Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Vết sẹo phục chế Kiếm Nhật Vết sẹo phục chế Kiếm Nhật

Vết sẹo phục chế Kiếm Nhật

Phúc Tài   •   11:13 01/10/2023

6 năm "lỡ yêu" những thanh Kiếm Nhật, trên tay anh Ngô Đăng Hoàng ở Vạn Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội hằn lên những vết sẹo do lưỡi kiếm để lại trong quá trình phục chế.

Sau khi tập luyện Karate anh Hoàng đến với bộ môn Kiếm Nhật. Trải qua các bài tập, anh Hoàng được người thầy của mình dẫn sang Nhật Bản để chọn một thanh kiếm Iaito (làm bằng hợp kim, giống một thanh kiếm thật nhưng không mài lưỡi để mang lại an toàn cho người tập).

Từ lúc vào trung tâm Kiếm Nhật nằm trong tòa lâu đài cổ tại thành phố Osaka (Nhật Bản), ngắm những thanh kiếm cổ lâu đời, từng đường nét, hoa văn trên lưỡi kiếm đã hút hồn và anh bén duyên với nghề phục chế Kiếm Nhật.

Với nghề phục chế kiếm, anh Hoàng trả giá bằng máu, bằng vết sẹo để lại trên cơ thể. 4 phía ngón tay cái đều có sẹo, vết sẹo lâu nhất đã cách đây 4 năm, trong một lần phục chế do bất cẩn quá trình mài, lưỡi kiếm đã cứa một đường vào ngón tay anh, còn vết sẹo ngần nhất anh bị lưỡi kiếm cứa một đường sâu hoắng ở ngón giữa.

“Đau. Cảm giác bị cứa rất đau, nhưng mỗi lần bị cứa vào tay là một lần giúp mình có thêm kinh nghiệm, rèn luyện tâm trí phải tĩnh hơn”, Anh Hoàng nói.

Vết sẹo hằn sâu trên các ngón tay của anh Ngô Đăng Hoàng.

Vết sẹo hằn sâu trên các ngón tay của anh Ngô Đăng Hoàng.

Cấu tạo của một thanh Kiếm Nhật gồm các bộ phận như: Saya - Bao kiếm; Tsuka - Chuôi kiếm; Tsuba - Bộ phận ngăn cách chuôi kiếm và phần lưỡi kiếm; Ha - Lưỡi kiếm, là cạnh sắc của kiếm; Habaki - Phần thép nhỏ ngăn cách chuôi kiếm với thân kiếm; Kissaki - Mũi kiếm; Hamon - Vân kiếm nằm trên lưỡi sắc của kiếm…

Với khí hậu có độ ẩm cao, một thanh Kiếm Nhật thường gặp các vấn đề như han gỉ phần lưỡi, gỗ trên vỏ bao kiếm bị mủn, chuôi kiếm bị hỏng theo thời gian. Trong đó, lưỡi kiếm là bộ phận bị hao mòn nhiều nhất và cũng là phần khó phục chế nhất.

Chỉ một quyết định sai từ người phục chế lưỡi kiếm bị hỏng hoàn toàn.

Mỗi thanh Kiếm Nhật của nghệ nhân làm ra có hai loại giấy, một là Giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc sở hữu kiếm của mỗi tỉnh ở Nhật Bản, nơi gia đình nghệ nhân đó rèn và có cơ sở dữ liệu đưa lên mạng. Hai là Giấy vàng của Hiệp hội bảo tồn kiếm Nhật Bản.

Từ hai giấy này, anh Hoàng sẽ tra, tìm thông tin, hình ảnh ban đầu của thanh kiếm để tiến hành phục chế.

Sau khi nắm được thông tin về thanh kiếm và đánh giá tình trạng hao mòn của kiếm anh Hoàng sẽ bắt tay vào mài phần lưỡi kiếm. Ở phần lưỡi kiếm anh Hoàng mài thủ công để không làm mất Hamon - Vân kiếm nằm trên lưỡi sắc của kiếm (trên mỗi thanh kiếm ở phần lưỡi có đường vân để thể hiện thời kỳ của trường phái, người thợ rèn ra thanh kiếm).

“Đây là phần quan trọng của thanh kiếm, nếu mài bằng máy sẽ mất hết vân của thanh kiếm và như vậy giá trị thanh kiếm sẽ mất. Để phục vụ cho việc mài thủ công, bộ đá mài được tôi mua từ Nhật Bản.” – Anh Hoàng chia sẻ.

Hamon - Vân kiếm nằm trên lưỡi sắc của kiếm.

Hamon - Vân kiếm nằm trên lưỡi sắc của kiếm.

Có 13 loại đá mài với độ nhám khác nhau để mài Kiếm Nhật. Hiện anh Hoàng đang sở hữu 8/13 viên với độ nhám khác nhau. Từ độ nhám 140 grit chuyên dùng để công phá gỉ cho đến viên mịn nhất là 8000 grit để mài bóng.

“Giá của các viên đá mài này cũng rất đắt, đặt từ Nhật Bản về một viên đá mài không dưới 6.000.000 VNĐ. Còn ở trong nước, một số kho chuyên bán hàng Nhật bãi vẫn có số ít đá mài lưu lạc về, giá bán cũng rẻ, chỉ từ 1.400.000 VNĐ – 3.000.000 VNĐ nhưng mình phải lựa chọn rất kỹ”, Anh Hoàng nói.

Nếu lưỡi kiếm bị hao mòn nhiều, lớp gỉ dày, anh Hoàng dùng viên đá với độ nhám cao để công lớp gỉ. Khi mài, thanh kiếm được kê trên mặt bằng và cố định, đặt đá mài vào lưỡi cần dứt khoát. Cùng với đó, người làm cần tập trung cao độ, tay vận dụng kỹ thuật mài với lực phù hợp, mắt quan sát và tai lắng nghe âm thanh phát ra.

Kết hợp hài hòa tay mài, mắt nhìn, tai nghe và sự cảm nhận để biết viên đá mình mài đã tới đâu, lực tay mài có mạnh không từ đó điều chỉnh và tùy vào hiệu quả sau mỗi lần mài để thay đổi đá mài với độ nhám phù hợp.

“Chỉ một thao tác sai sẽ hỏng toàn bộ lưỡi kiếm, ở trong hội đam mê Kiếm Nhật, đã từng có một anh bị hỏng một thanh Kiếm Nhật giá hơn 200.000.000 VNĐ do đưa cho một người thợ dùng máy để mài lưỡi, lưỡi sau khi mài bằng máy rất sáng và mới, nhưng phần vân thể hiện thời kỳ của kiếm đã mất”, anh Hoàng cho biết.

Kết hợp hài hòa tay mài, mắt nhìn, tai nghe và sự cảm nhận để biết viên đá mình mài đã tới đâu.

Kết hợp hài hòa tay mài, mắt nhìn, tai nghe và sự cảm nhận để biết viên đá mình mài đã tới đâu.

Lưỡi kiếm sau khi được mài.

Lưỡi kiếm sau khi được mài.

Đến phần Tsuka (Chuôi kiếm), tùy vào tình trạng từng thanh kiếm để có quyết định làm lại. Cấu tạo của chuôi kiếm gồm phần gỗ làm chuôi, da để bọc chuôi, sau đó đến phần dây Ito, trên chuôi kiếm được điểm xuyết bằng Menuki – phụ kiện trang trí trên chuôi.

Trong phần phục chế lại chuôi quan trọng nhất là phần bọc da và cuốn dây Ito. Ở phần da, anh Hoàng dùng da cá đuối. Da cá đuối khi lấy về là một miếng da to, nguyên bản.

Từ một miếng da cá cứng, anh Hoàng cắt thô theo đường cuốn rồi ướm vào chuôi, sau đó ngâm miếng da đã cắt theo hình dáng của chuôi ngâm vào nước từ 2 - 3 ngày để miếng da mềm ra, sau đó cuốn vào chuôi kiếm.

Tiếp đến là đến phần cuốn dây Ito. Tùy theo yêu cầu của khách, anh Hoàng lựa chọn dây Ito với chi phí phù hợp, loại dây từ Nhật Bản về giá từ 1.500.000 VNĐ đến 2.000.000 triệu/ cuộn, một cuộn cuốn được chuôi từ 2-3 thanh.

Trên chuôi kiếm dây Ito đóng vai trò tăng khả năng cầm nắm chắc chắn trong quá trình thực chiến hoặc tập luyện. Khi cuốn dây Ito, trong mỗi một nút thắt bên trong sẽ đệm giấy được gập, cắt nhỏ hình vuông gọi là Hishigami, đệm giấy này giúp người sử dụng khi cầm nắm thanh kiếm được êm tay và khi vung thanh kiếm lên chém dây Ito ở chuôi không bị xô lệch.

Giấy để đệm vào mỗi nút thắt Hishigami nguyên bản sử dụng loại giấy Mingeishi kozo (loại giấy làm từ bột gạo, dùng nhiều trong các loại hình nghệ thuật gấp giấy của Nhật Bản).

Với chi tiết này, anh Hoàng sử dụng chất liệu giấy dó của tranh Đông Hồ, vì giấy dó mỏng, mềm, thấm nước, bền và giống đến 99% loại giấy Mingeishi kozo, hơn nữa việc sử dụng giấy dó trong quá trình phục chế cũng giúp giảm chi phí.

Tùy thuộc vào độ dài chuôi của từng loại kiếm sẽ có số lượng các nút thắt Ito cụ thể. Ví dụ như: Thanh Wakizashi – thanh kiếm ngắn, ở phần chuôi có khoảng 11 nút thắt Ito, còn đối với Katana – thanh kiếm dài có khoảng từ 20 đến 22 nút thắt Ito.

Trong quá trình cuốn dây Ito phải lưu ý đặt Menuki không che lỗ chốt tre (lỗ chốt giữ kiếm và chuôi).

Ngoài chuôi, ở phần Saya – Bao kiếm cũng là bộ phận thường bị hao mòn. Vỏ bao hao mòn không chỉ cũ bề mặt bên ngoài, có vỏ bao đã bị nứt, vỡ phải làm lại.

Loại gỗ làm lại vỏ được lựa chọn đảm bảo tiêu chí gỗ có độ mềm, tinh dầu vừa phải để không vì nhiều tinh dầu làm gỉ lưỡi kiếm, gỗ không cứng để xước bề mặt lưỡi kiếm.

Ở Việt Nam hay dùng gỗ Thường Mực. Còn ở Nhật Bản thường dùng gỗ sồi Nhật.

Để làm lại bao kiếm anh Hoàng dùng máy cắt hoặc cưa tay để tạo thô vỏ kiếm, sau đó sử dụng bộ đục khoảng 17 chiếc với các kích cỡ khác nhau để bào thô và kết hợp với giấy giáp chuyên dụng để đánh mịn bề mặt gỗ.

Công đoạn cuối cùng là dùng keo gỗ để ép hai mặt bao lại.

Kết hợp với đục là một bộ bào gỗ đủ các kích cỡ.

Kết hợp với đục là một bộ bào gỗ đủ các kích cỡ.

Sau khi hoàn thành tất cả các công đoạn phục chế trong thời gian 3 tháng, sẽ chuyển sang một bước rất quan trọng và cần kiến thức về các thời kỳ của thanh Kiếm Nhật đó là đánh giá lại tổng thể thanh kiếm sau phục chế, để từ đó xác định thanh kiếm đã được đưa về hình dáng đúng như thời kỳ làm ra thanh kiếm hay chưa.

Theo kinh nghiệm của anh Hoàng, lịch sử hình thành và phát triển của thanh Kiếm Nhật trải qua ba thời kỳ: Trước thời Heian đến thời Muromachi (từ thế kỉ thứ 4-5 Sau CN đến đầu thế kỉ 16) thời kỳ này Kiếm Nhật được gọi là Cổ Đao (Koto) với hình dáng ban đầu thẳng với lưỡi sắt 1 bên được gọi là Trực Đao (Chokuto).

Trải qua quá trình lịch sử, cùng với sự thay đổi trong quan niệm sử dụng thực tế và việc cải tiến kĩ thuật luyện kim mà hình dáng kiếm Nhật thay đổi thành cong (Uchigatana - Đả đao) để dễ sử dụng trên chiến trường.

Chêm chốt tre giữ chuôi và kiếm.

Chêm chốt tre giữ chuôi và kiếm.

Tại thời kì này các hình thức rèn đao hay còn gọi là trường phái rèn đao được hội tụ thành 5 trường phái chính và được đặt tên theo khu vực xuất hiện: Dòng Soshu (hay còn gọi là Tương Châu Truyền) tại Kamakura; dòng Bizen (Bị Tiền Truyền) thuộc tỉnh Okayama; dòng Yamashiro (Sơn Thành Truyền) ở Kyoto; dòng Yamato (Đại Hoà Truyền) gần Nara; và dòng Mino (Mỹ Nùng Truyền) tỉnh Gifu.

Thời kỳ thứ 2 được gọi là thời kỳ Tân Đao (Shinto); cùng với 1 bước tiến quan trọng vào cuối thời Muromachi đến đầu thời Momoyama (1568 - 1603) là việc phát triển từ Uchigatana thành 1 cặp đao có thể đeo cùng 1 bên hông - thanh đao dài và to hơn gọi là Katana dài chừng 60-75cm và thanh ngắn hơn gọi là Wakizashi, dài khoảng 45cm.

Việc thay đổi này kéo dài đến hết thời kỳ Edo (1603 - 1853), trong thời kỳ này cùng với sự biến đổi của kinh tế thời bấy giờ cùng với những quy định mới của chính phủ về quy định giá của các thanh kiếm mà xuất hiện thêm một kiểu đao gọi là Shinshinto (Tân Tân Đao).

Cùng với cải cách Minh Trị (Meiji - 1869), và với sắc lệnh bãi bỏ tầng lớp Samurai thu hết quyền lực của các lãnh chúa về Nhật Hoàng, Kiếm Nhật có thêm 1 sự thay đổi lớn Kiếm thời Meiji được gọi là Gendaito (Hiện đại đao) - sự thay đổi này bắt nguồn từ những cuộc chinh chiến của quân đội Hoàng Gia Nhật Bản.

Kiếm nhật thời kỳ này đa phần không có Hamon và chất liệu được làm từ thép cán và ko phải làm bằng phương pháp thủ công mà bằng phương pháp công nghiệp. Những cây đao thời kỳ này được gọi là Gunto.

Tập luyện Kiếm Nhật và được phục chế lại Kiếm Nhật rèn luyện cho anh Hoàng sự “Điềm tĩnh – Quyết đoán”. Điềm tĩnh, không được đốt cháy giai đoạn vì chỉ một bước tập sai sót khiến người tập bị thương. Việc phục chế lại kiếm cũng vậy, chỉ nóng vội và sai sót khiến thanh kiếm quý giá thành mất giá trị.

Sự quyết đoán thể hiện trong từng đường chém của kiếm và trong phục chế cũng vậy, chỉ cần sơ sẩy, không quyết đoán trong các quyết định không những khiến thanh kiếm bị hỏng mà còn làm cho người người phục chế bị thương.

Sơ sẩy mất ngón tay vậy điều gì khiến anh Hoàng có thể bám nghề. Đó là niềm đam mê với Kiếm Nhật và lòng tin của những người tin tưởng giao thanh Kiếm Nhật quý giá cho anh Hoàng phục chế lại.

Giá thành của một thanh Kiếm Nhật không hề rẻ, để người sở hữu Kiếm Nhật tin tưởng giao cho phục chế một thanh kiếm quý là cả một hành trình thuyết phục.

Sự thuyết phục này không chỉ đến ngày một, ngày hai mà còn đến từ cả quá trình người phục chế là người tập luyện Kiếm Nhật, am hiểu về Kiếm Nhật và còn sẵn sàng nếm trải những đường cứa sắc bén của lưỡi kiếm./.