Ngày 27/3, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Tạp chí Công Thương tổ chức tọa đàm "Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam trong tiến trình hội nhập thương mại điện tử quốc tế" nhằm tìm ra giải pháp tối ưu cho vấn đề này.
Khung pháp lý được hoàn thiện, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện khung pháp lý và ban hành nhiều chính sách quan trọng. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2024, là một nh chứng rõ ràng cho nỗ lực này.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, khẳng định: "Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu việc hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với Luật, nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành, đặc biệt còn có những văn bản hướng dẫn chuyên sâu đến từng vấn đề trong Luật."
Để Luật được thực thi hiệu quả, công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin được đặc biệt chú trọng. Năm 2025, Bộ Công Thương chọn chủ đề "Thông tin nh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm" cho Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Hàng loạt hoạt động hưởng ứng đã được tổ chức trên cả nước, từ lễ phát động tại các tỉnh, thành phố đến các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau.
Kiểm soát chặt chẽ nền tảng thương mại điện tử
Sự phát triển của thương mại điện tử cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã có những quy định chi tiết về nghĩa vụ của các chủ thể trong tiêu dùng trên không gian mạng, bao gồm cả chủ sàn thương mại điện tử, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn và người có sức ảnh hưởng.
Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng: "Người tiêu dùng chưa hiểu biết đầy đủ, không theo kịp những tình hình diễn biến mới xảy ra, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp, cá nhân chuộc lợi dẫn đến kết quả cuối cùng là người tiêu dùng phải hứng chịu những thiệt hại về vật chất và tinh thần, sức khỏe."
Để giải quyết vấn đề này, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng trở thành những người tiêu dùng thông thái và mạnh dạn lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình.
Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và Đại sứ quán Anh là một bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng.
Ông Iain Frew - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam cho biết: "Thông qua khuôn khổ Biên bản ghi nhớ, Vương quốc Anh sẽ chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn để giúp Việt Nam có thể đưa ra các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng hoặc cách giải quyết các vấn đề phát sinh trên thị trường tiêu dùng, dựa trên kinh nghiệm từ những nơi khác, bao gồm Vương quốc Anh."