Tất bật tạo hình trái cây độc lạ phục vụ Tết

Trái cây tạo hình, trái cây in chữ thư pháp được nhiều nông dân miền Tây sản xuất để phục vụ nhu cầu trưng Tết và làm quà tặng. Mặc dù phải chuẩn bị từ rất sớm, kỳ công chăm sóc và phụ thuộc nhiều vào tay nghề lẫn thời tiết nhưng bù lại giá bán cao, giúp bà con có cái Tết sung túc.

Thay vì trồng trái cây bán Tết như nhiều bà con ở địa phương thì mấy năm gần đây, cứ gần đến Tết Nguyên đán là anh Bùi Văn Thức, ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang tại bắt tay vào sản xuất trái cây tạo hình để kịp đưa ra thị trường dịp cuối năm.

Sản phẩm chủ lực xoài Đài Loan in chữ thư pháp tài, lộc, phúc của anh Thức mọi năm luôn hút hàng nhờ chất lượng và mẫu mã bắt mắt: Của anh thường năm làm 7 công, tầm khoảng 300-400 cây. Năm nay anh làm thấy tình hình kinh tế cũng khó khăn, làm cũng tầm năm rồi chứ không hơn. Năm rồi anh làm khoảng 1.500 trái. Thời điểm này mình cũng đang bao bọc trái non đặng mình tạo màu da nó. Mình chọn lựa xoài phải đẹp không tì vết, đưa vô bao rồi xong mình nhả chữ mới đẹp được chứ còn làm quằn quện là người ta không chịu đâu.

Theo anh Thức, để cho ra những trái xoài in chữ thư pháp đạt chuẩn phục vụ đúng vụ Tết thì anh phải chuẩn bị, tuyển chọn trái từ rất sớm. Bắt đầu từ việc xử lý cho cây ra hoa đúng thời điểm khoảng tháng 9 âm lịch, khi trái lớn bằng khoảng ngón chân cái thì bắt đầu tuyển chọn và bao trái. Để trái xoài có màu vàng bắt mắt thì phải bao trong khoảng 45 ngày, sau đó tháo bao trái ra, tuyển chọn lại lần nữa.

Trái xoài tạo hình đạt yêu cầu phải có màu sáng đẹp, phần chữ được in lên trái có màu đậm hơn, khi đem thờ cúng thì bắt mắt. Ngoài xoài Đài Loan in chữ thư pháp thì anh Thức còn mày mò làm thêm trên dừa, đu đủ thư pháp,.... kết hợp vừa bán lẻ, vừa bán thành combo phục vụ đa dạng nhu cầu khách hàng: Năm nay thời tiết nó khó em ơi như hiện tại hổm thì mưa nhiều.

Bây giờ nắng cháy bông, trái không đẹp nên khó. Những mẫu Phúc, Lộc, Thọ thì nó thịnh rồi với Tài, Lộc. Người ta chuộng Phúc, Lộc nhiều hơn. Tài, Lộc có khi người ta không chịu hoặc là tùy theo ý thích nữa. Thường thì mấy năm trước cận lắm, mấy năm nay khách xa biết đến nhiều. Tầm khoảng giữa lên đơn lúc 20 là đã rộ nhiều rồi, 20 – 25 là muốn hết. Còn khách gần thì mới cận.

Anh Thức bao trái xoài để tạo xoài in chữ thư pháp. (Nhật Minh/Mekong FM)

Bên cạnh xoài, dừa, đu đủ thì bưởi cũng là loại trái cây thường được các nhà vườn chọn tạo hình để bán tết. Để sở hữu cho mình những trái bưởi mẫu mã độc, lạ, giá tiền triệu, đòi hỏi người nông dân phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật khắt khe như không để ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào trái bưởi vì sẽ làm trái rụng hoặc không tạo ra hình dáng ưng ý.

 Từ lúc bưởi ra hoa đến khi thu hoạch, người trồng mất hơn 6 tháng chăm sóc. Nhờ sản phẩm này mà những cái Tết gần đây, ông Võ Trung Thành ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, người được biết đến là cha đẻ của bưởi tạo hình hồ lô ở Hậu Giang, có cuộc sống ổn định. Hiện do diện tích buởi tại Hậu Giang ngày càng thu hẹp, một số vườn bưởi bị già hóa trái không đạt yêu cầu sản xuất, nên vùng bưởi nguyên liệu của ông Thành chủ yếu ở tỉnh Vĩnh Long.

Thời điểm này, đã có một số đơn vị liên hệ đặt hàng bưởi hồ lô của ông Thành để chưng Tết. Do đó, ông đang tất bật chăm sóc vườn bưởi để mang đến cho khách những sản phẩm tốt nhất: Năm nay mình làm chung với người ta thì cũng khoảng đâu tính tròn khoảng 600 trái. Ở vườn nhà có vài chục trái vì cây mới trồng, năm nay có trái năm đầu tiên. Giờ trái gần trưởng thành rồi, giờ nó bự rồi. Thường từ tầm khoảng 17 cho đến ngày 25 dứt điểm, âm lịch nhe.

Cũng theo ông Thành, tạo ra được bưởi có hình dáng độc lạ giúp nâng giá giá trị lên gấp 10 lần so với bán trái thông thường nhưng năm nay thời tiết bất lợi cũng là thử thách với các nhà vườn làm trái cây tạo hình nói chung và bưởi tạo hình nói riêng.

Bên cạnh đó, ông Thành còn có một nỗi lo khác: Cũng giống năm rồi, tại vì diện tích bưởi ngày càng bị thu hẹp lại rồi những trái bưởi không chất lượng, cây bưởi không chất lượng, nó không tốt thì mình làm nó đâu có đạt, thành thử ra mình cho cái chất lượng chứ không có số lượng. Số lượng tăng mà trái không đạt thì mình lỗ.

Chỉ có hồ lô thôi chứ các mẫu khác mình có suy nghĩ ra nhưng chắc không làm tại vì ngặt nỗi một cái mình nặn óc, suy nghĩ làm tạo mẫu này kia nọ làm ra thị trường được có một năm một rồi năm sau nó ăn cắp nên thôi không làm luôn.

Có thể thấy, việc thay đổi hình dáng, làm mới các sản phẩm trái cây truyền thống vừa giúp người tiêu dùng có được đa dạng các sản phẩm độc lạ chơi Tết, vừa giúp nhà vườn có thêm nguồn thu nhập cao sau một vụ mùa. Đây cũng chính là động lực để các nhà nông không ngừng học hỏi, cải tiến để sản phẩm ngày càng tốt hơn, chất lượng hơn, mẫu mã bắt mắt hơn ra mắt mỗi dịp cuối năm.