Chia sẻ tại Tọa đàm “Xây dựng chương trình hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp, tận dụng các FTA”, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, FTA mang đến cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có những rào cản mà doanh nghiệp chưa bao giờ biết đến, như tiêu chuẩn về lao động, môi trường hay những tiêu chuẩn rất khó của các nước phát triển. Trong khi, các doanh nghiệp trong nước một là thiếu thông tin hoặc có thông tin cũng không đáp ứng được.
"Ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, hằng ngày đều phải ghi chép hành vi can thiệp với sản phẩm, với chu trình của sản phẩm như thế nào thì lúc đấy mới đảm bảo được sản phẩm là xanh. Tức là rất khó và cần doanh nghiệp thay đổi cả quy trình hoạt động thông thường của mình", bà Thủy nên ví dụ.
Theo bà Thủy, cần phải có một chương trình chuyên sâu hơn, ngoài xúc tiến thương mại, hỗ trợ nâng cấp thông thường cần phải có riêng một gói cho các doanh nghiệp có cơ hội xuất khẩu để đáp ứng được, tận dụng được yêu cầu của FTA.
Điều này đòi hỏi các Bộ, ngành cần phối hợp với các hiệp hội để đưa ra chính sách nhằm phát huy hơn những ưu thế, cơ hội của FTA.
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cấu phần quan trọng trong kế hoạch thực thi các FTA là xây dựng các chương trình hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
"Chúng tôi nhận thấy các biện pháp hỗ trợ dành cho doanh nghiệp rất đa dạng. Với các Bộ, ngành đó là các chính sách; với địa phương có các biện pháp hay, có những chính sách mang tính chất địa phương hỗ trợ. Chẳng hạn chúng tôi thấy đầu tiên là liên quan đến xúc tiến thương mại thì các chính sách xúc tiến thương mại là phổ biến nhất.
Từ góc độ của Bộ Công Thương hay các bộ, ngành, địa phương đều hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kể cả online, offline, đặc biệt qua thời kì Covid chúng ta thấy các sáng kiến như xúc tiến qua online rất tốt", ông Khanh nêu quan điểm.
Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, TS. Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, các hiệp định thương mại tự do mang lại lợi ích và cả những thách thức. Nhưng doanh nghiệp vẫn phải làm nếu không chúng ta sẽ luôn đi sau.
"Ở đây có 2 mặt của một vấn đề, tức là ngoài Chính phủ lo ra thì bản thân doanh nghiệp. Đặc biệt, là vấn đề EVFTA hay CPTPP, thì nguồn lực doanh nghiệp vừa mới là quan trọng. Nếu có đủ khả năng nguồn lực, điều hành, khả năng quản lý của các chúng ta phải tập trung vào các doanh nghiệp vừa.
Doanh nghiệp vừa chỉ có từ 4-5% là người dẫn dắt, giúp đỡ, hỗ trợ, kéo các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Còn doanh nghiệp vừa là phải làm sao “đề pa” cho họ, tạo mọi điều kiện cho họ, kể cả về cơ chế, cho vay để đẩy lên thành doanh nghiệp lớn", TS. Nguyễn Văn Thân nhận định.