Liên quan nội dung này, VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Trung Kiên – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM:
PV: Vừa qua, rất nhiều hộ gia đình ở TP.HCM tỏ ra bức xúc khi hoá đơn điện tháng 8 tăng cao đột biến vì ngành điện thay đổi phiên ghi chỉ số điện. Vì sao chúng ta lại thay đổi việc ghi điện thời điểm này?
Ông Bùi Trung Kiên: Việc thay đổi ngày ghi chỉ số điện vào cuối tháng có nhiều mục tiêu. Đầu tiên, là doanh nghiệp chuyển đổi số nên chúng tôi đã thay thế các công tơ đo đếm dữ liệu từ xa, ngoài chức năng đo đếm từ xa thì khách hàng hoàn toàn có thể tham khảo, xem xét tình hình sử dụng điện hàng ngày của gia đình.
Thứ hai là từ dữ liệu công tơ gửi về, chúng tôi có thể biết được tình trạng mất điện và cả quá trình vận hành của lưới điện để chủ động phục vụ khách hàng tốt hơn.
Chúng tôi thấy việc chuyển ngày ghi điện về cuối tháng để tập trung tính toán, vừa thuận lợi cho cả điện lực lẫn khách hàng.
Tuy nhiên, việc ghi điện vào cuối tháng cũng gây ra bất lợi cho khách hàng vì sẽ làm số tiền tăng lên do ngày sử dụng điện tăng theo. Mặc dù vậy, ngành điện cũng đã tính toán định mức phù hợp với tỷ số ngày tăng lên, dù tính thế nào thì số tiền cũng tương ứng.
Chúng tôi khẳng định việc tính toán này hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến bậc thang tiêu thụ điện. Cũng cần phải nói thêm là trong tháng 7 và tháng 8 có 1 đợt nắng, nhiệt độ có lên 33 - 34 độ C, kèm theo là mùa hè các cháu nhỏ ở nhà cũng có thể là 1 phần nguyên nhân khiến sản lượng tăng hơn chút đỉnh so với các tháng bình thường.
Ngoài ra, điện lực cũng chịu ảnh hưởng do việc thay đổi phiên ghi điện là đòng tiền bị thiếu hụt khi mà trên dưới 20 ngày chúng tôi dời ngày ghi điện.
PV: Tổng số khách hàng bị ảnh hưởng từ đợt thay đổi phiên ghi điện này là bao nhiêu, và ngành điện có tiếp tục thay đổi phiên ghi điện trong thời gian tới?
Ông Bùi Trung Kiên: Theo tính toán thì đợt này có khoảng 400.000 được điều chỉnh phiên ghi điện. Đây là đợt 2 chúng tôi làm, trước đó vào Quý 1 chúng tôi đã làm với khoảng 1 triệu khách hàng. So với tổng số 2,6 triệu khách hàng thì chúng tôi đã đạt hơn 60%.
Trong tháng 9 này chúng tôi cũng đã tính toán và thông báo đến 1 số khách hàng để chuyển phiên về ngày cuối tháng 9. Kế hoạch thì chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành việc này trong năm 2024.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng nếu như ngành điện tách hoá đơn tiền điện tháng 8 thành 2 hoá đơn tương ứng thì sẽ rõ ràng, nh bạch hơn. Vì sao ngành điện không làm điều này?
Ông Bùi Trung Kiên: Tôi thấy đây là cách làm dễ và không làm khách hàng khó chịu khi nhận hoá đơn. Tuy nhiên theo Điều 17 Nghị định 138/2013, đối với các ngành dịch vụ như ngành điện thì 1 năm không được phát hành quá 12 kỳ hoá đơn. Nếu trong tháng tách làm 2 hoá đơn thì năm đó sẽ có 13 kỳ hoá đơn và sẽ vi phạm quy định.
PV: Qua sự việc lần này, nhiều người dân tỏ ra bức xúc khi có cảm giác không được chia sẻ. Ngành điện có thông điệp muốn chia sẻ với người dân?
Ông Bùi Trung Kiên: Đầu tiên, phải khẳng định lại là tiền điện chúng ta trả là công bằng, tuy nhiều hơn so với bình thường nhưng phù hợp với số ngày sử dụng nhiều hơn.
Thứ hai, ngành điện cũng rất chia sẻ về việc này, đây cũng chỉ là 1 đợt làm và sẽ không lặp lại trong tương lai. Cũng mong khách hàng, người sử dụng điện chia sẻ việc này với ngành điện để chúng ta cùng phát triển, hướng đến mục tiêu hiện đại hoá, chuyển đổi số của ngành điện.
PV: Xin cám ơn ông.