Lấy bằng lái xe quá dễ: Luật mới có khắc phục được không?
Giải đáp vấn đề này, Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, hiện nay, trình tự, thủ tục đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ được quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Nghị định và Thông tư của Bộ Giao thông vận tải cơ bản đã sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, vận dụng kinh nghiệm các nước tiên tiến.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện, các quy định đã bộc lộ những nội dung còn chưa cụ thể, chưa sát với thực tiễntình hình giao thông đường bộ tại Việt Nam để người tham gia giao thông tự giác thực hiện.
Theo thống kê, từ năm 2009 đến tháng 12/2021, toàn quốc đã xảy ra 361.636 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 113.897 người, bị thương 356.149 người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông; đáng chú ý nguyên nhân gây tai nạn giao thông do lỗi của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ.
Để khắc phục tình trạng trên, về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, dự thảo Luật quy định nhiều điểm mới như: người đủ 17 tuổi trở lên được đăng ký học lái xe; người học lái xe được lựa chọn cơ sở đào tạo lái xe, giáo viên dạy lái theo yêu cầu, được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ;
Ngoài ra, người được cơ sở đào tạo xác nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo, được lựa chọn và đăng ký với cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để tham dự kỳ sát hạch; kết quả đào tạo, sát hạch lái xe phải thông tin công khai; sửa đổi một số hạng giấy phép lái xe để phù hợp với Công ước Viên năm 1968…
Tiếp tục khẳng định quan điểm của Chính phủ đối với hoạt động quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý sau khi cấp giấy phép là quản lý hành vi trực tiếp của con người để bảo đảm về kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện, liên quan trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông.
Giao thông theo kiểu "điền vào chỗ trống"
Cũng tại buổi diễn đàn, bạn đọc có đề cập thêm đến vấn đề: Hiện nay, người tham gia giao thông theo xu thế "lấp đầy", có nghĩa là cứ chỗ nào trống là vào khiến tình trạng kẹt càng thêm kẹt. Để hạn chế, tôi đề nghị với những điểm có mặt đường lớn nên chia theo làn đường như làn đường đi thẳng, rẽ trái, rẽ phải cách các điểm nút 100 - 200m để dẫn hướng. Người giám sát có thể là lái xe ôm (có trả công và đăng ký viễn thông qua website), camera giám sát… ông thấy đề xuất đó thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn ANVI cho biết, ở nước ta hiện này là tham gia giao thông theo kiểu “điền vào chỗ trống” thực chất là ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGTĐB còn hạn chế, thiếu ý thức, trống chỗ nào chèn vào chỗ đó, vi phạm về quy tắc sử dụng làn đường (người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép…);
Chưa kể, quy tắc chấp hành quy định khoảng cách giữa các xe (phải chấp hành quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn tối thiểu với xe phía trước cùng làn đường hoặc phần đường); quy tắc chuyển hướng xe (quan sát, bảo đảm khoảng cách an toàn với xe phía sau, giảm tốc độ và bật tín hiệu báo hướng chuyển mới được phép chuyển hướng)...
Về thực trạng nêu trên, ngoài vấn đề ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông về trật tự an toàn giao thông thì hạ tầng giao thông đường bộ và công tác tổ chức giao thông cũng còn nhiều bất cập như:
Trên các trục giao thông chính còn có nhiều giao cắt cùng mức, tổ chức giao thông giao thông tại các nút giao và trên các trục đường chưa khoa học, chưa có nhiều đường xương cá hoặc ô bàn cờ để xe dễ dàng lưu thoát, bố trí vạch sơn kẻ đường, biển báo hiệu đường bộ để phân định làn rẽ trái, làn rẽ phải, nơi được chuyển làn đường, các loại biển báo hoặc chưa có cũng là nguyên nhân tạo nên một tình trạng giao thông lộn xộn như hiện nay ở nước ta.
Cũng theo Luật sư Trương Thanh Đức, đề giải quyết vấn đề này, cần thực hiện nghiêm các vấn đề sau: Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về quy tắc giao thông đường bộ khi tham gia gia giao thông đường bộ ở nhiều cấp độ khác nhau để tạo ý thức tốt và thói quen chấp hành luật khi tham gia giao thông; Cơ quan quản lý Nhà nước thực thi nhiệm vụ rõ ràng, nh bạch, nghiêm túc để tạo sự răn đe chung;
Trong công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, cần làm tốt công tác tổ chức giao thông tại các nút giao và trên đường từ việc bố trí biển báo hiệu, vạch sơn kẻ đường, bố trí làn đường, nơi chuyển hướng,… một cách khoa hoạch, rõ ràng để người tham gia giao thông chấp hành pháp luật một cách đầy đủ.