Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Những người “cứu” tương lai (Bài 1): Đôi lúc cảm thấy cô độc và hoài nghi Những người “cứu” tương lai (Bài 1): Đôi lúc cảm thấy cô độc và hoài nghi
Nhóm PV   •   9:59 30/10/2022

Khi bạn đang loay hoay với hàng chục túi nilon mỗi khi đi chợ, đắn đo với ống hút nhựa, vò đầu bứt tóc trước đám quần áo thời trang bạn từng hãnh diện, bất lực trước núi rác nơi bạn sinh sống; bế tắc trước những dòng sông mắc kẹt bởi xà bần, đệm mút, chai nhựa…; thì ở đâu đó, có những người đang tìm cách biến chúng trở nên hữu ích hơn.

Chúng tôi gọi họ là “Những người cứu tương lai” - Bởi cách mà họ chọn để "cứu" tương lai của thế giới và thoát khỏi nỗi đau của rác dũng cảm và đầy tích cực.

Năm 2018, một đoạn clip ghi lại hình ảnh Mẹ cá voi J35 – hay còn được gọi là cá voi sát thủ mang theo đứa con đã chết suốt 7 ngày băng qua dòng nước ngoài khơi bờ biển Victoria, British Columbia khiến cả thế giới xúc động.

Người mẹ mặc dù đã tuyệt vọng, nhưng vẫn cố gắng giữ cân bằng để đẩy con lên mặt nước.

Đứa con của J35 là chú cá voi đầu tiên được sinh ra trong suốt 3 năm, khi mà số lượng cá voi sát thủ ở khu vực này đang bị đe dọa nghiêm trọng dưới sự tác động của con người.

Phạm Thanh Trí, 24 tuổi, quê ở Quảng Ngãi cho rằng, phải làm một điều gì đó ý nghĩa hơn để không phải chứng kiến những cảnh tượng đau lòng tương tự Mẹ cá voi J35, những cảnh tượng đau lòng từ biển và đại dương– khi thế giới đang ngày một suy kiệt bởi gánh nặng rác thải nhựa.

Và Trí đã bắt đầu từ những bước đi nhỏ...

Phạm Thanh Trí

Phạm Thanh Trí

Từng phải vất vả bươn chải kiếm sống do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng Trí chưa có ý định bỏ cuộc. Hành trang của bạn trẻ này là những tháng ngày trải nghiệm, khám phá giá trị bản thân và những điều mà mình có thể đóng góp cho cộng đồng.

Trên hành trình lắng nghe âm thanh của đại dương, Trí lên ý tưởng cho Dự án EcoFish và nuôi dưỡng ước mơ về việc xây dựng các mô hình sinh vật biển khổng lồ chứa rác thải nhựa.

“Dự án này bắt đầu từ những thông tin tôi biết về thảm hoạ của những sinh vật biển khi bị vướng vào những mắt lưới hay nuốt phải những túi nilon. EcoFish sẽ khiến người ta liên tưởng đến những chú cá đang ăn rác nhựa, và cuối cùng sẽ trở thành thức ăn của con người. Chính con người chúng ta đang ăn rác nhựa do chính mình thải ra…” - Thanh Trí nói.

Ròng rã nhiều tháng trời, Trí “rủ rê” được một đội ngũ những bạn trẻ yêu môi trường cùng Trí làm những mô hình đặc biệt đầu tiên - Mô hình cá bống bằng tre có chiều cao hơn 3m, dài 6m với tên gọi: “Cá bống ăn rác”.

Mô hình gây sự chú ý trong giới trẻ với thông điệp “Hãy quan tâm hơn đối với rác thải nhựa”. “Cá bống ăn rác” đã có mặt tại 7 tỉnh thành trên cả nước, với 11 trường học, 16 mô hình.

Mô hình là hình ảnh của chú cá voi, ngậm trong mình nhiều rác thải nhựa, và mỗi một ngày trôi qua, bụng của chú cá ấy ngày một nhiều rác nhựa hơn.

Điều đó sẽ dần lưu lại trong tâm trí học sinh về vấn đề đang hiện diện ngoài đại dương.

Nỗ lực mang âm thanh của đại dương đến gần hơn với các bạn trẻ để lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường là động lực giúp Trí vượt qua những ngày tháng khó khăn ban đầu.

“Chi phí hầu như tự “bơi”, ngoài khoản tiền các trường hỗ trợ, đối ứng, chúng tôi tự tham gia các buổi gây quỹ khác để lấy tiền hoạt động”, Trí chia sẻ.

Chỉ sau 20 ngày chọn lọc, xử lý vật liệu và thực hiện các công đoạn, chú cá bống đầu tiên được ra đời và đặt tại Trường THPT Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) - ngôi trường mà Trí từng theo học.

Theo Trí, nguyên vật liệu không khó tìm, hầu hết là phế phẩm thu gom từ các trường học. Tuy nhiên, khó khăn nhất là công đoạn dựng mô hình, tìm tre và tạo hình, Trí kể: “Mô hình đầu tiên, tôi làm để tặng cho trường học cũ; sau một thời gian, các em học sinh phản hồi rất tích cực. Các mô hình sau được hoàn thiện hơn.

Nhưng EcoFish mong muốn hướng tới mô hình giáo dục, đó chính là học sinh vừa thụ hưởng, vừa là cộng sự, cùng thay đổi. Chúng tôi sẽ giáo dục cho các em học sinh trước rồi sau đó mới tiến tới mô hình phân loại rác”.

Tuổi trẻ, không phải là mạng xã hội, không phải là các xu hướng đang gây sốt; Trí chọn một con đường riêng: Đi đến nhiều tỉnh, thành phố chia sẻ câu chuyện về sự cấp thiết của bảo vệ môi trường…

Trí dành toàn bộ thời gian, tâm huyết và cả tiền bạc cho EcoFish. Thất bại rồi tiếp tục đứng lên và không nản chí. Tuy nhiên, khó khăn nhất của Trí và EcoFish đó chính là kết nối những người trẻ hành động vì môi trường.

“Hiện tại những trend hiện hữu trên facebook rất nhiều và truyền thông về môi trường được quan tâm ở phần số ít. Nếu mình đưa thông tin về môi trường theo truyền thống là bản tin, thông báo nay ô nhiễm này mai ô nhiễm kia thì quá bình thường. Khi cuộc sống của họ chưa bị ảnh hưởng thì họ không bị tác động nhiều đến cảm xúc”, Trí chia sẻ.

Đến thời điểm hiện tại, EcoFish đã đưa được mô hình cảnh báo về tác hại của rác thải nhựa đến với nhiều học sinh, sinh viên tại các tỉnh, thành phố như Quảng Ngãi, Nam Định, Hà Nội, Trà Vinh, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Khi đặt mô hình tái chế tại trường học, các thành viên EcoFish dành nhiều thời gian tương tác với học sinh để giải thích những rủi ro, tác hại mà môi trường đang gánh chịu do thói quen sử dụng đồ nhựa thiếu kiểm soát. Khoảng hơn 5.000 học sinh đã được tiếp cận với mô hình của EcoFish.

EcoFish có 10 thành viên với các bạn trẻ ở nhiều vùng miền khác nhau. Tình yêu, đam mê, trách nhiệm của Trí đã lan tỏa đến những bạn trẻ nơi Trí sinh ra và lớn lên, và các bạn học sinh, sinh viên ở các trường Đại học.

Trịnh Gia Mỹ - Sinh viên Khoa Quan hệ Quốc tế - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM gắn bó với EcoFish từ những ngày đầu còn khó khăn.

Với Mỹ, được đóng góp một tiếng nói, một hành động để thay đổi thói quen của các bạn trẻ ngay là một niềm hạnh phúc: “Rất vui khi EcoFish đặt chân đến đâu thì đều nhận được sự tham gia hưởng ứng rất nhiệt tình của các bạn. Mong muốn lớn nhất của tôi đó là có thể khiến cho dự án đi xa nhất có thể. Chúng tôi có thể thực hiện được mục tiêu giáo dục.

Ở các chương trình hợp tác khác rất khó thực hiện mục tiêu giáo dục. Các trường chỉ muốn lắp đặt mô hình ở đó thôi chứ không hẳn là chú trọng về vấn đề môi trường. Nên chúng tôi cố gắng để có thể chuyển tải thông điệp của mình”.

Mô hình sinh vật biển thân thiện với môi trường không đơn thuần là một mô hình chứa rác mà là hiện thân của lối sống xanh và một tương lai phát triển bền vững; là tinh thần dám thay đổi, dám hành động và thể hiện tiếng nói vì môi trường của thế hệ trẻ Việt Nam.

Mỗi đóng góp tích cực cho cộng đồng là một bước tiến mới của EcoFish trên con đường hoàn thành sứ mệnh vì môi trường của mình.

Hành trình phía trước chắc chắn vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nếu ước mơ đủ lớn để lắng nghe cả đại dương sâu thẳm ngoài kia, thì ngần ngại gì mà không bước tiếp để cùng lan tỏa và tạo ra một biển xanh sự sống không rác thải ở tương lai phía trước?

Hành trình này chẳng hề dễ dàng. Thanh Trí đã bắt đầu mọi thứ của hiện tại với “không gì cả”. Thậm chí, để bước đi trên hành trình này vững chãi như bây giờ, Trí đã phải đối diện với rất nhiều áp lực. Nhưng thật không sai khi nói rằng, EcoFish đã góp phần thay đổi lăng kính cuộc đời của cậu bé mới ngoài đôi mươi ngày ấy.

Thanh Trí đang ấp ủ dự định tạo chiến dịch “Tham gia trải nghiệm ô nhiễm” mang lại những cảm giác thật nhất khi con người đóng vai là những sinh vật biển ngoài kia đang vật lộn với rác thải. Chiến dịch như một tour cảm xúc, hướng tới các em học sinh Tiểu học và THCS.

Mỗi năm, ngành thời trang thế giới tạo ra 92 triệu tấn vải phế liệu. Trung bình cứ mỗi giây lại có 1 xe tải vải bị bỏ đi. Chưa kể, các nguồn nguyên liệu đang dần cạn kiệt và quá trình sản xuất tạo ra những chất thải nguy hại với sức khỏe, môi trường.

Urban Circular Space (UCS) là một cửa hàng duyên dáng ngay ở phố Tôn Thất Tùng, Hà Nội. Nhỏ xinh là vậy, nhưng những phụ nữ “quyền lực” khởi xướng UCS lại đang hàng ngày truyền đi thông điệp mạnh mẽ về thời trang có “trách nhiệm” với môi trường.

Không gian tuần hoàn UCS chính thức xuất hiện từ tháng 1/2020, nhưng trước đó, các thành viên đã có nhiều hoạt động tại các hội chợ, những quán café, gian hàng trao đổi đồ dùng tuần hoàn.

Người lên ý tưởng sáng lập dự án là chị Phùng Thị Thu Hà, hiện đang làm việc cho một tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Một trong những người tham gia vận hành, quản lý dự án thay cho founder là Trần Thúy Nga, sinh năm 1996, ở Hà Nội.

Thúy Nga chia sẻ về ý tưởng ban đầu của các thành viên sáng lập UCS: “Thời trang có sức ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt với chị em phụ nữ. Vì khi mọi người đi làm, đi dự tiệc, đi chơi, thời trang luôn được chú trọng.

Chính vì thế, nguồn thời trang thải ra môi trường rất là nhiều. Chính từ nhu cầu cá nhân thì bọn mình thấy không thể để tình trạng này tiếp diễn mãi được, mình không thể mãi sử dụng thời trang nhanh được”.

Thời gian đầu, các bạn trẻ chỉ chia sẻ những đồ dùng mà mình đang có. Nhưng sau khi nhận thấy nhu cầu “tuần hoàn” đồ cũ của những người xung quanh rất lớn, UCS lên kế hoạch phát triển dự án “Thời trang tuần hoàn” với mục tiêu góp phần giảm thiểu rác thải ngành thời trang, nâng cao nhận thức về thời trang bền vững, tiêu dùng tiết kiệm và có trách nhiệm.

UCS hoạt động dưới hình thức cho, tặng, trao đổi và tuần hoàn thời trang. Bất cứ ai cũng có thể mang quần áo không sử dụng đến cửa hàng để tặng, hoặc đổi lấy những sản phẩm có sẵn, qua đó giúp các món đồ tăng “vòng đời” và đến tay người thực sự có nhu cầu.

Những món đồ mà UCS nhận được rất phong phú, không chỉ quần áo, giầy dép mà cả những phụ kiện, trang sức. Kể cả những sản phẩm đã được chuyển đi vẫn có thể gửi lại UCS nếu khách hàng không dùng nữa, chỉ cần món đồ đó lành lặn, sạch sẽ và còn có thể sử dụng được.

Với những vết ố vàng, mốc, sứt chỉ,… trên quần áo mà UCS được tặng, các thành viên sẽ xử lý, sau đó phân loại theo tính năng và mục đích sử dụng, để cho, tặng hoặc bán với từng đối tượng khách hàng.

Những món đồ còn mới, sẽ bán với mức giá hợp lý để có thêm nguồn kinh phí hoạt động. Những món đồ cũ hơn thì gửi tặng các cá nhân, tổ chức có nhu cầu, không chỉ ở Hà Nội mà còn hỗ trợ gửi đi các tỉnh thành khác.

Còn với những món đồ hết giá trị sử dụng, không thể tặng, UCS sẽ gửi đến các đơn vị cần vải vóc cho những mục đích khác, như các hội nuôi thú cưng; hoặc tái chế, như vải jean “biến” thành những túi xách nhỏ xinh, móc khóa mini,…

UCS sẽ luôn tìm cách “tuần hoàn” nhanh nhất có thể, chuyển những món đồ cũ đến tay người dùng mới chứ không để lại quá lâu tại cửa hàng.

Trung bình mỗi ngày, UCS có thể tuần hoàn từ 20-40 món đồ, bao gồm cả bán và cho, tặng. Chỉ trong nửa đầu năm nay, gần 300 sản phẩm đã được “tái sinh”, khoảng 5.000 sản phẩm đã được “sống thêm lần nữa”.

Trung bình mỗi ngày, UCS có thể tuần hoàn từ 20-40 món đồ, bao gồm cả bán và cho, tặng. Chỉ trong nửa đầu năm nay, gần 300 sản phẩm đã được “tái sinh”, khoảng 5.000 sản phẩm đã được “sống thêm lần nữa”.

Thúy Nga, quản lý dự án UCS cho biết, trong gần 3 năm hoạt động, nhận được sự ủng hộ của đông đảo bạn trẻ, thậm chí cả các cô bác lớn tuổi. Với gần 10.000 người theo dõi trên mạng xã hội Facebook, những buổi cho, tặng thời trang hay chia sẻ về tái chế của UCS luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Theo Thúy Nga, đó là động lực để các thành viên UCS vượt qua mọi khó khăn: “Mới đầu khi vận hành UCS thì bọn mình gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình kêu gọi đồ, xử lý đồ, bởi số lượng người biết đến lúc đầu khá ít, dần dần mới có nhiều người quan tâm ủng hộ thời trang tuần hoàn.

Khi bọn mình nhận được những món quà hay nhận được sự quan tâm không chỉ của các bạn học sinh, sinh viên mà cả các bác lớn tuổi, thì đó là niềm vui khi bọn mình có thể lan tỏa đến nhiều đối tượng khác nhau”.

Ngoài khó khăn về “đầu vào”, UCS cũng phải nỗ lực tìm “đầu ra”; bởi không phải lúc nào cũng có đơn vị hoạt động từ thiện liên hệ với cửa hàng. Cùng với đó, UCS phải xoay xở với những khó khăn về tài chính khi hoạt động phi lợi nhuận.

Trong đợt tình nguyện hè vừa qua, UCS đã hỗ trợ Đoàn Thanh niên Trường đại học Kinh tế Quốc dân để mang đồ từ thiện đến những vùng còn khó khăn tại Sơn La, với khoảng 8-9 bao đồ đã đến tay những “chủ nhân” mới.

Những người từng đặt chân tới UCS đều quay trở lại và dẫn thêm nhiều khách hàng thân thiết mới. Họ hài lòng với chất lượng sản phẩm cũng như quy trình tuần hoàn của UCS, đặc biệt là sự tâm đắc với thông điệp sống xanh, thời trang xanh, khái niệm vẫn còn xa lạ với rất nhiều người.

Chị Trần Tuyết Nhung, một giáo viên tại quận Hà Đông, Hà Nội đã giới thiệu với UCS với rất nhiều đồng nghiệp, người thân và bạn bè xung quanh: “Các bạn không chỉ đơn thuần với mục đích từ thiện, mà các bạn còn thay đổi cách nghĩ về thời trang. Những người có thu nhập như mình không phải không có tiền để mua những sản phẩm mới.

Nhưng tại sao mọi người không tái sử dụng những sản phẩm này để bảo vệ cho môi trường? Và mình hy vọng học sinh của mình, con của mình cũng tiếp thu được cách nghĩ ấy”.

UCS đã có thêm chi nhánh tại TP.HCM từ ngày 20/9 vừa qua, như một “cánh tay” nối dài để thông điệp thời trang bền vững lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp hơn trong cộng đồng.

Chị Phùng Thị Thu Hà, người sáng lập dự án chia sẻ về định hướng phát triển của UCS trong thời gian tới: “UCS đóng vai trò như cửa hàng tiện lợi. Mình rất mong trong thời gian tới, UCS sẽ được nhân rộng hơn, tức là sẽ ngày càng có nhiều cửa hàng nhỏ từ Bắc đến Nam, thậm chí ra cả nước ngoài. Nhiều bạn yêu thích mô hình này hơn, nhiều bạn sẵn sàng mở mô hình này tại nơi các bạn đang sinh sống”.

Thay vì để những món đồ xinh đẹp, thậm chí mới tinh bạn lỡ mua về vì những giây phút “cuồng shopping”, nằm yên trong tủ đồ và ngày càng giảm giá trị, chất lượng, thì hãy “tuần hoàn” lại chúng.

Phương châm ấy đã giúp UCS giảm tải lượng rác thải đáng kể, tiết kiệm không gian cho những loại rác không thể tái chế khác. Đây cũng là cầu nối để mọi người tuần hoàn sản phẩm thời trang, giúp các cá nhân, tổ chức kêu gọi quyên góp đồ đến những người thực sự cần; là cách để mỗi người tiết kiệm cho chính bản thân và chung tay bảo vệ môi trường sống.

Nội dung: Hồng Lĩnh - Nguyễn Châu – Minh Hiếu

Ảnh: Hồng Lĩnh - Phúc Tài – Thanh Trí

Thiết kế: Quang Huy