Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Rủi ro chất lượng mũ bảo hiểm Rủi ro chất lượng mũ bảo hiểm
Nhóm PV   •   10:18 28/02/2023

Theo một nghiên cứu của Quỹ phòng chống thương vong châu Á năm 2019, có 90% mũ bảo hiểm (MBH) được kiểm định (trong tổng số 540 mũ) không đạt yêu cầu về chất lượng và độ an toàn theo QCVN2:2008.

Mũ bảo hiểm kém chất lượng không có tác dụng bảo vệ vùng đầu, làm gia tăng nguy cơ chấn thương sọ não, giảm cơ hội sống của người điều khiển xe máy nếu xảy ra va chạm giao thông.

Cứ mỗi giờ tan tầm, mấy cửa hàng bán mũ bảo hiểm, mũ thời trang đoạn gần Học viện ngân hàng, phố Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội trở nên tấp nập. Trong vai một khách hàng, phóng viên bị choáng ngợp bởi "rừng" mũ bảo hiểm đa dạng với nhiều chủng loại, mẫu mã và giá bán khác nhau tại một cửa hàng bán mũ bảo hiểm khá lớn trên con phố này.

Khi phóng viên bày tỏ băn khoăn về chất lượng của chiếc mũ có kiểu dáng lưỡi trai 30 nghìn đồng, người bán hàng giải thích: “Mũ 30 nghìn nhưng có con bé học sinh đội 2 năm chưa hỏng! Cứ yên tâm đội đi, còn lâu mới hỏng”.

Điều mà người bán, người mua và người tham gia giao thông có thể không nhận ra là mũ bảo hiểm kém chất lượng có thể làm tăng nguy cơ tử vong và gây chấn thương vùng đầu nếu xảy ra tai nạn giao thông. Một bộ phận người bán hàng đặt yếu tố lợi nhuận lên hàng đầu mà không quan tâm đến chất lượng.

Một người bán hàng ngay trên vỉa hè một mực khẳng định, toàn bộ mũ bảo hiểm bày bán là hàng công ty, đều có tem dán đầy đủ, song lại... không bảo hành bởi giá bán chỉ có hơn 100 nghìn đồng/ chiếc. Nếu mũ bảo hiểm có giá bán từ 500-700 nghìn đồng hoặc 1 triệu mới có bảo hành.

Điều đáng ngạc nhiên, ngay trên con phố này, một cửa hàng có biển hiệu “Chuyên giày dép” nhưng toàn bộ mặt hàng bày bán là mũ bảo hiểm (?!). Cùng một kiểu dáng mũ bảo hiểm, xếp cùng trên 1 kệ, lại có mức giá chênh nhau đến hơn 300 nghìn. “Nó cũng là hàng chuẩn công ty thôi nhưng hàng không chuẩn cho lắm bằng hàng xịn. VD như hàng chuẩn và hàng nhái. Nói chung là mình cứ đội thôi, chứ có làm sao đâu”, nhân viên bán hàng lí giải về sự chênh lệch này.

Ghi nhận của nhóm PV VOV Giao thông, tại nhiều cửa hàng chuyên bán mũ bảo hiểm ở Hà Nội và Tp.HCM xảy ra hiện tượng trà trộn mũ bảo hiểm chính hãng và mũ bảo hiểm giả, nhái, kém chất lượng để đánh lừa người tiêu dùng.

Tại nhiều tuyến phố như phố Lê Duẩn, Khâm Thiên, quận Đống Đa, đường Giải Phóng, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Xiển, Hà Nội; đường An Dương Vương, Kinh Dương Vương quận Bình Tân; quốc lộ 1, huyện Bình Chánh, Tp.HCM, mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng bày bán tràn lan. Thậm chí, nhiều nơi, “cửa hàng” chỉ vẻn vẹn 2 chồng mũ xếp ven đường mà vẫn tấp nập người mua, nhờ tấm biển ghi giá 20 hoặc 30 nghìn đồng /chiếc.

Từ thực tế kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái, ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường thành phố Hà Nội thừa nhận: “Hiện vẫn còn tồn tại một số cá nhân bày bán mũ bảo hiểm, mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm trên vỉa hè không có giấy đăng ký kinh doanh, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có dấu hợp quy, không niêm yết giá bán, không có dán nhãn, ghi nhãn không đầy đủ và có kiểu dáng giống MBH gây nhầm lẫn cho người dân. Hiện tượng này xuất hiện ở ven tuyến quốc lộ 70, đường gom đại lộ Thăng Long, gầm cầu Thăng Long thuộc địa phận xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội".

Mặc dù, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh mũ bảo hiểm nhưng gặp khó khăn trong công tác xử phạt bởi đa phần các cá nhân bày bán tự phát trên lòng đường, vỉa hè, không có cửa hàng, giấy phép kinh doanh. Mặt khác, khi lực lượng chức năng rời đi, các đối tượng này lại bày bán công khai trở lại.

Mũ bảo hiểm kém chất lượng đặc biệt nguy hiểm đối với những người điều khiển xe máy. Theo kết quả nghiên cứu của Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP) tại Việt Nam ở 2 tỉnh Tp.HCM và Thái Nguyên cuối năm 2019, có tới 9 trong 10 mũ bảo hiểm được kiểm tra không đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về an toàn khi thực hiện kiểm tra về độ va đập (Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm QCVN2:2008).

Còn theo một nghiên cứu về việc đội mũ không đạt chuẩn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thực hiện năm 2012, có tới 54% mũ bảo hiểm không có dán nhãn, tem đạt chuẩn. Trung Quốc là quốc gia có tỷ lệ đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn cao nhất 79,4%, tiếp đến Mexico 71,4%, Pakistan 62,5%, Ấn Độ 61% và Việt Nam 22%.

Vậy tại sao người dân lại mua và sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng, đe doạ đến tính mạng của họ?

Theo ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong châu Á, một số người dân sử dụng mũ bảo hiểm giả vì có chi phí thấp, màu sắc bắt mắt và đa phần đội mũ bảo hiểm để đối phó sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Điều đáng quan ngại là họ cũng chưa hiểu được tác dụng khác biệt của 2 loại mũ này trong bảo vệ vùng đầu khi xảy ra va chạm.

Ông Greig Craft phân tích, mũ bảo hiểm đạt chuẩn sẽ có một lớp nhựa và lớp xốp EPS giúp làm giảm xung lực đối với vùng đầu nếu chẳng may xảy ra va chạm. Tuy nhiên, đối với những MBH giả, chỉ có duy nhất lớp nhựa cứng, khi xảy ra va chạm, lớp nhựa cứng bị vỡ thành những mảnh nhỏ có thể gây tổn thương cho vùng đầu, rất nguy hiểm.

TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho biết, kết quả của một số cuộc khảo sát cho thấy, tỷ lệ mũ bảo hiểm không đạt chuẩn tại nhiều nơi là 25%, một số đô thị là 40%. Sở dĩ, tình trạng đội MBH kém chất lượng diễn ra phổ biến, một phần là do những bất cập trong công tác xử lý vi phạm. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến lỗi vi phạm liên quan đến đội mũ bảo hiểm, trong khi đó, nhân lực của lực lượng chức năng còn hạn chế. Mặt khác, lâu nay, lực lượng cảnh sát giao thông và bên kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm gần như chưa kết nối được với nhau.

Theo ông Minh, nhiều chiếc mũ nhìn bề ngoài có hình thức, màu sắc giống hệt như một cái mũ bảo hiểm đạt chuẩn nhưng chỉ có qua thử nghiệm mới phát hiện ra cái mũ không đạt chuẩn. Điều này rất phức tạp, gây khó khăn cho việc xử phạt vì lực lượng cảnh sát giao thông không có chức năng, không có thẩm quyền cũng như không trách nhiệm để đi xác minh chiếc mũ bảo hiểm đó đạt chuẩn hay không để tiến hành xử phạt.

Theo Nghị định 119 năm 2017 của Chính phủ, hành vi bán hàng hóa không có dấu hợp quy hoặc dấu hợp quy không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng. Trong khi đó, Nghị định 126 quy định, hành vi bán mũ bảo hiểm chưa được chứng nhận hợp quy chỉ bị phạt tiền từ 2 đến 3 lần giá trị mũ bảo hiểm.

LS Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh cho rằng chế tài xử phạt đối với những hành vi buôn bán kinh doanh mũ bảo hiểm không có chứng nhận hợp quy hiện còn quá nhẹ và chưa đảm bảo được tính răn đe dẫn đến là một số người kinh doanh thì vẫn có thể bất chấp những cái lợi nhuận để tiếp tục kinh doanh sau khi đã bị xử phạt.

Theo ghi nhận của PV VOV Giao thông tại phòng Hồi Sức, khoa Ngoại Thần Kinh, BV Chợ Rẫy, TP.HCM. Số lượng bệnh nhân ở đây chiếm 40% là các ca tai nạn giao thông nặng, chấn thương sọ não phải đưa vào phẫu thuật và điều trị. Bởi thế cho nên, nơi đây được ví như một “ICU mini”.

Theo PGS.TS.BS Huỳnh Lê Phương, Trưởng khoa Ngoại Thần Kinh, đơn vị gần như lúc nào cũng quá tải. Trong đó, những ca nhập viện liên quan đến tai nạn giao thông mỗi ngày khoảng 40-50 ca, trong số đó có khoảng 10 ca chấn thương sọ não.

Tính chung, cứ 100 ca nhập viện mổ chấn thương sọ não nặng, tổn thương não thì có khoảng 10 ca tử vong; 40 ca phục hồi nhưng để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến cuộc sống; 50 ca phục hồi tiếp cận với cuộc sống trước đây.

Theo bác sĩ Phương: “Khi người điều khiển xe máy ngã xuống đường không đơn giản là rớt xuống như trái banh, mà còn có độ xoay, độ cúi nên khi chấn thương vùng đầu não sẽ xoắn, rất phức tạp”. Mũ bảo hiểm đạt chất lượng gồm 2 thành phần, độ chêm bên trong mũ và độ đứng của thành vỏ. Hai yếu tố đó làm giảm chấn thương sọ não. Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn có tác dụng bảo vệ người điều khiển phương tiện giảm nguy cơ chấn thương sọ não".

Những chấn thương vùng đầu hoàn toàn có thể tránh được nếu người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm đúng cách và đạt chuẩn.

Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Hà Nội cho biết: Từ thực tế các vụ khám nghiệm hiện trường cho thấy, những nạn nhân đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn gặp ít rủi ro liên quan đến chấn thương sọ não, tụ máu, hay giãn xương sọ hơn nhiều so với những trường hợp sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng không rõ nguồn gốc.

Theo thống kê của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, năm 2022, bệnh viện tiếp nhận 20.200 bệnh nhân tai nạn giao thông, trong đó có 6.700 trường hợp chấn thương sọ não, tăng so với con số 18.700 bệnh nhân năm 2019. Những chấn thương vùng đầu hoàn toàn có thể tránh được nếu đội MBH đúng cách và đạt chuẩn. T

S.BS Đỗ Mạnh Hùng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Phó Trưởng khoa phẫu thuật cột sống phân tích, MBH giả, kém chất lượng gần như không có tác dụng bảo vệ phần đầu, những nạn nhân đội MBH giả thường bị chấn thương sọ não rất nặng, những mảnh nhựa vỡ vụn ra có thể bắn vào trong mắt hoặc các phần mềm gây thêm nhiều tổn thương.

Các chuyên gia y tế cho biết, những chấn thương vùng đầu trong các vụ tai nạn giao thông do đội mũ bảo hiểm kém chất lượng hoặc không đội mũ bảo hiểm để lại những di chứng lâu dài. Đơn cử như bà Phan Thị Hồng (TP.HCM) đã gặp chấn thương nặng vùng đầu sau một vụ tai nạn giao thông cách đây chục năm do không đội mũ bảo hiểm.

Thời điểm đó, bà Hồng gần như bị mất trí nhớ, việc đi lại, sinh hoạt trong gia đình cần phải nhờ sự trợ giúp của người thân cho vận động yếu. Bà Hồng nhớ lại thời điểm bị tai nạn bà Hồng ngồi đằng sau xe, không đội mũ bảo hiểm. Xe máy rồ ga, bà Hồng ngã ra phía sau và bị sọ não phía trái.

Sau khi trải qua nhiều lần phẫu thuật sọ não và đằng đẵng bởi những tháng ngày tập luyện hồi phục khổ nhọc. Hiện nay, mặc dù đã phục hồi nhưng trí nhớ bà Hồng bị giảm sút. Bà Hồng tâm sự rằng luôn luôn nhắc con cháu ra đường không nên quên mũ bảo hiểm chất lượng.

Chàng trai Phạm Vĩ Viết Khang (22 tuổi, trú tại quận Bình Tân, Tp.HCM) cũng trải qua quá trình phục hồi lâu dài và đau đớn. Khang đã bị chấn thương ở sọ não vùng tiểu cầu não phải sau khi bị va đâp mạnh xuống đất trong một vụ tai nạn giao thông.

Hậu quả, Khang mất thăng bằng trong đi lại. Khang đã phải nằm viện suốt 1 năm, đã đi cấy sọ não lại, và tập vật lý trị liệu, mỗi ngày tập đi bằng gót, tập tay để phẫu thuật tay, đến nay vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn.

Với thâm niên 20 năm hỗ trợ hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân chấn thương sọ não. Thạc sĩ Vũ Vân Thanh, Khoa phục hồi chức năng, BV Chợ Rẫy đã từng chứng kiến những bệnh nhân từ lúc vào khoa bằng xe lăn, không thể nào tự chủ ăn, uống nước, nói chuyện, đi thăng bằng đến khi xuất viện có thể đi làm trở lại.

Bác sĩ Thanh cho biết: Những ca chấn thương sọ não sẽ gây ra những tổn thương về vận động, nói, nuốt hoặc nhận thức.Nếu bệnh nhân có vấn đề nhận thức sẽ chuyển sang bộ phận ngôn ngữ trị liệu điều trị.

Để các nạn nhân chấn thương sọ não trở lại cuộc sống bình thường là cả một quá trình đòi hỏi sự hợp tác của người bệnh, thân nhân và nhân viên y tế. Nhiều trường hợp phải trả cái giá bằng thời gian từ 1 năm, thậm chí từ 3 - 5 năm.

Ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP) nhấn mạnh, đội mũ bảo hiểm giả giống như sử dụng thuốc giả, có thể đe dọa đến tính mạng con người, làm gia tăng gánh nặng cho ngành y tế và tăng chi phí của nền kinh tế. Bởi vậy, cần phải có những biện pháp xử lý tận gốc đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm giả.

Theo ông Greig Craft, các cơ quan chức năng cần tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, thực hiện chiến dịch cấm kinh doanh mũ bảo hiểm giả và đưa ra nhiều chế tài xử phạt đủ mạnh, khác nhau. Lần đầu tiên vi phạm có thể bị phạt tiền, lần thứ hai cho dừng hoạt động kinh doanh, lần thứ 3 có thể thu hồi giấy phép kinh doanh.

Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho rằng, để hạn chế tình trạng buôn bán mũ bảo hiểm giả, nhái cần kết hợp nhiều biện pháp, tăng cường hoạt động kiểm tra kiểm soát kinh doanh mũ bảo hiểm.

Ông Hùng khuyến cáo, người dân cần chủ động tìm hiểu thêm thông tin về thế nào là mũ bảo hiểm đạt chuẩn, các quy chuẩn về mũ bảo hiểm đang áp dụng như QCVN 2: 2008 và QCVN 2:2021 để trờ thành người tiêu dùng thông thái. Khi tham gia giao thông phải thực hiện đúng luật lệ giao thông, đội mũ bảo hiểm đúng cách và đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn.

TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhấn mạnh, cần tăng cường và kiên trì thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích và tác dụng của mũ bảo hiểm đạt chuẩn, đồng thời đưa ra những hướng dẫn chi tiết về MBH đạt chuẩn. Công tác tuyên truyền hợp lý, hiệu quả chắc chắn tỷ lệ người dân dùng những MBH đạt chuẩn cao hơn và từ bỏ những MBH không đạt chất lượng.

Ông Minh cho rằng, các cơ quan chức năng cũng cần rà soát và nghiêm túc xử lý những trường hợp các đơn vị, công ty sản xuất mũ bảo hiểm chất lượng thấp, hạ giá bán để cạnh tranh với những đơn vị sản xuất mũ bảo hiểm chân chính.

Theo sổ tay hướng dẫn sử dụng mũ bảo hiểm của WHO, các cơ quan chức năng và các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng bộ tiêu chuẩn mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng phù hợp với mọi đối tượng và phù hợp với điều kiện thời tiết của từng quốc gia.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động thực thi pháp luật và giáo dục. Kết hợp đồng thời 2 giải pháp này sẽ đem lại hiệu quả gấp 8 lần nếu chỉ thực hiện giải pháp thực thi pháp luật và gấp 12 lần nếu chỉ thực hiện các giải pháp giáo dục, nâng cao nhận thức. Có như vậy, các quốc gia mới có thể thực hiện được mục tiêu số 7 của Tổ chức y tế đưa ra phấn đấu 100% người đi mô tô, xe máy sửa dụng đúng cách mũ bảo hiểm đạt chuẩn vào năm 2030.

Chấn thương sọ não để lại những di chứng nặng nề, thậm chí không thể phục hồi, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, khả năng tự chủ trong cuộc sống và công việc của bản thân nạn nhân, mà còn tác động tiêu cực trực tiếp đến tài chính của cá nhân và gia đình họ, cũng như làm gia tăng gánh nặng đến nền kinh tế, xã hội.

Phục hồi chức năng sau tai nạn cũng cần nhiều thời gian, tiền bạc. Vì vậy, bản thân mỗi người tham gia giao thông phải tự chủ động đảm bảo an toàn cho bản thân, nhất là vùng đầu khi tham gia giao thông bằng việc lựa chọn những chiếc mũ bảo hiểm đạt chuẩn, nói không với mũ bảo hiểm giả, nhái, kém chất lượng.

Screenshot 2023-02-28 at 10.01.24 AM