Người đàn ông chết não hiến tạng cứu 2 em bé và 5 người lớn

Người đàn ông 44 tuổi (quê Đắk Lắk) bị tai nạn lao động được bác sĩ cứu chữa tận tình nhưng không qua khỏi, gia đình anh đã nén đau thương để cứu 7 người. Trong đó, quả tim được ghép cho một em bé 11 tuổi bị suy tim đã gắn bó với bệnh viện suốt 5 năm qua.

Người đàn ông 44 tuổi đã hiến 7 bộ phần gồm 2 lá gan, 2 quả thận, 2 giác mạc và 1 khối tim để ghép cho 7 bệnh nhân
Người đàn ông 44 tuổi đã hiến 7 bộ phần gồm 2 lá gan, 2 quả thận, 2 giác mạc và 1 khối tim để ghép cho 7 bệnh nhân

Chiều 21/3, Bệnh viện Thống Nhất (TP. HCM) thông tin, bệnh viện đã phối hợp Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và các chuyên gia đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cùng một số đơn vị đã thực hiện lấy, vận chuyển 7 đơn vị mô và bộ phận cơ thể từ người hiến chết não đến các bệnh viện ghép cho các bệnh nhân.

Theo PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, vào ngày 17/3, Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận bệnh nhân nam T.H.N (44 tuổi, quê Đắk Lắk) vào cấp cứu do bị tai nạn lao động (đá đè vào người) trong tình trạng đa chấn thương rất nặng, ngưng tim, ngưng thở.

Sau đó bệnh nhân diễn tiến nặng bác sĩ đã tích cực, tận tâm cứu chữa, song tổn thương não quá nặng, bệnh nhân được đánh giá tiềm năng chết não. Sau khi bệnh viện kích hoạt và Chi hội Vận động hiến ghép mô tạng, gặp gỡ và vận động trao đổi với gia đình bệnh nhân, gia đình đã nén nỗi đau, đồng ý hiến tặng các mô và bộ phận cơ thể khi anh N. chết não.

Một phần lá gan được chuyển đến BV Trung Ương Huế, 1 lá gan và quả tim được chuyển đến BV Đại học Y dược TP.HCM ghép cho 2 bệnh nhi
Một phần lá gan được chuyển đến BV Trung Ương Huế, 1 lá gan và quả tim được chuyển đến BV Đại học Y dược TP.HCM ghép cho 2 bệnh nhi

Vào sáng 19/3, kết luận của hội đồng chuyên môn và các chuyên gia đến từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã đưa ra công bố bệnh nhân chết não vào lúc 8 giờ 30 phút.Sau đó, ê-kíp bắt đầu phẫu thuật lấy mô và bộ phận cơ thể vào lúc 14 giờ cùng ngày.

Tổng cộng 7 đơn vị mô và bộ phận cơ thể đã được vận chuyển nhanh chóng đến các bệnh viện để ghép cho người nhận. Trong đó, 2 quả thận ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Thống Nhất. Tim được ghép cho một em bé 11 tuổi và 1 phần gan ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM,1 phần gan được ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế, 2 giác mạc được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Để tri ân người hiến tạng, Ban Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đã phân công các bộ phận tổ chức hậu sự chu đáo cho người hiến tạng và đưa về an táng tại quê nhà.

Giác mạc của bệnh nhân được chuyển đến BV Chợ Rẫy ghép cho 2 bệnh nhân

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, ca ghép tim tại bệnh viện là bệnh nhi 11 tuổi, suy tim nặng độ 3-4 phải thường xuyên nhập viện. Sau khi mổ ghép tim,  bệnh nhi đã ổn định về mặt lâm sàng, tiếp tục theo dõi sát và điều trị về sau.

Trong khi đó ca ghép gan tại bệnh viện cũng là bệnh nhi 10 tuổi, bị suy gan nặng, đã có chỉ định ghép gan cách đây 5 năm. Sau ghép gan, hiện bệnh nhi đã tỉnh táo, sinh hiệu tương đối ổn định, đang được theo dõi chăm sóc sau ghép.

Tại cuộc họp báo có kết nối trực tuyến với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, đại diện đơn vị cho cho biết năm 2024 là năm đột phá khi có 41 ca hiến ghép tạng từ người hiến chết não. Riêng quý 1 năm 2025 đã có 19 ca ghép tạng từ người hiến chết não. Tất cả tạng hiến đều được sử dụng một cách tối đa.