Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Xóm thương hồ trên dòng Kênh Tẻ Xóm thương hồ trên dòng Kênh Tẻ

Xóm thương hồ trên dòng Kênh Tẻ

Khương An   •   3:40 27/09/2023

Dọc theo Kênh Tẻ (đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP. HCM) trải dài chừng 500m từ hầm cầu Tân Thuận 2, là hàng chục chiếc ghe, thuyền tụ lại thành xóm thương hồ. Họ phần lớn là những người dân miền tây men theo sông nước đến Sài Gòn và chọn Kênh Tẻ làm bến đậu mưu sinh.

Khu vực này còn được biết đến là “chợ nổi Tân Thuận” tồn tại hàng chục năm nay. Xưa kia khi đường bộ chưa phát triển, đây là nơi giao thương khá sầm uất, tạo thành cảnh “trên bến dưới thuyền”.

Bây giờ chỉ còn lại một nhúm người neo trên dòng kênh Tẻ, sống trong cảnh nghèo khổ bậc nhất giữa Sài Gòn phồn hoa. Trong số những mảnh đời mưu sinh trên dòng kênh Tẻ, không ít hộ dân đã gắn bó với chiếc ghe hết cả nửa đời người.

Công việc thường ngày của những thương hồ nơi đây là bán trái cây trên các vỉa hè dọc bờ kênh. Mỗi ngày kiếm vài chục ngàn đồng nuôi sống cả gia đình.

Họ lấy hàng từ các tỉnh Bến Tre, An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu... Những mặt hàng được bán thường là đặc sản quê nhà như chuối, dừa, cam, xoài… Các trái cây đều rất tươi và khá rẻ so với thị trường ngoài chợ, siêu thị.

Bà Hai, quê ở Bến Tre, đã bám trụ trên dòng Kênh Tẻ gần 30 năm cho biết: “Xe thì đi mấy tiếng còn đi ghe thì mất một ngày. Dừa để lâu thì đi ghe được, chứ đi xe thì khá nặng vốn.”

Bà Hai, quê ở Bến Tre, đã bám trụ trên dòng Kênh Tẻ gần 30 năm cho biết: “Xe thì đi mấy tiếng còn đi ghe thì mất một ngày. Dừa để lâu thì đi ghe được, chứ đi xe thì khá nặng vốn.”

Ngoài việc buôn bán trái cây, nhiều người còn lên bờ bán hàng rong, bốc vác, thợ hồ, làm thuê, bán vé số… Một chiếc xe kem hay xe đẩy chở trái cây tỏa ra từ bờ kênh là hình ảnh thường thấy tại nơi này...

Ngoài việc buôn bán, mưu sinh phải lên bờ, còn các hoạt động khác trong sinh hoạt đều khá tách biệt với đời sống đô thị. Những chiếc ghe sắp hàng dài tạo thành xóm ghe cắm sào bên bờ Kênh Tẻ. Có ghe đã gắn bó với dòng kênh này nhiều năm, có ghe chỉ chừng vài tháng…

Họ đậu san sát để bảo ban nhau, “lá lành đùm lá rách” mỗi khi thời tiết xấu hay có tệ nạn…

Các hộ dân trên ghe chia sẻ, họ không thể lên bờ bởi không đủ tiền thuê nhà trọ. Với lên bờ thì làm nghề gì để ăn nên đành phải bám trụ trên dòng kênh này.

Cô Nương, gần 60 tuổi, quê ở Đồng Tháp, làm nghề bán trái cây, sống trên chiếc ghe cũ kỹ tâm sự: “Con trai với con dâu cô đã bỏ đi gần 3 năm, để lại đứa cháu nội trên ghe, không một lần gọi về thăm hỏi. Cô phải bán trái cây từng ngày để nuôi cháu. Đến tuổi đi học thì chắc gửi bé ở lớp tình thương. Tới đâu hay tới đó...

Những đứa trẻ xóm ghe với làn da rám nắng, thường chơi ở dọc bờ Kênh Tẻ… thỉnh thoảng để vẻ buồn chán trên gương mặt hồn nhiên, trong trẻo.

Cô Nương, gần 60 tuổi, quê ở Đồng Tháp, làm nghề bán trái cây, sống trên chiếc ghe cũsống cùng cháu nội trên chiếc ghe tồi tàn chưa đầy 4m2…

“Nội thất” cơ bản trong “nhà” ghe của cô Nương… Muốn di chuyển trong ghe phải khom nửa người.

Góc bếp nhỏ trong không gian sống chật hẹp của những phận đời lênh đênh trên dòng nước…

Góc bếp nhỏ trong không gian sống chật hẹp của những phận đời lênh đênh trên dòng nước…

Duy nhất bình ác quy điện còn mới cũng chỉ là đồ thuê tạm để chủ nhà có chút ánh sáng khi đêm tới.

Để tiện lên xuống bờ, các thương hồ dùng những thanh gỗ, ván ép di chuyển giữa bờ và ghe.

Cuộc sống trên ghe không có nước sinh hoạt, phải mua lại nước sạch từ trên bờ để trữ dùng cho nấu nướng và sinh hoạt.

Đa phần các ghe đều nuôi một chú chó để bầu bạn và giữ “nhà”. Đây là một trong những cách thương hồ tự bảo vệ mình để tránh trộm hàng hay con nghiện đến quấy phá…

Tuy nhiên, rác thải sinh hoạt bên bờ kênh là vấn đề cần được địa phương quan tâm để tuyên truyền và nâng cao ý thức người dân bảo vệ dòng kênh.

Tại xóm ghe, hình ảnh một chiếc ghe được trang trí bắt mắt làm tiệm cắt tóc cũng gây chú ý người đi đường.

Ghe tiệm cắt tóc này do anh Bảo Khánh (Tiền Giang) làm chủ.

Anh Khánh cho biết, tiệm có lượng khách ổn định, người đi đường thấy lạ nên ghé tiệm ghe trải nghiệm.

Sau một ngày buôn bán vất vả, những người "bạn ghe" rủ nha “làm vài ly” để giải khuây và chia sẻ tâm sự…

Khi thành phố về đêm, xóm ghe chỉ còn những ánh sáng tù mù dội từ đèn đường ra kênh hoặc những chiếc đèn nhỏ chỉ đủ soi tỏ mặt người.

Được biết, Sở Du lịch TP. HCM đã có kế hoạch xây dựng chợ nổi tại khu vực cầu Tân Thuận để thu hút du khách vào các dịp cuối tuần. Dự kiến, khu chợ nổi sẽ có các tàu thuyền mua bán hàng hoá tấp nập.

Mong rằng với kế hoạch này, việc buôn bán trên sông nước trở thành nét riêng biệt, tô điểm cho văn hóa đô thị đặc trưng của Sài Gòn phục vụ ngành du lịch; vừa có thể ổn định cuộc sống, thu nhập của những thương hồ neo đậu ở xóm ghe nghèo khó này…