Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Phía sau cánh cửa không bao giờ đóng Phía sau cánh cửa không bao giờ đóng

Phía sau cánh cửa không bao giờ đóng

Sở Nguyên   •   7:00 27/01/2023

Trực cấp cứu là công việc vô cùng áp lực với các bác sĩ, điều dưỡng, đặc biệt tại một bệnh viện tuyến đầu như Bệnh viện Hữu Nghị Việt-Đức.

Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận khoảng 150 đến 200 ca cấp cứu, ít nhất trong đó 30-40 trường hợp cần tiến hành phẫu thuật cấp cứu.

“Số lượng bệnh nhân cấp cứu của Bệnh viện Việt- Đức rất đông, những bệnh nhân chấn thương nặng rất nhiều. Vào đêm, bệnh nhân vào gần như liên tục, không có thời gian giữa các ca để chia nhau nghỉ. Có trường hợp vừa gọi suất cơm ra, anh em còn chưa kịp ăn thì phòng khám đã gọi, em ơi, giờ này có bệnh nhân cấp cứu rồi, tụt huyết áp các thứ. Bọn mình vội để lại suất cơm đấy rồi chạy về cấp cứu bệnh nhân.”

Đó là lời tâm sự của bác sĩ Hoàng Phúc Thanh, 28 tuổi, công tác tại khoa Phẫu thuật cấp cứu và tiêu hóa, Bệnh viện Hữu Nghị Việt-Đức trong những phút nghỉ hiếm hoi giữa ca trực cấp cứu của một ngày cuối năm Nhâm Dần.

Theo lịch, 1 ca trực cấp cứu bắt đầu từ 8 giờ sáng hôm trước tới 8 giờ sáng ngày hôm sau, với mỗi kíp trực gồm hàng chục bác sĩ, điều dưỡng. Thế nhưng, đặc điểm của Phòng cấp cứu, trực thuộc Khoa Khám bệnh tại một bệnh viện đầu ngành ngoại khoa là chưa bao giờ vắng bệnh nhân.

Công việc của họ cũng hiếm khi dừng lại sau 24 giờ cứu người liên tục. Cánh cửa phòng cấp cứu cũng vì thế mà chẳng bao giờ được khép lại.

Trước và trong Tết Nguyên Đán, ca trực của các bác sĩ, điều dưỡng BV Việt Đức dường như không có giới hạn về thời gian

Trước và trong Tết Nguyên Đán, ca trực của các bác sĩ, điều dưỡng BV Việt Đức dường như không có giới hạn về thời gian

Kể về hành trình 3 năm nội trú và hơn 1 năm tham gia trực cấp cứu, bác sĩ Thanh bật mí một điều mà người ngoài nghề, nếu không để tâm thì ít ai biết. Đối với các bác sĩ, điều dưỡng trực cấp cứu, một giấc ngủ đúng nghĩa là điều rất xa xỉ.

Họ chợp mắt ngay trên chiếc ghế trong căn phòng sinh hoạt chung chỉ hơn 10m2, đối diện phòng Hồi sức số 1, nơi bệnh nhân phân loại nặng nhất được chuyển vào. Gần vậy nên khi có trường hợp khẩn cấp, các bác sĩ chỉ mất chưa tới 5 giây là có mặt bên cáng bệnh nhân.

“Bọn mình trực gần như liên tục 24 giờ. Theo dõi sát các bệnh nhân nặng cần sự tập trung cao. Điều đó giúp bọn mình vượt qua được cơn buồn ngủ. Nói chung là rất vất vả. Đối với bác sĩ nội trú mới thì thường mất khoảng 1 tháng đến 2 tháng mới quen với guồng của công việc được”, bác sĩ Thanh nói.

Không giống với các bộ phận của các khoa bệnh khác, Phòng cấp cứu có một quy luật rất đặc biệt. Càng về đêm, càng ngoài giờ hành chính, càng vào ngày lễ Tết thì nơi đây càng đông bệnh nhân.

Chị Phí Thị Mai Chi, Điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Việt- Đức chia sẻ, đến với môi trường cấp cứu, một trong những điều đầu tiên mà các điều dưỡng cần làm quen là việc không đón Tết đúng ngày. Thay vào đó, họ sẽ được tạo điều kiện về đón Tết sớm cùng gia đình để đảm bảo đủ quân số trực vào những ngày mà nhà nhà, người người nghỉ Tết:

“Bao giờ Tết đến thì mình cũng bố trí tăng ca, có thể tua trực sẽ tăng thêm 2-3 người tùy theo tình trạng đông vắng bệnh nhân. Mình luôn bố trí số lượng người nghỉ tối đa trước Tết để các bạn có thể về quê trước Tết, sát Tết thì lên sau, tức là nghỉ các ngày 27,28, 29, và bao giờ cũng ưu tiên các bạn ở tỉnh xa. Thông thường thì các bạn sẽ sửa soạn đi chợ sẵn, nấu nướng rồi bàn giao cho các ông chồng, hoặc bố mẹ để thắp hương, cúng gia tiên hộ. Cũng chỉ có cách đó thôi”.

Thực tế, trực cấp cứu vốn đã áp lực. Trực cấp cứu vào các ngày lễ Tết còn vất vả hơn rất nhiều. Đa số trường hợp phải nhập viện ở thời điểm này đều là các ca nặng. Trong đó, nhiều bệnh nhân do sử dụng rượu bia mà gây tai nạn giao thông, không chỉ khiến gia đình mình mất Tết mà còn đem lại nỗi đau, sự tổn thất cho những người vốn xa lạ:

“Nhìn khung cảnh Tết thì ai cũng đau lòng. Ngổn ngang ở khoa cấp cứu, đa số là bệnh nhân tai nạn giao thông liên quan tới bia rượu. Lúc đó, trong lòng mỗi điều dưỡng chúng mình vừa giận, vừa thương. Giận vì sao cánh đàn ông sao lại uống nhiều như vậy. Nhưng mà thương vì bị tai nạn, bị tổn thương nặng như thế. Trong một khung cảnh tai nạn, con mất cha, vợ mất chồng, bố mẹ thì mất con”.

Chờ đợi họ bên ngoài hành lang khoa cấp cứu là những bệnh nhân tính mạng đang “ngàn cân treo sợi tóc':

Chờ đợi họ bên ngoài hành lang khoa cấp cứu là những bệnh nhân tính mạng đang “ngàn cân treo sợi tóc":

Các bệnh nhân bị tai nạn giao thông do bia rượu cũng là nỗi ám ảnh với các bác sĩ trực cấp cứu. Bác sĩ Nguyễn Xuân Hòa, Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa không khỏi lặng đi khi nhớ tới các ca trực Tết của mình. Phòng cấp cứu chật kín các trường hợp, hoặc bị chấn thương sọ não, hoặc gãy tay chân, đa chấn thương trong một không gian nồng nặc mùi rượu bia. Thậm chí, có bệnh nhân còn nói tục, chửi bậy trong lúc các bác sĩ đang cứu mạng mình.

“Có 2 khoảng thời gian khác nhau khi tham gia trực Tết. Thứ nhất là mốc từ 30 Tết đến mùng 1 Tết, số lượng tai nạn giao thông cũng như số lượng khám cấp cứu giảm đáng kể. Nhưng khoảng sau mùng 2 thì số lượng bệnh nhân tăng đáng kể. Chúng tôi vẫn gọi đùa là vỡ trận trong trực cấp cứu sau ngày mùng 2 Tết, có rất nhiều tai nạn xảy ra.

Các trường hợp cấp cứu liên quan tới rượu bia thường rất nặng. Thứ hai là thường giảm hoặc mất ý thức, đôi khi người bệnh trong trạng thái kích thích, không kiểm soát được hành vi của mình, rất khó khăn cho đội ngũ nhân viên y tế khi tiếp cận, khám, cấp cứu”, Bác sĩ Nguyễn Xuân Hòa chia sẻ.

Không dễ dàng để hình dung được những vất vả, áp lực của các bác sĩ, điều dưỡng trong phòng cấp cứu. Phía ngoài cửa là những tiếng khóc, những lời thắc mắc, thậm chí gắt gỏng của người nhà bệnh nhân, còn bên trong là những âm thanh của máy móc, của các thiết bị duy trì sự sống, là những nỗ lực trong từng vết mổ, từng mũi khâu để giành giật cơ hội sống ít ỏi cho các bệnh nhân. Sau những căng thẳng đó, được chứng kiến bệnh nhân bình phục, họ cảm thấy đó là sự đền đáp vô giá:

"Tôi nhớ mãi một trường hợp bệnh nhân nữ 19 tuổi, bị xe tải cán qua 1 nửa người dưới. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốc đa chấn thương, vỡ xương chậu, dập nát tầng sinh môn. Chúng tôi quyết định đẩy thẳng vào phòng mổ, huy động ê kíp tiết niệu, sản khoa và chấn thương.

Lúc đấy chúng tôi cũng không hi vọng cứu được bệnh nhân. Bằng sự nỗ lực của các bác sĩ, sau 3 tháng nằm hồi sức cộng 6 lần phẫu thuật phục hồi chức năng thì đến nay, người bệnh đã sinh hoạt bình thường, có việc làm ổn định. Cách đây 1 tuần, bệnh nhân có mời tôi tới dự đám cưới."

Tết Quý Mão năm nay, như nhiều cái Tết đã qua, Phòng cấp cứu của Bệnh viện Việt-Đức cũng không bớt phần bận rộn. Trong từng bước chân nhanh chậm như đua với thời gian, các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây vẫn đang cố gắng, tận tâm nhất để cứu sống những mạng người.