Những người vừa đủ
Sang năm mới, chúng ta thường mong ước đến một sự đổi mới, tốt hơn năm cũ, như may mắn hơn, thành công, hạnh phúc hơn, sung túc hơn… Nhưng hiện nay, đối với không ít người, lại chọn khái niệm vừa đủ làm hành trang sống cho mình, dù là năm cũ hay năm mới.
Tất nhiên, định nghĩa thế nào là vừa đủ với mỗi người lại không giống nhau, miễn sao mỗi người đều thấy tự do, thoải mái và hạnh phúc với lựa chọn vừa đủ đó của mình.
Tại Hội An, Quảng Nam có nhiều nhà hàng quán chay chỉ mở bán 2 hoặc 4 ngày trong tháng. Chị Thùy Lan- 1 du khách tới Hội An thấy rất tò mò về điều này và cuộc trò chuyện của chị Lan cùng bạn Tăng Thị Hồi - nhân viên một khách sạn 5 sao tại Hội An sẽ mang tới một góc nhìn thú vị về những người lựa chọn cách kinh doanh chỉ ít ngày này:
Thùy Lan: Họ bán như vậy thì chắc không có lời lãi gì đúng không?
Tăng Thị Hồi: Thường thường em nghĩ là không, tại vì nếu lời lãi thì họ đã bán mỗi ngày rồi. Chỉ đơn giản là theo tín ngưỡng của họ, và mục đích của họ như vậy là đủ cho cuộc sống của họ rồi.
Chị để ý thực sự họ là những người trung niên, cuộc đời của họ họ biết được rằng như thế là đủ rồi, và họ đã đến lúc cho đi. Em thì em nghĩ vậy chứ em chưa bao giờ nghĩ là bán 1, 2 ngày như thế là có lợi nhuận được.
Thùy Lan: Thế ở Hội An, xung quanh miền Trung mình rất nhiều những người chỉ bán 2 hoặc 4 ngày trong 1 tháng đúng không?
Tăng Thị Hồi: Chính xác, cái đó em chưa thấy ở Sài gòn, ở Hội An này em thấy nhiều rồi.
Với Anh Sơn ở An Giang, các mặt hàng trong quán ăn nho nhỏ của mình đều tự tay anh trực tiếp làm từ đầu tới cuối, nên cũng không cần tới quá nhiều khách biết đến, bởi có muốn làm nhiều hơn cũng không được, khi anh cũng chỉ có 24h/ ngày và 2 bàn tay như tất cả mọi người:
"Hiện tại mình thấy số khách hàng vừa đủ trong khả năng của mình thì mình làm trong khả năng của mình thôi. trước đó tới giờ đâu có nhu cầu nhiều đâu, chỉ làm đủ ăn đủ xài thôi, làm nhiều quá thì chỉ làm nô lệ cho công việc thôi, cuộc sống sẽ mất đi tự do, sự hạnh phúc."
Vợ chồng anh Trúc Thanh và chị Tuệ Quân - nhóm hoạt động về giáo dục mang tên Hơi Ấm, lại lựa chọn sự vừa đủ trong cách giáo dục con cái của mình. Chị Tuệ Quân chia sẻ:
"Cái gì cũng phải đúng thời điểm. Chúng em hay lấy ví dụ cái hạt mầm đấy ạ, hạt mầm đó cần phải đủ ngày đủ tháng. Giống như hôm trước em về vườn có câu chuyện rất hay là mọi người lấy hạt giống và thường ngâm hạt giống trong nước nóng để cho nó nảy mầm nhanh rồi đem gieo.
Hôm đó bọn em về vườn hữu cơ, bạn trồng vườn bạn ấy nói rằng nếu mình làm cách đấy thì sau này phải dành rất nhiều thời gian để chăm sóc nó, phải tưới nước cho nó rất nhiều bởi vì nó đã quen với việc phải đủ ấm, đủ nước thì nó mới lớn lên được, còn nếu mình không tác động kiểu đó. Cứ gieo nó xuống thì thời gian nảy mầm sẽ lâu hơn, nhưng cái sức sống, nội lực của hạt mầm đó nảy mầm lên thì công chăm sóc sau này cần rất ít và nó có thể có sức sống dồi dào hơn cái hạt mầm mình ngâm.
Cái ví dụ đó rất giống với vd về giáo dục mà bọn em đang theo đuổi, 1 hạt mầm cần đủ ngày đủ tháng để nó tích lũy đủ nội lực để sức sống là nội lực bên trong nó chứ không cần bị phụ thuộc bên ngoài."
Ngoài quan điểm giáo dục con cái theo hướng tự nhiên, tự do và vừa đủ, phù hợp, anh Trúc Thanh còn cho rằng, mọi vấn đề khác của cuộc sống cũng cần tới yếu tố vừa đủ này, Nhưng để xác định thế nào là vừa đủ với mỗi người thì không thể đong đếm bằng những con số cụ thể mà cần phải tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng nhu cầu đó. Điều này đòi hỏi khả năng thấu hiểu bản thân của mỗi người ngày một có chiều sâu hơn.
Anh Trúc Thanh chia sẻ: "Cái câu chuyện về đủ hay là ít, hay nhiều, thiếu hay thừa nó xuất phát từ việc mình ý thức về nhu cầu của mình thôi. Em nghĩ là đủ không phải nhiều hay ít mà đủ là đủ, đôi khi con số lớn chỉ là đủ thôi chứ không phải nhiều, mà đôi khi con số nhỏ cũng vẫn là nhiều.
Đủ xuất phát từ hiểu biết của mình về nhu cầu của mình, giống như khi mình nói về sự cân bằng, cái đủ chính là sự cân bằng, cân bằng của nhu cầu và khả năng đáp ứng nhu cầu đó.
Nếu mình không nhìn ra cái đó thì chả biết thế nào là đủ, nhiều khi mình kiếm được nhiều nhưng chi ra nhiều hơn thì đấy vẫn không phải là đủ."
Sự vừa đủ được xác định như thế nào là phù hợp, trong mỗi hoàn cảnh chính là nhờ vào nỗ lực tự thân và khả năng thấu hiểu bản thân của mỗi người. Cùng chung quan điểm về sự vừa đủ này, vợ chồng anh Nguyễn Quốc Dân và chị Trần Yến ở Hội An chọn cách cứu những con chó sắp bị bán vào lò mổ trong khả năng mình có mà không kêu gọi thêm bất kỳ sự giúp đỡ về vật chất nào của bạn bè:
"Thường chi phí nhà em sẽ chia ra luôn trong số tiền mình có mình sẽ trích ra luôn % để cứu các bạn đấy. Nếu vượt quá khả năng thì mình chấp nhận không thể cứu hết được mọi con. 13’: VC em cũng không làm dưới hình thức là kêu gọi sự hỗ trợ hay tạo 1 cái quỹ để mọi người đóng góp vào mà hướng là mọi người hãy tự làm với trái tim của mình.
Khi anh Dân quyết định như thế thì em cũng thắc mắc vì rất nhiều người thấy anh cứu chó như thế thì cũng muốn đóng góp vào, để mình có nhiều tiền hơn thì có thể cứu được nhiều con chó hơn.
Nhưng thứ nhất là công việc của mình không phải là đi làm từ thiện để cứu những con chó ấy, mình chỉ là lướt qua trên con đường đó, có nhân duyên thì mình giúp thôi. Nếu mình làm nó giống như 1 công việc chính thì mới cần có nguồn tài trợ và quan trọng hơn cả là nó thúc đấy được mọi người sẽ tự làm được với khả năng của mình.
Bây giờ tụi em mà cứu hơn nữa thì cũng vượt quá khả năng của tụi em mà, vậy nên cũng không thể ôm đồm được. Sau này thấy mọi người sẽ tự giúp thay vì gọi mình hay bỏ mặc. , anh Dân tin là mỗi người đều có 1 trái tim yêu thương rất là lớn và mọi người đều có thể làm được điều như vậy."
Mỗi người đều có 1 trái tim yêu thương đủ lớn để chúng ta biết thế nào là nhận và trao yêu thương cũng cần vừa đủ. Hy vọng, câu chuyện nhẹ nhàng về những người vừa đủ cũng sẽ là món quà vừa đủ ý nghĩa đối với các bạn trong những ngày đầu tiên của năm mới.
Vũ Loan