70% công việc tại các bệnh viện hiện nay được đặt lên vai các điều dưỡng. Không chỉ vậy, ở những bệnh viện tuyến cuối, các điều dưỡng luôn phải đối mặt với áp lực rất lớn, không được phép sai sót, điều này vô hình đẩy họ đến nhanh hơn đến “điểm giới hạn của bản thân”.
Nhưng những đôi tay vẫn ngày ngày nâng đỡ chăm sóc từng bữa ăn, thuốc men cho biết bao bệnh nhân chấp chới giữa sinh tử.
Họ, bền bỉ qua từng năm tháng; nhẫn nhịn, bao dung và mang cả trái tim thương yêu được chuyển hóa qua đôi tay diệu kỳ.
Phóng viên VOV Giao thông có mặt tại khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy (TP.HCM) vào một đêm cuối năm. Trước mắt là những cảnh tượng đôi khi không dành cho những người yếu tim.
Nửa đêm, những chuyến xe cứu thương từ mọi ền cứ liên tục đổ về. Với các bác sĩ, điều dưỡng đó là những đêm trắng xoay vòng chạy đua cấp cứu.
Những tiếng kút kít từ bánh xe băng ca ma sát như “cháy” cả nền gạch khi lượng bệnh nhân càng về đêm đổ bộ vào khoa càng đông nghịt. Băng ca liên tục va đập vào nhau khi một vài thanh niên bị tai nạn giao thông đau đớn giãy giụa. Y tá phải tìm cách cố định bệnh nhân trên băng ca để tìm mạch, truyền dịch.
Với những ca ngưng tim ngưng thở, điều dưỡng phải thực hiện nhanh hồi sức, nhồi tim để tranh thủ từng tích tắc níu giữ tính mệnh bệnh nhân trước khi đưa máy móc vào can thiệp.
Với điều dưỡng Võ Thị Ngọc Trân, 10 năm gắn bó với Khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy là biết bao nỗi niềm. Đôi khi chị quên cả năm tháng, cuộc sống là những tua trực đêm xoay vòng không hồi kết. Tại khoa Cấp cứu, cứ tầm 12h30p, lượng bệnh bắt đầu đổ về đông dần, một tổ trực chỉ bốn điều dưỡng và hai bác sĩ. Điều dưỡng Trân tâm sự:
"Đông lắm, mình bị ngợp luôn. Lượng bệnh lúc đó không ổn định nữa, đông quá nên bác sĩ làm không kịp, điều dưỡng cũng vậy luôn. Nếu như trường hợp ở ngoài đẩy vào tận 6 ca, chưa tính ca ngưng tim, mình phải hồi sức, hồi tim thì ít nhất phải có 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng. Khi mà vào đông quá, thì người nhà đòi hỏi ưu tiên, ai cũng đòi ưu tiên thì áp lực kinh khủng.
Nếu như người thân của họ không có vấn đề gì thì không sao, lỡ như có diễn tiến nặng sẽ bị đổ lỗi rằng vào đây hai tiếng rồi mà chưa được ai khám. Nhưng họ không nhìn hết rằng chúng tôi phải ưu tiên ca nào nặng nhất, ca nào ngưng hô hấp tuần hoàn.
Bác sĩ, điều dưỡng bắt buộc phải hồi sinh tim phổi (CPR) từ bên ngoài nhận bệnh cho vào đến khu hồi sức, thời điểm đó nếu bệnh nhân đông kẹt cứng là không có đường đi, mà phải đi vào hồi sức là quãng đường cực kì khó… Hầu như cả đêm thức trắng luôn, không được ngủ, uống nước còn không kịp nữa là nói đến chuyện ăn."
Điều dưỡng Trân chia sẻ thêm, bàn tay y tá cũng có giới hạn và không thể tiên lượng được hết. Mỗi ca tử vong trước đôi mắt, trước đôi tay mình, lòng họ cũng quặn thắt. Điều dưỡng Trân nói về những giây phút sinh tử, khi trái tim người điều dưỡng hàng chục năm đã quá quen với áp lực, nhưng có lúc cũng run rẩy:
"Không cứu được họ đó là điều đau nhất trong lòng mình. Những ca hồi sức ra thì thôi, nhưng không ra nữa, thì đó là số phận của họ…. Những ca hồi sức khi có tim trở lại chưa chắc gì họ đã sống được bình thường vì khi ngưng thở quá lâu, khả năng chết não là có, nếu trên 4 giây thì sống cũng như người thực vật. Gánh nặng của người nhà và xã hội nhiều. Nên làm mình cắn rứt lương tâm lắm."
Đến tầm 2h đêm, cánh cổng vào khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn sáng đèn, tiếng còi hú từ những chiếc xe cứu thương đổ về đây phá tan sự tĩnh lặng của thành phố. (âm thanh hiện trường)
Trung bình một ca trực đêm, các bác sĩ tiếp nhận trên dưới 100 bệnh nhân. Trong đó, nhiều ca chấn thương vì tai nạn giao thông. Bên ngoài hành lang, đôi khi thấy các cảnh sát giao thông đang thu thập thông tin của các vụ tai nạn. Thường xuyên, họ gặp các nạn nhân say rượu bị tai nạn giao thông trên đường, không giấy tờ tùy thân, nên lập tức đưa vào viện trong tình trạng hôn mê sâu.
Bởi vậy, chị Trân chia sẻ, việc diễn tập với những ca cấp cứu hàng loạt là vô cùng cần thiết trong những ngày Lễ Tết:
"Thường trước Lễ sẽ có tập huấn cấp cứu hàng loạt để anh chị em đều có tinh thần chuẩn bị sẵn sàng, để các bạn mới cũng biết. Vì đẩy bệnh nhân vào ùn ùn nằm la liệt. Lúc đó chỉ biết chạy. Mình phải hướng dẫn, phải điều phối… Mình cảm thấy rất đau lòng. Lúc nào chúng mình cũng phải sẵn sàng, khẩn trương."
Sâu bên trong khoa cấp cứu là căn phòng đặc biệt, nơi có tiếng máy monitor đều đều theo nhịp kim đồng hồ đang hồi sức tích cực cho những ca bệnh nặng. Âm thanh của sự sống đó cũng là động lực để những đôi bàn tay ệt mài níu giữ những số phận mong manh trước cửa tử.
Sau khoa Cấp cứu, khoa Hồi Sức (ICU) được xem như căn phòng mà ở đó dành cho những số phận “9 phần tử 1 phần sinh”. Những điều dưỡng ở đây thường bảo, chiếc giường ở căn phòng này “đắt giá” nhất thế giới.
Người bệnh hôn mê sâu, vì thế tất cả việc hồi sức, tắm rửa, chăm sóc, tư vấn, hướng dẫn cho người bệnh trong quá trình điều trị và sau khi ra viện là nhiệm vụ thường nhật của các điều dưỡng.
Làm trong ngành điều dưỡng 25 năm, chị Nhâm Thanh Thúy - Điều dưỡng Trưởng, khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Lê Văn Thịnh bày tỏ, có những khoảng lặng không thể nói nên lời. Khoảng lặng đó, chỉ có bản thân hiểu và tự đối diện:
"Thời còn làm ở Hồi sức cấp cứu (ICU), khoa áp lực mà lúc nào cũng tiếng máy nó đủ các loại máy, riết rồi nó giống như nó in trong đầu tôi. Máy thở rồi máy hút đờm, rồi máy bơm tiêm điện rồi nó ám ảnh không thể nào nói nên lời được.
Nhưng mà thực sự là làm ở trong đó mấy bạn có quyết tâm rất là lớn luôn. Đúng là trách nhiệm rất cao, ở trong đó chỉ cần cần sơ sẩy một tí xíu thôi là ảnh hưởng tới bệnh nhân rồi."
Với chị Thúy, công việc chăm sóc bệnh nhân phải thực sự kỹ lưỡng, từng ly từng tí một vì lơ là là trở tay không kịp. Những đêm trực nối dài, khoảng thời gian từ 12h đêm đến 2h sáng luôn in dấu, thậm chí ám ảnh dù sự bền bỉ đó đi qua hành trình 25 năm.
Thạc sĩ điều dưỡng Nguyễn Thị Oanh, Trưởng phòng điều dưỡng BV Chợ Rẫy cũng đã hơn 20 năm kinh qua những khoa phòng khốc liệt nhất. Theo chị Oanh, môi trường của hồi sức đòi hỏi người điều dưỡng phải sự tận mẫn, tỉ mỉ và đặc biệt là tấm lòng của người điều dưỡng.
Từ lúc bệnh nhân bước chân vào bệnh viện cho đến lúc bệnh nhân ra về và đưa bệnh nhân xuống xe cũng là điều dưỡng. Con của tôi, bé lớn đang học trường Y, từ nhỏ tới lớn cũng đã quen với ba mẹ vì ba cũng trong nghề nên ba mẹ cũng thường xuyên đi trực. Có những khi bé hỏi Mẹ lại đi trực nữa hả mẹ. Có những khi trời mưa, dắt xe ra bé bảo: Trời mưa nữa, mẹ đừng đi… Nhiều khi bỏ con lại ở nhà thấy xót xa.
Song, đôi khi áp lực cũng không phải chuyên môn, ví dụ như khoa Cấp cứu các bệnh viện là nơi nhiều nhân viên y tế bị hành hung nhiều nhất.
Điều dưỡng Ngọc Trân nhớ lại nhiều lần phải đối mặt với tình trạng hăm dọa, gây áp lực tinh thần ở phòng cấp cứu. Với chị đó là những phút giây hoảng loạn nhất.
Chị nhớ lại: "Ở khoa cấp cứu này đối mặt với xã hội đen rất là nhiều, nói thiệt luôn. Nhiều khi có cả chục anh em, 2 chục anh em luôn, có những ca đâm chém vết thương tim, thấu bụn, họ vào hùng hồn lắm kìa. Họ bắt mình làm liền, làm liền, mà thật sự những ca đó chắc chắn ưu tiên làm liền nhưng cũng phải có thời gian chứ họ tạo áp lực cho mình rất nhiều. Rồi người nhà quậy nữa chứ, làm mình bị hoảng loạn."
Trải qua áp lực về cuộc sống, thu nhập, những con người làm việc nơi đây, họ như những con thoi, chăm sóc bệnh nhân tận tình hơn cả người thân, và quên đi hạnh phúc riêng của bản thân mình.
Có những căn phòng 20, 30 năm không tắt đèn, điều dưỡng, y tá quần quật không có ngày Lễ Tết. Căn phòng sáng đèn được thắp bởi tấm lòng nhiệt huyết của những y bác sĩ mà phần nhiều là y tá, điều dưỡng. Họ - đã dành thanh xuân, tuổi trẻ và cả bàn tay diệu kỳ để ệt mài cống hiến, xoa dịu, an ủi những bệnh nhân. Qua năm tháng, trái tim phần nào ấm lòng hơn khi nhìn thấy nụ cười của những bệnh nhân...
Hồng Lĩnh - Phan Nhơn