Xem xét “nới lỏng” tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế

Để thuận lợi cho việc triển khai biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành.

Điều này nhằm đảm bảo vừa nâng cao hiệu quả thu hồi tiền thuế nợ vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người nộp thuế phát triển sản xuất kinh doanh ổn định cũng như các hoạt động đi lại giao thương được thuận lợi.

Xung quanh nội dung xem xét “nới lỏng” tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế, phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, ông Đinh Trọng Thịnh. 

PV: Thưa ông, hiện nay chưa có ngưỡng nợ thuế để căn cứ ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế. Quyết định này phụ thuộc vào thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế. Ông cho biết quan điểm về dự kiến sửa đổi nội dung này?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, chúng ta cần biết Luật Thuế là một trong những luật cơ bản của Nhà nước để đảm bảo nguồn thu, tính kỷ cương, ổn định của luật pháp. Một khi Luật Thuế đã quy định, chúng ta phải thực thi.

Theo quan điểm của chúng tôi, đã là nợ thuế cấm xuất cảnh thì về mặt nguyên tắc, kể cả nợ 1 đồng cũng là nợ. Việc thực thi cần làm đến nơi đến chốn. Không vì 1 triệu đồng hay 10 triệu đồng thì bỏ qua. Vấn đề nợ thuế càng nhỏ thì càng dễ trả, nó phụ thuộc vấn đề là ý thức chấp hành luật pháp, sự chây ì nộp thuế của cá nhân, đại diện doanh nghiệp.

PV: Vậy còn đối tượng nợ thuế? Có một số đại diện doanh nghiệp lại không phải chủ doanh nghiệp, họ là người làm thuê được giao quản lý, vận hành, nên bị tạm hoãn xuất cảnh ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và việc nộp thuế?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Thẩm quyền ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh vẫn do các cục thuế ra quyết định. Bởi họ là người quản lý sâu sát nhất, có trách nhiệm thông báo thuế chưa nộp đến người nộp thuế. Họ có thông báo rồi, yêu cầu xử lý rồi mà không chấp hành thì có quyết định cấm xuất cảnh là phù hợp.

Ở đây, có thể nói đến một số trường hợp cần xem xét. Đó là trường hợp doanh nghiệp nhà nước, có vốn nhà nước mang tính quyết định. Khi họ gặp khó khăn, được điều chuyển người đứng ra nhận trách nhiệm tái cấu trúc doanh nghiệp. Lúc này, chúng ta cần xem xét có nên hoãn xuất cảnh. Rõ ràng, họ là người được điều đến để khắc phục khó khăn, không phải người chịu trách nhiệm trước số thuế mà doanh nghiệp chưa nộp. Chúng ta nên xem xét không cấm xuất cảnh với trường hợp đó là hợp lý.

Và vấn đề chúng ta phải phân định đúng. Ví dụ ở các doanh nghiệp tư nhân, hoặc doanh nghiệp cổ phần, ông Chủ tịch Hội đồng quản trị mới là người chịu trách nhiệm cuối cùng tình hình của doanh nghiệp. Còn giám đốc, tổng giám đốc chỉ là những người được thuê để xử lý công việc. Người bị cấm xuất cảnh phải là ông Chủ tịch Hội đồng quản trị. Chúng ta mà cấm tổng giám đốc thì họ lại thuê người khác. Ông Tổng giám đốc chỉ điều hành sự vụ hàng ngày thôi. Cái đó chúng ta cũng cần xem xét.

PV: Xin cảm ơn ý kiến của ông!

Bên cạnh hiệu quả thu hồi nợ thuế, có luồng ý kiến cho rằng, các quy định với đối tượng tạm hoãn xuất cảnh được đánh giá là chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế gặp khó khăn tài chính nhất thời.

Do đó, Tổng cục Thuế cho biết, sẽ xem xét các quy định về đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126 năm 2020 của Chính phủ và các quy định pháp luật liên quan để vừa đảm bảo tính công bằng vừa đảm bảo hỗ trợ người nộp thuế khó khăn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.