Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Tỏa sáng những điều tử tế Tỏa sáng những điều tử tế

Tỏa sáng những điều tử tế

Trúc Thủy - Minh Thùy   •   12:17 24/01/2023

Năm 2023 khép lại năm cũ với nhiều thăng trầm, làm hành trang bước đến những điều lạc quan và đầy ắp hy vọng chờ đợi phía trước. Một năm qua chắc chắn sẽ có biết bao điều còn đọng lại với những câu chuyện chân thành, những lời cảm ơn, những bài học tử tế để cuộc sống thêm ý nghĩa và tốt đẹp.

Đó là tấm gương dũng cảm của 4 cán bộ, chiến sĩ dân quân xã Tân Hưng (Bình Phước) cứu người giữa dòng lũ quét. Những anh hùng cứu hỏa lao mình vào đám cháy làm lay động lòng người. Những chiến sĩ áo trắng vẫn lặng thầm trong công tác phòng chống dịch. Hay đơn giản chỉ là hình ảnh một thanh niên liều mình kịp thời cứu 3 người đi trên chiếc xe máy bị mất phanh khi đổ đèo Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Và còn nhiều, nhiều nữa những việc làm tạo nên kỳ tích. Để rồi những câu chuyện “cho và nhận” cứ sống mãi rồi vang xa! Năm mới là lúc chúng ta nhìn lại những điều không thể quên, để sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn.

Sài Gòn - TP.HCM những ngày đầu năm mới, dường như khoác lên mình chiếc áo mới, khắp phố phường được trang hoàng lộng lẫy. Các con hẻm cũng cựa mình hồi sinh, sáng rực, le lói đèn hoa. Người dân nô nức dạo quanh khắp đầu đường, cuối hẻm thênh thang, thoáng đãng. Điều mà trước đây, hẳn người dân sống tại con hẻm ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp giữa lòng trung tâm khó lòng thực hiện.

Những câu chuyện về hiến đất mở hẻm, làm đường chắc hẳn đã không còn xa lạ với người dân TP.HCM. Ấy vậy mà, mỗi khi nhắc lại, khiến người ta không ngừng thán phục. Bởi, giữa cái đất Sài Thành, khi “tấc đất tấc vàng”, thậm chí “đất xẻ ra kim cương” thì cái nghĩa cử cao đẹp đó lại đáng quý hơn bao giờ hết. Cái tình, cái nghĩa chưa bao giờ vơi đi trong bất kỳ hoàn khó khăn cảnh nào nơi lòng Thành phố- mang tên Bác.

Bà Nguyễn Thị Diễm Thúy nhớ lại, khi chưa được chỉnh trang, hẻm 162 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, chỉ rộng chừng 2m, có đoạn chỉ hơn 1m rất khó khăn trong việc di chuyển, thậm chí không an toàn trong công tác phòng cháy chữa cháy. Thế mà, sau khi được chỉnh trang, xe ô tô có thể ra vào, nhịp sống sôi động hẳn, đồng thời trở thành một trong những công trình điển hình cho sự thành công của cuộc vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm trên địa bàn.

“Cũng phải suy nghĩ nhiều lắm chứ. Giữa thành phố này tấc đất tấc vàng. Tuy nhiên, suy nghĩ đi nghĩ lại nếu mọi nhà đều cố gắng một chút thì cả hẻm, khu phố, phương, Quận đều hưởng lợi từ đó. Trước mắt là nhân dân trong hẻm được hưởng lợi từ việc mở rộng hẻm”, bà Thuý nói.

Người Sài Gòn hiến đất tiền tỉ mở rộng hẻm 162 Phan Đăng Lưu. Ảnh: SGGP

Người Sài Gòn hiến đất tiền tỉ mở rộng hẻm 162 Phan Đăng Lưu. Ảnh: SGGP

Còn ông Lại Văn Nghề, ngụ phường Tân Tạo A, quận Bình Tân - người thì đã tiên phong tự nguyện hiến hơn 1.000 m2 đất để mở rộng đường Nguyễn Văn Cự (đoạn từ Tỉnh lộ 10 đến cầu Ông Phú). Theo lời ông Nghề kể lại, những ngày đầu, toàn tuyến đường Nguyễn Văn Cự dài khoảng 3km, mặt đường rất nhỏ, khoảng 3 mét, thấp trũng và sình lầy, người dân phải tự đổ xà bần, dặm vá để di chuyển. Thời điểm, phường mời vận động hiến đất mở rộng đường, không ít người dân đắn đo, không đồng ý vì đất thành phố rất có giá trị.

Tuy nhiên, Ông Nghề khẳng định, giá trị mảnh đất vài nghìn cây vàng cũng không bằng lợi ích chung cho cộng đồng: “Mình vui vì bản chất, truyền thống vì mang lại niềm vui cho xã hội, đường khang trang hơn. Cái cống hiến đôi khi lớn hơn giá trị, thời điểm 20 năm trước 1000 mét vuông đất khoảng 450 lượng vàng, tính ra giờ khoảng 30 tỷ”.

Trong hơn 20 năm qua, hơn 168.000 hộ dân TP.HCM đã tự nguyện hiến hơn 5,3 triệu m2 đất. Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi khẳng định: Vượt qua cả giá trị vật chất với hơn 10 ngàn tỷ đồng, đó là những phần quà vô giá, mà người dân đã hy sinh lợi ích cá nhân, mang lại những giá trị truyền thống to lớn.

Không ngoa khi bảo rằng, nghĩa tình đã trở thành nét đặc trưng trong tính cách, hành động của người dân Sài Gòn. Mà bất kỳ ai cũng dễ dàng chứng kiến được việc tình, việc nghĩa, việc nên làm mà chẳng hề tính toán thiệt hơn.

Thành lập vì mục đích trên, biệt đội SOS Sài Gòn ngày càng nhiều bạn trẻ có tâm quyết đã chung tay thực hiện những công việc tình nguyện nhỏ bé như nhặt đinh, vá xe, cứu giúp người bị tai nạn giao thông...

Các “hiệp sĩ” trong Biệt đội SOS Sài Gòn đã lặng thầm làm nhiều công việc không tên với mong muốn góp chút gì đó mang lại cuộc sống bình an hơn cho người dân TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo Nhân dân

Các “hiệp sĩ” trong Biệt đội SOS Sài Gòn đã lặng thầm làm nhiều công việc không tên với mong muốn góp chút gì đó mang lại cuộc sống bình an hơn cho người dân TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo Nhân dân

Ấp ủ ước mơ từ những ngày đầu, anh Hồ Tuấn Sang - Đội trưởng Biệt đội hỗ trợ SOS Sài Gòn chia sẻ, tuy công việc ban đầu của nhóm gặp rất nhiều khó khăn, nhiều bạn vì nhiều lý do không thể theo nhóm lâu dài nhưng với ý chí và niềm vui khi được giúp người gặp nạn, thời gian qua nhóm đã giúp đỡ được rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Anh Sang chia sẻ: “Có thể các bạn thích các bạn muốn làm nhưng khi vô các bạn chưa hiểu, chưa biết được những khó khăn của công việc. Đơn giản nếu không có ý chí thì không thể theo đội lâu dài được, cho nên hiện tại những bạn còn ở lại với đội đó là những người đã trải qua thời gian khó khăn được người khác giúp đỡ nên giờ họ muốn giúp lại người khác.

Có nhiều bạn chia sẻ, mới nhìn người khác giúp người thôi các bạn đã cảm thấy hạnh phúc rồi cho nên cảm giác trực tiếp giúp người bị nạn thì rất là vui. Mong muốn của những thành viên trong đội là mình có thể giúp được ai có thể giúp thôi, để sự tử tế đó tiếp tục được truyền đi, chứ không phải để tri ân hay lưu số điện thoại”.

Có lẽ, ai cũng sẽ có lúc gặp khó khăn, rơi vào hoàn cảnh bế tắc cần sự giúp đỡ “tương thân tương ái” từ những người xung quanh. Nhờ sự tử tế mà chúng ta có thêm động lực để bước tiếp và cùng nhau lan tỏa những tấm lòng vàng trong xã hội.

Đó là nguyện vọng của anh Hồ Tuấn Sang khi nghĩ về những điều tốt đẹp trong tương lai. Anh tin rằng, văn hoá ứng xử giữa người với người sẽ được cải thiện và dần tốt lên từ những việc làm nhỏ nhặt như thế: “Xã hội niềm tin ngày càng bị mai một. Nhưng mà tất nhiên con người ai cũng có lòng hướng thiện hết, cho nên khi lập ra đội để cho người dân còn có niềm tin là vẫn còn có sự tử tế trong xã hội này và còn nhiều người tốt lắm nhưng người ta không dám làm chứ không phải không muốn làm.

Bây giờ nếu làm một mình thì mình sợ nhưng khi mình có tổ chức rồi thì mình sẽ tự tin hơn. Qua việc làm nhỏ bé của mình để mình tác động trực tiếp vào tâm lý của người dân là bỏ nỗi sợ hãi khi giúp người khác, thêm niềm tin và lan truyền sự tử tế nhiều hơn nữa để cho xã hội bớt vô cảm hơn”.

Đội SOS Sài Gòn vá xe cho một trường hợp bể bánh giữa đường. Ảnh: H.LAN/PLO

Đội SOS Sài Gòn vá xe cho một trường hợp bể bánh giữa đường. Ảnh: H.LAN/PLO

Không được tổ chức bài bản hay hoạt động chuyên nghiệp như SOS Sài Gòn, hơn 20 năm là chừng đó thời gian chú Lê Ngọc Toàn, ngoài 40 tuổi, mặc kệ nắng mưa khói bụi... hễ nghe tin trên đài ở đâu kẹt xe là liền tức tốc đạp xe chạy đến để điều tiết giao thông cho mọi người di chuyển.

Công việc vất vả, chẵng được nhận lương, cũng không được nhiều người công nhận. Thế mà ngày nào tại các điểm nóng kẹt xe, người ta cũng thấy sự có mặt của chú. Người đàn ông với vóc dáng nhỏ nhắn nhưng ít ai biết được rằng chú vốn chỉ là một thợ sửa xe bên đường đã bỏ hết mọi công việc để đi làm cái chuyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” mà chẵng cần bất cứ điều gì. Chỉ với niềm vui lớn nhất đó là nhìn thấy mọi người trở về nhà một cách an toàn.

Chú Lê Ngọc Toàn niềm nở: “Đi đường mình thấy kẹt xe nên mình đứng ra điều tiết và phân luồng. Công việc này mình làm từ năm 1998 đến bay giờ, đã được 20 năm. Đi điều tiết thì mình làm vào giờ cao điểm buổi chiều.

Lúc đầu thì có khó khăn chút, nhất là trời mưa ướt sủng điều tiết giao thông vất vả lắm. Nhưng công việc này mình tình nguyện đứng ra làm, xuất phát từ cái tâm thôi, luôn luôn sẳn sàng đi đầu để giúp đỡ mọi người đi lại cho dễ, đi đến nơi, về đến chốn”.

Rời khỏi những tuyến đường ồn ào náo nhiệt, ẩn trong một con hẻm xóm nhỏ quận 12 (TPHCM) là một câu chuyện đầy lòng nhân ái khác. Lớp học tình thương của thầy Huỳnh Quang Khải, 30 tuổi, không quá đầy đủ vật chất, bữa cơm, bữa thì mì gói, bữa chỉ ít bánh kẹo lót lòng nhưng đó là cả “gia tài tích góp” và tâm huyết của vợ chồng anh Khải.

Đã 15 năm qua dưới ngọn đèn thắp sáng căn phòng nhỏ chừng 20m2, anh vẫn miệt mài trao đi những con chữ chất chứa nghĩa tình về khát vọng một tương lai sáng lạng cho những mảnh đời bé nhỏ nhiều bất hạnh. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm “phép màu” chấp thêm đôi cánh ước mơ cho bao bạn nhỏ “ê a” giọng đọc non nớt, gương mặt lại đầy vẻ rắn rỏi vì mưu sinh.

“Những ngày đầu mình nghĩ mở ra là để dạy cho 7 em trong lớp không biết chữ thì 7 em này là đi bán vé số rồi rủ thêm các bạn vào học ngày càng đông đến hiện tại như bây giờ. Đa phần các em ở đây 80% là các em mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ.

Chắc tôi nghĩ là tôi là kẻ mồ côi chung như các em nên tôi hiểu và đồng cảm với các em thiếu thốn tình thương như thế nào và cứ lập lớp ra dạy cho các em”, thầy Huỳnh Quang Khải chia sẻ.

Anh Huỳnh Quang Khải đã có 14 năm đồng hành với trẻ em nghèo. Ảnh: Tienphong

Anh Huỳnh Quang Khải đã có 14 năm đồng hành với trẻ em nghèo. Ảnh: Tienphong

Thực tế đã chứng minh, những tấm lòng rộng mở, những nghĩa cử cao đẹp, sẵn sàng hy sinh cá nhân, cùng hướng đến lợi ích chung và giá trị tốt đẹp cho cuộc sống. Việc nhìn thấy và tìm kiếm những điều tốt đẹp nhất ở con người cũng đòi hỏi sự can đảm, nhưng đồng thời việc này có thể rất vui và khiến cuộc sống của chúng ta tràn ngập những điều kỳ diệu.

Trong đó phải kể đến anh Lê Trường Hải – chàng đoàn viên 29 tuổi đã tham gia trên 100 vụ bắt trộm, cướp mang lại sự bình yên cho cộng đồng. Năm 2021, anh còn để lại dấu ấn khó quên khi cùng người dân TP.HCM đối mặt với dịch bệnh Covid-19 khốc liệt.

Trong không khí đầu năm, VOV Giao thông đã có dịp trò chuyện cùng anh Lê Trường Hải - Một trong 5 cá nhân xuất sắc được vinh danh trong chương trình “Lan tỏa điều tử tế” - Đồng lòng tỏa sáng, rạng ngời Việt Nam năm 2022, để chia sẻ nhưng điều đã làm được trong năm qua:

PV: Khi biết được những thành tích của Hải thì thật sự chúng tôi rất là thán phục. Bởi vì với tuổi còn khá trẻ nhưng đã có hơn 100 vụ bắt cướp, một cái nghề khá là nguy hiểm. Động lực nào để bạn tham gia vào công việc này?

Anh Lê Trường Hải: Trước đây thì anh mình cũng công tác bên đoàn, mình cũng đi theo từ lúc thiếu nhi tham gia bên Đoàn. Sau đó khi đủ tuổi thấy các chú, các bác tham gia công tác dân phòng điể tuần tra canh gác cũng như bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân.

Thấy vậy thì mình cũng muốn cống hiến sức trẻ, từ đó thì minh tham gia từ năm 18 tuổi vừa đi học, tối đến đi trược dân phòng. Làm lĩnh vực đó thì thật sự phải nói rất là nguy hiểm.

Nhưng khi thấy một người nào đó bị lấy mất tài sản thì mình đặt như một người nhà hay một người thân của mìnhvào vị trí đó thì mình làm thôi, chứ không có suy nghĩ gì hết.

Anh Lê Trường Hải là 1 trong 5 gương mặt được vinh danh của chương trình “Lan tỏa điều tử tế'. Ảnh: Nhật Thịnh/Thanh niên

Anh Lê Trường Hải là 1 trong 5 gương mặt được vinh danh của chương trình “Lan tỏa điều tử tế". Ảnh: Nhật Thịnh/Thanh niên

PV: Những ngày đầu tham gia bắt cướp thì mình có gặp khó khăn gì không?

Anh Lê Trường Hải: Đối tượng bây giờ phải nói rất là manh động và nguy hiểm. Sợ thì nói ai cũng sợ nhưng mà nói sợ thì không có ai dám làm, khi mà đối mặt với nguy hiểm thì Hải cũng không sợ mà phải bình tĩnh để trấn áp.

Bên cạnh những việc làm đó thì Hải cũng phải học thêm những kỹ năng tự vệ. Mục đích trước tiên là để phòng thủ tự vệ bản thân mình trước, bản thân mình phải an toàn thì mình mới có khả năng bảo vệ người khác. Trước đây ba mẹ rất là lo lắng khi Hải tham gia như vậy. Nhưng nhờ ba cũng là bộ đội nên cũng đồng cảm và chia sẻ, miễn sao Hải giữ được an toàn cho mình thôi.

PV: Nhìn lại công tác phòng chống dịch, Hải và đồng nghiệp của mình là những người tham gia tuyến đầu chống dịch, Hải chia sẻ những kỉ niệm đáng nhớ vừa qua?

Anh Lê Trường Hải: Thì trong công tác phòng chống dịch, Hải tham gia rất nhiều như là vận chuyển nhu yếu phẩm cùng với các chú, các bác khu phố.

Rồi Tết trung thu mua quà tặng cho các em thiếu nhi; cũng bỏ tiền ra mua thuốc về phun khử khuẩn cho các nơi bị F0 và những dãy nhà trọ, nói chung là miễn phí hết.

PV: Bạn có nghĩ là những việc làm tử tế và ý nghĩa của mình thì đã phần nào lan tỏa trong cộng đồng, cũng như là truyền cảm hứng cho giới trẻ hiện nay?

Anh Lê Trường Hải: Thì có những việc nhỏ thì mới có những việc lớn, mình tuổi trẻ, sức nhiệt huyết vẫn còn thì mình nên làm từ những việc nhỏ miễn sao có ích cho xã hội có ích cho đời.

Sau này chúng ta cũng sẽ có được những câu chuyện đẹp viết mãi, mặc dù đó cũng chỉ là những công việc nhỏ. Mình làm những gì thấy tử tế cho đời là được.

Anh Lê Trường Hải cùng gia đình. Ảnh: Nhật Thịnh/Thanh niên

Anh Lê Trường Hải cùng gia đình. Ảnh: Nhật Thịnh/Thanh niên

PV: Có thể nói Hải là một trong những cá nhân góp phần giữ gìn an ninh trật tự cho khu phố của mình cũng như là bà con đón một cái Tết bình yên. Trong năm mới, mong muốn của Hải là gì?

Anh Lê Trường Hải: Nói chung là Hải đam mê công tác xã hội, cũng như là việc từ thiện, thiện nguyện nên là Hải cũng sẽ tiếp tục để giúp đỡ và hỗ trợ cho những ai khó khăn mình cố găng làm tiếp, mình không thể nào bỏ được việc đó.

Đam mê thì không thể nào từ bỏ được.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của Hải. Chúc cho Hải luôn có nhiều sức khỏe và vường tin trên con đường mà mình đã chọn.

Trong cuộc sống, không hiếm để chúng ta bắt gặp những người có nghĩa cử cao đẹp. Một cuốc xe ôm “lì xì” khi ai đó lỡ chuyến xe cuối về quê. Một món quà nghĩa tình trao tay đầu năm. Bản ngã con người từ khi sinh ra đã có lòng tốt, có sự tử tế trong mình.

Nhất là trong những lúc khó khăn, hoạn nạn, tình yêu thương, sự sẻ chia càng phải được bộc lộ rõ nét và sâu sắc hơn bao giờ hết. Thật ý nghĩa và cũng tự hào khi nhìn lại một năm qua, dù trong những biến động không ngừng nhưng mỗi người đều cất giữ những lời cảm ơn đặc biệt từ những bài học tử tế, để giúp ta thêm trưởng thành và tiến bộ hơn.