Nhảy dù vào điện cao thế và bài học cần lưu ý

Những ngày gần đây liên tiếp xảy ra những vụ người chơi dù lượn vướng vào đường dây diện, gây nguy hiểm cho chính người chơi dù lượn cũng như lưới điện khu vực.

Trước tình trạng trên, mỗi người chơi dù lượn cần lưu ý khi tham gia bộ môn này, đồng thời cơ quan chức năng cũng cần có chế tài mạnh mẽ hơn để xử phạt những đối tượng vi phạm.

Ngày 11/11, Xí nghiệp Lưới điện cao thế Hòa Bình đã đề nghị cơ quan công an xử lý nghiêm vụ việc vi phạm của Đội Dù lượn thành phố Hà Nội và cá nhân vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.

Cụ thể, vào lúc 15h05 ngày 9/11, Xí nghiệp Lưới điện cao thế Hòa Bình nhận được tin báo có người nhảy dù lượn vướng vào đường dây 110kV lộ 172 E10.9 Xuân Mai – 172 E19.5 tại khoảng cột số 54 đến 55.

Vụ việc này đã làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến việc cấp điện và an toàn vận hành lưới điện, làm mất trật tự an ninh trên địa bàn.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên nhảy dù lượn vướng phải đường dây điện. Trước đó, khoảng 12h15 ngày 20/10, trên địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Quang Tiến (Hòa Bình) xảy ra vụ việc một vận động viên nhảy dù trong quá trình tiếp đất đã bị mắc vào đường dây điện 35kV. Người này bị treo lơ lửng trên không trung trong nhiều giờ. Để đảm bảo an toàn cho công tác giải cứu, lực lượng chức năng đã phải tiến hành cắt điện trên địa bàn toàn xã Quang Tiến.

Tổng công ty Điện lực ền Bắc khuyến cáo người dân chấp hành nghiêm các quy định về hành lang an toàn lưới điện, quy định sử dụng điện an toàn, tiết kiệm… Các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Ngành điện mong muốn có sự chung tay của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền cho người dân biết về những nguy hiểm của hành vi này, đồng thời mong mỗi người dân sẽ tự nâng cao ý thức về vấn đề này.

Việc dù lượn vướng vào đường dây đã vi phạm Mục 3 Điều 4 Nghị định số 14/2014 ngày 26.2.2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật Điện lực về an toàn điện. Cụ thể, các hành vi bị nghiêm cấm theo điều 4, Nghị định 14/2014/NĐ-CP bao gồm:

1. Trộm cắp hoặc tháo dỡ dây néo, dây tiếp địa, trang thiết bị của lưới điện; trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ.

2. Sử dụng công trình lưới điện cao áp vào những mục đích khác khi chưa được sự thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp.

3. Thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện.

Dù lượn là một môn thể thao mang rất nhiều yếu tố mạo hiểm, đòi hỏi người chơi phải nắm vững những lưu ý an toàn để đối phó với những bất ngờ xảy đến trên bầu trời.

1. Kiểm tra kỹ thiết bị trước khi cất cánh

Trước khi bay, bạn nên cùng huấn luyện viên hoặc những người có chuyên môn kiểm tra toàn bộ các thiết bị có liên quan để chắc chắn rằng những thiết bị ấy sẽ hỗ trợ tốt trong quá trình bay. Chỉ một chiếc quai mũ bảo hiểm bị lỏng, một dây dù bị sờn… đều có thể là nguyên nhân khiến bạn gặp phải những tai nạn đáng tiếc.

2. Quan tâm đặc biệt đến yếu tố thời tiết

Tốc độ gió và thời tiết đóng vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và an toàn của buổi bay. Hầu hết vòm dù được thiết kế có tốc độ cao nhất là 40 km/h, nên nếu tốc độ gió đạt khoảng 30 km/h, bạn nên thu dù đợi đến ngày khác thời tiết thuận lợi hơn. Ở địa hình đồi núi, tốc độ gió còn ảnh hưởng đến độ an toàn hơn gấp nhiều lần và bạn phải đối mặt với những bất trắc, rủi ro cao hơn.

3. Hiểu rõ điểm bay

Ở dưới mặt đất, bạn có thể hỏi đường, thăm dò và lựa chọn đường đi, nhưng khi đã ở trên bầu trời, bạn chỉ có một mình để phán đoán. Vì vậy, nếu bay ở điểm mà bạn chưa từng bay qua, hãy nghiên cứu kỹ trên internet để tìm mọi thông tin và nắm chắc về điểm bay này. Đồng thời, cần trao đổi với những người am hiểu tường tận địa hình ở đây, những người đã có kinh nghiệm bay trước đó để nắm rõ những mối nguy tiềm tàng và những gì cần phải để mắt tới. Điều nên làm là hãy nói cho họ biết trình độ bay và kinh nghiệm của bản thân để có những thông tin và lời khuyên quý giá.

4. Rõ ràng, dứt khoát trong mọi quyết định

Nếu còn lăn tăn bất kỳ điều gì về sự an toàn, câu trả lời đưa ra luôn là “không”. “Có thể”, “có lẽ” và những từ ngữ tương tự hoàn toàn không có trong khái niệm dành cho phi công dù lượn.

5. Biết rõ sức mình tới đâu

Nắm rõ điểm mạnh điểm yếu, lường trước những rủi ro có thể xảy ra với bản thân và biết tự lượng sức mình là vô cùng quan trọng. Vì trình độ bay của mỗi người là không giống nhau nên bạn không nên cố gắng thực hiện các động tác cơ động phức tạp chỉ vì nhìn thấy người khác làm được một cách dễ dàng, trừ khi bạn đã được huấn luyện thành thục và tự tin vào khả năng của mình.

6. Bảo quản và chăm sóc trang thiết bị

Dây dù cần được kiểm tra về tình trạng hao mòn, chùng hay giãn. Đối với vòm dù, thông thường khoảng sau 2 năm, phải đem vòm dù đi kiểm tra mức độ thẩm thấu khí của vải dù, đo độ sờn của các dây dù... Tuổi thọ của vòm dù phụ thuộc vào số giờ bay. Thông thường sau khoảng 250 - 300 giờ phơi nắng, vải dù sẽ nhũn và để không khí lọt qua nhiều hơn, nên khó cất cánh hơn và kém an toàn hơn. Sau thời gian này người chơi nên nghĩ đến việc thay dù mới cho an toàn.