Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Hà Nội sống và yêu: Phố cưới hỏi

Thùy Linh - Ngọc Tiến: Thứ bảy 18/01/2025, 12:12 (GMT+7)

Hàng Than là một trong những phố cổ của Hà Nội. Thuở xa xưa, đây là phố chuyên bán than, dần dà theo thời gian nghề than bị mai một, phố chỉ còn giữ lại cái tên.

Bây giờ, phố không chỉ nổi tiếng về bánh cốm, mà còn nổi tiếng bởi dịch vụ cho thuê, cung cấp đồ lễ ăn hỏi, đám cưới. 

BÊN DÒNG THỜI GIAN

Hàng Than có con dốc ở đầu phố khá cao, trong dân gian gọi đây là phố Dốc bụi than. Tính từ ngã sáu Hàng Đậu lên đê Yên Phụ, con phố này chỉ dài độ 400 mét nhưng lại cất giữ bí quyết làm bánh cốm gia truyền, thức quà đặc sắc của đất Hà thành.

Hầu hết các nhà trên phố Hàng Than đều kinh doanh mặt hàng này. Xuyên qua lớp tủ kính là san sát những hộp bánh hình khối vuông vức cùng giấy trang trí nổi bật. Nhiều nhà còn bán cốm tươi gói lá sen ngay trên vỉa hè. Nắng lên, cả phố long lanh như bức tranh ngày hội. 

“Bánh cốm là đặc sản của Hà Nội đấy. Hàng Than có rất nhiều hàng, cô cảm nhận bánh cốm chỉ có ở dốc 11 Hàng Than mới chuẩn đúng vị”.

“Ngày xưa ở số 11 Hàng Than bánh cốm rất ngon nhưng bây giờ bánh cốm Hàng Than không được như xưa nữa. Mà trên đấy cũng có nhiều hàng bánh cốm cứ lấy tên na ná như Nguyên Ninh”.

Ai là người đầu tiên nghĩ ra việc dùng cốm để làm quà cưới? Không nhớ rõ. Chỉ biết là từ lâu, phố Hàng Than đã được gọi là “phố cưới hỏi”

Ai là người đầu tiên nghĩ ra việc dùng cốm để làm quà cưới? Không nhớ rõ. Chỉ biết là từ lâu, phố Hàng Than đã được gọi là “phố cưới hỏi”

Quả thật, hầu hết các hàng bánh cốm trên phố đều có tên gọi na ná nhau, như Nguyên Ninh, An Ninh, Bảo Minh,... Xuất hiện dày đặc hơn cả là biển hiệu màu xanh lá sen có in dòng chữ “Nguyên Ninh” đỏ thẫm. Không rõ đâu là chính gốc, nhưng người dân trên phố đều tin rằng cửa hàng số 11 Hàng Than mới là cái nôi của bánh cốm.

Ấy là niềm tự hào của dòng họ Nguyễn Duy, là động lực để anh Nguyễn Duy Mạnh, sinh năm 1983, tiếp nối truyền thống làm bánh cốm trăm năm của gia đình:

“Nguồn gốc thương hiệu Nguyên Ninh bên mình bắt đầu từ năm 1865, do cụ Trần Thị Luân, tức cụ trưởng ái đã làm ra bánh cốm đầu tiên và đặt tên là Nguyên Ninh. Nguyên Ninh nghĩa là gì? Nguyên là nguồn, Ninh là làng Yên Ninh xưa, một phần của Hồ Tây. Cụ đặt tên ấy để nhắc nhớ con cháu về nguồn gốc gia đình.

Bánh nhà mình đặc biệt hơn so với nhà khác ở chỗ làm toàn bộ bằng nguyên liệu tự nhiên, không chất bảo quản nên chỉ để được ngắn ngày. Bánh được làm từ nguyên liệu tự nhiên nhất, đơn giản nhất, thô sơ, bình dân nhất. Hiện nhà chỉ tập trung vào thế mạnh là bánh cốm, bánh xu xê và một số sản phẩm quà khác như bánh chả, bánh khảo và bánh đậu xanh..."

Ai là người đầu tiên nghĩ ra việc dùng cốm để làm quà cưới? Không nhớ rõ. Chỉ biết là từ lâu, phố Hàng Than đã được gọi là “phố cưới hỏi”. Nhà văn Thạch Lam từng ví von: “Hồng cốm tốt đôi ... Màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hai vị nâng đỡ nhau để hạnh phúc được lâu bền”.

Tục lệ ấy đến bây giờ vẫn vẹn nguyên trong ký ức của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: “Các gia đình khi mà biếu quà cưới cho hàng xóm, cho người thân bạn bè thì bao giờ cũng kèm theo trầu cau, cặp bánh phu thê (xu xê) hoặc là bánh cốm. Bánh cốm được đưa vào trong đám hỏi, đám cưới của người Hà Nội chưa phải quá lâu đời, chỉ mới xuất hiện ở đầu thế kỷ 20 thôi. Còn lý do vì sao người ta đưa bánh cốm vào thì bởi bánh cốm là đặc sản của Hà Nội, trông rất lịch sự, sang trọng”.

Bánh cốm trở thành nét văn hoá lâu đời của người dân Hà Nội

Bánh cốm trở thành nét văn hoá lâu đời của người dân Hà Nội

Ngày nay, nhiều cửa hàng còn cung cấp dịch vụ trọn gói cho lễ ăn hỏi và lễ cưới. Theo nghệ nhân Vũ Thị Tuyết Nhung, sự thích ứng nhanh chóng với nhu cầu thị trường đã giúp phố Hàng Than càng thêm đông đúc:

“Phố Hàng Than từ bánh cốm cũng phát triển thêm những món đồ phục vụ lễ cưới, như là bánh xu xê, mứt sen, cho thuê tráp rồi thì trầu cau têm rồng phượng. Thực ra lịch sử quà sêu ở Hà Nội cũng có những biến thiên. Ví dụ đến Rằm tháng 8 thì hay sêu hồng cốm, sêu bánh nướng bánh dẻo. Vượt qua những khó khăn của thời kỳ bao cấp, phố Hàng Than nay trở thành một tụ điểm để kinh doanh đồ cưới hỏi”.

Và nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến có thể được coi là một trong những người đầu tiên trải nghiệm dịch vụ quà sêu cưới trên phố Hàng Than, ở giai đoạn đầu thế kỷ 20: “Ngay như chính đám cưới của mình cũng mua bánh cốm từ Hàng Than rồi mang sang nhà gái, nhà gái lại dùng chính bánh cốm ấy làm quà, phân phát cho người thân, dòng họ để báo tin rằng: Con gái tôi đã lấy chồng”.

Cũng vì tình cảm đặc biệt ấy mà chủ cửa hàng vẫn giữ lại một điểm bán trên phố Hàng Than, như nếp quen của người Hà Nội xưa: buôn có bạn, bán có phường, coi khách hàng như người thân, như bầu bạn. 

“Từ người lao động đến người giàu, ai ai cũng có thể mua được bánh cốm, nó giống như bát cơm bình dân vậy thôi. Nó gắn liền với nét Hà Nội xưa, bao gồm cốm và đậu xanh là những nguyên liệu cơ bản, nông dân, thân thuộc nhất. Và Hàng Than là nơi mà cụ trưởng ái làm ra chiếc bánh cốm đầu tiên, cửa hàng Nguyên Ninh trên phố cũng là nơi đầu tiên bán loại bánh này. Xuất phát từ truyền thống gia đình, bánh cốm Nguyên Ninh chỉ bán duy nhất tại đây và không có đại lý nào khác”.

Từ một góc phố nhỏ, bánh cốm trở thành nét văn hoá lâu đời của người dân Hà Nội. Những hộp bánh vuông vức màu xanh chuối của Nguyên Ninh, An Ninh, Khang Ninh đưa hương cốm bay đi khắp nước. Thứ hương ấy chứa cả mùa thu bát ngát, phảng phất mùi hoa cỏ, mang giọt sữa trắng thơm, dẻo đầy…

Tết đến, Xuân về, với người Việt Nam, bên mâm cơm ngày đoàn tụ tiễn năm cũ đi qua, đón năm mới đến, không thể thiếu ly rượu mừng, chúc cho nhau những điều may mắn.

Tết đến, Xuân về, với người Việt Nam, bên mâm cơm ngày đoàn tụ tiễn năm cũ đi qua, đón năm mới đến, không thể thiếu ly rượu mừng, chúc cho nhau những điều may mắn.

SỐNG Ở HÀ NỘI

Người xưa có câu “Phi tửu bất thành xuân”, ngày tết mà không có chén rượu như mùa xuân chưa về. Ngày nay cũng như xưa, tết phải có rượu, ngoài cúng tổ tiên còn mời khách, có tí men câu chuyện thêm nồng.

Tùy theo vùng miền, điều kiện kinh tế có thể uống rượu truyền thống, rượu ngoại hay các loại bia. Nhưng xưa lại khác, rượu cúng tổ tiên là rượu trắng nhưng ba ngày tết sẽ uống rượu ngâm thảo mộc, đó phong tục gắn với tín ngưỡng. Tết với người Hà Nội xưa không thể thiếu rượu sen Thụy Khuê, rượu làng Mơ song không thể thiếu ba loại theo truyền thống gồm rượu Bách, Đồ Tô và Mâm Tiêu.

Trong năm, người ta đẽo thân cây Bách thành những miếng nhỏ ngâm với rượu vì thế gọi là rượu Bách. Bách là cây chịu rét có ở vùng núi phía Bắc nước ta, lá tươi lâu do vậy người ta tin rằng uống rượu Bách sẽ chống được lạnh giá mùa  đông và  sống lâu như cây này.

Thứ hai là rượu Mâm Tiêu. Trong bữa cơm sáng mồng một tết mừng  năm mới,  con cháu  đặt hũ rượu ngâm hoa và quả Liêu Tiêu khô vào mâm dâng kính lên ông bà, cha mẹ và các bậc  huynh trưởng để chúc thọ. Vì  đặt trong mâm nên gọi là rượu Mâm Tiêu.

Cây Liêu Tiêu  còn gọi là cây Thù Du (hay Thù Nhục, Táo Bì), trong Đông y hoa và quả Liêu Tiêu khô   có thể trừ được tà khí, ngăn được  thương hàn, lỵ và giúp  hạ huyết áp, lợi tiểu. Loại  thứ ba  là rượu Đổ Tô. Đồ Tô có nghĩa là  lều cỏ. Tương truyền xưa có một người sống  trong cái lều cỏ.

Vào ngày cuối năm anh ta đem ngâm túi thuốc có nhiều vị xuống giếng thơi và sáng mồng một sẽ múc nước giếng pha với rượu mời mọi người trong làng  cùng uống sẽ trừ được bệnh tật trong năm mới.

Bắt nguồn từ tích này đã hình thành tục sáng mồng một người ta lấy rượu ngâm với nhiều vị  thuốc mời nhau với ý nghĩa trừ dịch bệnh và chúc năm mới khỏe mạnh không đau ốm. Về tín ngưỡng, cả ba loại rượu này có thể  ruồng khí nhơ và khơi mạch trường sinh. 

Uống rượu trong ngày tết là phong tục. Tuy nhiên đã uống dù nhiều hay ít tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Uống rượu trong ngày tết là phong tục. Tuy nhiên đã uống dù nhiều hay ít tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Trong bài thơ Ngày mồng một tết của Trạng Bùng Nguyễn Bình Khiêm đã nói về ba loại rượu này:

Tự tòng nhất khi chuyển hồng quân

Thặng hi niên lai tiết hậu  tân

Bách tửu khư hàn nghênh lệnh đán

Tiêu bàn hiến tụng lạc phương thần

Tiêu hồi tinh Đẩu thời hành Hạ

Án tích đồ thư nhật hữu xuân

Chước liễu Đổ tô vô tá sự

Túc tương ngũ phúc chúc linh xuân

(Nghĩa là: Từ khi khí trời đã xoay vần theo tạo hóa/Lại mừng năm mới tiết trời đổi mới/Uống rượu ngâm cây Bách đầu năm trừ tà khí đón ngày đầu xuân/Dâng tụng rượu hoa Tiêu chúc thọ vui buổi lương thần/ Chuôi sao Bắc Đẩu xuôi dần, thời tiết theo lịch nhà Hạ/Bàn xếp sách vở vui tháng này vui cảnh xuân/Rót rượu Đồ Tô chúc nhau xong không có việc gì nữa/Chỉ có việc là đem ngũ phúc chúc thọ phụ thân) 

Danh Nho Trịnh Hoài Đức  là công thần triều Nguyễn, ngày tết nhưng vua Minh Mạng cử ông  phải đi công cán ở Cao Miên (nay là Campuchia), nhớ tết quê nhà ông cảm khái viêt bài Tết nhưng phải làm khách ở Campuchia. Trong bài thơ có câu: Ngày tết ở đất khách nên không có ai mời rượu Bách theo phong tục Việt. Tức là tục uống rượu Bách vẫn duy trì đến thời Nguyễn.

Uống rượu trong ngày tết là phong tục. Tuy nhiên đã uống dù nhiều hay ít tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Khi không làm chủ được sẽ gây nguy hiểm cho bản thân, cho người và  các phường tiện khác. Năm mới mà bị xử phạt, tạm giữ xe, trừ điểm bằng lái xem ra không hay.

Nét cổ kính của làng cổ Đường Lâm (Ảnh: Tuyên Parafu)

Nét cổ kính của làng cổ Đường Lâm (Ảnh: Tuyên Parafu)

TIN YÊU

- Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Hà Nội tổ chức loạt sự kiện như 'Tết Việt – Tết Phố 2025' tại khu vực phố cổ, 'Tết làng Việt' ở làng cổ Đường Lâm và chương trình 'Hòa nhạc ánh sáng - Chào năm mới 2025' tại hồ Tây. Những hoạt động này mang đến cho du khách cơ hội trải nghiệm không khí Tết truyền thống và sắc màu lễ hội sôi động.

- Tối 18/1, tuyến phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết (quận Đống Đa, Hà Nội) chính thức khai trương, là tuyến phố ẩm thực thứ 3 của Hà Nội. Không gian tuyến phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết kéo dài từ ngã ba giao cắt phố Tây Sơn (tại số nhà 298) đến ngã ba giao cắt phố Yên Lãng (tại số 53); chiều dài tuyến phố 840m. Tuyến phố ẩm thực mới này sẽ tập trung vào phát triển các hoạt động kinh doanh hiện có; thời gian hoạt động từ 18 - 24 giờ Thứ 7, Chủ nhật hàng tuần.

- Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội sẽ tổ chức chương trình "Tết Việt - Tết phố 2025" với chuỗi hoạt động đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống. Chương trình khai mạc sáng 19-1 (tức 20 tháng Chạp), tại đình Kim Ngân (số 42-44, phố Hàng Bạc, Hà Nội).

- Hội chữ Xuân 2025 sẽ diễn ra từ ngày 23/1 - 9/2 tại hồ Văn, di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Giờ mở cửa hàng ngày từ 8 - 22 giờ. Năm nay, Hội chữ Xuân ghi dấu ấn với hai điểm nổi bật là không gian hồ Văn được cải tạo, chỉnh trang toàn diện và nhiều hoạt động được diễn ra tại không gian hồ Văn phục vụ khách tham quan.

- Lễ hội kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 2 đến 4-2 (tức từ mùng 5 đến 7 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Điểm khác biệt là năm nay Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức vào tối 2-2. Điểm nhấn là chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Đống Đa - Sử vàng lưu danh - Tương lai vững bước” được xây dựng theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại.

Thùy Linh - Ngọc Tiến/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn