Xanh hóa nông nghiệp, gánh nặng hay cơ hội? (Bài 1): Xu thế tất yếu

Tư duy sản xuất nông nghiệp đang thay đổi liên tục theo hướng đảm bảo vệ sinh, an toàn, chất lượng cho mọi tác nhân trong chuỗi và xanh hóa nông nghiệp là xu thế tất yếu để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khốc liệt, nông nghiệp xanh hướng đến những gì thân thiện nhất với môi trường, không gây tác động tới tài nguyên thiên nhiên, không gây ra hiệu ứng nhà kính. Người nông dân đã và đang thích ứng được với những mô hình nông nghiệp để thuận tự nhiên, bảo vệ môi trường, giảm phát thải.

Hiện các thị trường lớn của nông sản Việt Nam đang tăng tần suất kiểm soát nhằm siết chặt chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Ngoài ra, với xu hướng tiêu dùng ngày càng thay đổi, chuyển từ ăn no sang ăn ngon sạch đòi hỏi hàng hóa nông sản Việt Nam phải đa dạng hơn. Ngoài việc có nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng thì còn phải đẩy mạnh chế biến sâu làm ra được nhiều sản phẩm tiện ích thay vì chỉ xuất khẩu hàng tươi và thô.

Do đó, đứng trước các rào cản kỹ thuật, bà con nông dân cùng với các doanh nghiệp cần phối hợp để sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe từ thị trường đặt ra.

Anh Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt (Chavi) được biết đến là một trong những người mở đường xanh hóa vùng đất phèn nặng của huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Từ năm 2011-2013, anh Hiển bắt đầu nghiên cứu trồng gần 150ha chanh không hạt. Năm 2013, Chavi bắt đầu xây dựng nhà máy và có những đơn hàng xuất khẩu chanh trái đi châu Âu và các sản phẩm chế biến đi Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ…

Đến nay, anh đã có nhà xưởng chế biến và kho đông lạnh có thể chứa 400-500 tấn nước cốt chanh, tương đương với 4.000-5.000 tấn chanh: Chúng tôi tạo ra các sản phẩm về nông nghiệp và tăng giá trị của sản phẩm đó; sẽ cùng phối hợp với các viện, trường để tập trung nghiên cứu tăng giá trị quả chanh nói chung cũng như một số loại nông sản phù hợp với điều kiện của chúng tôi.

Nông nghiệp xanh thân thiện nhất với môi trường đang được nhiều nông dân lựa chọn- Ảnh Thanh Phê -Mekong FM

Đối với sản xuất lúa, nông dân đã dần thay đổi tập quán canh tác, theo hướng lúa hữu cơ, tạo ra hạt gạo sạch, tất cả vì một nền nông nghiệp xanh. HTX Gạo sạch Tân Long, ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang là một trong những đơn vị tiên phong trong tỉnh thực hiện việc liên kết với nông dân để sản xuất gạo sạch.

Ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX Gạo sạch Tân Long, cho biết,  hiện nay, sản phẩm làm ra phải đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, chứ không phải bán những gì chúng ta có: Lợi nhuận đây là lợi ích sức khỏe người tiêu dùng thấy được không dùng chất hóa học đẻ rải trên đồng ruộng và sản phẩm làm ra có giá trị.

Không chỉ hướng đến sản phẩm chất lượng để đáp ứng các tiêu chuẩn khắc khe của thị trường mà người dân cũng đã thay đổi tư duy trong làm nông nghiệp. Chọn mô hình kinh tế tuần hoàn để phát triển, bà Lữ Thị Nhật Hằng, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đang cho thấy hướng đi bền vững. Sản phẩm chủ lực là phân trùn quế và các loại gia súc, gia cầm, thủy sản được nuôi theo hướng hữu cơ. Tận dụng diện tích phía dưới nông trại phát triển mô hình trồng nấm, nuôi trùn quế, nuôi bò - gia cầm, trồng rau sạch và nuôi thủy sản. Còn phía trên là hệ thống điện mặt trời áp mái.

Theo bà Hằng, rơm đem đi ủ làm nấm, sau đó dùng làm giá thể nuôi trùn quế. Còn rơm cuộn cho bò ăn, thay vì phải đốt bỏ làm ô nhiễm môi trường.

Bà Lữ Thị Nhật Hằng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong, chia sẻ: Cải thiện suy nghĩ không dùng phân hoá học để đảm bảo sức khoẻ với tài nguyên đất của địa phương. Kinh tế nông nghiệp nếu làm gập khuôn như xưa thì chị rằng nó sẽ không còn là xu hướng nữa rồi, mình phải kết hợp nông nghiệp và công nghiệp, không thể làm nông nghiệp đơn thuần như trước.

Sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường là hướng mà nhiều địa phương ở vùng ĐBSCL đang hướng đến. Hiện Cần Thơ đang phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) thực hiện các mô hình về thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng để trồng nấm, làm phân hữu cơ. Lợi nhuận từ trồng lúa, tận dụng sản phẩm từ rơm rạ để trồng nấm, làm phân hữu cơ thì thu nhập của người dân khoảng 133 triệu đồng/hecta/năm, tăng cao hơn so với mô hình canh tác lúa truyền thống 47 triệu đồng. Mục tiêu của Cần Thơ là nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm để giúp cho nông dân giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận cũng như bảo vệ môi trường.

Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên nh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu đến cạnh tranh trên thị trường quốc tế, việc tìm kiếm các giải pháp để phát triển chuỗi giá trị nông sản một cách hiệu quả đã trở thành nhiệm vụ cấp bách. Việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị từ người nông dân, hợp tác xã đến doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu này.

Bà Cao Xuân Thu Vân cho biết: Để phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản trong tái cơ cấu nông nghiệp phải đẩy mạnh phát triển liên kết giữa các hợp tác xã, hợp tác xã với doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, Viện nghiên cứu, chính sách. Các chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt không thiếu, vấn đề còn lại chính là năng lực, và việc tiếp cận của các tác nhân trong chuỗi cho biết.

Trong bối cảnh mới, khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, nông nghiệp được đánh giá là ngành có nhiều cơ hội nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ngành nông nghiệp sẽ không ngừng phát triển, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững trong chuỗi giá trị nông sản, góp phần xây dựng, nâng tầm nông sản Việt trên thị trường thế giới.

Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành nông nghiệp mà cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, từ các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã đến người nông dân.