Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Quy hoạch quốc gia về nước: Cơ hội hồi sinh những dòng sông “chết”? Quy hoạch quốc gia về nước: Cơ hội hồi sinh những dòng sông “chết”?

Quy hoạch quốc gia về nước: Cơ hội hồi sinh những dòng sông “chết”?

Minh Hiếu - Nguyễn Yên   •   6:45 06/02/2023

Quy hoạch tài nguyên nước Quốc gia vừa được phê duyệt lần đầu tiên tại Việt Nam, trong đó nêu mục tiêu cải tạo, phục hồi các dòng sông ở đô thị đang cạn kiệt và ô nhiễm.

Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn để thực hiện mục tiêu này, khi các nguồn thải đổ vào sông, hồ chưa được kiểm soát; việc tổ chức và quản lý hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chưa được phân định rõ ràng…

Ngắm nhìn ngôi nhà mới khang trang, bà Nguyễn Thị Quý, ở Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội, rất phấn khởi vì gia đình bà đã bớt bị ảnh hưởng bởi dòng sông Sét ô nhiễm ngay trước nhà: "Rất đen, rất bẩn. Cái thứ hai là chợ ở đây nữa này, nhiều hôm người ta còn vứt cả bã đậu ra. Có cửa kính này thì mình cứ đóng cửa vào thôi. Được cái nhà như thế này thì thôi nó cũng sạch sẽ, chứ không thì ốm đau hết vì ô nhiễm, thứ hai là muỗi, rồi là chuột nó cũng đỡ".

Không chỉ tại sông Lừ, sông Sét mà nhiều dòng sông khác tại Hà Nội như: Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhuệ, Đáy,… đã biến thành kênh thoát nước thải, ô nhiễm từ hàng chục năm nay.

Chính quyền thành phố đã có nhiều nỗ lực để hồi sinh những dòng sông “chết”. Từ cuối những năm 90, sông Tô Lịch bắt đầu được nạo vét, kè bờ.

Nhưng sau đó, các ý tưởng dùng nước sông Hồng rửa sông Tô Lịch năm 2009, làm sạch bằng công nghệ nano-bioreactor năm 2019, hay mới nhất là cải tạo sông Tô Lịch thành công viên văn hóa,… mới chỉ dừng lại ở mức đề xuất hoặc thí điểm.

Sông Lừ cùng nhiều dòng sông khác tại Hà Nội, TP.HCM đã biến thành kênh thoát nước thải, ô nhiễm từ hàng chục năm nay.

Sông Lừ cùng nhiều dòng sông khác tại Hà Nội, TP.HCM đã biến thành kênh thoát nước thải, ô nhiễm từ hàng chục năm nay.

Hà Nội cũng triển khai xử lý ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Đồ án thiết kế đô thị hai bên sông Lừ, sông Sét của quận Thanh Xuân cũng đang thực hiện dang dở.

Trong khi đó, Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá dự kiến bàn giao năm 2022, hiện vẫn ngổn ngang. 4 dự án khác tại Kiến Hưng, Hà Đông, thị xã Sơn Tây, lưu vực tả sông Nhuệ và Yên Sở mới ở giai đoạn triển khai thủ tục đầu tư.

Sự chậm trễ trong việc xử lý ô nhiễm khiến người dân sống dọc các dòng sông cảm thấy bất an:

"Mùa nắng lên khó chịu lắm, hôi cực kỳ luôn. Ảnh hưởng đến sức khỏe chứ, cả người ở đây và người đi đường. Người ta chỉ đi vớt các đồ trôi dưới sông thôi. Trước có nạo vét, nhưng thời gian sau thì ít".

"Các nhà mặt phố này là phải đóng cửa suốt ngày. Nghe tin là cải thiện, kè và làm đường ống thoát đi, nhưng nói từ lâu rồi, còn bao giờ thực hiện thì không biết".

Tình trạng tương tự diễn ra tại nhiều kênh, rạch ở TP.HCM như: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tham Lương - Bến Cát, rạch Xuyên Tâm,…

PGS. TS. Nguyễn Đinh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Nước và Môi trường TP.HCM đánh giá cao nỗ lực của chính quyền các đô thị, như TP.HCM đã cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, giải tỏa các khu nhà “ổ chuột”, đặt hệ thống thu gom nước thải dưới lòng các con kênh. Một số kênh, rạch đã trở lại hiện trạng gần như trước đây, tuy nhiên, nước thải lại được bơm ra sông chứ chưa được xử lý.

"Thứ nhất, chúng ta phải xử lý được tất cả nước thải trước khi thải ra môi trường. Hiện nay, tỷ lệ nước thải được xử lý tại các đô thị còn thấp, như TP.HCM chỉ được khoảng 10%. Thứ hai là phải giải tỏa được các nhà lấn chiếm kênh, rạch và tạo dòng chảy thông thoáng.

Tuy nhiên, kinh phí đầu tư rất lớn, như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chỉ cần giai đoạn I là cải tạo thôi, chưa có xử lý nước thải, chúng ta đã tốn hàng trăm triệu USD. Có lẽ vì thế, việc cải tạo các kênh, rạch ở đô thị rất chậm chạp", PGS. TS. Nguyễn Đinh Tuấn nói.

Theo PGS. TS. Phùng Chí Sỹ, màu nước đen, không có dòng chảy, lưu thông, nhiều bọt khí nổi lên, rác đổ bừa bãi xuống sông là tình trạng chung của các đô thị lớn tại Việt Nam. Hình ảnh ghi nhận tại sông Sét.

Theo PGS. TS. Phùng Chí Sỹ, màu nước đen, không có dòng chảy, lưu thông, nhiều bọt khí nổi lên, rác đổ bừa bãi xuống sông là tình trạng chung của các đô thị lớn tại Việt Nam. Hình ảnh ghi nhận tại sông Sét.

Bên cạnh rào cản về nguồn vốn, PGS. TS. Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường (ENTEC) chỉ ra nhiều khó khăn khác với các đô thị: "Ta mới làm được phần “ngọn” thôi, cố gắng nạo vét bùn, kè bờ, giải tỏa các nguồn thải trực tiếp trên mặt kênh, chứ còn tất cả nguồn từ xa, thượng nguồn đổ về thì vẫn chưa chặn được. Xây dựng nhà máy xử lý nước thải nhưng thu gom nước thải về nhà máy mới là vấn đề. Đường thu gom nước thải quá cũ rồi, có chỗ rò rỉ, có chỗ tắc nghẽn.

Nước thải và nước mưa chưa tách nhau được, cho nên mùa khô nước thì ít, mùa mưa thì quá tải. Khó khăn thứ hai là ý thức người dân chưa được tốt, lại đổ rác xuống, chính quyền chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn việc đó".

Cuối năm 2022, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường kỳ vọng quy hoạch tài nguyên nước đầu tiên này sẽ góp phần hồi sinh các dòng sông “chết”: "Một trong những mục tiêu của bản quy hoạch này là năm 2025 - 2030, khoảng 30% nước thải đô thị từ loại II trở lên được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường.

Tôi nghĩ đây là tham vọng cực lớn, trách nhiệm không chỉ Bộ Tài nguyên - Môi trường mà của tất cả bộ, ngành, rồi đến các địa phương có khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Dựa trên quy hoạch này, chúng ta đề ra những chương trình cụ thể để thực hiện bài bản, quyết liệt, tránh tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”.

Cũng đánh giá cao vai trò của Quy hoạch tài nguyên nước Quốc gia trong việc cải tạo các dòng sông ô nhiễm, nhưng PGS. TS. Phùng Chí Sỹ cho rằng, cần tạo nguồn kinh phí bằng cách xã hội hóa. Đó là những chính sách thu hút nhà đầu tư, như cải tạo sông ngòi, kênh rạch được ưu tiên sử dụng một phần đất hai bên bờ sông để xây dựng công trình cho thuê, kinh doanh./.

NHỮNG BƯỚC ĐI TỪ MỤC TIÊU TỚI THỰC TIỄN...

Chính quyền thành phố đã có nhiều dự án làm sạch sông Tô Lịch, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đề xuất hoặc thí điểm.

Chính quyền thành phố đã có nhiều dự án làm sạch sông Tô Lịch, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đề xuất hoặc thí điểm.

Chính quyền và người dân đô thị đều có chung quan điểm ủng hộ chủ trương cải tạo các sông trong nội đô bởi chúng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, để những dòng sông được hồi sinh cần cải tạo, thay đổi theo hướng xem xét toàn diện nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, phục hồi lại giá trị ban đầu chứ không thể cống hóa, lấp và xóa bỏ đi dòng sông.

Đây cũng là nhiệm vụ đặt ra đối với Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với việc đưa ra giải pháp "hồi sinh" các dòng sông ô nhiễm. Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, cần những bước đi rõ ràng, hiệu quả để những mục tiêu trong quy hoạch được hiện thực hóa.

Đã có rất nhiều ý kiến, dự án cải tạo, ý tưởng khôi phục các dòng sông đô thị mà thu hút nhiều sự quan tâm nhất của dư luận là đề xuất biến sông Tô Lịch thành công viên văn hóa hay cống hóa sông Kim Ngưu…Tuy nhiên, ngay khi còn là ý tưởng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều và tới nay vẫn chưa tìm được giải pháp nào thực sự khả thi...

Từ nhiều năm trước, Hà Nội đã đưa ra và thực hiện một số giải pháp để giảm ô nhiễm và làm sạch hệ thống sông, hồ nội đô. Tuy nhiên, những giải pháp đã thực hiện cũng chưa đem lại hiệu quả rõ rệt. Trong khi hàng ngày, 90% của khoảng 400.000m3 nước thải sinh hoạt và hơn 1.000m3 rác thải không hề được xử lý, đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi.

Trong khi đó, đa số các phương án xử lý ô nhiễm chỉ được triển khai trong một khu vực hoặc một khoảng thời gian nhất định nên thiếu hiệu quả trên diện rộng và kết quả không duy trì được dài lâu. Do đó, cải tạo các dòng sông đô thị cần một quy hoạch tổng thể, với các giải pháp đồng bộ từ chính sách, hình thức quản lý và công nghệ kỹ thuật.

Ngày 27/12/2022, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây được xem là văn bản rất quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên có Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia.

Một mục tiêu quan trọng của quy hoạch này là phấn đấu đến năm 2030 thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường đạt từ 30% tổng lượng nước thải tại đô thị loại II trở lên và 10% từ đô thị từ loại V trở lên. Qua đó giúp nhiều dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm sẽ được phục hồi

Mà để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhằm hồi sinh dòng chảy thì ngay từ trong quy hoạch vừa nêu cần xác định các nhóm giải pháp cụ thể:

Giải pháp trọng tâm đầu tiên là phải kiểm soát được ô nhiễm từ sớm, từ xa và ngay tại nguồn xả ra sông, sau đó mới tính tới các mục đích khác như phát triển du lịch, giao thông…bằng cách bổ sung các quy định về quy chuẩn xử lý nước thải ra sông, hồ để ngăn chặn tái ô nhiễm dòng chảy đồng thời phân định rõ, quy trách nhiệm với việc tổ chức và quản lý hệ thống sông ngòi, kênh rạch với từng cơ quan, từng địa phương.

Thứ 2 là dù cải tạo thế nào thì cũng phải làm cho những dòng sông này có dòng chảy bởi tất cả các dòng sông tất yếu phải có dòng chảy, phải có giải pháp bổ cập nước thường xuyên cho dòng sông; đưa nước sạch vào tạo dòng chảy, tạo cảnh quan cho sông,…; Nếu không có dòng chảy mà hàng ngày lại bị đổ thêm hàng trăm ngàn mét khối nước thải sinh hoạt thì những dòng sông nội đô làm sao "sống" nổi?

Giải pháp chính hiện nay chỉ là nạo vét bùn, kè bờ chống lấn chiếm, trong khi hàng trăm nghìn mét khối nước thải chưa qua xử lý vẫn xả thẳng ra sông ngòi, kênh, rạch. Hình ảnh ghi nhận tại sông Nhuệ.

Giải pháp chính hiện nay chỉ là nạo vét bùn, kè bờ chống lấn chiếm, trong khi hàng trăm nghìn mét khối nước thải chưa qua xử lý vẫn xả thẳng ra sông ngòi, kênh, rạch. Hình ảnh ghi nhận tại sông Nhuệ.

Tiếp theo, quy hoạch phải nhìn thấy và đánh thức được các giá trị về cảnh quan, văn hóa, giá trị khai thác kinh tế của các con sông đô thị như các phương án để dòng sông trở thành các điểm du lịch, văn hóa. Để khi những con sông này được cải tạo thì những người hưởng lợi đầu tiên là những người dân sống ở hai bên bờ sông; từ đó người dân nhận thấy rõ những lợi ích và có động lực giữ gìn “dòng sông sạch”

Để có được những dòng chảy trong xanh trở lại còn đòi hỏi các giải pháp triển khai phải đồng bộ: nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều quy hoạch có liên quan nhau. Như nhiều đô thị trên thế giới đã thực hiện các biện pháp tổng thể, từ hệ thống pháp luật đến xây dựng hệ thống quản lý, điều phối rác thải, xử lý nước thải tiên tiến và thành công giúp sông ngòi đỡ ô nhiễm hơn.

Thêm vào đó, các giải pháp cải tạo sông nội đô trong Quy hoạch tài nguyên nước phải đặt trong quy hoạch tổng thể liên kết với các ngành khác như: tiêu thoát lũ, cấp nước, phát triển không gian và bảo vệ môi trường, các yếu tố cảnh quan, lịch sử, địa lý, văn hóa.

Trước mắt từ nay đến năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm xã hội hóa phục hồi sông Nhuệ, sông Đáy, sông Bắc Hưng Hải và Ngũ Huyện Khê trình Chính phủ xem xét, phê duyệt làm căn cứ triển khai.

Đây là bước đi cụ thể nhằm triển khai Quy hoạch tài nguyên nước. Mà nếu làm quyết liệt, hiệu quả các giải pháp với quy hoạch đồng bộ thì chúng ta hoàn toàn có thể phục hồi các con sông trong nội đô; người dân đô thị sẽ không còn phải khắc khoải: Đến bao giờ những “dòng sông chết” hết ô nhiễm?