Ngôi làng "giữ hồn" cho Lá cờ Tổ quốc
Vào mỗi sự kiện trọng đại của đất nước, hình ảnh lá cờ Tổ quốc bay phấp phới trên phố phường khiến lòng người cảm thấy hân hoan. Thân thuộc là vậy, thế nhưng, ít ai biết được chính xác về nơi sản xuất ra những lá cờ đỏ thắm ấy.
Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 30km về hướng Nam, ngoài vẻ đẹp mộc mạc, bình dị như bao làng quê khác, với hơn 70 năm phát triển nghề truyền thống - Làng Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín) chính là nơi tạo ra hàng triệu lá cờ Tổ Quốc đi đến khắp mọi miền đất nước, gắn liền với những sự kiện trọng đại của dân tộc.
Tôi may mắn có dịp đến làng Từ Vân vào trước ngày lễ lớn, những ngày này không khó để bắt gặp cảnh các gia đình đang mải miết với những cánh sao vàng năm cánh, cùng những đường may thẳng tắp trên nền cờ đỏ trải dài khắp nơi. Tiếng máy khâu dồn dập, tiếng cắt vải xoèn xoẹt len lỏi khắp ngõ ngách đã trở thành thứ âm thanh rất đỗi quen thuộc của làng quê quanh năm rợp bóng cờ này.
Trải qua hơn 70 năm, nghề may cờ Tổ quốc vẫn được các thế hệ người làng Từ Vân giữ gìn và phát triển. Có lẽ, trong thâm tâm người làng Từ Vân, nghề may cờ Tổ quốc đã gắn bó máu thịt và họ tự hào khi được đóng góp những lá cờ vào sự kiện lịch sử của đất nước.
Có mặt tại xưởng sản xuất cờ của anh Nguyễn Văn Phục (sinh năm 1975) – một trong những gia đình có 4 đời làm nghề may cờ Tổ Quốc. Không khí tất bật từ sáng sớm, những thanh niên trẻ tuổi đứng ở vị trí máy cắt, chốc chốc lại chỉnh lại tấm vải đỏ lớn cho đường nét được ngay ngắn.
Chị em phụ nữ thì ngồi máy khâu chỉnh chu từng đường chỉ, lọt thỏm tiếng máy khâu dồn dập, lúc nhanh, lúc chậm để may cờ. Ngoài sân, nhiều người trung tuổi đang nhanh chóng lắp những lá cờ Tổ quốc cầm tay.
Những ngày này, nhân công tại xưởng may cờ của gia đình anh Phục làm việc hết công suất. Mỗi người một công đoạn, tất cả đều hoạt động như “máy”.
Nối nghiệp gia đình hơn 20 năm, với khoảng 10 người thợ cùng làm, anh Phục chia sẻ, gia đình có truyền thống làm cờ nên anh biết may cờ từ ngày còn bé. Anh không lựa chọn nghề này mà tự nó đến, vì vậy anh coi đó là cái nghiệp của mình và cũng là kế sinh nhai mà gia đình anh đã gìn giữ cho đời con cháu sau này.
Một lá cờ Tổ quốc phải có kích thước tuân thủ theo tỷ lệ chuẩn 2:3. Tâm ngôi sao vàng 5 cánh phải được nằm chính giữa lá cờ. Bán kính từ tâm ra đỉnh ngôi sao bằng 1/5 chiều dài lá cờ. Cờ Tổ quốc phải được may bằng 2 đường chỉ chắc chắn và đảm bảo độ bền. Ngôi sao phải được may 2 mặt trên 1 nền vải. Một số hộ kinh doanh hiện nay may ngôi sao một mặt, còn mặt sau khoét vải, điều này không đúng quy định và thẩm mỹ của lá cờ.
May mắn được làm lá Quốc kỳ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, tung bay trên cột cờ Lũng Cú, tỉnh Hà Giang. Anh Phục nhớ lại, lá cờ treo trên điểm cực Bắc của Tổ quốc là niềm tự hào, cũng chính là động lực thôi thúc anh và gia đình tiếp tục truyền thống theo nghề làm cờ.
“Trước đây thì bố mẹ tôi làm. Đến bây giờ chúng tôi xây dựng gia đình riêng thì chúng tôi làm riêng, chúng tôi cũng là những thành viên Hiệp hội làng nghề của của làng Từ Vân.
Tuy nhiên là làng nghề bây giờ nó cũng mai MỘT nhưng chúng tôi sống trong làng nghề chúng tôi vẫn giữ được kỹ thuật để chúng tôi làm. Tuy rằng là những cái nghề nó cũng không giàu đâu, nó cũng nhỏ nhoi thôi.
Nhưng mà cái ý nghĩa của chúng tôi là chúng tôi rất là phấn khởi và vui để tự tay mình làm nên những sản phẩm”.
Nghề may cờ Tổ quốc tuy không khó so với các nghề may, thêu khác nhưng lại đòi hỏi sự kỳ công từ khâu chọn vải, thêu, in… làm sao để cờ may xong không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà phải sắc nét, bền đẹp.
Vì thế, với những người như gia đình anh Nguyễn Văn Phục, lựa chọn gắn bó với nghề không chỉ vì vấn đề thu nhập, đối với họ, từng đường kim mũi chỉ gửi gắm trong những lá cờ Tổ Quốc là một tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc và là một công việc quá đỗi thiêng liêng mà không phải ai cũng may mắn có nghề:
“Người thợ mà có tâm huyết mà có hiểu biết về cờ thì mới hiểu biết được cái quy chuẩn của một lá cờ. Một lá cờ, nhìn đơn giản thế thôi nhưng làm để chuẩn rất là khó. Các cái kỹ thuật trong các lá cờ, ngôi sao phải đặt đúng tâm giữa của cái lá cờ nhìn lên lá cờ nó có cái hồn ở trong đấy.
Trong đó các cái nghề thủ công mỹ nghệ là đòi hỏi một cái người thợ phải có tính kiên trì và tỉ mỉ. Những cái tay thợ mà để đạt giỏi thì anh phải có đam mê rồi nhiệt huyết rồi cộng thêm cả những máy móc hỗ trợ để cho con người có thể làm nên những cái sản phẩm nhanh hơn, độ chính xác cao hơn.
Và dĩ nhiên chúng tôi cũng thường nói là tất cả các con người trên Việt Nam thì ai cũng phải yêu Tổ quốc cũng như sản phẩm lá cờ chúng tôi cũng thế.”
Nhớ lại 2 năm trước do ảnh hưởng của dịch COVID nên xưởng của anh cũng phải đóng cửa. Bản thân anh Phục và những nhân công đang làm việc tại xưởng đôi lúc trăn trở khi nhớ về những ngày “làm quanh năm không hết việc”.
Dẫu vậy, với tâm lý lưu giữ nghề truyền thống, anh Phục vẫn quyết tâm vượt qua khó khăn: “Những năm mà bị dịch trên toàn quốc cũng rất ảnh hưởng nhiều cho sản xuất. Chúng tôi cũng phải chịu chung các vấn đề cách ly rồi hàng hóa cũng không luân chuyển được.
Đấy là một cái khó khăn tất cả mọi người đều phải chịu. Chúng tôi cũng phải tuân thủ các cái biện pháp phòng dịch của nhà nước. Chúng tôi cũng hạn chế và cũng đảm bảo được những các cơ chế phòng dịch.
Trong lúc dịch chúng tôi vẫn có các cái đơn đặt hàng không lớn nhưng mà các cái đơn đặt hàng rất là đặc biệt và đặc thù. Chúng tôi phải cố gắng để làm sao đưa ra sản phẩm đúng cái dịp lễ hoặc những cái kỷ niệm, rồi những cái đón huân chương rồi tặng thưởng.
Chúng tôi làm những cái băng băng cho các trực ban của phòng, chống dịch, rồi những cái khẩu hiệu để tuyên truyền góp những phần cho phòng, chống dịch”.
Công đoạn tạo hình ngôi sao năm cánh trên lá cờ là khâu đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhất. Việc làm thế nào để ngôi sao nằm chính giữa của miếng vải, và sự chuẩn chỉnh tuyệt đối từ các mũi kim chỉ khi may hoặc thêu là khâu khó nhất.
Ngoài ra, trước khi bắt đầu sản xuất một lá cờ, khâu chọn vải cũng quyết định phần lớn đến chất lượng của lá cờ.
Chính vì vậy, mỗi khi hoàn thành một lá cờ Tổ quốc người thợ thủ công lại không kìm nén được niềm vui, ngồi ngắm nghía lại từng đường kim, mũi chỉ và hình dung lá cờ mình làm ra sẽ được treo trang trọng ở một nơi nào đó trên mảnh đất hình chữ S yêu thương: “Riêng về cờ Tổ quốc chúng tôi đang làm thì những ngày kỉ niệm này, những ngày lễ lớn của đất nước thì chúng tôi có tăng công suất nhiều hơn so với những ngày bình thường. Mình nhìn thấy những lá cờ treo mình càng quý hơn, mình càng tôn trọng cái tay nghề của mình.
Chúng tôi cũng hiểu rằng là mỗi một cái lá cờ mà đại diện cho một quốc gia đấy cũng có những cái mà rất là trân trọng và mãnh liệt đấy, chứ không phải là những sản phẩm bình thường nữa. Tất cả mọi người trên toàn đất nước Việt Nam ai cũng quý mến”.
Với mong muốn truyền nghề lại cho thế hệ đi sau giữ được lửa mà cha ông để lại, anh Phục đã định hướng cho các con làm quen với nghề từ khi còn nhỏ. Không những vậy, hoạt động thêu cờ cũng như danh tiếng của làng Từ Vân đã thu hút không ít các bạn trẻ đến tìm hiểu, trải nghiệm và cũng có những bạn trẻ được gia đình gửi gắm đến nhà anh Phục để học thêu cờ Tổ quốc.
Vừa làm, vừa trò chuyện, Thế Anh – một trong những người thợ trẻ nhất tại xưởng anh Phục xúc động chia sẻ: “Em rất là vui ạ, phấn khởi vì tay mình làm ra xong rồi mọi người treo khắp nơi. Lá cờ Tổ quốc có ý nghĩa là thiêng liêng, mang lại ý nghĩa là kiểu như là có thể góp một phần, phục vụ mọi người trong những ngày lễ, một phần là thích nó.
Khi mình làm ra lá cờ mình có tự niềm tự hào. Chắc là em sẽ gắn với gắn bó với nghề sẽ lâu dài, bởi vì là cũng góp một phần cho quê hương cũng là nghề truyền thống của làng nghề. Mình sẽ có ý định gắn với nghề này lâu dài để tiếp tục gìn giữ nghề của làng".
Ngày nay, để nâng cao năng suất, nhiều hộ gia đình ở làng Từ Vân đã áp dụng công nghệ máy móc hiện đại vào sản xuất để cho ra được những lá cờ với kích thước chuẩn trong thời gian ngắn.
Dẫu vậy, gia đình cô Vương Thị Nhung (47 tuổi) – người đã theo nghề hơn 30 năm vẫn quyết tâm lưu giữ lại xưởng thêu may thủ công duy nhất còn lại trong làng tâm sự: “Nhà mười anh chị em. Tôi là út, mỗi mình ở quê là mình theo nghề thôi còn đâu các anh các chị cũng chả ai theo nghề. Nói chung là cái nghề này nhiều lúc nó cũng vất vả tôi yêu nghề thì đam mê thì là mình gắn bó nghề chứ còn đâu như là các anh các chị thì toàn đi làm việc khác”.
Nghề thêu may cờ không cho thu nhập cao, mà người làm cờ đòi hỏi phải khéo léo, tỉ mẩn trong từng đường kim, mũi chỉ, do đó phải ai thực sự đam mê mới gắn bó được với nghề này. Trong làng vẫn còn nhiều gia đình khác may cờ, nhưng tất cả đều là may, in công nghiệp hàng loạt, ít bộc lộ chất thêu nghệ thuật từ xưa.
Cô Nhung chia sẻ, để làm ra một lá cờ hoàn toàn thủ công cầm rất nhiều thời gian, có khi nửa ngày mới may xong một lá vì hình ngôi sao khó cắt, nếu là cờ thêu thì có khi còn mất vài ngày. Mặc dù có máy móc hỗ trợ sẽ nhanh hơn, nhưng làm cờ thì không thể ẩu: “Mình thêu được tay thì lá cờ nó đẹp, nó nổi hơn là mình thêu máy. Thêu máy thì nó chìm sợi chỉ nó nhỏ thêu tay thì những cái sợi chỉ nó to, nó bóng, nó đẹp, nó dày dặn.
Để làm ra một lá cờ mà thêu chuẩn đẹp thì nói chung là những người thợ đấy cũng phải khéo tay mà phải có cái tay nghề là nói chung cũng phải cao đấy chứ những người mới học vào làm nó không săn, không vê tay, không vê sợi chỉ thì cái cánh sao nó vỡ chỉ không được đẹp”.
Bởi nghề này chỉ dành cho những người bình tĩnh, tỉ mỉ và phải có lòng yêu nghề. Từ khâu chọn vải, thêu, in, pha màu đến việc cắt ngôi sao, chọn chỉ may, thêu, làm logo, huy hiệu trên mỗi lá cờ đều không được phép chênh lệch.
Bởi vì lẽ đó mà nghề may cờ Tổ quốc có nhiều cái khó hơn so với các nghề may thêu khác và mỗi nhà đều có một bí quyết riêng, nhưng cái khó nhất là phải thổi “hồn” vào từng là cờ dù là cờ to hay nhỏ, cờ in hay cờ thêu. Cô Nhung nói: “Để thêu được một cái lá cờ mà đẹp thì phải mua phải vải dày dặn, cúng phải mua loại chỉ sợi cũng phải săn bóng rồi lại còn máy móc lên nó phải phẳng cái lá cờ đấy, nhiều công đoạn lắm.
Chúng tôi đi ở ngoài đường chơi ở đâu đấy nhìn thấy ở khắp nơi mà treo những lá cờ mà tự gia đình mình làm ra cũng vui tự hào mà những ngày kiểu các ngày lễ lớn đấy họ treo rồi người ta mua cờ của mình về treo thì mình rất là tự hào mà sản phẩm mà gia đình nhà tôi làm ra.
Tự hào chứ tại cả nước mỗi nhà mình làm thì mình cũng vui đấy”
Những lá cờ dù in hay thêu, cờ to hay nhỏ, các kích cỡ, các loại cờ khác nhau đều được những người thợ thổi “hồn” vào đó.
Mỗi khi nhìn những lá cờ Tổ quốc đặt trang trọng trong buổi lễ hay nhiều lúc xem tivi thấy các sản phẩm của gia đình làm ra, trong lòng vợ chồng cô Nhung lại trào lên niềm tự hào vì tình yêu mà họ gửi gắm trong mỗi nét in, đường thêu trên những lá cờ được tung bay khắp mọi miền của Tổ quốc: “Yêu Tổ quốc là mình luôn trẻ. Làm cờ Tổ quốc giúp cho tôi là lúc là trông tươi vui, vui vẻ”.
Dù bằng cách ứng dụng máy móc hay sản xuất thủ công trong các sản phẩm, những lá cờ của làng Từ Vân tung bay trên khắp mọi miền Tổ quốc chứa đựng bao sự tỉ mỉ, cần mẫn, tài hoa và lòng yêu nghề, yêu Tổ quốc của những người thợ.
Ngày nay, trong không khí vui tươi của ngày Tết Độc lập, hàng ngàn hàng vạn lá cờ được treo trên khắp mọi miền Tổ quốc. Từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, đâu đâu cũng ngập tràn sắc đỏ. Vẻ đẹp thiêng liêng ấy được xuất phát chính từ tình yêu và niềm tự hào dân tộc của những người thợ ngày đêm miệt mài gửi gắm vào lá cờ.
Với mỗi người dân, dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh luôn là đại diện cho niềm tự hào Việt Nam, khơi dậy hai tiếng quê hương trong mỗi người con đất Việt. Và dù bây giờ hay mãi mãi về sau, những sự kiện trọng đại, các ngày lễ lớn của dân tộc, đều có lá cờ Tổ quốc của làng Từ Vân tung bay.
Vắt qua hàng thế kỷ, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng được dệt nên từ những bàn tay tài hoa của người dân làng nghề đã góp phần giữ hồn Tổ quốc cho hôm nay và muôn đời sau. Đó là niềm tự hào và cũng chính là niềm tin nghề may cờ Tổ quốc của làng Từ Vân sẽ tồn tại mãi với thời gian.