Tài xế khám sức khỏe 1 lần/ năm: Giảm một nửa chi phí cho doanh nghiệp

Từ 1/1/2025, thời hạn sử dụng của giấy khám sức khỏe đối với người lái xe sẽ tăng lên 12 tháng, thay vì 6 tháng như quy định hiện hành.

Đó là đề xuất đáng chú ý của Bộ Y tế trong dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 24 năm 2015 giữa Bộ Y tế và Bộ GTVT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô.

Xung quanh đề xuất này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia chính sách Ngô Dương.

Bộ Y tế đề xuất người lái xe phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn. (Ảnh nh họa: Pháp Luật TP.HCM)

PV: Ông đánh giá thế nào về đề xuất nâng thời hạn giấy khám sức khỏe lái xe lên 12 tháng?

Ông Ngô Dương: Khoảng thời gian 1 năm, các chuyên gia y tế cũng có lý do thôi để ấn định điều này. Còn việc ở đâu đó có các cá nhân sử dụng thuốc men điều trị, hoặc sử dụng chất kích thích, có thể có thay đổi, đặc biệt là vấn đề sức khỏe tâm thần. Chỉ vài tuần, vài tháng có thể thay đổi so với thời điểm kiểm tra.

Nhưng đó chỉ là cá biệt thôi, còn nhìn mặt bằng chung, Bộ Y tế có lý do khám sức khỏe chuyên sâu có thời hạn 1 năm. Tất nhiên, khi có sự cố xảy ra, người ta sẽ tiếp tục kiểm tra lại sức khỏe tài xế, nếu sức khỏe không đảm bảo, thông số khác đi.

PV: Việc 1 năm mới phải đi khám sức khỏe định kỳ 1 lần mang lại lợi ích nào về mặt thời gian và chi phí, thưa ông?

Ông Ngô Dương: Chắc chắn chi phí tuân thủ sẽ có lợi cho những người phải thực hiện khám sức khỏe bắt buộc. Thay vì 2 lần 1 năm thì giờ chỉ cần 1 lần 1 năm. Chi phí có thể không lớn 200.000 - 300.000 một lần khám.

Nhưng người lái xe phải bỏ ít nhất nửa buổi làm việc. Về mặt ca kíp thì bỏ nửa buổi là coi như bỏ cả ngày. Nó ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.

Thay đổi này sẽ có ảnh hưởng tích cực với các doanh nghiệp vận tải. Chẳng hạn một hãng taxi có khoảng 2.000 lái xe, phải chi 300.000/lượt khám sức khỏe. Nhân lên thì khoảng 600 triệu rồi. Một năm 2 lần thì khá lớn.

Đó là chi phí thật. Ngoài ra, có các chi phí phải ngừng lao động sản xuất để tham gia quy trình khám sức khỏe bắt buộc này. Một ngày đó thay vì tạo doanh thủ cỡ 1 triệu đồng. 2.000 lái xe thì sẽ là 2 tỷ trong một lần người lao động dừng sản xuất. Người ta bây giờ chỉ mất một nửa thôi, đấy cũng là cái lợi khá rõ ràng. Đấy mới chỉ ước tính, tổng chi phí chi trả thực và chi phí dừng kinh doanh có thể còn lớn hơn.

Vì vậy, sửa đổi một quy định liên quan tới an toàn, cần đánh giá kỹ nhiều mặt. Ngoài chi phí tuân thủ, cần tính sự xác thực, chính xác của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ tài xế.

Chi phí là một chuyện, nhưng an toàn phải là điều mà quy định này hướng tới. Chỉ cần một sự cố thôi, con số thiệt hại rất lớn. Một quy định đặt ra nhiều khi không phải là gây tốn kém, mà là để không phải tốn kém nhiều hơn. Đó cũng là một lựa chọn khôn ngoan, chứ không có nghĩa là gây khó khăn cho doanh nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông!