Bên cạnh đó, đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời đề nghị có cơ chế đặc cách, đặc thù để hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
“Bức tranh" kinh tế - xã hội năm nay cho thấy những tín hiệu tích cực. Đặc biệt, trong một thế giới nhiều bất ổn, lạm phát thế giới tăng cao trong 3 năm qua, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, ước tăng khoảng 3,2%... nhưng Việt Nam nổi lên nhiều điểm sáng như: chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 4 bậc, chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, chỉ số Chính phủ điện tử tăng 15, đặc biệt chỉ số an ninh mạng toàn cầu tăng 8 bậc, đứng thứ 17/194 quốc gia.
Đề cập đến vấn đề này, Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng ta tiếp tục duy trì ổn định chính trị kinh tế xã hội, lạm phát được kiểm soát tốt trong 10 năm qua. Bình quân từ năm 2015 đến nay, lạm phát được kiểm soát ở mức 3%; cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, xuất siêu liên tục từ năm 2016 đến nay tích lũy 100 tỷ đôla. Nợ công trên GDP được kéo giảm, tạo dư địa để tiếp tục đầu tư các dự án lớn. Kinh tế tăng trưởng khá, ước cả năm tăng trưởng khoảng 7% và phấn đấu hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế- xã hội của năm 2024"
Tuy nhiên, nhìn nhận những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, đại biểu Trần Thị Quỳnh, đoàn Nam Định phân tích: "Tuy bề ngoài tăng trưởng nhưng nhu cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng 7,6 % so với cùng kỳ. Nếu loại bỏ yếu tố tăng giá mức bán lẻ thực tăng dưới 5% và thấp hơn nhiều tốc độ tăng trưởng kinh tế. Sự phục hồi kinh tế đến chủ yếu từ hồi phục xuất khẩu và nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài.
Bên cạnh đó, thu ngân sách tăng mạnh, còn chi ngân sách, đặc biệt là chi đầu tư công rất chậm và 9 tháng đầu năm tiếp tục thặng dư ngân sách, nâng tổng số năm thặng dư ngân sách liên tục 3 năm. Từ đó cho thấy nền kinh tế đang yếu, rất cần hỗ trợ thì chính sách tài khóa dường như không theo kịp nhu cầu thực tế của nền kinh tế"
Các đại biểu đề nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục triển khai thực hiện các kịch bản nhằm chủ động và kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng; thực hiện hiệu quả các giải pháp tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống, nhất là xuất khẩu; đồng thời đẩy mạnh thực hiện các động lực tăng trưởng mới.
Đại biểu Trình Lam Sinh, đoàn An Giang đề nghị: "Xuất khẩu khu vực FDI đạt tỷ trọng cao cho thấy các doanh nghiệp của khu vực này đang làm ăn rất tốt, trên cơ sở các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ của nhà nước; thể hiện qua việc nhiều tập đoàn lớn đến nghiên cứu và cam kết đầu tư trong các lĩnh vực điện tử, chip bán dẫn, năng lượng tái tạo...
Tuy nhiên, số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cho thấy các doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách, nhằm giúp các thành phần kinh tế trong nước tháo gỡ khó khăn; đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn, nhằm bảo hộ và kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước trước sự xâm nhập của hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài, thông qua thương mại điện tử và mạng xã hội"
Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế, đại biểu Lê Đào An Xuân đoàn Phú Yên bày tỏ sự ấn tượng khi trung ương đã xác định rõ định hướng xanh cho nền kinh tế, là cơ hội đột phá và là hướng đi cho Việt Nam.
Trên cơ sở khẳng định tăng trưởng xanh là xu hướng của tương lai, đại biểu cũng nêu rõ nhiều doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn chưa có định hướng rõ ràng, đại biểu đề nghị: "Phát huy vai trò tiên phong dẫn dắt của Nhà nước trong chuyển đổi xanh thông qua các quy định về mua sắm công xanh. Mặc dù yếu tố bảo vệ môi trường đã được lồng ghép trong một số lĩnh vực như là trong tiêu chí đấu thầu nhưng nội dung vẫn còn rất hạn chế và chỉ ở mức độ khuyến khích.
Tôi kiến nghị cần sớm ban hành các quy định này trong năm 2025 trước mắt ưu tiên xây dựng quy định về tỷ lệ chi tiêu cho mua sắm công xanh trong tổng chi mua sắm công, ưu tiên triển khai cho một nhóm sản phẩm công xanh như là tỷ lệ bắt buộc tạo sự ảnh hưởng rộng thị trường và thúc đẩy tiêu dùng xanh ngay ở quy mô địa phương"
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới..., đại biểu Mai Văn Hải, đoàn Thanh Hóa đề nghị: "Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa theo hướng giá trị gia tăng cao, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún...sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai năm 2024, nhất là các văn bản thuộc thẩm quyền của các địa phương để đẩy nhanh quá trình tích tụ tập trung đất đai, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt"
Đồng tình với 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp Chính phủ nêu ra, các đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý hiệu quả các vụ lừa đảo và các vụ đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Đại biểu Trần Quốc Tuấn, đoàn Trà Vinh dẫn chứng số liệu thống kê năm 2023 Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới.
Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam đã ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp: "Tổng số tiền người dân bị lừa đảo qua mạng khoản 8-10 nghìn tỷ đồng, tăng gấp rưỡi lần so với năm 2022. Trong đó 91% liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính.
Bên cạnh đó, số thông tin cá nhân của người dùng bị đánh cắp trong 6 tháng đầu năm 2024 là tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023 gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Từ thực trạng trên tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung chỉ đạo có biện pháp chủ động phòng ngừa hiệu quả và xử lý kịp thời những vụ án khi phát hiện"
Nhiều đại biểu nhắc lại sự tàn phá nặng nề của bão Yagi, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn Bắc Kạn đề nghị có cơ chế đặc cách, đặc thù để hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ: "Thiệt hại do siêu bão lịch sử gây ra là không thể tránh khỏi, song với sự chuẩn bị từ sớm và quyết liệt chúng ta đã hạn chế được rất nhiều thiệt hại rủi ro do siêu bão gây ra và để đóng góp cho công tác này tôi xin có hai kiến nghị.
Một là kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có các cơ chế đặc cách đặc thù để bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng nhất là các địa phương ền núi.
Thứ hai, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép được áp dụng các trình tự, thủ tục rút gọn để triển khai một số nguồn lực hỗ trợ đến với bà con. Trong bối cảnh đặc biệt mà vẫn áp dụng quy trình thủ tục thông thường đối với một số nguồn lực thì sẽ rất khó triển khai"
Có thể thấy, trong bối cảnh nhiều bất ổn như hiện nay, kinh tế Việt Nam đạt nhiều kết quả ấn tượng như: kinh tế tăng trưởng ổn định, khả quan, bất chấp thách thức toàn cầu, xuất khẩu mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài tích cực; lạm phát trong tầm kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định…
Tuy nhiên, để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các đại biểu đề nghị điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời đề nghị có cơ chế đặc cách, đặc thù để hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ.