Tỷ giá giảm dự báo sẽ giúp lợi nhuận ngân hàng tăng

Mặc dù tỷ giá mua tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với tỷ giá liên ngân hàng, trong bối cảnh đồng USD hạ nhiệt, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tỷ giá mua để có thể bổ sung thêm ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối.

Ảnh: Stockbiz

Kho bạc Nhà nước vừa phát đi thông báo về nhu cầu mua ngoại tệ từ ngân hàng thương mại đợt 3 trong năm 2024 với khối lượng dự kiến tối đa là 100 triệu USD.

Đây là lần thứ ba trong năm 2024 cơ quan này thông báo mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại, trong bối cảnh tỷ giá USD/VND tiếp đà giảm sâu.

Hiện giá bán USD niêm yết tại các ngân hàng phổ biến trong khoảng 24.730 – 24.780 VND/USD, trong khi mua vào ở mức 24.350 – 24.400 VND/USD. 

Và tỷ giá giảm cũng được dự báo là sẽ góp phần giúp lợi nhuận ngân hàng tăng! Theo đó, áp lực tỷ giá USD/VND giảm dần khi Fed chuẩn bị hạ lãi suất được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho việc duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp.

Từ đó kích thích nhu cầu vay vốn trong những tháng cuối năm, đóng góp tích cực vào lợi nhuận ngân hàng.

VDSC ước tính, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng năm nay đạt 18% so cùng kỳ, dẫn dắt bởi thu nhập lãi tăng trưởng 19% do chi phí vốn rẻ hơn. 

Ảnh nh họa: VnEconomy

VOV Giao thông nhận thấy một tín hiệu tích cực khác cũng đến với thị trường BĐS khi nguồn cung đang dần được cải thiện? Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã công bố danh sách các dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện mở bán trên địa bàn tính đến đầu tháng 9.

Dự báo, nguồn cung nhà ở tại Thủ đô sẽ được bổ sung thêm khoảng 5.300 căn hộ tại 9 dự án.

Còn tại phía Nam, người có nhu cầu mua nhà ở đang đặt nhiều mong đợi từ phân khúc nhà ở xã hội và việc tháo gỡ những dự án thương mại đang vướng về pháp lý khi các bộ luật có tác động ra thị trường.

Chuyển sang một diễn biến kinh tế đáng chú ý, đó là ECB vừa có quyết định giảm lãi suất? Cụ thể, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/9 đã thông báo cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm xuống còn 3,5%. Đây là lần thứ hai trong vòng 5 năm kể từ năm 2019, ECB quyết định cắt giảm lãi suất.

Những dấu hiệu cho thấy lạm phát hiện đang trên đà giảm mạnh hơn đã củng cố niềm tin của các nhà hoạch định chính sách trong việc tiếp tục cắt giảm lãi suất.

Đón nhận tín hiệu này, thị trường đang đặt cược khả năng 87% Fed sẽ giảm 0,25% lãi suất, 14% còn lại dự báo Fed sẽ giảm 0,5% lãi suất. So với hôm qua, đặt cược Fed hạ lãi suất 0,25% đang tăng từng giờ. 

Ảnh nh họa: Thương hiệu và Công luận

Thị trường chứng khoán

Tâm lý thận trọng khiến thị trường vẫn duy trì trạng thái giao dịch ảm đạm. Cùng sắc đỏ vẫn bao phủ trên diện rộng bảng điện tử và chỉ số VN-Index duy trì xu hướng giảm, thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức thấp.

Độ rộng các mã cổ phiếu trong rổ VN30 vẫn đang nghiêng về bên bán với phần lớn các mã giảm như VNM, ACB, MWG và VPB đang tác động tiêu cực đến VN30-Index khi lần lượt lấy đi 0.66 điểm, 0.6 điểm, 0.58 điểm và 0.47 điểm từ chỉ số chung.

Trái lại, SSB, HPG, FPT và VRE vẫn giữ được sắc xanh giúp chỉ số chung níu giữ đà giảm.

Nhìn chung các ngành đa phần diễn biến phân hóa mạnh. Trong đó, nhóm tiện ích đang chịu áp lực bán mạnh nhất thị trường với mức giảm 0.67%. Lực bán tập trung chủ yếu ở các mã vốn hóa lớn như GAS chìm trong sắc đỏ ngay từ khi mở cửa giảm 1.58%, POW giảm 0.39%, NT2 giảm 0.75%, QTP giảm 0.71%...

Kế đến là nhóm công nghiệp cũng đang có diễn biến kém sắc với mức giảm 0.31%. Trong đó, VJC giảm 0.38%, HUT giảm 0.61%, GMD giảm 0.52%... chỉ có một số ít các mã giữ được sắc xanh lạc quan như VCG tăng 0.56%, HAH tăng 0.77%, SAC tăng 3.57%...

Ở một diễn biến tích cực hơn thì ngành nguyên vật liệu dẫn đầu nhóm “cầm chân” đà giảm với mức phục hồi khá khiêm tốn 0.13%. Cụ thể, HPG tăng 0.2%, HSG tăng 0.5%, CSV tăng 0.25%, DPM tăng 0.14%... Ngoài ra, thì sắc đỏ vẫn đang hiện diện ở các mã như GKM giảm 3.46%, DGC giảm 0.62%, NKG giảm 0.24%, GVR giảm 0.14%...

Kết phiên sáng nay, VN-Index giảm 4 điểm, xuống còn 1.252 điểm.