Nếu “khai tử” BRT...

Sau 7 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã với tổng chiều dài 15km này vẫn là tuyến buýt nhanh duy nhất của Hà Nội. Và nó đang có nguy cơ bị “khai tử”, khi chính Hà Nội dự định thay thế bằng đường sắt đô thị.

Vậy những hành khách hàng ngày đi lại bằng buýt nhanh BRT, họ nghĩ gì trước thông tin này, mời các bạn cùng với VOV Giao thông đến với những cuộc trò chuyện ngẫu nhiên ngay sau đây.

Bên cạnh tôi lúc này là Nguyễn Quang Đức, một bạn trẻ sống trên phố Láng Hạ, hàng ngày di chuyển lên Núi Trúc đi học. Chào em, nếu BRT ở Hà Nội bị dẹp bỏ thì em cảm thấy thế nào?

Em sử dụng BRT khá nhiều. Tuy là nó đang lấn chiếm lòng đường cho các phương tiện khác hơi nhiều, nhưng cá nhân em thấy nó vẫn hiệu quả. Và nó cũng liên quan tới việc đi lại của người dân.

Nên nếu thay thế bằng tuyến đường sắt đô thị trên cao thì em nghĩ nó không thể ngay lập tức có được sự khác biệt.

Liệu em có bị ảnh hưởng nhiều nếu BRT bị thay thế?

Em nghĩ là em không bị ảnh hưởng nhiều nếu dẹp bỏ đi. Nếu việc thay thế có thể giúp ổn định được tình hình giao thông thì có thể dẹp bỏ và giải phóng được.

Như vậy theo em, giữ hay bỏ thì cũng đều được? Cảm ơn ý kiến của em.

Hành khách Nguyễn Quang Đức cho rằng, việc giữ hay bỏ BRT thì không quá ảnh hưởng tới việc đi lại của bản thân

Ở phía cửa ra kia có một nữ hành khách, tôi đoán chị đi làm hàng ngày vì có đeo thẻ tháng. Chào chị, em thấy chị đi vé tháng. Điều gì khiến chị chọn BRT để đi lại thay vì các phương tiện khác?

Vì đi buýt nhanh có tiện lợi là chạy liên tục, lại có đường ưu tiên nữa. Tính về mặt thời gian thì mình tiết kiệm hơn so với các xe khác. Mình ngồi trên BRT này cũng thoải mái luôn.

Lộ trình của chị từ đâu tới đâu, chị có đối mặt với tình trạng kẹt xe?

Chị thấy ổn, đi từ Lê Văn Lương lên Núi Trúc. Cái giờ này thì cũng được, không bị quá chậm. Còn khung 7h30-8h thì sẽ kẹt hơn, chỉ bị một xíu ở chỗ cầu vượt Láng Hạ- Lê Văn Lương thôi. Hiện tại cơ sở hạ tầng của mình chỉ có thế thôi.

Giờ cao điểm quan trọng vẫn là ý thức của người tham gia giao thông. Cảnh sát giao thông có phân luồng để mọi người đi mà không tuân thủ thì rất khó kiểm soát trong giờ cao điểm.

Theo một số hành khách, BRT hiện phục vụ chủ yếu những người di chuyển dọc theo trục Yên Nghĩa-Kim Mã, có thể thay thế BRT bằng phương tiện khác khối lượng vận chuyển lớn hơn, mới hơn.

Xuống xe ở trạm Núi Trúc này, chị đi đến cơ quan có xa nữa không?

Chị sẽ sang chỗ ga Cát Linh kia, có thể bắt thêm một chuyến xe buýt nữa để đến cơ quan ở khu Hoàng Cầu.

Vậy là chị kết hợp cả BRT và xe buýt. Nếu tuyến BRT này bị thay thế, chị chỉ còn được đi buýt thường thôi thì chị có tiếc không?

Có chứ, chị nghĩ là rất nhiều người tiếc. Nhưng chị nghĩ những đổi mới cải cách trong giao thông công cộng thì cũng tốt. Mọi người trải nghiệm được phương tiện mới. Buýt nhanh BRT thì hiện tại cũng tốt rồi, còn tuyến đường sắt mới thì có thể mọi người cũng đang háo hức chờ đợi.

Lúc đấy phân luồng như thế nào để các phương tiện khác như xe máy không chen lấn vào làn BRT thì sẽ tốt hơn.

Cảm ơn chị.

Tuyến buýt nhanh BRT số 01 Yên Nghĩa-Kim Mã được chính quyền Hà Nội dự định thay thế bằng đường sắt đô thị. Suốt 7 năm qua, nó vẫn là tuyến BRT duy nhất của Thủ đô.

Qua chuỗi trò chuyện vừa rồi, hành khách đi lại hàng ngày với điểm đầu và điểm cuối trùng với trục dọc của tuyến BRT Yên Nghĩa-Kim Mã đánh giá tương đối tích cực về tuyến buýt nhanh này. Tuy nhiên, khi được hỏi về một sự đổi mới, thay thế BRT để đạt khổi lượng vận chuyển lớn hơn, hiệu quả hơn, họ cũng tỏ ra sẵn sàng.

Ý kiến ấy cũng tương tự với nhiều nhóm người tham gia giao thông khác, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề, cả trực tiếp và gián tiếp, bởi những tác động không mong muốn mà buýt nhanh BRT gây ra.