Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Vợ chồng “mét mốt” và “tấm vé độc đắc” Vợ chồng “mét mốt” và “tấm vé độc đắc”
Hồng Lĩnh - Phan Nhơn   •   3:17 28/06/2022

Một cặp vận động viên khuyết tật chỉ cao 1,1m; mỗi ngày đẩy thùng loa đi bộ 5 km ở những khu chợ nắng nôi, mưa gió để bán những tờ vé số.

Trên căn gác sân thượng ở nhờ, họ nuôi dưỡng tình yêu, bền bỉ vượt qua mặc cảm, tự ti, những nỗi đau mất mát. Giữa rủi may cuộc đời, họ nắm giữ hạnh phúc nhờ vào những tấm vé độc đắc dành cho chính đời họ.

Tấm vé của nghị lực sống.

4h sáng, tại con hẻm 373/35 Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP.HCM, trời se se lạnh, hai vợ chồng Nguyễn Văn Lượng (31 tuổi, quê Đồng Tháp) và Nguyễn Thị Thu Đào (30 tuổi, quê Bình Định) đã thức dậy để chuẩn bị cho một ngày tất bật ở chợ Bà Chiểu cách nhà 5 km.

Trên chiếc xe tự chế ba bánh cũ kỹ, họ chở theo chiếc thùng loa cùng xấp vé số 500 tờ bon bon đến khu chợ để tìm vận may cho một ngày mưu sinh.

Mặt trời chưa ló dạng, khu chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) tất bật, nhộn nhịp hàng cá, tôm. Cặp vợ chồng tý hon đẩy thùng loa, mở nhạc, len lỏi vào từng gian hàng, quán cafe, mời chào bà con mua vé số.

Gần trưa, mồ hôi ướt đẫm áo, chị Đào cầm mic rao miết mải: “Vé số chiều xổ, 10 ngàn/ tờ cô bác anh chị mua ủng hộ”.

Nhiều người nhìn cặp đôi vợ chồng thương mến mua ủng hộ dăm ba tờ rồi đôi khi dấm dúi cho thêm. Cứ thế lê la khắp chợ từ mờ sáng đến tận trưa.

Có những lúc cảm thấy “ế” chị Đào lại cầm mic lên thể hiện tài năng ca hát, chất giọng “ngọt lịm” dường như cũng chạm đến nỗi lòng bà con tiểu thương, nên xấp vé cứ vơi dần vơi dần.

Hai vợ chồng luân chuyển liên tục từ khắp các chợ ở TP.HCM, có khi đi cả chợ Thủ Đức, cách hàng chục cây số để bán. Sài Gòn mùa mưa, nhiều bữa chạy không kịp, vé số ướt hết, xe phải sửa dọc đường.

“Ban đầu hai đứa đến với nhau gia đình cũng cản nhiều lắm. Sợ hai đứa khuyết tật rồi về sống không nương tựa được lại khổ. Rồi thời gian qua đi gia đình hai bên cũng ủng hộ, từ ngày cưới đến giờ vợ chồng lúc nào cũng không rời”, chị Đào tâm sự.

Ít ai biết rằng cặp đôi “đôi đũa ngắn” nên duyên vợ chồng từ một bãi cỏ tại sân vận động Phú Thọ. Năm 2012, khi đang bán vé số trên đường, Lượng tình cờ gặp vận động viên khuyết tật Vương Châu.

Lúc này, anh Châu đang tìm vận động viên tiềm năng ở hạng thương tật F40 nên đã ngỏ lời mời Lượng vào đội tuyển đội thể thao khuyết tật TP.HCM.

VĐV Vương Châu nhớ lại: “Lúc đó đi ngoài đường thấy bạn thấp thấp nhưng cũng nhanh nhẹn, cùng cảnh ngộ, lại cùng dạng thương tật, tôi tới bắt chuyện hỏi.

Nhưng lúc đó, anh Lượng còn e ngại, vì còn phải bán vé số mưu sinh. Tôi động viên, không sao đâu, bán ban ngày, 5h chiều lên sân”.

Chiều muộn tại Nhà thi đấu Phú Thọ, ăn vội chiếc bánh mì, hai vợ chồng chia nhau vác những chiếc lao dài hơn 1.5m và bi sắt ra sân tập.

Anh Lượng lầm lũi phóng lao, rồi lại tập tễnh ra nhặt và lấy đà phóng lại cho vợ mình từ phía bên kia. Trời nắng gắt. Sân cỏ um tùm, cao đến nửa người.

Hàng chục lần phóng lao, mồ hôi ướt đẫm áo.

Xong phần tập luyện của mình, họ còn hỗ trợ cho những anh chị khác trong Đội tuyển.

“Ông mai” Vương Châu nhắc lại câu chuyện, song cũng hạnh phúc lây khi làm chứng nhân cho tình yêu cặp đôi này: “Hai người quen nhau, thương nhau rồi cưới luôn. Cả đội rất vui và chúc mừng. Nhờ cơ duyên thể thao khuyết tật tạo một môi trường rất lạnh mạnh, giúp cho những hoàn cảnh thấy đồng điệu với nhau tiến tới tình yêu rất là hiếm”.

Lượng thổ lộ, ban đầu chỉ chơi vui lấy sức khỏe, nhưng dần dà, cả vợ và chồng đều đam mê. Vất vả mưu sinh là thế, song bất cứ chiều nào, không kể nắng mưa, họ vẫn ra sân tập, và tập hăng say khi có giải đấu phía trước.

Tính từ năm 2015 - 2020, vợ chồng vận động viên Lượng – Đào đã đem về cho thể thao khuyết tật TP.HCM hơn 20 tấm huy chương các loại giành cho các môn phóng lao, ném đĩa, bi sắt.

Huấn luyện viên Đặng Văn Phúc đã cùng Trung tâm huấn luyện thể thao quận Tân Bình dựng cột kèo, xây một căn phòng trên sân thượng cho các vận động viên ở tạm. Năm rồi vợ chồng anh Lượng lên để chuẩn bị tập luyện thi đấu giải thì dịch bùng, cặp đôi mắc kẹt ở Sài Gòn và phải nương nhờ trên sân thượng Trung tâm.

Thương xót hoàn cảnh cặp đôi, HLV Phúc tạo điều kiện để vợ chồng anh chị trú mưa, trú nắng sáng đi mưu sinh, chiều tập luyện.

“Hồi đầu Lượng thi đấu hầu như hạng nhất, Huy chương vàng ở hạng thương tật F40. Rồi thể thao khuyết tật rộng ra, quần chúng nhiều người tham gia, Lượng dần từ Vàng xuống bạc, từ bạc xuống đồng.

Ở đây, không phải nói Lương không có tố chất, nhưng do cuộc sống kiếm cơm đi bán vé số, sắp xếp thời gian mới tập luyện trong điều kiện khó khăn đủ bề. Nhiều lúc thật sự xót xa.

Tôi cũng biết cặp đôi này luôn hi vọng, mộng ước một lần tham dự Đại hội thể thao người khuyết tật Đông nam Á”, huấn luyện viên Phúc chia sẻ.

Người thầy thi thoảng vẫn dõi theo học trò qua Facebook, hoặc bắt gặp lúc mưu sinh trên đường, lắm lúc xót xa. Song, bản thân ông cũng hạnh phúc khi nhìn học trò mình đi đâu cũng có đôi có cặp, “có chút gì đó ấm áp hạnh phúc lứa đôi”.

Sau 7h tối, xong buổi tập luyện mệt nhoài, trên đường trở về họ tấp vào quán cơm quen thuộc mua bữa tối. Cặp đôi tiết kiệm mỗi ngày chỉ ăn hai bữa, có khi quá mệt lại bỏ bữa.

Trở về “tổ ấm” trên sân thượng, giây phút thảnh thơi sau một ngày, hai vợ chồng gọi điện hỏi thăm sức khỏe mẹ cha ở quê. Lắm lúc tối lửa tắt đèn, “túp lều” tình yêu cứ thế vượt qua bao thử thách của tháng ngày vất vả.

Cũng như bao cặp vợ chồng khác, Lượng - Đào cũng ước ao một lần để chạm đến thiên chức làm mẹ làm cha. Ước mơ ấy tưởng như đã trở thành hiện thực khi vừa cưới nhau được 1 năm, Đào có tin vui.

Thai kỳ được 2 tháng, bác sĩ khuyên nên ngưng vì các chỉ số cho thấy đứa bé không thể phát triển tốt và nguy cơ thai lưu hoặc sinh ra khó lòng nuôi dưỡng.

Đào thương con, giữ lại cho đến 9 tháng 10 ngày, đứa bé chào đời song chỉ có thể sống được 6 tiếng. Nhiều bệnh lý phức tạp đã không giúp hai vợ chồng giữ được đứa con. Họ thắt lòng mình lại chấp nhận số phận. Gạt nước mắt để sống tiếp.

“Mỗi lần nhắc tới, buồn lắm....Em gặp con được, thấy con được, mà không ôm, không ẵm nó được. Chỉ thấy nhìn từ xa, nằm trong lồng kính. Vừa lo cho vợ, vừa lo cho con” - Lượng ngân ngấn nước mắt khi nhắc lại nỗi đau.

Giữa những toà cao ốc lấp lánh, hai vợ chồng vẫn lầm lũi đi về trên sân thượng hôm rằm ngập tràn ánh trăng.

Giờ đây, cả hai vận động viên “một mét mốt” tiếp tục nuôi ước mơ vượt qua được những giới hạn bản thân, chinh phục những thử thách để đổi màu huy chương; mong một ngày từ đại hội thể thao trong nước bước ra đại hội thể thao khu vực.

Còn đó những dang dở, còn đó gánh nặng của mưu sinh, cặp đôi ấy vẫn mãnh liệt sống và vươn lên như mầm sống mạnh mẽ.

Họ tự thân vươn lên không nương tựa ai dù mình khuyết tật, bền bỉ vượt qua những mặc cảm, nghịch cảnh số phận.

Khi ánh đèn bắt đầu hạ dần trên tầng cao thành phố, cũng lúc nơi “túp lều” tình yêu, cặp vợ chồng mét mốt chuẩn bị cho một “bình minh” mới.

Họ sẽ lại ruổi rong ở khu chợ nào đó, bán cho người ta tấm vé độc đắc, và cũng thu lượm lại “tấm vé độc đắc” của đời mình.

Mời thính giả nghe bản Podcast Vợ chồng “mét mốt” và “tấm vé độc đắc” của VOV Giao thông.