Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Xưởng may cho người khuyết tật và câu chuyện linh vật rồng Xưởng may cho người khuyết tật và câu chuyện linh vật rồng

Xưởng may cho người khuyết tật và câu chuyện linh vật rồng

Phúc Tài   •   9:05 11/02/2024

"Được thành lập từ năm 2013, với khởi đầu là 2 chiếc máy khâu, 3 nhân công là những người ở những dạng tật khác nhau, đến nay Kymviet đã phát triển với 30 người, sản xuất đồ thủ công được làm chủ yếu từ vải, là điểm tựa cho nhiều người khuyết tật, tạo việc làm, thu nhập, cải thiện cuộc sống..."

Chị Nguyễn Thị Thùy Trang (49 tuổi) sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chị Trang bị khuyết tật điếc, để có một công việc ổn định đối với chị Trang không hề dễ dàng.

Tuổi trẻ của chị Trang là những tháng ngày miệt mài học tập và tìm kiếm một công việc phù hợp với mình, nhưng đó là một điều rất xa vời, một công việc ổn định đối với với người khuyết tật như chị Trang không hề dễ dàng.

Cuộc sống của chị Trang càng khó khăn hơn khi lấy chồng, sinh con. Chồng chị Trang là anh Phạm Văn Tiến sinh năm 1969, cũng ở dạng khuyết tật điếc.

Cuộc sống khó khăn, chị Trang và chồng tìm đủ mọi nghề để trang trải cuộc sống và nuôi con. Ông trời không phụ lòng chị sau nhiều năm tìm việc, chị Trang được một người bạn cùng cộng đồng người điếc giới thiệu vào một xưởng may có tên Kymviet, ở xưởng may này cũng có những người giống chị Trang.

Khi chị Trang đến xưởng may, đầu tiên chị Trang thấy mọi đang làm những con thú, may, khâu, rồi nhồi bông,… và ngay lúc đó chị Trang nghĩ ngay rằng đây sẽ là môi trường làm việc, học rất tốt.

Thấm thoát chị Trang làm việc ở Kymviet được 8 năm, ngày đầu mới vào làm để có sản phẩm chị Trang mất rất nhiều công sức khổ luyện. Có những lần kim đâm chảy máu tay, có những giọt nước mắt rơi, nước mắt của sự nỗ lực.

“Làm ở Kymviet không đơn giản đâu, bởi vì sản phẩm yêu cầu rất là cao, nào thì cứng, nào thì mềm, nào là khâu đẹp nhưng tôi phải cố gắng. Tôi tập khâu, trong đó có sự kiên nhẫn kiên trì và đến lúc tôi làm được, bán 1 sản phẩm, tôi thấy sản phẩm của mình được yêu quý. Từ đó tôi có động lực để làm tiếp sản phẩm khác”, chị Trang chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thùy Trang và chồng là anh Phạm Văn Tiến.

Chị Nguyễn Thị Thùy Trang và chồng là anh Phạm Văn Tiến.

Sau những năm tháng nỗ lực, đến nay 2 vợ trồng chị Trang đã có khoản tiền tiết kiệm gần 100 triệu, số tiền tuy không lớn nhưng là thành quả sau bao nỗ lực. Con trai của chị Trang đã tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc và đang đi làm, cũng theo nghề thiết kế. Còn cô con gái của chị Trang đang ở quê với ông ngoại, được ông kèm cặp, dạy học.

Ngoài việc cuộc sống ổn định hơn, chị Trang đã có một sự tự tin trong giao tiếp, cuộc sống, không thu hẹp mình lại như xưa. Sự tự tin này được hình thành phát triển trong quá trình đi làm, là người khuyết tật nhưng chị vẫn có thể lao động, làm ra của cải vật chất như những người bình thường, có gia đình nhỏ yên ấm với khả năng tài chính ổn định.

Kymviet còn là một không gian kết nối mọi người.

Kymviet còn là một không gian kết nối mọi người.

Các sản phẩm của Kymviet được mọi người đón nhận.

Các sản phẩm của Kymviet được mọi người đón nhận.

Sản phẩm chủ lực của Kymviet năm nay là những con rồng nhồi bông và đồng hồ có in hình con rồng. Đối với rồng nhồi bông, các chất liệu được lựa chọn đa dạng, từ thổ cẩm đến lụa cao cấp, những chi tiết trên thân rồng được khảm, dát vàng.

Anh Phạm Việt Hoài – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Kymviet cho biết, ngay từ tháng 6/2023, Kymviet đã lên ý tưởng thiết kế, rồi qua nhiều lần chỉnh sửa rồi mới đưa vào sản xuất số lượng lớn.

Viên ngọc trong miệng Rồng được mạ vàng. Các chi tiết trên Rồng được Kymviet làm tỉ mẩn.

Viên ngọc trong miệng Rồng được mạ vàng. Các chi tiết trên Rồng được Kymviet làm tỉ mẩn.

Kymviet mong muốn mang văn hóa Việt Nam vào trong từng con rồng. Để làm được việc này, tổ thiết kế sẽ tìm hiểu kỹ về văn hóa Việt, tìm hiểu về rồng qua từng thời kỳ như: rồng nhà Lý, rồng nhà Trần, rồng nhà Nguyễn để đưa vào sản phẩm. Yêu cầu cao nhất là khi sản phẩm đưa lên kệ bày bán sẽ mang được tính chất của văn hóa Việt, có hồn của người Việt.

“Vào hồi tháng 9 năm 2023 Công nương Nhật Bản Kiko trong chuyến thăm Việt Nam đã chọn Kymviet là một trong những điểm dừng chân. Tại buổi gặp gỡ, trò chuyện, Kymviet tặng cho Công nương Nhật Bản một con rồng nhồi bông và hiện tại đang được trưng bày trong phòng khách của Hoàng Gia Nhật.

Đây là niềm tự hào đối với Kymviet. Trong bất kỳ sản phẩm của Kymviet chúng tôi đều hướng tới việc quảng bá hình ảnh của sản phẩm, Kymviet luôn mong muốn rằng sản phẩm đến tay bạn bè quốc tế và họ yêu thích sản phẩm đó”, anh Phạm Việt Hoài nhấn mạnh.

Giá bán của con rồng, linh vật của năm 2024 được Kymviet phân loại theo từng dòng sản phẩm, đối với sản phẩm thương mại có giá vừa phải là 365.000/sản phẩm. Còn dòng sản phẩm cao cấp hơn có giá từ vài triệu đồng trở lên, tùy chất liệu.

Anh Phạm Việt Hoài bàn bạc cùng nhân công trong xưởng để hoàn thiện sản phẩm.

Anh Phạm Việt Hoài bàn bạc cùng nhân công trong xưởng để hoàn thiện sản phẩm.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi, động lực nào để anh Phạm Việt Hoài cùng ban quản trị xây dựng, phát triển Kymviet, anh Hoài cho biết đó là “Anh muốn đóng góp việc ý nghĩa cho cộng đồng người khuyết tật”.

Sau tai nạn năm mới lên 7 tuổi, anh Hoài mất đi khả năng đi lại, từ đó anh gắn liền với chiếc xe lăn. Cũng là một người khuyết tật, hơn ai hết anh Hoài hiểu sự vất vả của cộng đồng người khuyết tật trong cuộc sống hay tìm một công việc phù hợp với mình. Từ đó, thôi thúc anh Hoài xây dựng và phát triển Kymviet để tạo việc làm cho những người khuyết tật.

Anh Hoài cũng mong rằng, xã hội hãy nhìn người khuyết tật theo góc nhìn khác, người khuyết tật vẫn có thể lao động, thể hiện bản thân và làm ra của cải vật chất.

Bên cạnh Rồng nhồi bông, một sản phẩm chủ lực của Kymviet là đồng hồ hình con Rồng.

Bên cạnh Rồng nhồi bông, một sản phẩm chủ lực của Kymviet là đồng hồ hình con Rồng.

Các công đoạn làm ra một chiếc đồng hồ có hình Rồng cần sự chuẩn xác.

Các công đoạn làm ra một chiếc đồng hồ có hình Rồng cần sự chuẩn xác.

Kymviet không chỉ là nơi tạo công ăn việc làm ổn định cho người khuyết tật, nơi đây còn là điểm bắt đầu của những cặp đôi, tạo cho họ một tương lai vững chắc với công việc, tiền lương ổn định.

Nguyễn Phúc Tuấn (22 tuổi) và Đậu Thùy Dung (21 tuổi) đến với Kymviet sau chị Trang một thời gian dài. Trước khi quen nhau, Dung vào làm ở Kymviet trước Tuấn. Dung và Tuấn gặp nhau qua mạng xã hội, cùng sinh hoạt trong cộng đồng người khuyết tật câm, điếc.

Sau khi quen biết nhau, Tuấn ngỏ ý muốn ra Hà Nội làm việc để có cơ hội gần gũi Dung hơn và Dung đã ngỏ ý rủ Tuấn về Kymviet làm.

Qua quá trình học nghề, đến nay Tuấn đã tự tin ngồi bàn khâu để may vỏ những con thú nhồi bông.

Qua quá trình học nghề, đến nay Tuấn đã tự tin ngồi bàn khâu để may vỏ những con thú nhồi bông.

Ngày Tuấn bắt xe từ quê Nghệ An ra Hà Nội, Dung bắt xe buýt ra bến xe Mỹ Đình đón Tuấn. Sau hơn 3 tháng đào tạo, nỗ lực rèn luyện đến nay Tuấn đã có thể ngồi máy khâu, sản xuất ra sản phẩm. Cuộc sống của đôi bạn trẻ cũng tràn ngập tiếng cười hạnh phúc như bao cặp đôi khác.

Sau giờ làm Tuấn và Dung cùng nhau đi trung tâm thương mại, mua sắm, rồi đi công viên tâm sự.

Trong dịp Tết Giáp Thìn, hai gia đình nhà Tuấn và Dung sẽ sang nhà gặp gỡ, nói chuyện, đặt vấn đề chính thức cho Tuấn và Dung được đi lại, tìm hiểu nhau. Tuấn chia sẻ, món quà tết lần này đem về quê ngoài bánh kẹo, rượu mứt, không thể thiếu chú dê nhồi bông. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên Tuấn làm được sau quá trình làm việc tại Kymviet.

Bước sang năm 2024, đánh dấu năm thứ 11 Kymviet hoạt động, câu chuyện của chị Nguyễn Thùy Trang; cặp đôi Nguyễn Phúc Tuấn và Đậu Thùy Dung như minh chứng cho những đóng góp Kymviet đã và đang làm cho cộng đồng người khuyết tật.

Hy vọng rằng, trong thời gian tới Kymviet sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, là nơi chắp cánh cho những ước mơ, hy vọng của người khuyết tật./.