng’ xưa gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Ngày ấy, nguồn nước trong mát của giếng làng là nguồn nước sạch chính được người dân khắp xóm gánh về đun nước, nấu ăn.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Số liệu Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc tuần giao dịch 15 – 21/4, mặc dù giá hàng hoá biến động rất mạnh nhưng các mức tăng, giảm trái chiều khiến chỉ số MXV-Index chỉ nhích nhẹ 0,05% so với tuần trước đó, lên mức 2.329 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng đỉnh trong 7 tháng qua.

// //