Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thứ Sáu, 11/4/2025
Ngư trường dậy sóng Ngư trường dậy sóng
PV   •   6:23 06/04/2025

Gần đây, tình trạng bao chiếm mặt biển tại vùng biển Tây Nam lại trở nên “nóng” khi xảy ra nhiều vụ tranh chấp. Nhiều đối tượng đã cắm cờ phao trên biển để phân chia ranh giới, địa bàn hoạt động khai thác thuỷ hải sản.

Từ đó ép các tàu thuyền khác phải trả phí nếu muốn vào địa bàn hoạt động hoặc ép các ngư dân sau khi khai thác phải bán lại với giá “bèo bọt”.

(Để đảm bảo an toàn cho các ngư dân, những tên nhân vật trong bài viết đã được đổi tên)

Những cuộc tranh chấp trên biển diễn biến phức tạp, các đối tượng rất manh động sẵn sàng tấn công tàu thuyền lạ khi xâm phạm vào địa bàn đánh bắt thuỷ hải sản

“Chạy nhanh lên thuyền nó đụng mình kìa, tăng ga lên nó đụng mình kìa...nó chọi đá chúng tôi đó...chọi đá kêu lụp bụp lụp đó...” - Đó là âm thanh từ video của ông V.V.T – người điều khiển ghe chuyên dùng cào hến mang biển số KG-90576-TS quay lại được vào đêm 18.3.2025 tại tại khu vực cách bờ huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang 32 hải lý.

Theo ông T, vào khoảng 23h00 cùng ngày, khi đang cho thuyền đang hoạt động khai thác thuỷ hải sản thì có rất nhiều tàu, thuyền đã cố tình che biển số, tăng tốc đâm mạnh vào thuyền của ông T, kèm theo những lời văng tục và chọi đá, ném bom xăng với mục đích đuổi tàu của ông T ra khỏi khu vực. Vụ tấn công đã khiến nhiều thuyên viên của ông T bị thương và gây hư hỏng, thiệt hại đến tài sản.

Nhìn về chiếc thuyền với đống tàn dư là nhiều mảnh vỡ của đá, chai thuỷ tinh mà các đối tượng tấn công, ông T vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông T cho biết, với hơn 10 năm đi biển chưa bao giờ gặp phải tình trạng như vậy, các đối tượng này rất lộng hành và xem thường pháp luật, cũng như mạng sống của ngư dân.

“Đang cho thuyền viên chuẩn bị hoạt động cào hến. Chưa kịp làm là có một nhóm thuyền, vì ban đêm nên không thấy rõ nhưng mà đông lắm. Bắt đầu những đối tượng này đâm vào thuyền chúng tôi và chọi đá, chọi chai thuỷ tinh, bom xăng...

Tôi cũng không biết rõ là băng nhóm nào và cụ thể bao nhiêu người. Thấy vậy tôi mới kêu thuyền viên trốn vào phòng, sau đó tôi mới lấy điện thoại ra quay lại để trình báo công an. Tôi thấy rất nguy hiểm, đêm hôm tấn công như vậy chúng tôi sao mà xử lý kịp. Đây có thể là hành vi bao chiếm bãi, rất mạnh động, nguy hiểm đến tính mạng lắm".

Cũng là nạn nhân của các đối tượng bao chiếm mặt biển tấn công, ông Mai Việt Thừa ngụ tại tỉnh Cà Mau đến giờ vẫn chưa hết hoảng sợ và nhớ như in khoảng khắc sự sống và cái chết mong manh như thế nào.

Ông Thừa cho biết, vào khoảng 20h00 ngày 16.3.2025, khi đang điều khiển tàu cá mang biển số BL-93199-TS trên vùng biển gần Phú Quốc để khai thác thuỷ hải sản thì bị một chiếc thuyền lạ không rõ biển số tấn công, đâm nát phần cạnh mũi tàu. Sau đó, thuyền viên trên tàu này dùng những lời lẽ thô tục, chọi đá đe doạ để yêu cầu thuyền ông Thừa rời khỏi nơi đánh bắt.

Thời điểm ban đêm, ngoài khơi tối đen như mực, thuyền ông Thừa bị các đối tượng lạ mặt tấn công thủng và nước tràn vào. Ông Thừa liền yêu cầu các thuyền viên lên ga rời đi và nhanh chóng tìm bờ gần nhất để khắc phục sự cố. Rất may chẳng có thiệt hại về người, tuy nhiên, tổn thất về kinh tế lên đến hàng trăm triệu đồng:

“Chúng nó nghĩ tôi cào thành ra chúng tấn công tôi luôn. Lỡ hôm đó tàu chìm chết người luôn thì sao. Thuyền giờ mà sửa lại là khoảng 100 triệu trở lên chứ không dưới đâu. Tôi rất mong ngành chức năng, pháp luật giải quyết chứ kiểu này hoài chắc dân không làm ăn được, giúp biển yên bình để ngư dân còn đánh bắt chứ kiểu này hoài là sau này có chết người luôn".

Để tìm hiểu có hay không tình trạng bao chiếm mặt biển diễn ra trong thời gian qua, một ngư dân tên S, ngụ huyện Kiên Lương đã cung cấp video cho PV.

Trong đoạn video quay lại cảnh một thuyền có tên BT áp sát vào thuyền của người quay video. Sau đó, một thuyền viên trên tàu BT liên tục lập đi, lập lại khẳng định đây là bãi của chú T và yêu cầu thuyền của người quay video nếu muốn hoạt động phải gọi để xin phép chú T.

Dấu hiệu bao chiếm mặt biển, phân chia đại bàn được ngư dân quay lại vào năm 2024. Đến nay, tình trạng này vẫn còn diễn ra

Ông S - một ngư dân cho biết, các đối tượng rất lộng hành khi tự cho mình quyền phân chia địa bàn, độc chiếm mặt biển để khai thác thuỷ hải sản. Để phân vùng, các đối tượng đặt cờ phao và thả lưới để đánh dấu địa bàn. Bất kể ngày, lẫn đêm nếu có thuyền lạ di chuyển vào địa bàn, các đối tượng sẽ hung hăng sử dụng đá, chai thuỷ tinh, bom xăng...để tấn công xua đuổi.

Nếu muốn vào địa phận của các đối tượng này để khai thác an toàn thì những tàu cá lạ phải trả một khoảng tiền nhất định trong mỗi lần đánh bắt hoặc phải bán lại số lượng hải sản đánh bắt với giá rẻ “bèo”:

“Trên biển này là biển chung mà mình vào là là chúng nó chọi đá, chọi xăng. Nếu nó cho mình cào thì mình phải bán cho nó, mà bán cho nó thì sống không nổi, còn mình tự bán thì nó không cho mình làm. Ví dụ như con lụa dân ở đây làm bán 3 loại: loại 1 từ 30-40 ngàn/kg, loại 2 từ 15-20 ngàn/kg, loại 3 từ 6-8 ngàn/kg. Nhưng mà khi làm cho nó thì loại 1 nó mua có 5-6 ngàn/kg nó ép giá vậy đó".

Ông Trần Bình Trọng - Chủ tịch UBND xã Bình An, huyện Kiên Lương cho biết, thời gian qua, địa phương có tiếp nhận nhiều phản ánh từ người dân về tình trạng một số đối tượng bao chiếm mặt biển và tranh chấp trên biển. Đối với vấn đề này, các đối tượng thường sử dụng lưới để rải gần bờ và xa bờ để bao chiếm, không cho người khác vào đánh bắt thủy hải sản. Hiện địa phương đã báo cáo lại các đơn vị chuyên môn nhằm vào cuộc.

“Hiện bây giờ các cấp các ngành, trong đó UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã có chỉ đạo đến Sở Nông nghiệp và Môi trường xuống ra soát lại hiện trạng mặt nước biển trên toàn địa bàn của tỉnh chứ không riêng gì ở huyện Kiên Lương, xã Bình An. Qua đó sẽ có những đề xuất cụ thể nhằm quản lý chặt chẽ, tốt hơn trong thời gian tới".

Nhiều năm qua, đời sống của ngư dân vốn dĩ đã khó khăn nay lại càng thêm “chòng chành” khó vững. Bởi nhiều đối tượng manh động, xem thường pháp luật đã đẩy ngư dân vào bờ, thả neo, treo lưới.

Cách đây không lâu, tỉnh Kiên Giang đã phá án, xét xử đường dây bảo kê và bao chiếm mặt biển, trong đó, đứng sau các đối tượng có cán bộ của đơn vị quản lý. Dù thế, nhưng đến nay, vấn đề bao chiếm, tranh chấp trên biển vẫn diễn ra phức tạp. Vậy tại sao các đối tượng này lại lộng hành như thế? Có hay không tình trạng tiêu cực tương tự diễn ra?

“Kìa chúng nó chọi qua nè, nấp đi, đi nấp đi đừng đứng ra ngoài...Chọi cabin bể kiếng hết rồi. Thuê giang hồ ra chọi đá, chọi chai bia, chọi xăng quá trời rồi...” - Trước những hành vi manh động, xem thường pháp luật và mạng sống ngư dân của các đối tượng bao chiêm trên biển. Hiện nay, nhiều ngư dân đành bỏ biển về bờ để tìm kiếm sinh kế khác, chấp nhận khó khăn để đổi lấy sự an toàn.

Ông L – một ngư dân bám biển hơn 20 năm cho biết, đối với ông, nghề biển không chỉ là công việc đem lại kinh tế trang trải cuộc sống gia đình, mà còn là nghề nối tiếp cha ông. Biển với nhiều người được xem như ngôi nhà thứ 2, là hơi thở, là cuộc sống và là nơi lưu giữ rất nhiều kỷ niệm. Dù thế, nhưng nay, mọi thứ đành gác lại khi nhiều đối tượng hoàng hành, gây ra “giông bão” ngoài khơi.

“Giờ thấy cảnh chọi bom xăng, chọi đá này kia tôi rất sợ, hoang mang lắm không dám bước xuống biển làm nữa. Giờ lên bờ đi làm hồ vậy đó, ít tiền mà bảo vệ được tính mạng của tôi. Người dân chúng tôi giờ sợ nghề biển lắm".

Neo thuyền, treo lưới – là tình trạng chung của nhiều chủ thuyền. Vốn dĩ nghề biển đã vất vả vì nguồn lợi thuỷ hải sản đang dần cạn kiệt, khan hiếm bạn thuyền, nay lại khó khăn chồng chất vì tình trạng bao chiếm, tranh giành bãi.

Ông B – chủ cơ sở có 4 chiếc thuyền làm nghề biển cho biết, hiện toàn bộ thuyền của ông phải neo đậu vì chẳng còn nơi khai thác. Nguồn kinh tế từ biển bị “chặn”, nhưng mỗi ngày, ông B phải “gồng gánh” chi một khoảng tiền để trả lương, níu giữ bạn thuyền. Nhìn về phía biển, ánh mắt của ông B không dấu được sự lo lắng và giọng nói cũng trở nên nặng nề.

“Sau khi xảy ra nhiều vụ tranh chấp vừa qua thì thuyền của tôi đậu 1 tuần rồi. Trong thời gian đậu thì tôi phải lo lắng tiền ăn uống, chi phí cho tất cả anh, em. Thiệt hại nhiều lắm. Mỗi ngày ước tính khoảng 2 triệu, cho nên cuộc sống của ngư dân bây giờ khó khăn quá. Rất mong muốn ngành chức năng vào cuộc để giúp người dân, để người dân thoát cảnh khó khăn này".

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam nhìn nhận rằng, tình trạng bao chiếm mặt biển trái phép để trục lợi là một hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an toàn trật tự tại khu vực địa phương và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của ngư dân.

Đây là một vấn nạn diễn ra trong suốt nhiều năm qua và thậm chí có những khu vực đã bị các đối tượng xấu “xâm hại” trong một thời gian dài. Dù ngành chức năng xử lý nhiều lần nhưng vẫn tái phạm, các đối tượng ngang nhiên tiếp diễn xem thường pháp luật Việt Nam.

Theo Luật sư Hậu, thời gian tới, đối với tình trạng chiếm dụng mặt biển trái phép cần phải được xử lý quyết liệt, nhanh chóng và triệt để, áp dụng các biện pháp nghiêm khắc nhất nhằm răn đe tình trạng tái phạm, trả lại sự “bình yên” vốn có trên ngư trường.

“Tôi cho rằng các sở ngành và các cơ quan quản lý tại địa phương cần phải tăng cường hoạt động kiểm soát những khu vực có dấu hiệu bất ổn. Và chúng ta phải khẩn trương giải quyết những phản ánh của người dân liên quan đến hoạt động sinh sống tại địa phương nhằm ngăn ngừa các trường hợp lợi dụng mặt biển để trục lợi trái phép, gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Ngoài ra các cơ quan cũng cần phải nghiêm túc triển khai công tác kiểm tra định kỳ, để từ đó phát hiện kịp thời những dấu hiệu vi phạm pháp luật".

Vì sao tình trạng bao chiếm mặt biển lại diễn ra và các đối tượng sẵn sàng “khiêu chiến” đối với những tàu thuyền khai thác? Dù đã có không ít vụ việc, đối tượng thực hiện hành vi tương tự rơi vào vòng lao lý. Đơn cử như vụ xét xử về tình trạng bảo kê, bao chiếm mặt biển tại huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang vào những ngày đầu năm 2025.

Cái giá mà các đối tượng này phải trả là rơi vào lao lý, bị giam cầm phía sau song sắt. Trong đó có cả những cán bộ sở, ngành quản lý, vì bị đồng tiền che mắt nên đã chấp nhận làm ngơ để những đối tượng côn đồ lộng hành bao chiếm biển.

Qua những vụ việc này, người dân đặt vấn đề rằng, phải chăng vấn đề quản lý của ngành chức năng chưa được chặt chẽ? Liệu đang có ai làm chỗ “dựa lưng” thì các đối tượng này mới lộng hành?

Một ngư dân cho rằng, để không còn xảy ra tình trạng bao chiếm và không có sự tiêu cực trong công tác quản lý thì rất cần sự quan tâm hơn nữa. Cần có những chỉ đạo xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, sở, ngành, đơn vị có liên quan nếu để liên tục xảy ra tình trạng bao chiếm, tranh chấp trên biển thuộc khu vực:

“Tôi mong rằng sẽ có những chỉ đạo quyết liệt hơn, xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị quản lý nếu để xảy ra tình trạng bao chiếm, tranh chấp trên biển. Nếu vấn đề cứ tiếp diễn nên có sự luân chuyển nhằm tránh tình trạng tiêu cực của người quản lý xảy ra. Có như vậy thì mới mong giải quyết được vấn đề".

Sống tại một đất nước thượng tôn pháp luật, không gì lớn hơn luật thì việc bao chiếm mặt biển trái phép nhằm trục lợi của một số đối tượng là điều không thể chấp nhận. Hành vi trái pháp luật này đã và đang hoành hành dai dẳng, gây ra nhiều khó khăn cho đời sống người dân và là vấn đề nhức nhói của xã hội. Vậy những sở, ngành, đơn vị quản lý ngư trường sẽ có những động thái gì để giải quyết triệt để tình trạng bao chiếm?

Trở lại huyện Kiên Lương, nơi vừa xảy ra các vụ tranh chấp ngư trường trên vùng biển Tây Nam, nhóm phóng viên ghi nhận tình trạng tàu thuyền của ngư dân neo đậu kín bên bờ, không dám ra khơi. Tại khu vực cống Bình An và Bến tàu Vịnh Hòn Chông, hàng chục lượt phương tiện neo bến chờ đợi, phần vì sợ nguy hiểm, phần vì chẳng còn nơi nào để thả neo, buông lưới do toàn bộ mặt biển trong khu vực đều đã “được” phân lô, “xí phần”:

“Nguy hiển phức tạp lắm, các đối tượng đó coi tính mạng con người không ra gì. Bây giờ ở đây chúng nó chiếm muốn hết rồi, bãi bến giờ muốn khai thác là phải hỏi qua ý kiến của nó.”

“Khu vực biển nào có hải sản mà dân lại khai thác thì chúng nó sẽ đem quân lại đóng chiếm. Số lượng của chúng nó sẽ tuỳ theo số lượng của bà con ngư dân trên thuyền, nhiều thì sẽ trấn áp nhiều, ít sẽ trấn áp ít. Ngư dân giờ không còn làm được, dân cũng không dám lên tiếng.”

Nhìn nhận về tình trạng bao chiếm mặt biển, ông Trần Bình Trọng - Chủ tịch UBND xã Bình An cho rằng, đây là một vấn đề cần phải được phối hợp chặt chẽ, quyết liệt giữa nhiều địa phương, ngành chức năng và đơn vị quản lý, từ đó giải quyết triệt để tình trạng này.

“Vấn đề này mình cần phải cương quyết, xử lý đến nơi, đến chốn để đảm bảo an ninh trật tự ở trên biển, đặc biệt bảo vệ được nguồn lợi thuỷ sản. Theo chủ trương chung của Chính phủ về khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) thì không riêng vấn đề khai thác vùng biển nước ngoài, mà có 14 hành vi, trong đó tranh chấp ngư trường cũng nằm trong các hành vi đó. Quan điểm của địa phương thì sẽ cố gắng phối hợp với các cấp các ngành của huyện, của tỉnh để xử lý đến nơi, đến chốn nếu có tình trạng đó xảy ra.".

Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang, vấn đề bao chiếm bảo kê bờ biển, bãi biển trái phép đang là vấn đề “nóng” xảy ra tại nhiều vùng biển của Kiên Giang. Hiện nay, các nhóm đối tượng côn đồ hoạt động rất liều lĩnh với nhiều phương thức và thủ đoạn khác nhau.

Cụ thể, có 4 hành vi liên quan đến việc bao chiếm, bảo kê bờ biển, bãi biển trái phép:

Hành vi đầu tiên là, hành vi bao chiếm mặt biển, bờ biển để khai thác, nuôi trồng thuỷ sản không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền;

Hành vi thứ hai là, trực tiếp khai thác hoặc bảo kê cho các đối tượng khác thực hiện khai thác trái phép tại các bờ biển, mặt biển thuộc sự quản lý của nhà nước, hoặc của các cá nhân tổ chức đã được cơ quan thẩm quyền cấp phép sử dụng;

Hành vi thứ ba là, làm các đối tượng sử dụng vũ lực tấn công, đe doạ tàu thuyền lạ khi vào khu vực mà các đối tượng này bao chiếm;

Hành vi cuối cùng là, các đối tượng bao chiếm tấn công ngư dân để chiếm đoạt tài sản hoặc ép ngư dân bán lại hải sản với giá thấp rồi đem đi bán với giá cao để kiếm lời.

Đối với những hành vi này, tuỳ theo tính chất mức độ, các đối tượng bao chiếm sẽ phải đối mặt với mức phạt khác nhau, nhẹ thì xử lý hành chính từ 3 triệu đến 50 triệu đồng, nặng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất 20 năm tù.

Ông Huỳnh Thanh Đạm – Phó Chánh văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang đề nghị: “Chúng tôi kêu gọi bà con không được tranh chấp trên ngư trường để khai thác. Khi có vụ việc xảy ra thì bà con phải nghiêm chỉnh chấp hành theo các hiệu lệnh của lực lượng chức năng và phối hợp xử lý trong quá trình cơ quan chức năng làm việc với chúng ta, không có các hành vi manh động liều lĩnh gây thiệt hại cho chính bản thân và thiệt hại cho các tàu cá khác.

Khi bà con phát hiện các hành vi vi phạm thì bà con phải kịp thời tố giác đến cơ quan chức năng gồm: công an, viện kiểm sát, lực lượng bộ đội biên phòng, UBND địa phương...để ghi nhận thông tin và bà con sẽ phối hợp với các cơ quan này trong quá trình xử lý, giải quyết vụ việc.”

Từ góc độ là đơn vị quản lý, ông Hoàng Kim Thanh - Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản – Kiểm ngư tỉnh Kiên Giang (thuộc Sở NN và MT) cho biết, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với UBND tỉnh và các đơn vị liên quan khác nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý, ngăn chặn hành vi vi phạm trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là vùng biển ven bờ.

Đặc biệt, đầu năm 2024, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã đề xuất và được chấp thuận lập chuyên án điều tra, xử lý vụ bao chiếm mặt nước biển để trục lợi. Qua đó đã điều tra, khởi tố hình sự một số đối tượng có liên quan đến bảo kê, tự ý bao chiếm trái phép.

Ông Thanh cũng cho biết thêm, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh điều động nguồn lực, trang thiết bị nhằm triển khai tuần tra, đảm bảo có mặt thường xuyên để phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra “mất an ninh trật tự” trên biển.

Theo người dân địa phương, việc bao chiếm, tranh chấp ngư trường trên vùng biển Kiên Giang không phải mới mà đã tồn tại suốt nhiều năm qua, các đơn vị quản lý cũng nhiều lần phối hợp tuần tra, xử lý nhưng rồi mọi thứ cũng đâu vào đấy, mặt biển vẫn được cắm cờ “xí phần”, tranh chấp vẫn xảy ra, bom xăng vẫn nổ.

Và sau những lần tranh chấp ấy, ngư dân lại lầm lũi giong tàu về cập bến và chấp nhận thua lỗ. Vì sao một thời gian dài mà tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để? Có hay không sự “bảo kê”, “ngó lơ” của đơn vị quản lý?

Mang trăn trở của ngư dân vùng biển Kiên Lương và những hoài nghi này đến Công an tỉnh Kiên Giang, đơn vị có chức năng phối hợp quản lý và xử lý an ninh trât tự trên biển, nhóm phóng viên được Đại tá Đào Hồng Đăng – Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, những vụ tranh chấp trên vùng biển Kiên Lương, Phú Quốc vừa qua đang được cơ quan cảnh sát điều tra thành lập chuyên án, đồng thời tham mưu UBND tỉnh để có những chỉ đạo đến các đơn vị liên quan nhằm tăng cường công tác quản lý.

Đại tá Đào Hồng Đăng thẳng thắn: Vấn đề bao chiếm, tranh chấp trên biển có 2 nguyên nhân chính, phần vì do ngư trường rộng lớn, đội tàu trong tỉnh chịu thêm áp lực tàu của các tỉnh bạn đến vùng biển Kiên Giang để khai thác hải sản; phần vì công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển với chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa được tốt và thường xuyên để dẫn đến tình trạng “bao chiếm mặt nước biển”, “bảo kê”, chứ không có chuyện “phớt lờ” hay “bao che”.

Đại tá Đăng cho biết thêm, để công tác quản lý ngư trường được chặt chẽ thì chỉ ngành công an thôi là chưa đủ, mà cần có sự phối hợp của rất nhiều sở, ban, ngành, bộ đội biên phòng. Thế nên, thời gian tới, Công an tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với người dân và tăng cường phối hợp với các đơn vị khác để bảo vệ vùng biển được bình yên:

“Thời gian tới công an tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với các lực lượng chấp pháp trên biển gồm: hải quân vùng 5, cục kiểm ngư vùng 5, cảnh sát biển vùng 4, hải đoàn 28, bộ đội biên phòng tỉnh, bộ chỉ huy quân sự tỉnh, chính quyền các địa phương có biển.

Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động tuyên truyền công dân thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác khai thác hải sản đúng theo quy định của pháp luật. Nếu phát hiện sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm khai thác hải sản trái pháp luật, từ đó góp phần trong công tác tháo gỡ thẻ vàng của uỷ ban châu âu EC đối với Việt Nam.”

Thực tế, không chỉ có vùng biển Kiên Giang xảy ra tình trạng bao chiếm, tranh chấp ngư trường mà vùng biển Tây Nam trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đã từng “rất nóng” khi các đối tượng manh động, liều lĩnh dùng súng tấn công ngư phủ.

Khi ấy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phải gửi công văn hỏa tốc đề nghị TW hỗ trợ, phối hợp xử lý. Một thời gian ngắn, hàng loạt các đối tượng bao chiếm, bảo kê mặt biển đã bị bắt giữ và xử lý hình sự, trả lại vùng biển bình yên cho ngư dân đánh bắt.