Nguy hiểm từ những cây cầu dân sinh xuống cấp

Nứt vỡ dầm, lan can rỉ sét, mặt cầu thủng, chắp vá,....khiến cây cầu tưởng chừng như có thể sập bất cứ lúc nào. Đây là thực trạng của rất nhiều cây cầu tạm, cầu dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo thông tin của Sở GTVT Hà Nội, qua kết quả rà soát các công trình cầu yếu, cầu tạm trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy trên địa bàn còn tồn tại 89 cầu yếu, cầu tạm cần cải tạo, sửa chữa, đầu tư xây dựng mới.

Điển hình như Cầu Trắng (Giáp Bát, Hoàng Mai), cầu 72 II (Hoài Đức), cầu Kim Ngưu (Hai Bà Trưng), cầu Yên Sở (Hoài Đức),….

Bên cạnh đó, nhiều công trình cầu hiện hữu không có hồ sơ quản lý, hồ sơ hoàn công, không có hồ sơ kiểm định dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý, theo dõi chung.

Để bảo vệ cầu yếu từ trước mùa mưa bão, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường duy tu, duy trì đảm bảo an toàn giao thông và tiến hành các biện pháp xử lý đối với các công trình cầu yếu, cầu tạm có nguy cơ mất an toàn khi khai thác sử dụng.

Do được xây dựng đã lâu, cây cầu dân sinh bắc qua sông Kim Ngưu, thuộc địa phận phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã bị xuống cấp vô cùng nghiêm trọng
Cây cầu với hệ thống dầm và kết cấu bị nứt vỡ, bề mặt cầu, lan can cũng hư hỏng nặng…tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với người dân. Ông Sơn - một cư dân tại khu vực này chia sẻ: “Từ khi mới về sinh sống tại đây, tôi đã thấy cây cầu này xuống cấp rồi, tính đến nay cũng gần 20 năm”.
Mặt cầu thậm chí còn bị thủng, phải chắp vá tạm bợ bằng cách sử dụng các tấm bê tông, tấm kim loại
Lan can rỉ sét theo năm tháng, “chỗ còn, chỗ mất” không đảm bảo an toàn
---
Tình trạng xuống cấp nghiêm trọng là vậy, nhưng người dân vẫn phải bất chấp nguy hiểm để đi qua đây: “Mỗi lần di chuyển qua cầu mình đều thấy hơi sợ, nhất là khi đi qua các tấm thép trên cầu. Nó tạo ra tiếng động rất to, làm mình sợ nó sẽ bị sập” - bạn Nguyễn Thị Ngọc Anh chia sẻ.
Một cây cầu khác bắc qua sông Kim Ngưu cũng trong tình trạng hư hỏng nặng nề khi mặt cầu thì sử dụng những tấm kim loại đã rỉ sét, còn chân cầu thì bị nứt vỡ, xuống cấp
---
Dù dành cho người đi bộ nhưng trên cây cầu này vẫn xảy ra tình trạng xe máy đi qua cầu. Điều này có thể gây hư hỏng nặng đến kết cấu chịu lực của cầu, là nguyên nhân làm cầu ngày càng xuống cấp và nguy cơ sập đổ là khó tránh khỏi.
Qua rà soát, các cầu yếu trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều hư hỏng của kết cấu chịu lực. Đối với cầu bê tông cốt thép, hệ thống dầm bị nứt vỡ, đặc biệt tại các vị trí đầu dầm; lớp phủ mặt cầu, khe co giãn, lan can cũng hư hỏng nặng…
Với cầu thép, các dầm và hệ liên kết ngang hầu hết đều bị rỉ sét, dầm chủ nhiều cầu bị đứt gãy, rỉ thủng… không đảm bảo khả năng liên kết, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Những cây cầu yếu trên địa bàn thành phố cần được khẩn trương sửa chữa, bảo trì. Điều này góp phần duy trì tình trạng kỹ thuật, tuổi thọ của cầu, đảm bảo an toàn cho người dân và ngăn ngừa những nguy cơ mất an toàn giao thông.